Kháng chiến chống ngoại xâm: Bài học từ những lần mất nước

Thắng lợi hay thất bại trong kháng chiến chống ngoại xâm đều có nguyên nhân và đều để lại những bài học lịch sử sâu sắc, còn nguyên giá trị đến ngày nay.

Kháng chiến chống ngoại xâm: Bài học từ những lần mất nước

1. Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược trong bản đồ địa – chính trị, địa – kinh tế của khu vực và thế giới, lại liền kề một đế chế hùng mạnh và luôn có tham vọng bành trướng, ngay từ buổi bình minh lịch sử của mình, đã phải đứng trước áp lực xâm lăng từ bên ngoài. Trên thế giới, nhiều quốc gia – dân tộc cũng đã phải đấu tranh chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập chủ quyền, nhưng có lẽ hiếm có quốc gia – dân tộc nào mà trong lịch sử của mình lại phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm như Việt Nam, hơn thế, lại luôn phải đương đầu với những thế lực hùng mạnh vào bậc nhất. Mười mấy cuộc chiến tranh giữ nước trong hơn hai ngàn năm là một thử thách ghê gớm đối với một dân tộc như Việt Nam, để đánh thắng các thế lực hùng mạnh từ Tần, Hán đến Tống, Mông – Nguyên, Minh, Thanh thời cổ trung đại, đến thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thời cận hiện đại. Chính truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm đã trở thành nhân tố hàng đầu đưa tới sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam – một di sản, một giá trị tinh thần cốt lõi, nổi bật nhất của dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc trường chinh giữ nước, dù chịu nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng dân tộc Việt Nam đã vượt qua tất cả, giữ vững nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Giành thắng lợi cuối cùng, nhưng không phải không có những thất bại: thất bại của An Dương Vương trong cuộc kháng chiến chống Nam Việt năm 179 TCN, thất bại của Hồ Quý Ly và nhà Hồ trong cuộc kháng chiến chống Minh đầu thế kỷ 15, thất bại của nhà Nguyễn trong cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thể kỷ XIX. Thất bại là tạm thời, nhưng cái “tạm thời” của lịch sử ấy đã khiến chúng ta phải trả giá bằng hơn một nghìn năm Bắc thuộc, hơn tám mươi năm Pháp thuộc, và ngay cả khi chỉ hơn hai mươi năm dưới ách đô hộ của nhà Minh, nhưng với chính sách cai trị cực kỳ tàn bạo và thâm độc, phần lớn các di sản văn hiến cả một thời đại Lý – Trần “có tiếng văn minh đã bị hủy diệt, vận mệnh quốc gia – dân tộc đứng trước thử thách cực kỳ hiểm nghèo.

2. Thắng lợi hay thất bại đều có nguyên nhân và đều để lại những bài học lịch sử sâu sắc, còn nguyên giá trị đến ngày nay.

2.1. An Dương Vương để mất nước vì mất cảnh giác(1).

Nước Âu Lạc thời An Dương Vương ra đời vào năm 208 trước TCN, là sự tiếp nối và phát triển từ nước Văn Lang thời các vua Hùng ra đời khoảng thế ký V-VII TCN. Dời trung tâm từ vùng trung du phong Châu (Phú Thọ), An Dương Vương và quân dân Âu Lạc bấy giờ cũng đồng thời bắt tay vào một nỗ lực phi thường: chỉ trong một thời gian ngắn, một tòa thành đồ sộ và độc đáo đã được hoàn thành: thành Cổ Loa. Có thành cao hào sâu thủy bộ liên hoàn, vũ khí lợi hại (nỏ thần), trong ngoài phối hợp… cùng sự đoàn kết trên dưới một lòng, An Dương Vương và quân dân Âu Lạc đã đứng vững trước nhiều cuộc tiến quân xâm lược của Triệu Đà nước Nam Việt. Tuy nhiên, từ quý tộc đến chúng dân Âu Lạc bấy giờ hình như vẫn còn quá “chất phác, hồn nhiên”, mà kẻ thù thì đã lắm “xảo quyệt, mưu mô”, nên cuối cùng Âu Lạc đã bị Nam Việt thôn tính. Nguyên nhân mất nước dồn cả vào một lỗi lầm của Mỹ Châu nhẹ dạ tin người:

Tôi kể ngày xưa chuyện Mỹ Châu,
Trái tim lầm chỗ để trên đầu.
Nỏ thần vô ý trao tay giặc,
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu(2).

An Dương Vương chắc xé lòng khi phải rút gươm chém đầu con gái – sự đau đớn cần thiết giúp người Việt nhận thức ra phải làm gì để tồn tại và tiến lên trong một bối cảnh mà xâm lăng từ bên ngoài sớm trở thành áp lực. Đó hẳn là bài học lớn đầu tiên của người Việt trước họa xâm lăng. Chỉ có điều, chúng ta đã phải trả giá quá đắt cho bài học này: nước mất, nhà tan, cơ đồ Âu Lạc chìm đắm trong đêm trường Bắc thuộc nghìn năm.

2.2. Hồ Quý Ly để mất nước vì không nhận thức được vai trò của nhân dân.

Cuối thế kỷ 14, Đại Việt lâm vào khủng hoảng: chính quyền trung ương suy yếu kinh tế – nhất là kinh tế nông nghiệp- suy sụp, xã hội bất ổn. Yêu cầu của lịch sử lúc này là phải khôi phục lại sức mạnh của chính quyền trung ương, củng cố nền thống nhất quốc gia, phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Cải cách do Hồ Quý Ly khởi xướng vào cuối thời Trần là một cuộc cải cách toàn diện (chính trị, kinh tế, xã hội, tư tưởng, văn hóa, giáo dục), về cơ bản là nhằm đáp ứng các mục tiêu trên. Tuy nhiên có đụng chạm đến nhiều đối tược, đặc biệt là tầng lớp quý tộc gắn với các điền trang. Đây là một lý do mà ngay trong quá trình chuẩn bị cũng như khi cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh diễn ra, Hồ Quý Ly đã không quy tụ được mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết dưới cùng một ngọn cờ cứu nước.

Nhưng điều quan trọng hơn là chỗ Hồ Quý Ly đã không nhận thức được vai trò quyết định của nhân dân trong chiến tranh giữ nước, điều mà trước đó Trần Quốc Tuấn đã tổng kết: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”(3). Đường lối giữ nước mà Hồ Quý Ly chủ trương chủ yếu dựa vào quân đội, với đội quân trăm vạn như ông hằng ao ước: “Làm sao có được trăm vạn quân để chống lại giặc phương Bắc”(4). Để hiện thực hóa ước muốn này, Hồ Quý Ly đã áp dụng nhiều biện pháp và đã đạt được những kết quả nhất định. Ông cho làm sổ hộ tịch trong cả nước để kiểm soát dân đinh, nhằm tăng quân số”(5), tổ chức lại quân đội bao gồm nhiều binh chủng, trang bị của quân đội đạt trình độ khá cao trong tương quan kỹ thuật quân sự thời đại bấy giờ. Đồng thời, một hế thống phòng ngự được gấp rút xây dựng chạy dài từ vùng chấn núi Tản Viên (Ba Vì, Hà Nội) men theo bờ Nam sông Đà, sông Hồng, sông Luộc, sông Thái Bình đến bến Bình Than (Chí Linh, Hải Dương), dài hơn 700 dặm (400km). Chủ động chuẩn bị như vậy nên Hồ Quý Ly và nhà Hồ không bất ngờ trước cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Minh. Tuy nhiên, chính con trai ông – Tả tướng quốc Hồ Nguyễn Trừng lại có nhận thức khác khi nói: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi” (6).

Cuộc xâm lăng đại quy mô của nhà Minh diễn ra vào cuối năm 1406, và cuộc kháng chiến của nhà Hồ dù có gây cho đối phương khó khăn bước đầu nhưng đã mau chóng thất bại hoài toàn vào giữa năm 1407. “Đối với Hồ Quý Ly và nhà Hồ thất bại của cuộc kháng chiến là một bi kịch lịch sử để lại nhiều bài học cay đắng, và từ đó càng khẳng định hơn nữa những kinh nghiệm thắng lợi có tính quy luật trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta mà nhân tố quyết định là sức mạnh đoàn kết dân tộc và chiến lược quân dự chiến tranh nhân dân”(7).

Nguyễn Trãi chắc đã suy ngẫm nhiều trước khi làm bài thơ Quan hải có thể coi là một tổng kết sâu sắc về nguyên nhân thất bại trong cuộc kháng chiến chống Minh của nhà Hồ, cũng như đánh giá về con người Hồ Quý Ly:

Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền,
Trầm giang thiết tỏa diệt đồ nhiên.
Phúc chu thủy tín dân do thủy,

Họa phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hận kỷ thiên niên.

Dịch là:

Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển,
Khóa sông xích sắt cũng vậy thôi.
Lật thuyền mới rõ dân như nước,

Họa phúc gây mầm không một chốc,
Anh hùng để hận mấy trăm đời(8).

2.3. Nhà Nguyễn để mất nước vì để đất nước trở nên kiệt quệ, lại yếu đuối và hèn nhát trước cuộc xâm lăng của thực dân phương Tây.

Năm 1802, nhà Nguyễn được thành lập sau thắng lợi trong cuộc chiến chống lại nhà Tây Sơn. Nhìn một cách khách quan, nhà Nguyễn đã có những đóng góp đáng ghi nhận đối với lịch sử dân tộc: một nền thống nhất được thiết lập cả về lãnh thổ và thể chế, thực thi và khẳng định chủ quyền biển đảo – nhất là với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kiện toàn bộ máy quản lý đặc biệt là những cải cách hành chính địa phương, di sản văn hóa cực kỳ đồ sộ… Tuy nhiên, những hạn chế trong quản lý và phát triển quốc gia (chính sách kinh tế lạc hậu, tư tưởng Nho giáo thủ cựu, đối ngoại không sáng suốt…) khiến cho đất nước trong suốt nửa thế kỷ dưới sự cầm quyền của nhà Nguyễn không có được sự chuyển biến lớn, căn bản nào.

Năm 1858, Pháp nổ súng xâm lược, và mặc dù phải kéo dài hơn một phần tư thế kỷ (1884), nhưng cuối cùng đất nước đã rơi vào ách đô hộ của thực dân phương Tây. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỷ 19 nhưng rõ ràng, so sánh tương quan lực lượng về kinh tế, khí tài. Việt Nam thua kém Pháp rất nhiều. Tại sao ta yếu? Không thể ngụy biện đơn giản rằng, phương Đông, trong đó có Việt Nam, tránh sao được chủ nghĩa thực dân. Rõ ràng nhà Nguyễn phải chịu trách nhiệm về sự suy yếu của đất nước. Sự suy yếu là vì phải huy động nhiều sức người sức của để xây dựng các công trình như kinh thành, lăng tẩm hay để đàn áp các cuộc nổi dậy, nhưng chủ yếu là do chính sách quản lý và phát triển đất nước lạc hậu, bất cập. Đã thế, khi cuộc xâm lăng của thực dân Pháp diễn ra, triều đình nhà Nguyễn lại không thể hiện được quyết tâm kháng chiến, bỏ lỡ nhiều cơ hội, để rồi cam tâm ký kết các hiệp ước dâng đất nước ta cho Pháp.

Ba lần thất bại để lại ba bài học lớn. Chính lúc này, trong bối cảnh quan hệ khu vực và quốc tế nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, người Việt Nam cần phải khắc sâu những bài học đó. Phải luôn luôn cảnh giác, để không bị bất ngờ trong bất kỳ tình huống nào; phải trên dưới một lòng để có được sự đồng thuận cao trong nhân dân và giữa nhân dân với lãnh đạo; phải phát triển đất nước vững mạnh về tiềm lực kinh tế, quốc phòng, cả vật chất và tinh thần; và khi Tổ quốc bị xâm lăng thì phải có quyết tâm chiến đấu đến cùng vì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Điều tưởng như đơn giản đó, kể ra không hề mới, mà dường như người Việt Nam nào hôm nay cũng nhận thức được ấy, dân tộc Việt Nam, ông cha ta đã phải trả bằng cả giang sơn gấm vóc và những tháng năm đằng đẵng kiếp nô lệ.

Công cuộc bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ hiện nay đòi hỏi chúng ta phải có một sức mạnh nội lực đủ để đương đầu với bất kỳ thử thách nào, bất kỳ thế lực nào. Nội lực phải được hiểu bao gồm cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần. Chúng ta chỉ có thể bảo vệ được độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ khi chúng ta phát huy được cao độ sự tổng hợp của cả hai nguồn sức mạnh đó.

Sức mạnh tinh thần đó là chủ nghĩa yêu nước được kết tinh từ tình yêu quê hương đất nước; là tình yêu đồng bào với tinh thần “người trong một nước phải thương nhau cùng”; là lòng tự hào về lịch sử vẻ vang và nền văn hóa dân tộc mà ngay từ đầu thế kỷ 15 Nguyễn Trãi đã tổng kết: “Như nước Đại Việt ta từ trước; Vốn xưng nền văn hiến là đâu”; là tinh thần độc lập dân tộc – mục tiêu tối thượng và nghĩa vụ thiêng liêng của mọi thế hệ người Việt Nam; là ý thức sâu sắc về chủ quyền quốc gia và kiến quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền đó với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; là niềm tự tôn, tự hào dân tộc… Truyền thống đó, chủ nghĩa đó được hình thành qua mấy nghìn năm lịch sử, qua hàng nghìn năm dưới ách đô hộ ngoại bang, qua mười mấy cuộc chiến tranh giữ nước lớn nhỏ, được chung đúc thành sản phẩm tinh thần quý giá, trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Những phức tạp của tình hình khu vực vừa qua, khi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia bị đe dọa, một lần nữa mới thấy, qua những gì mà người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, biểu thị bằng thái độ và hành động, đã cho cả thế giới thấy rằng, với người Việt Nam thì chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng đến như thế nào, rằng người Việt Nam có thể làm tất cả để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng đó.

Tuy nhiên, chỉ nội lực tinh thần thôi thì chưa đủ. Phải phát huy nội lực đó trong xây dựng để phát triển sức mạnh vật chất. Chủ nghĩa yêu nước phải được “kích hoạt” để biến thành nội lực phát triển, xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh, có đủ sức mạnh vật chất – tinh thần để bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

————————————-

Chú thích:

(1)Những nguyên nhân mất nước tổng kết ở đây (cũng như dưới thời Hồ và Nguyễn) được hiểu là nguyên nhân cơ bản, không phải là nguyên nhân duy nhất).
(2)Trích bài thơ “Tâm sự” của Tố Hữu, in trong tập Ra trận (1967).
(3),(4),(5) Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb KHXH,H,1998,tr.79;201;211.
(6)Quân đội đó chắc chắn đông, như sử chép: “Đến đây, sổ làm xong, tính số người từ 15 tuổi trở lên, 60 tuổi trở xuống được gấp bội so với trước. Cho nên năm Thiệu Thành thứ 29 (1402) “điểm binh càng nhiều” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Sđd, tr.201). Không có số liệu chính xác, cụ thể là bao nhiêu sông chắc không thể  có trăm vạn triệu quân như mơ ước của Hồ Quý Ly.
(7)Phan Huy Lê (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam, tập II, Nxb Giáo dục, H,2012, tr.47.
(8)Bản dịch của Đào Duy Anh, in trong Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb KHXH,H,1976. Tr.280-281.

THEO VŨ VĂN QUÂN / TẠP CHÍ LỊCH SỬ QUÂN SỰ (3/2016)

Tags: ,