⠀
Giới hạn nào cho lòng tham của con người?
Nơi nào lòng tham bất chính nổi lên như một vấn nạn phổ biến, nơi đó chắc chắn luật pháp chưa đủ mạnh hoặc luật pháp bị bẻ cong bởi những kẻ chưa từng tri chỉ và tri túc.
Trên bức tường hai bên cổng ở các ngôi trường Việt xưa thường đề hai từ: “Tri chỉ” và “Tri túc”. Cha tôi giải thích, nghĩa là sống trên đời phải biết dừng và biết đủ. Biết dừng là phải tự biết tài mình, lực mình, sức mình, hoàn cảnh thực tại, để biết dừng lại không tiếp tục một tham muốn. Điều này đòi hỏi nỗ lực dùng lí trí, sự phân tích của bản ngã. Nhiều người làm được. Nhưng biết đủ? Thế nào cho đủ? Con người ai cũng thèm muốn, nghèo thì muốn giàu, giàu muốn giàu nữa; ở vị trí thấp muốn leo lên cao, cao rồi muốn cao nữa. Lòng tham vốn là bản năng của con người. Nếu vì tham mà bất kể đạo lý, pháp luật thì nghĩa là không biết đủ.
Hồi nhỏ, những lời dạy ấy chỉ như một dòng âm thanh trượt qua tai tôi rất nhiều lần mà không hề đọng lại.
Năm 1988 tôi sang Đức. Rồi Bức tường Berlin đổ, nhà máy giải tán, chúng tôi ra đường đi buôn. Khi ấy Đức vẫn chưa quyết định việc ở lại lâu dài của đám thợ khách. Ai cũng sợ đột ngột phải về nước nên cố gắng kiếm tiền với bất cứ giá nào. Chúng tôi buôn lậu thuốc lá, tìm mọi cách trốn thuế hàng quần áo và các vật gia dụng khác, bất chấp luật pháp sở tại. Việc buôn bán mang lại lợi nhuận rất lớn nên sinh ra đủ tệ nạn. Những phe nhóm băng đảng tìm mọi cách tranh giành khống chế địa bàn có thể bán hàng nhiều nhất và nhiều cuộc thanh trừng đẫm máu xảy ra trong người Việt. Đi đêm lắm có ngày gặp ma. Nước Đức mới thống nhất không chú ý tới tệ nạn của người Việt, sau thống nhất 5-6 năm, người Đức quản lý xã hội lại, chặt chẽ hơn, nên việc buôn gian bán lậu bị ngăn chặn bằng các chiến dịch quy mô lớn. Nhiều người Việt bắt bị phạt, bị thu cả ôtô, tiền và hàng hóa lậu khá nhiều. Nhiều kẻ bị phá sản, bị trục xuất về nước.
Hình ảnh đám bạn bè cùng buôn bán bị còng tay lên lưới B40 nơi cửa chợ, trước hàng trăm người dân Đức qua lại làm tôi thấy nhục nhã. Tôi đấu tranh ghê gớm lắm và nhận ra cái sự tham của mình đã đến điểm đỉnh, đã cận kề sự nguy hiểm. Khi ấy, tôi mới nhớ tới lời cha, quyết định bỏ buôn bán thuốc lậu và từ đó, sống thanh thản hơn nhiều.
Một điều quan trọng khác là khi kiếm tiền quá dễ thì con người ta cũng tiêu phá nó một cách vô lối, kèm theo nhiều hậu họa. Những đồng tiền bẩn ở giai đoạn cuối thập kỷ 1990 của người Việt ở châu Âu đã mang đầy bi kịch: nhiều gia đình tan nát. Tôi nhận ra, những kẻ nào không có kiến thức kinh tế, không hiểu biết về thương trường, chỉ làm a dua, làm ăn bất chính để giàu xổi cuối cùng đều thất bại thảm hại.
Xã hội Việt Nam từ khi đổi mới, chuyển từ bao cấp sang kinh tế thị trường là đất tốt để thỏa mãn khát vọng làm giàu của người Việt. Rất nhiều tấm gương vượt khó, vượt hoàn cảnh mà làm giàu một cách chân chính từ khả năng của mỗi người. Những người ấy, nắm bắt được thời, kiên trì và thông minh đã tạo nên khối của cải lớn, thậm chí rất lớn. Đấy là điều nên làm và tốt đẹp. Nhưng cũng không hiếm kẻ lợi dụng hoàn cảnh đường lối kinh tế, kẽ hở luật pháp để làm giàu bất chính. Ai cũng có lòng tham, nhưng những kẻ có chức có quyền mới có điều kiện tham nhũng. Họ thu vén được số tài sản khủng khiếp đủ để xây lâu đài, biệt thự, sống xa hoa quanh những người dân khổ sở, còng lưng đóng thuế. Xã hội đối mặt với nhiều vấn đề tiêu cực, từ chuyện bơm nước, bơm hóa chất vào từng con tôm kiếm lợi cho tới sự tồn tại khó loại bỏ của những nhóm lợi ích cấu kết chặt chẽ với nhau…
Sống gần hết đời người, đã quan sát đủ dài những người sống quanh mình, tôi nghiệm ra rằng, lòng tham là bản năng, rất khó nhìn thấy giới hạn. Nhưng mỗi cá nhân vẫn có thể chế ngự bản thân bằng sự tri túc, tri chỉ. Mỗi xã hội vẫn có thể dựng lên những bức tường vô hình chặn con người vượt khỏi giới hạn của lòng tham bằng pháp luật – công cụ được sinh ra để điều chỉnh hành vi con người và các mối quan hệ xã hội.
Nơi nào lòng tham bất chính nổi lên như một vấn nạn phổ biến, nơi đó chắc chắn luật pháp chưa đủ mạnh hoặc luật pháp bị bẻ cong bởi những kẻ chưa từng tri chỉ và tri túc.
Theo NGUYỄN VĂN THỌ / VNEXPRESS
Tags: Quan điểm sống, Con người và xã hội