Hội nhập văn hoá phương Tây: Không thể bừa bãi

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam không nên và không thể là một ốc đảo về văn hóa. Chủ động hội nhập, chắt lọc mọi tinh hoa văn hóa bên ngoài, kể cả tinh hoa văn hóa phương Tây để làm phong phú mình là ích nước lợi nhà. Nhưng đẩy nhanh quá trình hội nhập không có nghĩa là hội nhập lấy được.

Hơn một thế kỷ qua, nước ta có hai thời kỳ giao thoa văn hóa Đông Tây xét ở phạm vi toàn quốc, nói chính xác hơn là giao thoa văn hóa bản địa và văn hóa phương Đông đã bản địa hóa và văn hóa từ phương Tây du nhập.

Thời kỳ thứ nhất, mang tính cưỡng bức diễn ra vào khoảng những năm 20 cho đến cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Thời kỳ thứ 2 là thời kỳ tự nguyện mở cửa và hội nhập, sôi động nhất là từ những năm 90 của thế kỷ trước đến ngày nay…

Ở thời kỳ thứ nhất, sau khi cơ bản bình định xong các phong trào chống đối, chính quyền thực dân Pháp ồ ạt du nhập văn hóa chính quốc vào thuộc địa Đông Dương, nhất là Việt Nam với những ý đồ có lợi cho chủ nghĩa thực dân. Bằng văn hóa, họ sẽ tạo ra một tầng lớp trí thức bản địa được “khai sáng” văn minh chính quốc, thần phục Pháp và từ đó sẵn sàng hướng theo Pháp, làm công cụ cho Pháp. Để thực hiện chủ trương này, họ xây dựng một hệ thống giáo dục theo mô hình giáo dục Pháp, đưa văn hóa Pháp vào nội dung giảng dạy, đào tạo; du nhập tràn ngập những tác phẩm nghệ thuật, văn hóa phẩm, lối sống, ngôn ngữ Pháp… vào nước ta. Bên cạnh ý đồ phục vụ sự cai trị của chính quyền, có một dòng khác, dòng văn hóa do những người Pháp, những người sùng mộ Pháp du nhập. Đó là những khu phố, nhà ở của người Pháp; thực phẩm, lối ăn uống, lối mặc, lối giao tiếp Pháp… Nền văn hóa này lập tức bị nền văn hóa bản địa chống lại như một lẽ tự nhiên. Đó là văn hóa của kẻ xâm lược, văn hóa thực dân đụng độ với nền văn hóa bản địa, đề cao độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhưng bên cạnh mặt tiêu cực, cuộc du nhập, chủ yếu bằng con đường cưỡng bức của văn hóa phương Tây vào Việt Nam cũng mang lại những hiệu quả tích cực ngoài mong muốn của chính quyền thực dân. Đó là sức mạnh hỗ trợ cho cuộc vùng vẫy để thoát ra khỏi tầm cương tỏa của văn hóa Hán hóa. Là cuộc tiếp thu những tinh hoa phương Tây, Việt Nam hóa văn hóa phương Tây để làm phong phú cho văn hóa bản địa mà điển hình của nó là chữ quốc ngữ. Là sự hình thành một tầng lớp trí thức mới, mảnh đất màu mỡ cho quá trình gieo cấy, hòa nhập văn hóa giữa Việt Nam và thế giới.

Sau hơn 20 năm đất nước chia làm hai miền, miền Bắc tiếp thu nền văn hóa mang màu sắc XHCN ở các nước do Đảng Cộng sản cầm quyền, chủ yếu là Trung Quốc, Liên Xô và các nước ở Đông Âu. Miền Nam chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Mỹ, do chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ mang lại. Năm 1975, đất nước thống nhất và đến năm 1986, quá trình Đổi mới được khởi xướng theo con đường hội nhập và phát triển. Một trào lưu văn hóa mới, trào lưu hội nhập văn hóa rộ lên, chi phối hầu hết các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.

Luồng văn hóa từ phương Tây và ảnh hưởng của phương Tây vào Việt Nam trước hết làm thay đổi cái nhìn của người Việt Nam với thế giới. Trước đây là một không gian đóng kín. Xung quanh chúng ta là một bức tường, bên kia bức tường là một thế giới hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn khác biệt đến mức trong sự hình dung của không ít người, ngay cuộc sống bình thường của con người cũng không thể hòa đồng được. Với chính sách mở cửa, nhiều người – đặc biệt là giới trí thức Việt Nam nhận ra rằng, ngoài những điểm khác biệt mà những khác biệt này chủ yếu là do giới chính trị, giới cầm quyền vốn ghét cay ghét đắng CNXH tạo ra, cuộc sống con người, văn hóa của loài người vẫn có nhiều điểm chung cho dù họ sống ở khu vực địa lý nào. Từ chỗ nhận ra những mẫu số chung ấy, cách nhìn, cách nghĩ của người Việt Nam đã khách quan, nhiều phản biện hơn. Khả năng xét đoán, lựa chọn những cái tốt giữ lại, những cái xấu thì chối từ, loại bỏ tăng lên. Lấy một thí dụ trong bóng đá chẳng hạn.

Trước đây, đối với tuyệt đại đa số khán giả nước ta, bóng đá của các nước trong Liên bang Xô viết, bóng đá của một số nước Đông Âu như Ba Lan, như Đông Đức là nhất thế giới. Nhưng rồi tầm mắt nhìn xa hơn, với trình độ công nghệ thông tin ngày càng tiến bộ, chúng ta được xem trực tiếp các giải bóng đá vô địch châu Âu, vô địch các câu lạc bộ châu Âu, vô địch Nam Mỹ, vô địch bóng đá thế giới… dần dà, sự đánh giá, ngay cả sự hâm mộ cũng khác đi. Cách nhìn của người Việt Nam với nhiều quốc gia có nền bóng đá phát triển, thậm chí với các đội bóng công bằng, khách quan hơn. Thái độ cởi mở, tôn trọng sự thật tương tự như vậy còn có ở hầu hết các lĩnh vực, giúp chúng ta từ bỏ dễ dàng hơn những tư tưởng cũ, cách đánh giá cũ nhiều khi sai lầm, thiên lệch.

Cũng sau nhiều thập niên mở cửa, bằng các cuộc giao lưu, bằng những thông tin từ nhiều nguồn, văn hóa phương Tây với những tinh hoa của nó đã giúp cho tầm dân trí, tầm văn hóa của người Việt thay đổi rất nhiều. Những hiểu biết về văn hóa thế giới đã giúp cho khi nhìn vào văn hóa Việt Nam, cùng một lúc, giảm tông cả hai thái cực. Thứ nhất là cho rằng văn hóa Việt Nam là nhất, không những Việt Nam là cái nôi sinh ra loài người mà còn là một trong những chiếc nôi sinh ra nền văn minh của loài người. Không chỉ trong quá khứ mà ngay hiện nay, Việt Nam cũng là đại diện cho một nền văn minh, nền văn minh lúa nước ở một quốc gia nhiệt đới nóng ẩm. Ngược lại là xu hướng tự ti nhược tiểu, thấy cái gì ta cũng lạc hậu, hèn kém, chưa rõ hình hài.

Từ chỗ biết căn kẽ hơn cái gì mình có họ cũng có, cái gì mình có mà họ không có, cái gì mình thiếu mà họ có, cái gì nếu cố có thể theo được, cái gì khó có thể bằng người từ việc soi rọi mình với thế giới, một động lực mạnh mẽ thôi thúc sự tìm tòi sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam được khơi dậy. Đã có vài chục năm, văn học nghệ thuật chỉ biết đến một học thuyết, một phương pháp sáng tác. Nó có nhiều mặt tích cực nhưng chưa đủ, nó là sự tiến bộ nhưng không phải không có khiếm khuyết. Giờ đây, tùy “gu” nghệ thuật, các nghệ sĩ có thể tự do lựa chọn cho mình một phương pháp sáng tác nào đó, từ đồng hành với phương Tây hiện nay đến khơi lại, làm mới hơn nhiều thứ các nghệ sĩ và công chúng phương Tây đã bỏ qua hàng thế kỷ. Trong mỹ thuật là tượng trưng, ấn tượng, trừu tượng, sắp đặt. Trong âm nhạc là các dòng nhạc có gốc dân gian, có gốc bình dân hoặc điện tử, thậm chí khơi lại dòng nhạc lãng mạn, nhạc trữ tình từng sôi động một thời. Trong văn học là cuộc đua làm mới lại chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa tân hình thức và nhiều trường phái cận đại khác. Người ta không còn bằng lòng chung nhau một chiếc ô nữa mà chia đường rẽ ngả nào cấu trúc luận, cá nhân luận, bản thể luận, hậu hiện đại luận… Những người tôn vinh phương pháp sáng tác hậu hiện đại cũng nhiều màu sắc. Ngay đến nội hàm của từ hậu hiện đại là gì cũng đang bùng nổ nhiều cuộc tranh luận gay go, chưa ai chịu ai. Xu hướng tự “cởi trói”, tự do trong lựa chọn khuynh hướng, trường phái sáng tác từ lâu đã trở nên quen thuộc ở phương Tây, khi vào Việt Nam, tuy còn dò dẫm nhưng đã mở ra một không gian sáng tạo rộng thoáng, mới mẻ hơn, cho phép nhiều năng khiếu trở thành tài năng, thỏa mãn nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng nghệ thuật. Và đến lượt mình, công chúng nghệ thuật ở Việt Nam cũng đổi mới, ít định kiến hơn trong rất nhiều lĩnh vực, từ đó thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật.

Tuy thế, cũng không thể xem thường những ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa phương Tây đối với nền văn hóa, hẹp hơn là văn học nghệ thuật của nước ta. Tình trạng xuống cấp về đạo đức, văn hóa hiện nay ai cũng thấy rõ. Nguyên nhân dẫn đến điều đó chủ yếu từ chủ quan, từ “nội sinh” nhưng cũng không thể xem nhẹ những bụi bặm, ruồi muỗi cùng với hương thơm ùa vào nước ta từ khi mở cửa. Xu hướng tách văn học nghệ thuật khỏi những tác nhân xã hội, khỏi chính trị trong sáng tác cũng như thưởng thức đã xuất hiện ở chỗ này chỗ khác có nguồn gốc từ phương Tây. Xu hướng bạo lực, xu hướng sex hóa nhiều quan hệ xã hội đang ngày càng phổ biến. Người ta đang nói đến một cuộc “cách mạng” trong tình dục với rất nhiều điều đáng phiền lòng, làm băng hoại thuần phong mỹ tục và để lại rất nhiều tệ nạn, có một phần được cổ súy bởi ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây. Người ta cũng nói việc đề cao đồng tiền như một giá trị vạn năng, những quan niệm dung dưỡng cho chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa yêng hùng cực đoan… cũng có phần nguồn gốc từ phim ảnh, ca nhạc, tiểu thuyết của bên ngoài, chủ yếu từ phương Tây. Cuối cùng, tác hại hơn cả, nó hạ thấp những thành tựu văn nghệ cách mạng, nó làm rạn vỡ và thu hẹp đội ngũ công chúng, hình thành một thị hiếu, một lối sống, một hệ tư tưởng chối bỏ dân tộc, sùng ngoại, chạy theo những giá trị tiêu cực trong văn hóa ngoại lai.

Xu thế hội nhập để cùng phát triển, trong đó có hội nhập văn hóa là không thể đảo ngược. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam không nên và không thể là một ốc đảo về văn hóa. Chủ động hội nhập, chắt lọc mọi tinh hoa văn hóa bên ngoài, kể cả tinh hoa văn hóa phương Tây để làm phong phú mình là ích nước lợi nhà. Nhưng đẩy nhanh quá trình hội nhập không có nghĩa là hội nhập lấy được. Muốn tiếp thu được cũng cần phải học, cần có một trình độ nào đó để đón nhận và từ chối. Gần đây, còn có tiếng nói tỏ ý tiếc rẻ một số thành tựu văn hóa thực dân vì ta thắng trận mà phải ngừng lại, tiếc rẻ cho một giai đoạn lịch sử khá dài chỉ được phép phát triển một dòng văn hóa nên đã làm thui chột khá nhiều năng lượng của nền văn hóa nước nhà. Những tiếng nói ấy là phiến diện, không có căn cứ, nếu không nói rằng nói lấy được

Theo V.D.T. / VĂN NGHỆ CÔNG AN (2013)

Tags: ,