Góc nhìn quốc tế: Việt Nam đang theo chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản?

Trong một thời gian dài Việt Nam đã bị giới cánh tả, đặc biệt là cánh tả ở phương Tây chỉ trích vì họ cho là Việt Nam đã từ bỏ nguyên lý chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Marx-Lenin để ủng hộ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do.

Nguồn: How Socialist is Vietnam?; Otelo Carvalho; Medium; 18/4/2018.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.

“Marx là một nhà phân tích tuyệt vời, nhưng ông không cho chúng tôi công thức để điều hành một đất nước… Chủ nghĩa xã hội là bất cứ điều gì mang lại hạnh phúc cho người dân”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời cuộc phỏng vấn của Stanley Karnow ở Hà Nội năm 1995.

Năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam phát động cải cách kinh tế thị trường. Những cải cách được biết đến với tên Đổi Mới này nhắm tới việc hỗ trợ sự dịch chuyển từ một nền kinh tế tập trung sang “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” bằng cách kết hợp hoạch định của chính phủ với các động cơ thị trường tự do.

Kể từ khi các hoạt động Đổi Mới và “chủ nghĩa xét lại” bề ngoài của Đảng được giới thiệu, trong một thời gian dài Việt Nam đã bị giới cánh tả, đặc biệt là cánh tả ở phương Tây chỉ trích vì họ cho là Việt Nam đã từ bỏ nguyên lý chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Marx-Lenin để ủng hộ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. Qua bài viết này, tôi sẽ phân tích về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, và xác định những chỉ trích nhằm vào Đảng Cộng sản Việt Nam có căn cứ hay không.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Thuật ngữ chính thức để chỉ hệ thống kinh tế đang tồn tại ở Việt Nam hôm nay là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Để hiểu được cơ sở lý luận của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đầu tiên bạn phải hiểu khái niệm các giai đoạn đầu và giai đoạn tiên tiến của chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội được phân biệt bởi các lực lượng sản xuất chưa phát triển ngăn cản sự phát triển xa hơn của chủ nghĩa xã hội. Năm 1986, khi Đại hội Đảng toàn quốc lần 6 khởi đầu những cải cách kinh tế Đổi Mới, thuật ngữ chính thức của Đảng miêu tả tình trạng hiện tại của Việt Nam lúc đó là, Việt Nam đang ở “giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội”, và để tiến lên, một nền kinh tế định hướng thị trường tạm thời sẽ tồn tại ở Việt Nam để phát triển các lực lượng sản xuất.

Các cải cách kinh tế dạng này, nhìn bề ngoài thì có vẻ mang tính xét lại hoặc chệch hướng, nhưng chúng không phải là một khái niệm mới trong chủ nghĩa Marx-Lenin. Theo theo Lenin năm 1921: Khi chúng ta không thể chuyển đổi trực tiếp từ sản xuất nhỏ lên chủ nghĩa xã hội, không thể tránh khỏi một loại chủ nghĩa tư bản nào đó như là sản phẩm cơ bản của nền sản xuất và trao đổi nhỏ. Vì vậy, chúng ta phải sử dụng chủ nghĩa tư bản (đặc biệt là định hướng nó sang các kênh của chủ nghĩa tư bản nhà nước) làm liên kết trung gian giữa chủ nghĩa xã hội và sản xuất nhỏ, như một phương tiện, một con đường, một biện pháp gia tăng các lực lượng sản xuất.

Tóm lại, Việt Nam phải ứng dụng các yếu tố của chủ nghĩa tư bản thị trường để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế cần thiết nhằm nâng cao năng lực sản xuất của cải/tư bản của Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam làm điều này bằng cách cho phép cơ chế thị trường tồn tại ở Việt Nam dưới sự giảm sát chặt chẽ của nhà nước hoặc thông qua các doanh nghiệp vốn nhà nước (SOE) trong một số ngành then chốt như viễn thông, năng lượng, ngân hàng (hiện có khoảng 2.000 SOE mà nhà nước kiểm soát với tỉ lệ lớn, và 780 SOE mà nhà nước kiểm soát 100%. Tuy nhiên, danh sách đầy đủ các SOE không được Việt Nam công bố).

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cho phép tư bản tư nhân phát triển chỉ tới mức độ mà nó vẫn đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của toàn bộ đất nước và phục vụ các lợi ích giai cấp lớn hơn của người lao động. Trong hệ thống này, đa số các công ty và doanh nghiệp không độc lập với chính phủ, thay vào đó, họ được giám sát bởi nhà nước của người lao động.

Cũng đáng để đề cập đến việc Việt Nam đang xây dựng một hệ thống sức khỏe phổ quát. Cuối năm 2014, khoảng 71,6% dân số có bảo hiểm sức khỏe. Thông qua hệ thống bảo hiểm, hiện tại chính phủ Việt Nam trợ cấp 100% lệ phí bệnh viện cho cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, người cận nghèo sống ở các khu vực khó khăn và tối thiểu 80% cho các diện còn lại.

Các chỉ số sức khỏe ở Việt Nam và Trung Quốc trong 20 năm từ 1990-2010. Nguồn: ADB / World Bank.

“(Thời điểm năm 2002) Việt Nam là một quốc gia ‘thu nhập thấp’ (GDP bình quân đầu người 430 USD), nhưng các chỉ số sức khỏe và giáo dục ngang bằng, hoặc tốt hơn một số nước ‘thu nhập trung bình’ như Thái Lan (2.000 USD), Trung Quốc (1.148 USD), Philippines (1.000 USD), và vượt các nước nghèo tương tự như Bangladesh (400 USD), Pakistan (499 USD), Kenya (395 USD), Tanzania (308 USD)”

Michael Karadjis, Tiến sĩ quan hệ quốc tế và khoa học chính trị, giảng viên các môn khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Tây Sydney.

Một số điểm khác cần xem xét là một hệ thống kiểm soát giá ban đầu với một số sản phẩm và dịch vụ nhất định như thuốc, sữa, gạo, sữa công thức, vé máy bay, và có thể cái quan trọng nhất là, mọi đất đai đều thuộc sở hữu tập thể và được nhà nước Việt Nam quản lý. Nếu một cá nhân khát khao “mua” đất từ nhà nước, họ chỉ có thể thuê nó. Các quyền đất đai ở Việt Nam được đánh giá là một trong những quyền yếu kém nhất theo các tiêu chuẩn tư bản chủ nghĩa, là lý do để các nhóm cánh hữu như Heritage Foundation xếp loại Việt Nam là quốc gia “hầu như không tự do” về mặt tự do kinh tế.

Trong nền kinh tế Việt Nam, kiểm soát giá cũng là một áp lực mạnh, nhất là trong khu vực nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất gạo. Ở một đất nước có tới 75% lượng hấp thu calorie hàng ngày đến từ gạo, kiểm soát giá trong ngành gạo để đem lại quyền tiếp cận công bằng tới gạo và các thực phẩm khác vẫn là cần thiết. Vai trò của kiểm soát giá ở Việt Nam cũng đi theo một hướng khác so với các nhà nước nghiêng về chủ nghĩa xã hội như Venezuela. Ví dụ, nhà nước Việt Nam đã thiết lập kiểm soát giá trên giá bán gạo trong nội bộ Việt Nam dưới giá trị thị trường toàn cầu, tuy nhiên, với gạo xuất khẩu thì chỉ có số lượng được kiểm soát, còn giá thì không. Điều đó đem lại một kết quả đáng chú ý: sự cân bằng thị trường về giá gạo trong và ngoài Việt Nam, và như thế, Việt Nam không phải trải qua tình trạng thiếu gạo như các nền kinh tế thị trường khác thường gặp do kiểm soát giá (như trường hợp Venezuela). Trong trường hợp này, chúng ta có thể thấy cách mà chính phủ Việt Nam đã lên kế hoạch và điều tiết nền kinh tế thị trường một cách tập trung, trong khi vẫn giữ được các lợi ích thị trường, tránh các bất lợi của nó.

Khi cơ chế thị trường được đưa vào Việt Nam, những bất bình đẳng kinh tế trỗi dậy là không tránh khỏi. Do đó, có một khoảng cách đáng kể giữa người giàu và người nghèo ở Việt Nam. Đây là một mâu thuẫn quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và những người Marxist phải thừa nhận điều này và phê bình nó. Tuy nhiên, cũng có một điều quan trọng khác cần nhận ra là, nhiều cải cách Đổi Mới xuất phát từ sự cần thiết về mặt kinh tế vì sự sinh tồn của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Các cải cách Đổi Mới cũng đã giảm đáng kể tỉ lệ đói nghèo ở Việt Nam, hơn 40% trong 10 năm. Và cho đến tháng 4/2018, ước tính tỉ lệ đói nghèo ở Việt Nam là 8,4%, tỉ lệ thất nghiệp 2,2%.

Trong khi Đổi Mới đã đem đến một số bất công qua các hệ thống “chi trả của người dùng” cho các dịch vụ xã hội thiết yếu, những bất công đó cũng luôn được giảm bớt nhiều nhất có thể ở mỗi cấp độ. Khi các lực lượng sản xuất tăng trưởng, có thêm nhiều thứ giúp người dân cải thiện cuộc sống hơn. Không có Đổi Mới, hàng triệu người sẽ phải chết vì đói nghèo và bệnh tật.

Nếu bỏ qua thực tế chủ quan ở Việt Nam, chính quyền xã hội chủ nghĩa đã mang đến cho đất nước này những gì mà Pháp, Mỹ và các đồng minh như Australia không thể đem lại cho miền Nam Việt Nam trong 30 năm chiến tranh tàn bạo nhằm tiêu diệt chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Ngược lại, Đảng Cộng sản Việt Nam và người dân đã tiếp tục xây dựng nền tảng chủ nghĩa xã hội mạnh mẽ hơn cho Việt Nam, và là một ví dụ tiêu biểu cho chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21 về mặt quốc tế

–  Hamish Chitt, nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa Australia, nhà sáng lập Stand Fast, tổ chức cựu binh chống chiến tranh Afganistan và Iraq.

Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều 4, chương 1.

Đảng Cộng sản Việt Nam tự nhận mình là đảng tiên phong và tổ chức dựa trên các nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất quán với hệ tư tưởng Marx-Lenin. Đảng Cộng sản Việt Nam được nhiều nơi xem là tương đối dân chủ hơn các đảng Cộng sản cầm quyền khác như Đảng Cộng sản Trung Quốc. Căn cứ của lời ca ngợi này là sự lãnh đạo dựa trên sự đồng thuận và dân chủ bên trong đảng, cả hai đều là những đặc điểm của một đảng Marxist-Leninist.

Đảng Cộng sản vẫn khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội là hệ tư tưởng khoa học và ưu việt nhất, và chủ nghĩa xã hội cùng với chủ nghĩa Marx-Lenin sẽ giải phóng loài người khỏi bất công, bóc lột.

Năm 2011, Đảng đã tóm lược định nghĩa về cách hiểu chủ nghĩa xã hội của mình như sau:

– Mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội là giải phóng con người khỏi mọi ách bóc lột và nô dịch kinh tế về tinh thần, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện;
– Cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội là những lực lượng được tạo ra bởi cách sản xuất tiên tiến, hiện đại
– Chủ nghĩa xã hội là từng bước xóa bỏ chế độ tư hữu TBCN và thay đổi phương thức sản xuất
– Chủ nghĩa xã hội tạo ra một loại hình lao động mới và các tổ chức lao động có kỷ luật và năng suất cao
– Chủ nghĩa xã hội thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động
– Nhà nước trong chủ nghĩa xã hội là nhà nước dân chủ kiểu mới, thể hiện bản chất giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích, quyền lực và ý chí của nhân dân lao động;
– Trong một xã hội xã hội chủ nghĩa, các quan hệ giai cấp – dân tộc được giải quyết thông qua sự kết hợp tinh thần đoàn kết giai cấp và quốc tế- chủ nghĩa dân tộc được thay thế bằng chủ nghĩa quốc tế

Đảng Cộng sản Việt Nam cũng duy trì quan hệ thân thiện với các đảng cộng sản khác trên thế giới, hiện có quan hệ với trên 100 đảng cộng sản và công nhân, thường xuyên gửi và nhận đại biểu đến/từ các hội nghị đảng Cộng sản quốc tế.

Trên thực tế, nếu những người chỉ trích về chủ nghĩa xã hội hiện hành thật sự xem xét trường hợp Việt Nam, họ sẽ thấy phong trào phản kháng lan rộng trong công nhân và nông dân mang tính hợp tác với đảng Cộng sản để cải thiện chủ nghĩa xã hội hơn là chống lại nó. Nhà nước đã thay thế các lợi ích tư bản, cả trong nước lẫn nước ngoài để hướng tới các lợi ích giai cấp của người dân, và đảng Cộng sản hoạch định nền kinh tế để giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng của người lao động trước tiên và trên hết

– Nhà nghiên cứu Vince Sherman.

Văn hóa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Quan điểm ở giáo dục bậc cao của Việt Nam là việc nắm chắc các nguyên tắc và tư tưởng xã hội chủ nghĩa cũng quan trọng như xây dựng năng lực tri thức, do đó, tư tưởng Hồ Chí Minh và các môn khoa học Marx là bắt buộc và chiếm 12% tổng số giờ học trong chương trình đại học và sau đại học.

Chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội vẫn chiếm ưu thế rộng rãi trong văn hóa Việt Nam. Có vô số ví dụ về nghệ thuật và các biểu tượng xã hội chủ nghĩa trong không gian công cộng, tòa nhà chính phủ ở khắp Việt Nam. Có thể thấy các tranh ảnh cách mạng như chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng Lenin trong các trường học, gia đình Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là nếp nghĩ tập thể của người dân Việt Nam, ý thức xã hội chủ nghĩa vẫn đang có sức sống và sống tốt ở Việt Nam.

Tại các trường học Việt Nam, các cấp học phổ thông đã được giới thiệu về tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Marx-Lenin. Còn ở cấp đại học, các môn về chủ nghĩa Marx là bắt buộc và cần có để nhận bằng cử nhân. Trên thực tế, năm 2013, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành nghị định 74/2013/NĐ-CP trong đó có quy định miễn học phí cho các sinh viên tham gia khóa học 4 năm về chủ nghĩa Marx-Lenin và các tác phẩm của Hồ Chí Minh ở các trường đại học do nhà nước điều hành.

Một điều thú vị là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hàng năm đều tổ chức Olympic chủ nghĩa Marx-Lenin, cuộc thi quốc gia kiểm tra kiến thức của các sinh viên về chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đến ngày hôm nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được gọi bằng danh xưng “Bác Hồ”. Mỗi ngày, người Việt Nam từ mọi miền đất nước vẫn đến lăng Bác Hồ ở Hà Nội để thể hiện lòng kính trọng của mình. Trong chuyến đi gần nhất đến Việt Nam, tôi đã xếp hàng chờ 3 tiếng để viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trẻ em Việt Nam cũng được dạy để kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù điều này xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc hơn là chủ nghĩa cộng sản, vẫn có một điều quan trọng và đáng chú ý, đó là phần lớn người dân Việt Nam vẫn tôn trọng các cuộc đấu tranh do đảng Cộng sản lãnh đạo để hình thành nên đất nước Việt Nam hiện đại.

Kết luận

Thông qua bài viết này, tôi muốn đem lại một lời giải thích rất ngắn gọn về cách thức mà chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại ở Việt Nam. Có một điều quan trọng phải thừa nhận là, tại Việt Nam vẫn có sự bất công, và hệ thống xã hội chủ nghĩa thị trường hiện tại chưa hoàn hảo. Nhưng lập luận cho rằng Việt Nam đã hoàn toàn từ bỏ nguyên lý chủ nghĩa Marx-Lenin cho thấy một sự thiếu hiểu biết toàn diện về tình hình chính trị – kinh tế hiện nay của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã đối diện với một nhiệm vụ gần như bất khả thi, đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội và sau cùng là chủ nghĩa cộng sản trong một nhà nước liên tục bị chủ nghĩa đế quốc phương Tây tấn công. Và như vậy, những người cánh tả khắp thế giới nên có những sự hỗ trợ cần thiết cho Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam.

>> Tài liệu tham khảo

REDSVN.NET

Tags: , , ,