Hồi ức về Tết Độc lập trên chiến trường Nam Lào năm 1972

Tháng tám năm 1972, chúng tôi vây Khongsedon, một thành phố Nam Lào, xung quanh là rừng, bao quanh bởi dòng sông lớn. Sư đoàn 968 quây chặt thành phố, đối đầu với lính Thái, lính ngụy Lào, biệt kích Vàng Pao với các căn cứ pháo binh, phi cơ bảo vệ dày đặc.

Tác giả: Nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Cuối mùa mưa ở Lào năm ấy thực khủng khiếp. Mưa, tiếp tế hạn chế vì đường sá trong rừng nhão nhoét. Mưa, muỗi đàn nhiều vô kể, đơn vị lại ăn uống kém nên bị sốt rét hoành hoành. Trong chiến hào đào ven sông, nơi địch có thể băng qua chọc thủng vòng vây, hai bên rình rập nhau, suốt ngày bom đạn. Pháo bầy địch bắn điếc tai. Chiến hào chúng tôi đào bên những dải chuối bị bom đạn băm nát, toàn mùi bùn, mùi máu, mùi tử khí.

Để phá vây, có lúc địch dùng trực thăng tung quân nhảy xuống sau lưng tiểu đoàn tôi. Có trận, trung đội súng máy 12,7 ly chúng tôi phải chạy 4-5 km đánh nhau với lính Thái và lính ngụy Lào trong khi OV-10, L-19 quần thảo trên đầu, chỉ điểm cho F-5, A-37 và cả B-52 dội bom.

Hồi ức về Tết Độc lập trên chiến trường Nam Lào năm 1972

Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 trên đường hành quân vào chiến dịch Tanina, Xiêng Khoảng, Lào, ngày 28/11/1971.Ảnh: VOV.

Chiến đấu ác liệt như thế nhưng lương thảo đến chậm, quân sĩ trong tình trạng ăn đói, mặc rách, thiếu thốn trăm bề. Đi vây hãm, chúng tôi ngày ăn bốn lạng gạo mốc, chia làm hai nắm cơm, với muối hay ruốc cá trộn rau sắn.

Anh em có phần nản, khí thế chùng xuống, đặc biệt khi mưa tới, lạnh và đói hơn.

Cuối tháng 8, chúng tôi được lệnh mật phục chặn ngay bên sông, nơi máy bay C-123 tiếp tế của địch thả dù giải cứu lực lượng bị vây trong thành phố. Những trận đánh kiểu này rất nguy hiểm. Bên kia sông địch đổ đồn, nổ súng đánh địch cũng gần như cầm chắc cái chết, vì sẽ gặp phải sự phản pháo trực diện. Đêm trước ngày nổ súng, tiểu đội tôi đang đào công sự thì chính trị viên Đàm tới.

Anh Đàm thường ít nói, nhìn đám lính gầy gò, nhiều đứa còn sốt hầm hập nhưng vẫn đào hầm, chặt gỗ, anh ái ngại đến bên tôi: “Để tớ xúc cho một lát”. Đất thịt quánh lại vì mưa nên rất nặng tay xẻng. Gần sáng, hầm chữ A và công sự sắp xong, chúng tôi nghỉ giải lao bên dãy tre già sát bờ sông, bên kia sông, địch thi thoảng bắn pháo sáng làm trời rực lên như ban ngày. Chính trị viên nhìn khuôn mặt tái xanh vừa qua một đợt sốt rét của tôi rồi nói: “Thọ mệt lắm phải không? Cố lên nhé. Cậu và Đức là xạ thủ giàu kinh nghiệm nhất đại đội, không thể nghỉ được. Trận này quan trọng lắm”.

Tôi im lặng. Mọi lời động viên lúc này trở nên thừa thãi. Thấy vậy, anh Đàm im lặng hồi lâu rồi lại nói: “Ngày mai là mùng Hai tháng Chín”, nói xong anh lại im lặng.

Trời ơi, mai là Tết Độc lập. Dường như không ai trong tiểu đội tôi nhớ ra. Cuộc chiến khốc liệt làm chúng tôi chỉ quan tâm tới mạng sống mà không nhớ đến ngày quan trọng này. Tôi chợt nhớ nhà da diết. Nhớ cậu tôi vẫn thường nói về ngày 2/9: “Đó là ngày quan trọng”.

Tôi nhớ Hà Nội của tôi. Ngày Tết Độc lập thể nào cậu mợ cũng làm cơm cho các con ăn xôm hơn ngày thường, có năm còn có thịt gà nhà quê gửi lên cho.

Nhưng bây giờ, chúng tôi được lệnh nghỉ ngơi một chút, chuẩn bị cho trận đánh. Chúng tôi vào hầm, khi 3-4 thằng nằm xuống đám lá rừng trải trong hầm chữ A, tôi tự nhiên nhắc lại với Đức câu nói của chính trị viên Đàm. Tất cả anh em trong hầm im lặng, rồi lần lượt thi nhau kể về 2/9 ở quê hương mình, gia đình mình. Hóa ra, trong mỗi gia đình, mỗi vùng quê của chúng tôi lúc đó, 2/9 đều là một ngày lễ quan trọng và đặc biệt.

“Mai là mồng Hai tháng Chín” bỗng dưng trở thành một khẩu lệnh đánh thức tâm trí mỗi người trước trận đánh vào hôm sau.

Chúng tôi đã dám nổ súng mà không sợ địch phản pháo, bắn hỏa tiễn DKZ bên kia sông thẳng vào trận địa. Hai khẩu 12,7 ly rưới cả thùng đạn vào bụng chiếc C-123 làm nó hoảng sợ ném toàn bộ dù xuống phía quân ta rồi bốc cháy, lao xuống một cánh rừng cách thành phố chục cây số. Những người lính ốm yếu, đói và sợ chết hôm đó đã đánh một trận giòn giã, kể cả khi tụi máy bay A-37 kéo đến bắn phá dọc sông. Trận chiến quyết định ấy là để địch không thể dùng máy bay vận tải cỡ lớn tiếp tế cho thành phố, góp phần không nhỏ cho chiến thắng chung của sư đoàn.

Tết Độc lập hàng năm luôn nhắc tôi nhớ đến trận đánh đầu tháng 9 năm ấy, ở mặt trận Nam Lào. Thỉnh thoảng tôi vẫn cố gắng giải thích xem, điều gì đã khiến cho cả một trung đội đói rách và mệt mỏi về tinh thần đấy làm nên kỳ tích trong một trận chiến quan trọng.

Có lẽ, câu nói “ngày mai mùng Hai tháng Chín” của chính trị viên Đàm, bằng cách nào đó đã kích hoạt trong chúng tôi ý thức trách nhiệm, nhắc lại lý do vì sao chúng tôi ở đó và mục tiêu chúng tôi cần bảo vệ.

Cuộc chiến đã lùi xa. Tôi đã ăn thêm bao cái Tết độc lập no đủ hơn, cả khi trên chính quê hương bình yên của mình lẫn những ngày tha hương chỉ nhìn lá cờ Tổ quốc phấp phới bay trên tòa nhà Sứ quán Việt Nam tại Đức. Thế hệ đã có tuổi, trải qua nhiều dạng hình của nỗi khổ như chúng tôi thi thoảng vẫn ứa nước mắt nghĩ về “Việt Nam độc lập” – một thời khắc đánh dấu sự định danh của đất nước trên bản đồ thế giới.

Ai sinh ra cũng cần làm điều gì đó cho quê hương, đất nước, cũng là để cho chính cuộc sống của mình hoặc người thân tốt đẹp hơn, tôi nghĩ vậy.

Những thế hệ của chúng tôi gắn chặt đời mình với sứ mệnh vì Việt Nam độc lập. Nhiệm vụ của những thế hệ tiếp theo, tôi nghĩ, sẽ là câu chuyện về một Việt Nam giàu mạnh.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,