Khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc nhìn từ lịch sử

Văn hóa Việt Nam khác văn hóa Trung Quốc, từ trong cội nguồn của nó, tuy cả hai nền văn hóa cổ truyền này đều thuộc phạm trù văn minh nông nghiệp.

Khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc nhìn từ lịch sử

Trích từ ấn phẩm Văn hóa Việt Nam – tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn học, 2003.

Trên bình diện ý thức, nhận ra sự khác nhau này là từ các vua đời Trần. Minh Tông nói:

“Nước ta đã có phép tắc nhất định: vả lại Nam Bắc phong tục khác nhau”(1).

Nghệ Tông cũng nói:

Triều đình dựng nước, tự có phép độ riêng, không theo chế độ nhà Tống, là vì Nam Bắc đều làm chủ nước mình, không cần phải bắt chước nhau(2).

Đến Nguyễn Trãi, nhận thức đó được thể hiện rạch ròi, trong Bình Ngô đại cáo:

Như nước Đại Việt ta
Thật là một nước văn hiến!

Cõi bờ sông núi đã riêng.
Phong tục Bắc Nam cũng khác

Trải Triệu Đinh Lý Trần đời đời dựng nước.
Cùng Hán Đường Tống Nguyên làm đế một phương.

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt bao giờ cũng có”(3)

Nhận thức ấy, sở dĩ được nói ra, là để chống với một khuynh hướng tư tưởng nảy sinh từ đời Trần và phát triển mạnh từ thời Lê, muốn cải biến văn hóa Việt Nam theo văn hóa Trung Quốc. Đó là khuynh hướng tư tưởng của Nho gia. Đại đa số các nhà Nho Việt Nam dù là các bậc đại Nho như Phạm Sư Mạnh đời Trần thịnh hay Lê Quý Đôn đời Lê suy, khi suy tư về văn hóa, tư tưởng… vẫn lấy văn hóa, văn minh Trung Quốc làm hệ thống qui chiếu. Đây là cái mặc cảm tự ti dân tộc, cái phong thái “Nam nhân Bắc hướng”(4). Dù là những người yêu nước, yêu nước kiểu nhà Nho, khi muốn chứng minh rằng nước ta là nước “văn hiến” thì họ cũng chỉ biết nói rằng “Hồ Việt đồng phong các đệ huynh” (Nguyễn Trung Ngạn), rằng văn hiến Việt Nam “bất dị Trung Quốc” “vô tốn Trung Quốc” (Lê Quý Đôn) (không khác không thua kém Trung Quốc). Như Hồ Quý Ly, người đã biết chê bai nhiều nhà Nho, từ Khổng Tử đến Trình Chu, có nhiều cái nhìn độc đáo về học thuật, văn hóa nhưng khi trả lời người Bắc hỏi về phong tục nước ta cũng chỉ đành nói:

Dục vấn An Nam sự
An Nam phong tục thuần.
Y quan đường chế độ
Lễ nhạc Hán quân thần
”.

Lễ nhạc như Tiền Hán, y quan giống Thịnh Đường” được coi là tiêu chuẩn của một nước “văn hiến”.

Các nhà Nho yêu nước Việt Nam thường nhận thức được rõ “Thổ hữu chủ” (Lê Văn Thịnh), “Địa phận Nam Bắc (Phạm Sư Mạnh) “Giang sơn hữu hạn phân Nam Bắc” (Nguyễn Trung Ngạn) “Sóc Nam giới hạn tự an bài” (Ngô Thì Nhậm)… Nghĩa là có ý thức rõ về độc lập chính trị và chủ quyền lãnh thổ, nhưng lại khác mơ hồ trong ý thức độc lập về văn hóa. Mà văn hóa tức là lối sống, là tâm hồn dân tộc. Độc lập về văn hóa mới độc lập sâu sắc, vững chắc…

Dễ hiểu, khi một nhà trí thức “thấm nhuần” văn hóa Trung Quốc thì thậm chí “quên” cả thiên nhiên Việt Nam. Những câu thơ tả cảnh thu chẳng hạn, từ đời Lê về sau này đều chịu ảnh hưởng của Trung Hoa. Mùa thu trong “truyện Hoa tiên” của Nguyễn Huy Tự chẳng hạn, giống như mùa thu của Đỗ Phủ.

Lác đác rừng phòng hạt móc sa
Ngàn lau hiu hắt khi thu mờ
Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm
Mặt đất mây đùm cửa ải xa”!

(Phan Huy Vịnh dịch)

Đến như Nguyễn Du mà cũng thế:

“Rừng phong khi lá rủ vàng”

Phải tới Nguyễn Khuyến mới tái tạo một mùa thu thuần túy Việt Nam (xem: Thu vịnh, Thu điếu..)

Tâm thức Việt Nam thời Lý Trần, chừng nào đó, đã có sự suy tư hồi cố (pensée rétra spective) về thời trước Bắc thuộc (Sử ký Đỗ Thiện. Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái…)

“Lô Thủy phiên ly, Thao tụ lạc
Văn Lang nhật nguyệt, Thục sơn hà”

(Sông Lô phên giậu, Thao dân họp
Văn Lang ngày tháng, Thục non sông).

(Hành quân, Phạm Sư Mạnh).

Song nói chung, nhận thức về một nền văn minh Việt Nam đặc sắc, khác cách mạng Trung Hoa, tồn tạo hàng ngàn năm trước thời Bắc thuộc của giới trí thức phong kiến Việt Nam (sư tăng, đạo sĩ, nho sĩ…) còn mơ hồ lắm. Bảo là về cơ bản họ không biết gì thì e quá, song cũng không hoàn toàn là nói ngoa…



*

Giới trí thức Marxist Việt Nam bắt đầu đem lại một nhận thức ngày càng rõ ràng và đầy đủ về một nền văn hóa, văn minh Việt Nam buổi đầu dựng nước và giữ nước, trước thời Bắc thuộc. Đó là cái gốc của văn hóa Việt Nam. Đó là văn minh Đông Sơn hay có người muốn gọi, là văn minh sông Hồng (để đối sánh với văn minh Hoàng Hà, văn minh sông Nil, văn minh Lưỡng Hà v.v… Quả thật, những nền văn minh đầu tiên của thế giới, có thể gọi là “văn minh của những dòng sông lớn”, về thực chất, là văn minh nông nghiệp (civilisationagncole). Qua thời đại chống Bắc thuộc và qua kỷ nguyên Đại Việt, cái gốc đó không hề bị trốc rễ, tuy, sự thực “cây văn hóa Việt Nam” bị chặt trụi khá nhiều cành, bị (và được) lắp ghép nhiều cành nhánh mới…(5)

Nghĩa là, tuy có sự giao tiếp và hỗn dung văn hóa Việt Hoa, thì khuynh hướng giao tiếp và hỗn dung vẫn là Việt Hóa chứ không phải là Hoa hoá; và văn hóa Việt Nam không bao giờ là một bản sao chép của văn hóa Trung Hoa.

Khi tình trạng nhị nguyên văn hóa diễn ra mạnh mẽ (chủ yếu là từ thời Lê Thánh Tông trở về sau, chứ ở thời đại Lý Trần thì văn hóa cung đình vẫn gần gũi với văn hóa làng xóm) thì tất cả những đặc điểm độc đáo và ưu tú của văn hóa Việt Nam vẫn kết tinh ở văn hóa làng xóm, tức là nền văn hóa dân gian. Do nhiều nguyên nhân và điều kiện lịch sử, cái nói lên bản sắc và văn hóa dân tộc Việt Nam là văn hóa dân gian Việt Nam.

Văn hóa dân gian không ra đời một sớm một chiều. Cái gốc của nó là nền văn hóa dân tộc trước thời Bắc thuộc. Và theo tôi, không nên chỉ ngược lên đến thời đại Đông Sơn (đồng thau muộn – sắt sớm) mà phải ngược lên đến tận thời đại ĐÁ MỚI (Hòa Bình – Bắc Sơn), thời đại nẩy sinh NÔNG NGHIỆP và LÀNG XÓM, khi tim hiểu cội nguồn đặc điểm văn hóa Việt Nam.

Có lẽ chưa chắc ai trong chúng ta cũng tán thành cái quan điểm của Claude-Lévi-Strauss khi ông cho rằng “Con người chỉ thực sự sáng tạo những công trình vĩ đại vào buổi đầu. Trong bất cứ lĩnh vực nào, chỉ có bước đầu hoàn toàn có giá trị, những giai đoạn kế tiếp chỉ là sự lặp lại những giai đoạn đã qua”(6)

Những điều ông nói sau đây, theo tôi, là đúng:

Một trong những giai đoạn nhiều sáng tạo nhất của lịch sử nhân loại xảy ra vào thời đại đá mới với sự phát minh ra trồng trọt, chăn nuôi… Muốn đạt đến những thành quả vĩ đại này, không phải trong chốc lát là được, mà trái lại, những tập thể loài người bé nhỏ lúc bấy giờ đã phải trải qua hàng mấy nghìn năm quan sát, thí nghiệm và truyền đạt kinh nghiệm từ đời này sang đời khác. Sự nghiệp vĩ đại này đã diễn ra một cách tốt đẹp, liên tục và thành công…”(7)

Bất cứ nhà khảo cổ học, dân tộc học và sử học nào cũng biết rằng nếp sống thời đá mới, trên cơ bản, vẫn được duy trì trong nếp sống nông thôn của nhân loại, thậm chí cho mãi đến thế kỷ 18, XIX(8).

Nói đến nông nghiệp, làng xóm… là phải nói đến THIÊN NHIÊN, TỰ NHIÊN, mà thực ra, nói rộng hơn, đã nói đến VĂN HÓA là phải nói đến TỰ NHIÊN, vì xét cho cùng, cái VĂN HÓA chỉ là cái TỰ NHIÊN, được thích ứng và biến đổi bởi con người, để thỏa mãn những NHU CẦU về mọi mặt của con người.(9)



Có người đã và sẽ bảo tôi là không Marxist, là nghiêng theo “quyết đinh luận địa lý” khi xem xét những đặc điểm của văn hóa Việt Nam trong sự đối sánh với văn hóa Trung Quốc:

Việt Nam (lưu vực sông Hồng) Trung Quốc ban đầu (lưu vực sông Hoàng Hà)
– Khí hậu nhiệt đới, gió mùa ẩm ướt – Khí hậu đại lục, mùa đông băng giá, lượng mưa chỉ tập trung vào cuối mùa hè, độ bốc hơi cao.
– Đất phù sa nâu, do sông bồi Hoàng thổ, do gió cuốn
.- Nông nghiệp tưới nước (nước mưa, nước tát, từ hệ thống tưới nước) – Đất phát sinh nông nghiệp là vùng hoàng thổ nửa khô hạn. Nông nghiệp trồng khô
– Cây lương thực: cây có củ, mía, rau, dưa bầu bí, và đặc biệt cây lúa. – Cây lương thực: túc tức tiểu mễ (kê), cao lương, sau nữa là mạch cho đến trước đời Tần vẫn chưa chiếm địa vị chủ đạo
– Ăn cơm, xôi: đôi đũa – Ăn bánh, cháo
Trong văn hóa Viễn Đông là xuất phát từ đất Việt trồng lúa nước
– Ở nhà sàn: nhà mái cong của văn hóa Viễn Đông là một thành tựu văn hóa gốc Việt… – Ở nhà hầm và nửa hầm
– Đi lại: chủ yếu dùng đường nước: thuyền mảng. Trên bộ dùng voi. Thủy binh, bộ và tượng binh – Đi lại trên bộ: ngựa, xe, bộ và kỵ binh. Lấy xe, ngựa làm độ số sức mạnh quyền lực (bánh xa quốc, thiên xa quốc…) (xem: Luận ngữ, Xuân Thu)
– Nỏ, rìu chiến – Cung 2 cánh, qua.
– Đắp đê – Giếng, nước ngầm
– Khơi sâu và khơi nhiều dòng chảy
– Cồng, trống – Chuông, khánh…
– Khèn – Tiêu
– Gắn nghề nông với nghề cá – Cạnh đồng bằng là thảo nguyên, cạnh khu trồng trọt là khu chăn nuôi lớn. Đan xen văn hóa nông nghiệp và văn hóa du mục. Hướng đại lục
– Chữ viết, đô thị ra đời muộn. Văn hóa xóm làng. Vai trò phụ nữ cao, gia đình hạt nhân (nhà) ra đời sớm. Làng ra đời sớm. Nhà – Họ – Hàng – Làng – Nước là một thể thống nhất hữu cơ. Nền dân chủ làng mạc (dân chủ dân cày) – Chữ viết, đô thị ra đời sớm. Văn hóa đế vương, chế độ phụ hệ nghiêm khắc. Khuynh hướng chính trị – xã hội tập quyền, chuyên chế, phục tùng tư tưởng, đặc trị, quân sự.

Cội nguồn của những đặc điểm văn hóa dân tộc cố nhiên phải tìm trong những điều kiện lịch sử cả dân tộc. Nhưng trước đó, và trong suốt quá trình lịch sử, cũng như phải thấy những điều kiện địa lý từ đó ảnh hưởng đến phương thức canh tác, đến hình thái kinh tế… và áp lực của chúng lên hình thái xã hội – chính trị. Văn hóa, trước hết, là một sự trả lời, một sự ứng phó của một cộng đồng cư dân, trước những thách thức của những điều kiện địa lý – khí hậu (géoclimatique), và sau đó là sự trả lời, ứng phó, trước những thách thức của những điều kiện xã hội – lịch sử. Tôi muốn nhắc lại ở đây một ý kiến của K. Marx bàn về mối quan hệ giữa người với thiên nhiên:

Con người trong sự sản xuất chỉ có thể tiến hành giống như thiên nhiên, tức là nó chỉ có thể biến đổi cái hình thái của các thể chất. Hơn nữa ngay trong sự lao động biến đổi hình thái như thế, con người luôn luôn vẫn được sự giúp đỡ của những lực lượng tự nhiên, như thế thì lao động không phải là nguồn gốc duy nhất của những giá trị sử dụng mà nó sản xuất, không phải là nguồn gốc duy nhất của những của cải vật chất. Lao động là bố và đất đai là mẹ của những của cải này, như William Petty đã nói”(10)

Theo quan điểm duy vật lịch sử mà tôi hiểu, thì nền tảng địa lý và môi trường thiên nhiên không nằm bên ngoài xã hội như ông Mao hiểu (xem Mâu thuẫn luận trong: “Mao Trạch Đông Tuyển tập”, tập I, Nxb Sự thật, 1960. Tr. 434-435) mà nằm ngay trong cơ sở kinh tế của xã hội.

K.Marx nói: “Cái toàn thể những liên hệ giữa những người sản xuất với thiên nhiên và giữa họ với nhau, cái toàn thể những sự liên hệ như thế, trong ấy người ta sản xuất, thì chính là xã hội, xét về cái cơ cấu kinh tế của nó”(11)

F. Engels cũng nói: “Bàn về những quan hệ kinh tế mà chúng tôi gọi là cơ sở quyết định của lao động xã hội, thì chúng tôi hiểu đấy là cái cách thức và phương thức theo đó người ta sản xuất những điều kiện sinh sống của mình và trao đổi sản phẩm với nhau. Tức là trong ấy có bao hàm toàn bộ kỹ thuật sản xuất và vận tải… trong khái niệm quan hệ kinh tế cũng có bao hàm cái nền tảng địa lý… và lẽ cố nhiên là cả cái môi trường bên ngoài bao bọc cái hình thái xã hội như thế”(12)

Hiểu như vậy, thì cơ sở kinh tế, nguyên nhân căn bản của sự phát triển của xã hội gồm ba phần: Quan hệ sản xuất, địa lý và môi trường thiên nhiên và kỹ thuật sản xuất.

Vậy thì khi bàn đến những đặc điểm của văn hóa Việt Nam, phải tìm cội nguồn của nó từ thời đại đá mới, thời đại phát sinh nông nghiệp và làng xóm, phải chú ý đến những điều kiện nền tảng địa lý và môi trường thiên nhiên đã sản sinh ra những đặc điểm văn hóa ấy trước khi xét đến những điều kiện lịch sử của dân tộc đã duy trì và củng cố những đặc điểm văn hóa ấy. Đừng tách rời văn hóa với thiên nhiên.

Như vậy, đứng về mặt thiên nhiên, nhân chủng, văn hóa… Việt Nam thoạt kỳ thủy là một với khu vực Đông Nam Á chứ không phải là một với Trung Hoa. Cái không gian địa lý thiên nhiên Đông Nam Á cần phải hiểu rộng hơn cái không gian chính trị Đông Nam Á hiện nay: Nó bao gồm cả lưu vực Trường Giang trở xuống phía Nam, khu vực phía Nam dải Tần Lĩnh và bao gồm cả khu vực Átxam hiện tại. Đó là cái không gian địa lý, cái môi trường thiên nhiên ở đó nảy sinh và phát triển văn hóa nông nghiệp lúa nước.



Về mặt nhân chủng, cho tới khoảng giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên (-500), về cơ bản, đó là vùng phi Hoa – phi Ấn, vùng Việt theo nghĩa rộng (Việt là một tộc danh phiếm xưng, chỉ toàn bộ các cư dân phi Hoa phi Ấn, thuộc các ngữ hệ Môn-Khơme, Tày – Thái, Mèo – Dao, Tạng – Miến, Anh-đô-nê- diêng (Mã Lai, Đa Đảo), Việt – Mường. Cho tới trước khi Trung Quốc bành trướng xuống vùng lưu vực Trường Giang, thì Việt Nam và Trung Quốc là khác nhau trên căn bản: Việt Nam là vùng châu Á gió mùa. Trung Quốc là vùng châu Á đại lục; Việt Nam là vùng nông nghiệp nước (hệ thống ngập nước) (systèmesinnondés), rồi hệ thống tưới nước (systèmes irrgués). Trung Hoa là vùng nông nghiệp khô (culture sèche); Việt Nam là vùng lúa nước, Trung Hoa là vùng kê, cao lương, rồi mạch. Từ giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên, bành trướng Trung Quốc tràn xuống lưu vực Trường Giang và xa mãi về phía Nam; vùng “Bách Việt” co lại dần, tưởng “mất hết” nhưng cuối cùng vẫn còn một Việt Nam, đại biểu duy nhất còn sót lại của phức hợp Bách Việt ngày xưa, tồn tại vừa với tính chất Dân tộc – Nhà nước (Nation-Etat) vừa với tính chất Dân tộc – Nhân dân (Nation – Peuple). Từ đó xuất hiện trên thực tiễn những sự giống nhau, những cái “bất dị” giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Vậy cái khác nhau (dị, thù, theo ngôn từ Nguyễn Trãi) là có trước, cái giống nhau là có sau. Và phải nói ngay là cái giống nhau là văn hóa, vốn về bản chất, là phồn tạp, là đa dạng. Đông Nam Á là một vùng thiên nhiên phong phú, thống nhất nhưng đa dạng. Cho nên văn hóa bản địa của vùng này cũng vậy tuy có nhiều hằng số thống nhất nhưng cũng cực kỳ đa dạng. Với trào lưu lịch sử, những nền văn hóa vùng này lại tiếp thu, với những phương thế và liều lượng khác nhau, các nhân tố ngoại sinh (éléments exogènes) khác nhau, từ Ấn Độ, Trung Hoa, phương Tây… (chỉ kể về mặt tôn giáo, là đạo Phật, đạo Bà La môn, đạo Nho, đạo Lão, đạo Hồi, đạo Thiên chúa…) nên lại càng đa dạng và càng có vẻ che lấp cái gốc, những nhân tố văn hóa nội sinh (éléments endogènes) của chính vùng này.

Hãy nói đến cái giống nhau giữa một Việt Nam và một Trung Quốc cổ truyền (từ giữa thế kỷ 14 trở về trước).

Cái giống nhau đã từng được giới học giả trong ngoài nước, một thời quá nhấn mạnh khiến thế giới tưởng đâu Việt Nam là một “vùng phía trước” (Avant Monde) của văn minh Trung Hoa ở khu vực Đông Nam Á. Chỉ nhấn mạnh đến cái giống nhau và về cái giống nhau, người ta chỉ nói đến và cắt nghĩa là do Việt Nam học, vay mượn, tiếp thu của Trung Quốc: một cái khung chính trị, hành chính (armature pol itico adminisitrative): một nhà nước Hoa hóa (Etat sinisé) với hoàng đế và một bộ máy quan liêu các cấp, một ý thức hệ: Nho giáo với “kẻ sĩ” v.v… Cái giống nhau ở kiến trúc thượng tầng ở trên bề mặt – mà cũng không hoàn toàn như nhau: vua Việt khác hoàng đế Trung Hoa, chức danh quan lại có thể giống nhau mà chức năng và sự vận hành của bộ máy cũng có khác(13). Thời Tống, Trung Quốc theo Tống – Nho (néo – Cofucianisme); thời Lý Trần, ngang thời Tống, Đại Việt sùng Phật nhưng không bài Nho, Lão. Luật Hồng Đức soạn ngay dưới thời ông vua sùng Nho, thích mô phỏng Trung Quốc và Lê Thánh Tông, mà do áp lực của lịch sử – vẫn phải tôn trọng những nhân tố nội sinh trong nền văn hóa, phong tục dân gian…

Người ta thường “quên” một sự kiện là từ Tần Hán trở về sau, khi Trung Quốc đã thôn tính xong lưu vực Trường Giang rồi Châu Giang… thì nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước ở phương Nam được chồng lên (surimpostion) nền văn hóa nông nghiệp trồng khô ở Hoa Bắc và hội nhập (intégrer) vào văn minh Trung Quốc. Trung Quốc đã “chữ nghĩa hoá” (nhờ ưu thế văn tự) nhiều thành tựu văn hóa của phương nam và nhận làm của mình. Văn hóa phương Bắc là văn hóa chữ nghĩa, văn hóa phương nam là văn hóa truyền miệng. Qua sách vở Trung Quốc về sau người Việt học lại nhiều điều vốn là kinh nghiệm, ký ức của tổ tiên mình nhưng đã qua sự sửa đổi “khái niệm hoá” của học giả Trung Quốc. Sơ nguyên tượng (archétipe) của “Bàn Cổ” vốn là huyền thoại “Bàn Hồ” của tổ tiên người Dao. “Thần Nông” (theo ngữ pháp Trung văn thì phải là “Nông thần”) vốn là “anh hùng văn hóa” (héros culturel) của người Việt). Truyện Ngưu Lang – Chức Nữ gắn với hiện tượng ‘mưa ngâu” ở phương Nam cũng là một tích Việt được ghi lại bằng Hán văn. Lịch Tầu (âm lịch như đang dùng hiện nay) chỉ mới lưu hành từ thời Hán Vũ Đế (140 trước Công nguyên) và chỉ đúng với khí hậu Hoa Bắc. Các lễ hội 5-5 âm lịch (lễ hội ngày Hạ chí), 15-7 âm lịch, trung thu 15-8 âm lịch vốn đều không xuất phát từ Hoa Bắc mà đều có gốc tích ở miền Sở, Việt… tức vùng trồng lúa nước phương Nam… Còn có thể kể ra nhiều lắm. Nhiều cái giống nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc là do Trung Quốc đã tích hợp văn hóa lúa nước vào cấu trúc văn hóa Trung Hoa.

Song dù có bao nhiêu sự giống nhau thì cũng không xóa mờ được những sự khác nhau, đặc biệt, ở dưới bề sâu, trong dân gian. Làng Việt là một cấu trúc xã hội thuần Việt còn bảo lưu đậm nét tính chất công xã hơn nhiều những tổ chức “lân” “li” “hương”… của Trung Quốc.

Nó dựa trên một cơ sở kinh tế tiểu nông là phổ biến, trong khi ở Trung Quốc, bên cạnh kinh tế tiểu nông có hẳn một cơ cấu kinh tế trang viên của một giai cấp đại địa chủ.

Ở Việt Nam, cho đến thế kỷ 16, chỉ có một “kẻ chợ”, một đô thị là Thăng Long – Đông Đô (Hà Nội), còn tất cả là “kẻ quê”, với một hệ thống “chợ quê” và những luồng buôn bán nhỏ chứ hầu như không có những luồng thương mại lớn.

Trong khí đó, từ Xuân Thu chiến quốc qua Đường Tống; Minh Thanh… Ở Trung Quốc đã xuất hiện rất nhiều đô thị vương công với những luồng thương mại lớn (đường lụa, đường trà…) và một tầng lớp đại thương nhân. Kẻ sĩ Trung Quốc nằm ở các đô thị vương công này và phục vụ vương công: xuất hiện các “chư tử” với rất nhiều học thuyết chính trị xã hội – triết học v.v… – Trí thức Việt – phần lớn nằm ở làng quê, là các sư sãi, thầy đồ, thầy lang, thầy cúng, thầy bói… gắn với nông dân và không xuất hiện nhiều “tử” lớn. Ít sách vở, ít lý luận khái quát.

Cơ cấu kinh tế: tiểu nông.

Cơ cấu xã hội: làng xóm

Tính chất xã hội: cộng đồng công xã

Cơ cấu tâm lý dân tộc: tâm lý tiểu nông, hạn hẹp, chủ tình (sentimentalisme), ưa dung hòa (compromis), làm ăn nhỏ, biện pháp nửa vời (demimesure)…

Có đại địa chủ, đại thương nhân, có nhiều đô thị lớn, có chữ viết sớm, sách vở nhiều, Trung Quốc có cả một nền văn minh đế chế, một nền văn hóa đế vương, (culture impériale) tách biệt hẳn và đè nén mạnh dân cày nơi nông trang, với một tâm lý làm lớn, làm lố (chinoiserie démesure) duy ý chí (volontarisme).

… Văn hóa Việt Nam cổ truyền, về bản chất, là một nền văn hóa xóm làng (culturevillageoise). Là sức mạnh (grandeur) vừa là điểm yếu (faiblesse) của Truyền thống Việt Nam cũng là ở đó.

>> Xem chú thích

S.T

Tags: , , ,