Iran và tham vọng về tuyến đường 7.200 km thay thế kênh đào Suez

Iran là nước đề xuất ý tưởng xây dựng tuyến đường dài 7.200 km kết nối Nga, Ấn Độ và có thể mở rộng qua nhiều quốc gia Trung Á khác, với kỳ vọng có thể thay thế kênh đào Suez.

Iran và tham vọng về tuyến đường 7.200 km thay thế kênh đào Suez

Tuyến đường 7.200 km được kỳ vọng thay thế kênh đào Suez

Tầm quan trọng của tuyến đường thương mại này được thể hiện rõ khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga kể từ cuộc khủng hoảng Ukraina. Đây là một dự án khả thi và là một tuyến đường quan trọng kết nối các nước đồng minh.

Thực tế, Iran đã bắt đầu chuyến chuyển hàng đầu tiên từ Nga sang Ấn Độ qua hành lang “Bắc – Nam” qua cảng Astrakhan ở miền Nam nước Nga, đến biển Caspi và cảng Anzali ở miền Bắc Iran, sau đó vận chuyển bằng đường bộ đến miền Nam Iran để chuyển tới Ấn Độ. Quá trình vận chuyển 25 ngày từ Nga đến Ấn Độ và ngược lại. Các nước này đều có đội tàu biển mạnh và lớn.

Iran là một trong những hành lang quốc tế quan trọng, được kỳ vọng sẽ thu hút một phần của phong trào thương mại quốc tế giữa châu Á và châu Âu. Đặc biệt với vị trí chiến lược và khả năng kinh tế, thương mại và trung chuyển, đây sẽ là tuyến đường an toàn nhất, gần nhất và khả thi về mặt kinh tế tới các thị trường trong khu vực.

Một lợi thế khác của tuyến đường này là nó cách xa Eo biển Hormuz và vùng biển vùng Vịnh, nơi chứng kiến căng thẳng liên tục giữa các lực lượng Iran và Mỹ. Về chi phí và thời gian, Iran cho rằng mạng lưới giao thông này có thể cho phép các quốc gia dọc tuyến sử dụng nó như một tuyến đường thay thế cho kênh đào Suez, vì hành lang về mặt lý thuyết làm giảm tuyến đường biển hiện tại qua kênh đào từ 16.000 km xuống còn 7.200 km, và giảm thời gian đi lại giữa Nam Á và Bắc Âu từ 60 ngày xuống 30 ngày, giảm đáng kể chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, vấn đề này còn phụ thuộc vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng của dự án, đặc biệt là trên lãnh thổ Iran, là điểm nối giữa miền Bắc và miền Nam. Hạ tầng, an ninh và kinh nghiệm vận hành cũng là một trong những trở ngại và khó khăn của tuyến đường này.

Theo nhiều chuyên gia, việc cho rằng tuyến đường Bắc – Nam qua Iran có thể thay thế kênh đào Suez là một sự phóng đại. Dự án sẽ là một giải pháp thay thế một phần nếu nó được hoàn thành. Nhiều chuyên gia cho rằng hai tuyến đường nói chung không cạnh tranh nhau. Bản thân tuyến đường qua Kênh đào Suez là quan trọng, và nó là một con đường quốc tế, có khối lượng vận tải lớn, trong khi cảng Chabahar trên thực tế là hành lang phía đông và nó không liên quan gì đến con đường đó. Nếu so sánh, kênh đào Suez có nhiều lợi thế so với cảng Chabahar, trong đó quan trọng nhất là không có các công đoạn xếp dỡ hàng trên lãnh thổ Iran, điều này làm giảm rủi ro cho hàng hóa được vận chuyển và cũng tiết kiệm thời gian. Chi phí của hành lang Iran trong việc vận chuyển container tăng lên gần 450% chi phí so với khi đi qua Kênh đào Suez bởi vì vận tải hàng hải thông qua một làn đường duy nhất rẻ hơn vận chuyển qua một tuyến đường có nhiều giai đoạn vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa.

Thay đổi vị thế của Iran

Trong bối cảnh Nga và Iran đang cùng chịu sức ép và các lệnh trừng phạt của phương Tây thì tuyến đường vận tải quốc tế Bắc-Nam trở thành con đường huyết mạch cho kinh tế thương mại giữa Nga, Iran và Ấn Độ, cũng như các nước châu Á. Cảng Chabahar gồm hai cảng lớn là “Kalantari” tiếp nhận tàu có trọng tải 45.000 tấn và cảng “Shahid Beheshti” có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn. Cảng Chabahar tiếp nhận khoảng 200 tàu vận tải khổng lồ vài tháng một lần. Nó có 5 khu vực để vận chuyển và tiếp nhận hàng xuất khẩu và nhập khẩu, cũng như 32 cảng cho tàu xếp dỡ. Đây là một trong những điểm trung chuyển quan trọng nhất của tuyến “Bắc – Nam”, bởi các cảng của hải cảng này có khả năng tiếp nhận những con tàu xuyên lục địa khổng lồ.

Hành lang “Bắc – Nam”, nếu bền vững về kinh tế, có thể giúp đưa các lợi ích chiến lược đến gần hơn với một khu vực rộng lớn từ Ấn Độ đến châu Âu bằng cách tạo ra một hành lang lục địa thông qua cảng Chabahar. Và bằng cách kết nối nhiều quốc gia châu Âu hơn với mạng lưới đường sắt, nó có thể dẫn đến những thay đổi sâu rộng trong địa chính trị Á – Âu. Iran – trung tâm của các quốc gia ký kết thỏa thuận hành lang “Bắc – Nam” sẽ nổi lên với vai trò như một người chơi chính, cùng với Ấn Độ, Nga và các quốc gia còn lại tham gia thỏa thuận INSTC. Đây sẽ là điểm giao thông chính, tận dụng lợi thế của địa điểm vị trí địa lý của Khu tự do Chabahar làm tăng tỷ trọng thương mại quá cảnh quốc tế. Điều này cũng sẽ tạo ra một lối thoát kinh tế lớn, củng cố quyết định không phụ thuộc vào dầu mỏ, đồng thời nâng cao đáng kể doanh thu và GDP của Iran.

Theo VOV

Tags: , ,