‘Giỏi việc nước đảm việc nhà’ – sức nặng từ lời khen dành cho phụ nữ Việt

“Toàn dân, toàn quân giỏi việc nước đảm việc nhà”, cả nam và nữ, mới là công bằng. Chứ “giỏi việc nước đảm việc nhà” là một lời khen chết người. Khen phụ nữ, nhưng trên thực tế là đặt một gánh nặng kinh khủng lên vai họ. 

Trích từ phần trả lời trong cuộc Tọa đàm Phụ nữ tham chính của báo Vietnamnet với bà Tôn Nữ Thị Ninh và bà Đỗ Thùy Dương năm 2015.

– Có một tư duy mặc định, đó là, cứ nói đến phụ nữ Việt Nam là phải ‘giỏi việc nước đảm việc nhà’. Làm sao giải bài toán này, tôi thấy khó quá. Là một người phụ nữ nhiều năm tham gia chính trường, bà Ninh có thể chia sẻ gì với những phụ nữ trẻ?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Năm 2013 tôi có tổ chức một bàn tròn chủ đề ‘Bức trần vô hình’ về những cản trở, hạn chế sự vươn lên của phụ nữ, không chỉ trong chính trị mà cả kinh tế, ngoại hình. Lúc đó mọi người bình luận xung quanh khẩu hiệu truyền thống ‘giỏi việc nước đảm việc nhà’.

Tôi cho rằng khẩu hiệu ấy đã lỗi thời, đưa ra cách đấy mấy chục năm trước thống nhất  thì có ý nghĩa. Đến nay mà vẫn cứ nguyên xi khẩu hiệu đó thì không phù hợp. Một ông GS nói nửa đùa, nửa thật: “toàn dân, toàn quân giỏi việc nước đảm việc nhà”, cả nam và nữ, mới là công bằng. Chứ ‘giỏi việc nước đảm việc nhà’ là một lời khen chết người. Khen phụ nữ, nhưng trên thực tế là đặt một gánh nặng kinh khủng lên vai họ.

Tôi có nói “tại sao không nêu khẩu hiệu như thế với nam giới, tại sao cứ nói câu đó chỉ với chị em?”. Nói cách khác, ngày nay không thể chấp nhận tư duy là việc nhà, hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của phụ nữ. Cái khẩu hiệu đó phải nói là trách nhiệm của toàn thể thành viên gia đình. Phụ nữ nên trút bớt gánh nặng đó bằng cách dụ dỗ, thuyết phục ông chồng rằng hạnh phúc gia đình thì người chồng cũng cần phải góp phần xây đắp.

Tôi gọi đó là nghệ thuật lãnh đạo gia đình của người phụ nữ, làm sao mà người đàn ông cảm thấy dễ chịu, không ngượng với bạn bè. Tại vì có những người bạn trai hay khích bác, hay mỉa mai ông nọ ông kia khi giúp đỡ vợ. Việc này tôi cho là trách nhiệm để đạt được sự cân đối hơn và chia sẻ một cách nghệ thuật chứ không phải 50/50 đâu.

– Bà Đỗ Thùy Dương: Không biết chúng ta có nên dùng từ ‘trách nhiệm’ trong câu chuyện gia đình hay là dùng từ ‘quyền lợi’. Mỗi người khi tham gia vào đời sống gia đình đều có hạnh phúc ở đó. Họ có thể thành công ở đâu đó, nhưng về với gia đình là hạnh phúc. Nếu họ góp sức cùng vợ con chuẩn bị một bữa ăn tối  hay cùng nhau dạy dỗ con cái, theo dõi chúng trưởng thành, đó là quyền lợi.

Cuối con đường nhìn lại chúng ta sẽ còn cái gì nếu như ta không có những giây phút chung tay cùng xây dựng tổ ấm? Vậy có khi truyền thông nên gọi đó là quyền lợi. Nếu như nam giới không tham gia họ sẽ mất đi một nửa cuộc sống.

Người ta nói là cân bằng không có nghĩa là 50/50 mà là sự kết hợp hài hoà giữa sự nghiệp, yếu tố xã hội và yếu tố gia đình. Có lẽ cũng là một cái cách để giới truyền thông dùng cái nhãn khác đi một chút. Đúng như cô Ninh nói: toàn dân là người đảm đang, giỏi giang trong mọi khía cạnh cuộc sống.

Theo VIETNAMNET

Tags: , ,