⠀
Hiểm họa từ chủ nghĩa dân túy trong bối cảnh thế giới hiện nay
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy làm cho thế giới thêm bất ổn. Hiện nay, chủ nghĩa dân túy cũng được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân, đánh vào tâm lý, quan điểm của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo tranh thủ quần chúng. Đây có thể hiểu là sự phát triển về khái niệm, hay là “chủ nghĩa dân túy mới” (Neo-populism).
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4/2017.
Năm 2016, “chủ nghĩa dân túy mới” trỗi dậy từ châu Á sang châu Âu và châu Mỹ như: Rodrigo Duterte ở Philippin; “Brexit” ở Anh; Donald Trump ở Mỹ và đang tiếp tục tấn công vào các thành trì châu Âu. Thách thức hiện nay là tìm cách ngăn chặn sự xói mòn trật tự quốc tế và xây dựng lại hệ thống toàn cầu trên cơ sở bền vững hơn.
Bối cảnh sự “quá độ” của thế giới hiện nay
Quá độ về trật tự thế giới: Trật tự thế giới là trạng thái tương đối bền vững về tương quan lực lượng giữa các chủ thể quốc tế chính trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Thế giới cận hiện đại đã trải qua 3 trật tự là: Trật tự Viên (1815-1914); Trật tự Vecxay-Oasinhtơn (1919-1939); Trật tự Yanta (1945-1989). Chiến tranh lạnh đã kết thúc hơn 1/4 thế kỷ và thế giới vẫn đang trong bối cảnh vận động hướng tới “đa cực”. Đây là đặc điểm lớn của thế giới đương đại.
Trong hơn 1/4 thế kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến một thế giới phân cực, với một siêu cường ở vị trí thống trị và rất nhiều cường quốc khu vực vươn lên mạnh mẽ. Trật tự đó, tuy duy trì được một sự ổn định tương đối trên toàn cầu nhưng không ngăn được những cuộc xung đột và những cuộc chiến tranh khu vực ngày càng có tính chất phức tạp hơn. Các cuộc chiến ở Kosovo, Afghanistan, Iraq hay mới đây ở Lybia và Syria; các biến động chính trị, xã hội to lớn ở Ai Cập, Lybia… đã làm đảo lộn trật tự địa chính trị ở Balkan, Nam Á, Bắc Phi, Trung Đông và làm “bùng lên” những ngọn lửa xung đột âm ỷ về sắc tộc, tôn giáo, những hình thức xung đột mà trước đây nhiều nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế đã không tính đến trong các dự đoán tình hình. Ở góc độ quyền lực, cạnh tranh giữa các nước lớn vẫn rất gay gắt, khốc liệt nhưng không dẫn đến chiến tranh quy mô lớn – chiến tranh thế giới. Khi độ gay gắt của mâu thuẫn giữa các nước lớn đến “đỉnh điểm”, thì họ chuyển sang thỏa hiệp với nhau để bảo vệ lợi ích của quốc gia, phe nhóm, tập đoàn, hoặc đẩy mâu thuẫn xung đột sang “nước thứ ba” hay “khu vực khác”, biến những nơi này thành địa bàn giao chiến, “thi thố” sức mạnh của vũ khí, công nghệ chiến tranh mới… Xung đột ở Ucraina hay nội chiến ở Sirya thời gian qua là những minh chứng cho điều này.
Khi trật tự thế giới chưa được xác định, thì tương quan so sánh lực lượng giữa các chủ thể quốc tế chính được phản ánh trong Cục diện thế giới. Trong đó, tương quan so sánh giữa các nước lớn như Mỹ – Trung Quốc; Mỹ, NATO – Nga hay Mỹ và cuộc chiến chống khủng bố quốc tế trên tất cả các lĩnh vực là đáng chú ý nhất. Tuy nhiên, điều nghiêm trọng nhất về an ninh mà chúng ta phải đối mặt trong quan hệ quốc tế hiện nay là sự nổi lên mạnh mẽ của những thách thức an ninh phi truyền thống, bên cạnh những nguy cơ bất ổn từ sự cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc, các nước vẫn rất cần sự hợp tác giải quyết những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Điểm khác căn bản trong so sánh lực lượng với giai đoạn quá độ trước đây là: tính phức tạp, đan xen giữa cạnh tranh và thỏa hiệp; giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; sự nguy hiểm trong “biến hình”, “di căn” của thế lực khủng bố và tính kém hiệu quả của cuộc chiến hiện nay…
Sự phát triển của kinh tế tri thức theo hướng toàn cầu hóa và bước đầu của cách mạng công nghiệp 4.0
Nếu như trước đây cuộc khủng hoảng thừa 1929-1933 có lý thuyết “bàn tay hữu hình” của nhà kinh tế học Keynes là giải pháp hữu hiệu, thì cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ 2008 đến nay vẫn chưa tìm được “thuốc giải” hữu hiệu. Các giải pháp theo lý thuyết Keynes trước đây được các chính phủ tư sản đưa ra như “gói cứu trợ” hay “thắt lưng buộc bụng” chỉ là “giải pháp tình thế” không những không chữa “khỏi bệnh” mà còn làm bùng phát các phong trào xã hội mới như: “phong trào chiếm phố Wall” ; “phong trào chống toàn cầu hóa” hay “Brexit”…
Những thành tựu mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt các thể chế hợp tác, hội nhập khu vực, toàn cầu trước những thách thức lớn, phải điều chỉnh lại cả về cấu trúc lẫn nguyên tắc vận hành cho đủ mạnh, thích ứng với những biến đổi để tiếp tục phát triển. Trong năm 2016, việc nước Anh lựa chọn “Brexit” tách khỏi EU sau 40 năm gắn kết để mong muốn có sự phát triển và an ninh hơn, đặt Liên minh châu Âu trước nguy cơ tan rã nếu không cải tổ lại.
Những hệ lụy từ quá trình toàn cầu hóa trong giai đoạn “quá độ” cũng đang có nguy cơ bùng phát và trầm trọng thêm. Cụ thể: sự phân hóa giàu nghèo do kinh tế thị trường và toàn cầu hóa đem lại hiện nay không còn ở mức độ quốc gia mà đã ở tầm châu lục – toàn cầu. Cuộc khủng hoảng di cư từ châu Phi nghèo đói, Trung Đông chiến tranh loạn lạc sang châu Âu mấy năm qua là thí dụ. Thêm vào đó, sự lớn mạnh thành “nhà nước” IS và “biến hình, di căn” của lực lượng khủng bố quốc tế hay như sự “co vào bên trong” của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng là những minh chứng cho nhận định này.
Như vậy, thế giới hiện nay với những “sự quá độ” đang trở nên bất ổn, “mong manh” dễ đổ vỡ. Bối cảnh mà thế giới đang phải đối mặt như đã nêu ở trên là: khủng hoảng kinh tế; nợ công; khủng hoảng di cư; làn sóng khủng bố Hồi giáo cực đoan, xung đột, chiến tranh; nghèo đói, thất nghiệp… chính là “mảnh đất tốt” để chủ nghĩa dân túy nảy sinh và phát triển.
Chủ nghĩa dân túy và những hệ lụy khó lường
Thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” được sử dụng rộng rãi kể từ những năm 1890, khi phong trào dân túy của Mỹ thúc đẩy người dân nông thôn và Đảng Dân chủ chống lại những người Cộng hòa thường sống ở đô thị. Thuật ngữ nàycũng được sử dụng để đề cập đến phong trào dân túy của Nga vào cuối thế kỷ XIX, chủ yếu bao gồm các trí thức tự ghét bỏ tầng lớp mình và đồng cảm với giai cấp nông dân. Trong những năm 1950, các học giả và các nhà báo bắt đầu sửdụng thuật ngữ này một cách rộng rãi hơn để mô tả các phong trào chính trị khác nhau từ chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản châu Âu tới chủ nghĩa chống cộng McCarthy của Mỹ và chủ nghĩa Peron của Áchentina. Một số học giả liên kết chủ nghĩa dân túy với sự thất vọng về sự sụt giảm của địa vị hoặc tài sản, một số khác lại liên hệ với nỗi niềm hoài cổ của các nhà dân tộc chủ nghĩa; số khác lại coi nó như là một chiến lược chính trị. Đến năm 2004, Cas Mudde, nhà khoa học chính trị Trường Đại học Georgia, đã đưa ra định nghĩavề chủ nghĩa dân túy, coi đây là một “hệ tư tưởng mỏng”, chỉ đơn thuần xây dựng nên một khuôn khổ: một dân tộc trong sạch chống lại một tầng lớp tinh hoa mục nát (đốilập nó với chủ nghĩa đa nguyên, một chủ nghĩa chấp nhận tính hợp pháp của nhiều nhóm khác nhau). “Hệ tư tưởng mỏng”này có thể được gắn liền với tất cả các hệ tư tưởng “dày” với nhiều nội dung đa dạng hơn, chẳng hạn như CNXH, chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng chống đế quốc hoặc chống phân biệt chủng tộc, nhằm giải thích thế giới và biện minh cho những mục tiêu cụ thể(2).
Như vậy, có rất nhiều cách hiểu khác nhau về chủ nghĩa dân túy. Song, có thể hiểu, chủ nghĩa dân túy cũng được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân, đánh vào tâm lý, quan điểm của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ quần chúng. Đây có thể hiểu là sự phát triển về khái niệm hay là “chủ nghĩa dân túy mới” (Neo-populism).
Thế giới hiện nay rất khó phân định một nhà dân túy cánh tả hay cánh hữu, một người tôn trọng luật pháp hay vô chính phủ. Bởi chủ nghĩa dân túy giống như một cách thức tìm kiếm quyền lực hơn một lý tưởng chính trị. Những nhà dân túy thường có một điểm chung: có sức hút cá nhân, có tài hùng biện và thuyết phục được số đông. Thời điểm để họ tỏa sáng thường là những lúc người dân trong xã hội phải đối mặt với những khó khăn do suy thoái kinh tế, bất ổn an ninh. Năm 2016 vừa qua là năm “chủ nghĩa dân túy mới” trỗi dậy, nhiều nhà dân túy đã giành được các vị trí quyền lực cao nhất, hoặc gây ra những thay đổi lớn trên chính trường quốc gia.
Ở Philippines, Rodrigo Duterte – nhà lãnh đạo theo đường lối dân túy khi trúng cử Tổng thống vào tháng 5-2016 đã thể hiện phong cách lãnh đạo cứng rắn của mình. Trước đó, ông Duterte là thị trưởng thành phố Davao, với chiến dịch truy quét bàn tay sắt, ông đã giúp thành phố này từ một trọng điểm buôn bán ma túy trở thành một trong những nơi an ninh ổn định nhất đất nước. Trở thành Tổng thống, ông đã mở rộng những chiến dịch này ra phạm vi toàn quốc, cho phép cảnh sát bắn tại chỗ bất cứ nghi can nào chống đối không chịu ra hàng. Theo đó, cảnh sát đã tiêu diệt hàng trăm nghi phạm buôn bán ma túy có hành vi chống đối người thi hành công vụ; hàng trăm người khác cũng đã trở thành nạn nhân của các vụ giết người ngay tại chỗ, không cần đến phán quyết của tòa án. Không chỉ cứng rắn trong chiến dịch truy quét tội phạm, ông Duterte còn cứng rắn trong mối quan hệ đồng minh lâu năm với Hoa Kỳ và ông khẳng định sẽ đi tìm kiếm đường lối đối ngoại độc lập hơn với nước Mỹ. Sau hơn nửa năm tại vị, Tổng thống Duterte đã nhận được những đánh giá trái chiều. Cựu Tổng thống Fidel Ramos và nhiều đồng minh chính trị khác đã từng ủng hộ ông Duterte ra tranh cử Tổng thống thì giờ đây cho rằng, những gì tân tổng thống đã làm là “đáng thất vọng”. Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò do cơ quan khảo sát “Trạm Thời tiết Xã hội” (SWS – Philippines) tiến hành từ ngày 24 đến 27-9-2016 đối với 1.200 người Philippines, có tới 76% số người được hỏi bày tỏ “hài lòng” về sự thể hiện của ông Duterte trên cương vị Tổng thống Philippin, trong khi chỉ có 11% không hài lòng, số còn lại chưa có ý kiến dứt khoát(3).
Ở Anh, cuộc trưng cầu ý dân tháng 6-2016 đã gây sốc cho toàn thế giới sau khi người dân Anh chọn rời EU thay vì ở lại dù kết quả thăm dò trước đó luôn cho thấy phe ở lại thắng thế. Làn sóng ấy không dừng lại mà đã và đang tiếp tục tấn công vào các thành trì châu Âu, từ Italy, Áo, Hà Lan đến Pháp và Đức. Thái độ bất mãn của người dân với các vấn đề từ chênh lệch giàu nghèo, người nhập cư sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lá phiếu, kéo theo là những hệ lụy khó có thể dự đoán cho năm bầu cử 2017.
Toàn cầu hóa và vấn đề người di cư đã làm thay đổi thị trường việc làm và thống kê dân số ở phương Tây. Trên khắp châu Âu, từ Hà Lan đến Ba Lan, từ Thụy Điển đến Italy, những nét tương đồng với tình hình những năm 1930 của thế kỷ trước đã trở nên rất phổ biến. Hiện một loạt phong trào dân túy đang tìm cách nổi dậy chống lại giới tinh hoa chính trị ở thành phố, cũng như chống lại Ủy ban châu Âu. “Cú sốc Brexit” và kết quả trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp tại Italy khiến nhiều người lo ngại về tác động của nó đối với một châu Âu vốn chất chứa nhiều khủng hoảng. Cuộc trưng cầu ý dân ở Italy có thể châm ngòi cho cuộc bầu cử sớm nổ ra trên toàn châu Âu. Hà Lan sẽ tổ chức bầu cử trong tháng 3-2017 và chính đảng chống người Hồi giáo của ông Geert Wilders có thể giành chiến thắng lần đầu tiên, cho dù tình hình chính trị chia rẽ ở quốc gia này có thể cản trở ông thành lập một chính phủ liên minh.
Nước Pháp cũng sẽ bỏ phiếu lựa chọn một tổng thống mới vào tháng 5-2017. Chủ tịch Đảng Mặt trận Dân tộc, bà Marine Le Pen được cho là sẽ tiến vào vòng hai để “so găng” với nhân vật bảo thủ Francois Fillon (Đảng Cộng hòa). Mùa thu năm 2017 này, Thủ tướng Đức Angela Merkel (năm 2015 đã mở cửa tiếp nhận hàng loạt người tị nạn) một lần nữa sẽ ra tranh cử. Trong khi từ lâu phải đối mặt các phong trào dân túy đang ảnh hưởng sâu rộng ở các nước láng giềng, bà Merkel giờ đây còn phải đối phó với sự trỗi dậy của Đảng AFD (đảng chống người nhập cư và người Hồi giáo). Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận dự đoán bà Merkel sẽ thắng cử và bà Le Pen sẽ thất bại, nhưng điều đó vẫn có thể thay đổi.
Ở Mỹ, ông Donald Trump với khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ hùng mạnh trở lại”, tác động mạnh mẽ đến những cử tri “cảm thấy bị bỏ lại đằng sau bởi toàn cầu hóa”, đã được bầu làm Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Thực tế là có 58%/69% cử tri da trắng bầu cho ông D.Trump(4). Ông D.Trump sử dụng những lý lẽ như việc Mỹ tham gia vào những hiệp định thương mại (NAFTA,TPP,…) là lấy mất việc làm của người Mỹ cho người nước ngoài, người nhập cư. Ông Trump cũng chủ trương bài ngoại, không chấp nhận người nhập cư và quy kết cho người nhập cư, đặc biệt từ Mexico, là những “kẻ tội phạm” và cấm toàn bộ người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ. Điều đó đã tác động vào tâm lý của những cử tri bảo thủ, cảm thấy mất an ninh và quyền lợi của mình bị đe dọa bởi những người nhập cư, trong bối cảnh khủng bố ngày càng gia tăng và quyền lợi của những người Mỹ da màu được chú trọng hơn nhiều.
Lý giải về xu hướn gủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa dân túy, nhiềuchuyên gia cho rằng, nguyên nhân là bất bình đẳng kinh tế trong bối cảnh thế giới nhiều thay đổi: kinh tế tri thức gia tăng; tự động hóa kỹ thuật ngày càng phát triển, ngành công nghiệp sản xuất sụp đổ; dòng lao động, hàng hóa, con người và vốn gia tăng quy mô toàn cầu; mạng lưới an sinh xã hội suy giảm, chính sách thắt lưng buộc bụng ngày càng phổ biến. Bất bình đẳng kinh tế và nghèo khổ trong số những người bị bỏ lại đã châm ngòi cho tâm lý bất mãn của dân chúng với hệ thốngchính trị.
Phong trào dân túy hiện nay được mô tả như một “cuộc chiến giai cấp mới” giữa những người hưởng lợi từ một thế giới toàn cầu hóa với những người cảm thấy bị bỏ lại phía sau.
Tầng lớp trung lưu mới, những người cảm thấy bị các tầng lớp tinh hoa bỏ rơi là lực lượng quan trọng trong sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Họ có chung một cơn oán giận sâu sắc đối với những người mà họ nghĩ là coi thường họ. Điều đó đã thúc đẩy sự ra đời chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Trong những trường hợp cực đoan, điều này có thể dẫn đến chế độ độc tài, với các “bạo chúa” được tự do theo đuổi những huyễn tưởng kỳ quái với cái giá được trả bởi hàng triệu người nằm dưới quyền kiểm soát của họ. Nhìn vào làn sóng dân túy trong năm qua, có thể nhận thấy xu hướng đáng lo ngại là chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang thắng thế, và điều này có thể đảo ngược một số đường lối tích cực mà các quốc gia đang theo đuổi như sự bình đẳng giới, bình đẳng kinh tế, sự bao dung giữa các dân tộc và xu hướng hợp tác quốc tế.
Do vậy, thách thức đặt ra cho chính trị quốc tế trong thời điểm này không phải là việc hoàn tất xây dựng trật tự thế giới tự do theo cách thức thông thường mà là tìm cách xây dựng lại hệ thống toàn cầu trên cơ sở bền vững hơn. Trật tự quốc tế cần được xây dựng không chỉ dựa trên sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo và sự cân bằng quyền lực cũng như chính trị, mà còn phải căn cứ vào sự tự do lựa chọn của các cộng đồng dân tộc, những cộng đồng cần được bảo vệ trước thế giới bên ngoài và muốn được thụ hưởng những lợi ích của việc tham gia trật tự quốc tế đó.
————————————
Chú thích:
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.71.
(2) Dẫn theo: “What is populism?”, The Economist, 19-12-2016, http://nghiencuuquocte. org.
(3) Theo TTXVN: baotintuc.vn, ngày 6-10-2016.
(4) Anh Nguyễn: “Người giàu bỏ phiếu cho Trump”, http://news.zing.vn, ngày 10-11-2016.
Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
Tags: Chủ nghĩa dân túy, Nghiên cứu quốc tế