Giới hạn chịu đựng và phát triển bền vững: Tương lai nào cho Việt Nam?

Chúng ta đang ở dưới đáy giới hạn sinh tồn, và cái gì cũng vậy, khi đã chạm ngưỡng giới hạn chịu đựng, nếu không có những thay đổi hợp lý thì sẽ dẫn đến những biến động to lớn và hệ quả có thể kéo dài đến nhiều thế hệ.

Giới hạn chịu đựng và phát triển bền vững: Tương lai nào cho Việt Nam?

Trong thời gian qua, Việt Nam đang đối diện với nhiều vấn đề lớn liên quan đến kinh tế, văn hóa, xã hội và con người. Môi trường ngày càng khắc nghiệt, bị ô nhiễm nặng nề hơn. Kinh tế phát triển vẫn phập phù, mong manh và thiếu hiệu quả, những căn bệnh kinh niên như tham nhũng, lũng đoạn, gian lận, vẫn chưa giải quyết được. Xã hội có nhiều vấn đề bức xúc, niềm tin của người dân ngày càng giảm thiểu. Đời sống văn hóa đang bị những trào lưu thời thượng xâm chiếm, nhiều sự kiện văn hóa trở nên thiếu văn hóa, tốn kém và phản cảm. Nền giáo dục yếu kém, con người bị mai một, đạo đức xã hội bị xuống cấp nghiêm trọng. Tất cả những biểu hiện đó đang đặt ra một vấn đề: Việt Nam đang ở đâu và sẽ phải làm những gì trong “kỷ nguyên phát triển bền vững”?

Giới hạn chịu đựng hay giới hạn sinh tồn và phát triển bền vững

Giới hạn sinh tồn hay giới hạn chịu đựng là một ý tưởng không hề xa lạ. Mỗi vật chất đều có một giới hạn tồn tại riêng mà khi vượt qua giới hạn đó nó sẽ thay đổi sang một thể trạng khác hay bị hủy diệt. Giới hạn sinh tồn chính là môi trường đảm bảo sự tồn tại và phát triển của các vật chất và các tổ chức do con người tạo ra. Nhân loại cũng có giới hạn sinh tồn nhất định và các quốc gia, các tổ chức xã hội cũng vậy. Giới hạn chịu đựng của các quốc gia, các tổ chức và của toàn nhân loại không chỉ là một con số cố định mà nó có thể được thay đổi thông qua sự tương tác. Sự phát triển của khoa học, công nghệ tạo điều kiện để mở rộng giới hạn sinh tồn của toàn nhân loại nói chung, các quốc gia, các cộng đồng nói riêng. Nhưng cũng chính vì sức ép ngày càng tăng lên theo cấp số nhân của sự phát triển càng kéo nhân loại đi về phía dưới đáy giới hạn chịu đựng. Điều đó đang đặt con người vào nguy cơ tận diệt nếu không giải quyết những vấn đề nhằm giảm sức ép lên các nguồn lực của sự sống và mở rộng giới hạn sinh tồn của chính mình.

Hiện tại, Trái Đất đang ở đáy giới hạn chịu đựng. Mái nhà chung của nhân loại đang đứng trước tình cảnh nguy hiểm, yếu tớt và dễ bị tổn thương. Công nghiệp hóa đã đè nặng lên bề mặt Trái Đất một khối lượng bê tông, sắt thép khổng lồ: những thành phố chục triệu dân, những cao ốc trăm tầng đang mọc lên trên đất liền, những con tàu triệu tấn đang chạy khắp các đại dương… Trái Đất đang gồng mình lên gánh cả nhân loại. Bề ngoài nhìn vào thấy nó béo phì hơn, hào nhoáng hơn nhưng trong lòng nó lại chịu sức ép nặng nề hơn, bị cắt xẻ, rút ruột… Chính sự phát triển của các quốc gia đã đưa con người đối diện với nguy cơ tự diệt. Chẳng có một thế lực nào ngoài Trái Đất tiêu diệt con người mà chỉ có con người Trái Đất tự tiêu diệt mình. Do vậy, phát triển bền vững là cách con người nỗ lực vượt qua nguy cơ tự diệt bằng cách tăng cường khả năng tái tạo của Trái Đất và nâng cao sự thích ứng, phục hồi của xã hội loài người. Đây có thể coi là một chiến lược khắc phục hậu quả của quá trình phát triển ồ ạt và thiếu tính toán về sự lâu bền của nhân loại.

Vấn đề giới hạn chịu đựng của Trái Đất và các xã hội đã được một số nhà nghiên cứu quan tâm từ cuối thập kỷ 1960, giữa lúc cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang lên đến đỉnh cao. Năm 1972, tại Hội nghị lần thứ nhất của Liên Hợp Quốc về Bảo vệ môi trường, Dennis Meadows thay mặt một nhóm tác giả trình bày báo cáo “Những giới hạn tăng trưởng” (The limits to growth). Báo cáo này đã đặt ra vấn đề làm sao để phát triển không chỉ cho hiện tại mà còn cho cả thế hệ sau, tức là vấn đề phát triển bền vững. Ngay khi ra đời, các tác giả của báo cáo này đã bị xua đuổi như những kẻ lập dị. Gần hai thập kỷ sau, khi Liên Hợp Quốc ra công bố chương trình phát triển bền vững và kêu gọi các quốc gia hưởng ứng hành động về phát triển bền vững trên ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Sự kiên quyết của Liên Hợp Quốc cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều quốc gia làm cho nhiều người tin tưởng rằng tình hình sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như vậy, ngay chính tác giả của “Những giới hạn tăng trưởng” cũng không đặt niềm tin vào vấn đề này như chính Dinnis Meadows chia sẻ: “Khi sử dụng thuật ngữ “Phát triển bền vững” – thuật ngữ mà thực ra tôi cho là tự mâu thuẫn – thì tôi cố gắng biểu đạt một ý nghĩa phù hợp với cách hiểu của đại đa số mọi người. Ở chừng mực mà tôi có thể nói, những ai sử dụng thuật ngữ phát triển bền vững, ý của họ cơ bản là một pha của sự phát triển mà ở đó người giàu vẫn cứ giàu, nhưng mọi người nghèo đều vẫn có thể bắt kịp. Hoặc là, người ta vẫn có thể tiếp tục duy trì hoạt động [khai thác và tiêu thụ] như bình thường, nhưng nhờ vào phép màu công nghệ mà thiệt hại cho môi trường giảm bớt, và tiêu tốn ít tài nguyên hơn. Nhưng dù hiểu theo cách nào thì cũng chỉ là ảo tưởng. Cả hai đều không còn khả thi nữa. Có thể vẫn còn khả thi vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước, nhưng đến giờ thì không. Chúng ta hiện đang khai thác ở mức 150% khả năng chịu đựng của Trái Đất”[1].

Và quả thật, sau hơn một phần tư thế kỷ hưởng ứng và thực hiện các chương trình phát triển bền vững, nhiều hội thảo cấp Liên Hợp Quốc đã diễn ra và nhiều cam kết đã được thông qua. Nhưng môi trường chỉ ở mức hạn chế sự tác động, còn khả năng phục hồi vẫn là một dấu hỏi lớn cho cả nhân loại. Các quốc gia vẫn tiếp tục xung đột và chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt trên phạm vi toàn thế giới. Sự xung đột văn hóa và tôn giáo diễn ra thường xuyên, gay gắt và ngày càng được vũ trang hóa. Trong các xã hội, người nghèo vẫn nghèo và người giàu càng giàu thêm, khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu sắc hơn… Tất cả những điều đó cho thấy chúng ta chưa thể lạc quan về một kỷ nguyên phát triển bền vững cho toàn nhân loại. Có chăng là con người, với tài nguyên trí tuệ và sức mạnh khoa học công nghệ có thể mở rộng giới hạn sinh tồn của mình.

Phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay?

Việt Nam là một trong những nước hăng hái tham gia chương trình phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Xin được điểm qua một số mốc quan trọng trong quá trình tiếp nhận phát triển bền vững của nước ta:

Năm 1992, Việt Nam tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Môi trường và Phát triển ở Rio de Janeiro (Brazil)  và tiếp nhận quan điểm, khái niệm phát triển bền vững. Năm 2002, Việt Nam tiếp tục tham gia Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững (còn gọi là Hội nghị Rio +10 hay Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg) tại Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi) và tiếp tục cam kết thực hiện chương trình phát triển bền vững, ký kết Chương trình nghị sự 21 toàn cầu. Ngày 17/8/2004, Việt Nam thông qua bản Định hướng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam (hay còn gọi là Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam). Năm 2005, thành lập Hội đồng Phát triển bền vững Quốc gia theo Quyết định số 1032/QĐ-TTg ngày 29/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp theo đó mở rộng thành lập các Ban chỉ đạo phát triển bền vững ở các ngành, địa phương và các doanh nghiệp. Năm 2012, tham gia Hội nghị cao cấp của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững (Hội nghị thượng đỉnh Rio + 20) tại Rio de Janeiro (Brazil) và tiếp tục cam kết thúc đẩy các chương trình phát triển bền vững. Nhà nước còn đưa ra danh mục 19 lĩnh vực được ưu tiên để phát triển bền vững. Các chính sách của nhà nước về phát triển bền vững được các cơ quan, bộ ngành và các tổ chức xã hội hưởng ứng. Có thể nói, về mặt đường lối thì Việt Nam đã tích cực tham gia và tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Nhưng kết quả thực hiện lại làm cho nhiều người hoài nghi về tính hiệu quả của các dự án.

Về nhận thức, không phủ định là trong nhiều năm qua, nhận thức của người dân về phát triển bền vững được nâng cao. Các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học cơ bản và cả khoa học ứng dụng đều được gắn liền với quan điểm phát triển bền vững. Nhà nước cũng ưu tiên nhiều hơn cho các nghiên cứu theo định hướng phát triển bền vững. Các nhà nghiên cứu cũng tự ý thức về phát triển bền vững trong những nghiên cứu của mình nhằm đạt được những hiệu quả nhất định trong quá trình thực hiện dự án. Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh việc xây dựng và tổ chức các quy trình sản xuất theo hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó là sự tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân quan điểm, ý nghĩa của phát triển bền vững. Kết quả là có nhiều chương trình, dự án nghiên cứu đã tạo ra được sản phẩm tốt, mang tính bền vững trong quá trình sản xuất, vừa ít tổn hại môi trường, vừa có hiệu quả kinh tế.

Định hướng phát triển bền vững cũng tạo được những nguồn cảm hứng mới cho các nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp trong việc hoạch định nghiên cứu và phát triển, tạo điều kiện để khắc phục một số tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một hiện thực bi quan: nhiều chương trình nghiên cứu khoa học đã gắn “phát triển bền vững” vào để dễ xin ngân sách trong khi nội dung vẫn không có nhiều thay đổi so với trước; những nghiên cứu thực chất, những mô hình bền vững vẫn còn rất hạn chế trong việc đưa vào thực tiễn. Những cam kết phát triển bền vững của các doanh nghiệp vẫn chỉ tồn tại chủ yếu trên giấy tờ trong khi thực tế sản xuất lại đi ngược với quan điểm đó. Phát triển bền vững từ một định hướng quan trọng, tốt đẹp bỗng trở thành một trò chơi trình diễn con chữ, một công cụ để xin ngân sách hơn là một quan điểm mang tính định hướng cho khoa học. Về cơ bản, Việt Nam vẫn trong tình trạng kém bền vững, đang ở dưới đáy giới hạn chịu đựng.

Về môi trường: Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước một cách ồ ạt làm cho môi trường bị ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt. Với sự di cư của người Kinh lên miền núi, khai thác lâm sản quá mức và những sai sót trong quản lý, một diện tích rất lớn rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn bị tiêu diệt. Ví dụ rừng Tây Nguyên năm 1976 có 3.789.000ha thì đến năm 2012 chỉ còn 2.593.000ha, giảm mất 1.193.000ha (mất 31%). Kéo theo đó là nhiều quần thể sinh vật khác có nguy cơ bị mất theo rừng, nhiều loài thú quý đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, nhiều hương liệu, lâm sản cũng giảm và mất dần. Rừng bị mất còn ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống và văn hóa của những cộng đồng người sống ở đó. Sự phát triển công nghiệp cũng tăng sức ép lên các nguồn tài nguyên khoảng sản khác. Trong khi công nghiệp chế biến chậm phát triển thì công nghiệp khai thác được đẩy mạnh, các nguồn tài nguyên cạn kiệt do khai thác quá mức. Quy trình hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp và các khu công nghiệp làm ô nhiễm môi trường ở mức độ nặng. Nhiều dòng sông trở thành sông chết do chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp. Nguồn nước ngầm giảm và bị ô nhiễm ảnh hưởng nhiều đến đời sống và hoạt động kinh tế. Không khí cũng đang bị ô nhiễm do các chất khí thải từ các nhà máy không được xử lý, nhiều thành phố lớn đang bị ô nhiễm không khí (như ở Hà Nội vừa qua phát hiện thủy ngân trong không khí). Vấn đề ô nhiễm môi trường biển trước đây chưa được chú ý thì nay trở thành vấn đề bức xúc của xã hội khi mà những biểu hiện vừa rồi đã chứng tỏ rằng biển Việt Nam đang bị ô nhiễm và sẽ còn ô nhiễm hơn khi các cơ sở sản xuất ven biển không được kiểm soát chặt chẽ quy trình xử lý chất thải. Hệ quả là chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, hàng trăm tấn hải sản ven biển miền Trung bị chết do ô nhiễm gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Về kinh tế: Sau một thời gian đạt mức tăng trưởng khá cao thì nền kinh tế của Việt Nam bắt đầu chững lại và bộc lộ nhiều yếu kém, khó cạnh tranh và thiếu hiệu quả. Từ vĩ mô, đường lối phát triển kinh tế còn gặp nhiều vấn đề trong việc xác định thị trường và đối tác chiến lược, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, gây thất thoát tài chính lớn, và lãng phí các nguồn lực phát triển. Sự tăng trưởng kinh tế dựa trên các ngành khai thác tài nguyên đã làm cho một số nguồn tài nguyên bị khóa sổ. Quốc nạn tham nhũng trong nền kinh tế gần như không thể kiểm soát và ngăn chặn. Chỉ trong năm 2013 và 2014, đã tiến hành xét xử hàng trăm vụ án tham nhũng, trong đó có những vụ được coi là “đại án” tham nhũng như tập đoàn Vinashin, tập đoàn Vinalines, Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II), Công ty Vifon, … Tham nhũng ngày càng ăn sâu vào đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam như một tế bào ung thư hủy hoại niềm tin và sự phát triển của đất nước. Trong khi đó, lĩnh vực kinh tế tư nhân, dù có nhiều đóng góp cho nền kinh tế quốc dân trong những năm qua nhưng cũng mang nhiều tiêu cực từ buôn gian bán lận, trốn thuế, lách luật đến buôn hàng giả, hàng cấm và hàng chất lượng kém, có nguy hại đến người tiêu dùng. Cả những tập đoàn lớn đến những doanh nghiệp vừa, nhỏ đều có những vấn đề bất cập.

Về văn hóa xã hội và con người: Phát triển bền vững là hướng đến một hệ thống giá trị bền vững lấy giá trị nhân văn làm trung tâm, lấy con người làm mục tiêu. Không phủ định những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước trong ba thập kỷ qua đã làm cho người dân no ấm hơn, xã hội phát triển hơn. Nhưng nó vẫn chưa bền vững. Quản lý nhà nước đối với các vấn đề xã hội chưa hiệu quả, nhiều vấn đề cốt lõi không được giải quyết khiến cho niềm tin của người dân ngày càng giảm. Niềm tin của nhân dân đang lung lay do tham nhũng và tiêu cực quá nhiều. Và quan trọng hơn, niềm tin của con người với con người đang bị hạn hẹp, niềm tin vào sự tử tế đang ít dần. Đạo đức xã hội đang xuống cấp đến dưới đáy, khi con người sống thiếu trách nhiệm với bản thân mình, với xã hội và với đất nước. Các hoạt động văn hóa ngày càng thể hiện sự nghèo nàn trong sự thừa thãi về vật chất. Những lễ hội hoành tráng tốn kém nhưng thiếu giá trị văn hóa. Hoạt động văn hóa cộng đồng bị bỏ ngỏ, hạn chế do nhà nước tìm cách sân khấu hóa, nhà nước hóa các sinh hoạt văn hóa. Người Việt Nam ngày càng đói khát về những giá trị văn hóa nhân văn, thay vào đó là sự yếu đuối, thiếu cảm xúc, thiếu sức sống, thiếu trách nhiệm, thiếu lý tưởng nhưng lại thừa bạo lực, tham hưởng thụ. Sức đề kháng văn hóa kém nên dễ sa ngã, dễ từ bỏ cuộc và sống buông thả là thể hiện của một bộ phận trẻ hiện nay.

Chuẩn bị cho một tương lai mang tính bền vững

Trong bối cảnh hiện tại, phát triển bền vững là con đường tránh nguy cơ tự diệt và mở rộng giới hạn sinh tồn của mình qua việc nâng cao năng lực tái tạo và năng lực chịu đựng của Trái Đất cũng như của xã hội loài người. Dù chúng ta đang ở dưới đáy giới hạn sinh tồn nhưng vẫn còn những cơ sở để tin vào sự phát triển của đất nước nếu chấp nhận những sự thay đổi hợp lý. Trước hết, sự phát triển của khoa học công nghệ giúp con người giải quyết một số vấn đề như tìm ra và sử dụng các nguồn tài nguyên mới, sạch hóa quy trình sản xuất, tìm các không  gian sống mới… Bên cạnh đó, yếu tố mang tính quyết định là con người. Với sự phát triển của các mạng lưới xã hội và công nghệ thông tin, con người ngày càng có điều kiện để đóng góp ý kiến vào việc hoạch định chính sách phát triển.

Tiếng nói của người dân theo nhiều kênh khác nhau đã và đang được truyền dẫn đến các nhà quản lý một cách tích cực. Những vấn đề lớn liên quan đến môi trường, văn hóa, xã hội của đất nước đang được người dân quan tâm và góp phần thay đổi qua các quá trình phê phán xã hội. Ý thức bảo vệ môi trường, lành mạnh hóa xã hội cũng được người dân thể hiện qua những hành động cụ thể. Bằng chứng là có rất nhiều người dân đã xuống đường biểu tình để phản đối việc chặt cây xanh ở Hà Nội năm 2015 đã khiến các nhà quản lý phải nhìn nhận lại; hay hiện nay, người dân đang xuống đường lên tiếng bảo vệ môi trường biển ở miền Trung… Đó là những biểu hiện cho sự nâng cao về nhận thức của người Việt với phát triển bền vững. Nhưng chỉ từng đó là chưa đủ. Các nhà lãnh đạo, nhà quản lý cũng phải xem xét lại tính hiệu quả của các chính sách liên quan đến phát triển bền vững.

Chúng ta đang ở dưới đáy giới hạn sinh tồn, và cái gì cũng vậy, khi đã chạm ngưỡng giới hạn chịu đựng, nếu không có những thay đổi hợp lý thì sẽ dẫn đến những biến động to lớn và hệ quả có thể kéo dài đến nhiều thế hệ. Vậy nên, để hướng đến một tương lai bền vững, trước hết phải xây dựng nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật. Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý phù hợp để kiểm soát và quản lý nghiêm túc các dự án phát triển, tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững. Có cơ chế xử phạt rõ ràng đối với những vi phạm trong các hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường, xã hội và văn hóa. Cần phải tạo điều kiện để các tổ chức xã hội dân sự tham gia nhiều hơn vào hoạch định phát triển, lắng nghe những phê phán xã hội từ người dân và quan tâm đến tiếng nói của giới trí thức. Các doanh nghiệp cũng phải thay đổi quy trình sản xuất, thực hiện nghiêm túc các quy định và luật pháp về phát triển bền vững, không chạy theo lợi nhuận tức thời mà tìm đường hướng để xây dựng nền kinh tế bền vững, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Nhà nghiên cứu cũng phải làm việc nghiêm túc, góp phần nghiên cứu để đưa ra những quy trình sản xuất, mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả và lành mạnh, bền vững, tránh những trò chơi con chữ để lấy ngân sách nhà nước và đổi lại những tập báo cáo không có giá trị.

Đã đến lúc cả dân tộc phải cùng nhau hành động vì tương lai của đất nước, vì cuộc sống của thế hệ sau. Mỗi người cần tự ý thức trách nhiệm của mình đối với môi trường, với xã hội và với chính mình.

——————————–

Chú thích:

[1] “Đã quá muộn để phát triển bền vững”. http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=5081. (cập nhật ngày 14/3/2012).

Theo BÙI MINH HÀO / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN

Tags: ,