Chuyện một gia đình Hoa kiều ở Hà Nội thời chiến tranh biên giới 1979

Đến cuối những năm 70 đầy biến động, cộng đồng người Hoa ở phố xao xác khi nhận được tin từ phía Trung Quốc là họ phải trở về Trung Quốc ngay. Các gia đình người Hoa ở phố vắng tiếng cười, ngừng buôn bán làm ăn, ít đi ra ngoài và chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa…

Chuyện một gia đình Hoa kiều ở Hà Nội thời chiến tranh biên giới 1979

Phố Hàng Buồm, khu phố của người Hoa ở Hà Nội cuối thập niên 1950.

Ở nhà thường gọi nó là thằng Tu. Gia đình Tu là người Hoa Quảng Đông. Năm đó, trẻ em người Hoa học riêng ở trường tiểu học Trung Hoa trên phố Hàng Buồm và trung học Trung Hoa ở phố Phó Đức Chính. Pá (bố), má (mẹ) nó làm công nhân nhà máy Cao su Hà nội trên đường Cát Linh.

Má Tu, một người phụ nữ tần tảo, lo toan vẫn nói với mình lúc bé mày vẫn thỉnh thoảng bú ké tao đấy. Pá nó là người ủng hộ cách mạng văn hoá Trung Quốc. Những năm cuối 60, tới Đại sứ quán Trung Quốc lấy hàng rổ huy hiệu Mao đủ cỡ từ miệng chén đến miệng bát ăn cơm và hoạ báo Trung Quốc về nhà phân phát cho người Hoa. Mình thích nhất là hoạ báo Trung Quốc vì in màu mè, giấy tốt, dùng để bọc sách vở rất đẹp. Khi đó còn quá nhỏ để hiểu thế nào là cách mạng văn hóa. Sống với nhau mấy chục năm mình cũng chỉ biết đếm dắt, zì, xám, xây (1, 2, 3, 4) và tỉu nà ma (tiếng “Đan Mạch”).

Đến cuối những năm 70 đầy biến động, cộng đồng người Hoa ở phố xao xác khi nhận được tin từ phía Trung Quốc là họ phải trở về Trung Quốc ngay. Các gia đình người Hoa ở phố vắng tiếng cười, ngừng buôn bán làm ăn, ít đi ra ngoài và chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa. Một ngày thằng Tu nói ngày mai pá tao và tao sẽ đi tàu Lạng Sơn sang Trung Quốc trước, bên Trung Quốc đã có danh sách giao đất cho gia đình tao ở một nông trường ở Quảng Châu, sang đó xem tình hình thế nào sẽ quay lại đón cả nhà, má tao và chế Hà với thằng Tống tạm ở Việt Nam. Hôm sau tiễn bác Xường và thằng Tu ra ga Hàng Cỏ, cổng Trần Quý Cáp, thấy dòng người Hoa dầy đặc với túi xách, đồ đạc, mặt mũi bơ phờ, lo lắng. Tàu chạy, chỉ nói với nhau mày nhớ viết thư nhé. Chẳng biết khi nào mới gặp nhau.

Gần một năm sau má nó bị thôi việc vì là người Hoa. Hai mẹ con lang thang trú tạm nhà cô em gái ở Hải Phòng, rồi má nó và thằng Tống vượt biên bằng thuyền giữa những ngày chiến tranh biên giới xảy ra. Gần một năm sau, chế Hà nó bụng chửa 7 tháng, cũng liều vượt biên cùng chồng bằng thuyền. Sau đó khoảng hai năm bỗng nhận được lá thư gửi từ Mỹ của bác Xường mới biết cả nhà đã đoàn tụ tại California (Mỹ). Trong thư có mấy tấm ảnh gia đình đang ở trong những nhà tạm như container, sơn màu trắng. Bác kể bác và thằng Tu từ đại lục vượt sông sang Hongkong. Bác gái và thằng Tống cũng tới được Hongkong bằng thuyền từ Hải Phòng. Chuyến cuối vượt biên bằng thuyền từ Quảng Ninh của chế Hà và chồng cuối cùng cũng tới Hongkong. Cả nhà gặp lại nhau trong trại tị nạn. Chế Hà nó tới Hongkong sau một tuần thì đẻ, đặt tên thằng con trai là Phong – phong ba bão táp, sau này kể chuyến đó bị hỏng tàu, bị cướp, tưởng đã bỏ mạng ngoài khơi…

Theo HOÀNG MINH HÙNG FACEBOOK

Tags: , , ,