FDI và hội chứng sính ngoại của người Việt

Thị trường vốn quốc tế có thể hiểu một cách đơn giản là “chợ đầu tư”. Đã là chợ thì có mua, có bán, và không ai cho không ai bao giờ, có chăng chỉ là cho những đồng bạc lẻ cho những người ăn xin trong chợ.

Bài viết của tác giả Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài.

Năm trước, tôi có cuộc gặp với tổng giám đốc một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt Nam. Ở đó, chúng tôi chia sẻ nhiều điều về FDI – vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Chúng tôi cùng có chung nhận xét tích cực về vai trò và đóng góp to lớn của FDI đối với bộ mặt kinh tế, xã hội Việt Nam. Có lẽ những tác động to lớn của FDI với tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam không cần phải chứng minh thêm ở đây.

Nhưng cạnh đó, tôi và anh tâm đắc với nhau ở mấy điểm. Thứ nhất, theo tôi, có lẽ làm sao để giảm bớt tính “sính ngoại” với nhà đầu tư nước ngoài. Tính sính ngoại của người Việt thể hiện rõ ở thái độ tiêu dùng, với hàng ngoại, nước ngoài và cả trong ứng xử với nhà đầu tư FDI của quốc gia.

Trong câu chuyện, chúng tôi nhắc tới trường hợp của một doanh nghiệp FDI lớn đang hoạt động tại Việt Nam. Trong một hội nghị về FDI, tôi thấy vị lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề khi phát biểu câu đầu tiên đã “kính thưa, kính gửi” trọng thị đại diện tập đoàn FDI kia mặc dù có rất nhiều đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn doanh nghiệp Việt Nam, các tổ chức quốc tế quan trọng tham dự. Quan khách bối rối quay sang nhìn nhau. Đóng góp hàng năm từ doanh nghiệp nội của anh cho ngân sách gấp bảy lần doanh nghiệp vốn ngoại kia, nhưng họ luôn được đề cao quá mức ở mọi nơi.

Tôi không nhắc tên doanh nghiệp trong nước và vốn nước ngoài ở đây, vì không muốn tạo cảm giác cá nhân hóa sự việc. Nhưng độc giả hoàn toàn có thể cảm nhận và đoán được các nhân vật điển hình.

Là người làm việc hơn 30 năm trong lĩnh vực FDI, tôi khá băn khoăn về giá trị đầu tư thật của tập đoàn này so với số vốn đã đăng kí. Và quan trọng hơn, chúng ta hầu như không thể biết được số vốn thực góp, lợi nhuận và lợi ích thực sự họ thu được tại Việt Nam nhờ vào các ưu đãi về chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… hay việc họ sẽ để lại cho Việt Nam cái gì khi mà việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cũng không có.

Thứ hai, tôi nghĩ có lẽ không nên chần chừ thêm một hậu tố “có điều kiện” vào cụm từ “thu hút FDI”, lấy đó làm kim chỉ nam cho giai đoạn tới.

“Điều kiện” có nghĩa là ta có quyền mong muốn trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài đối với việc chuyển giao công nghệ, đào tạo đội ngũ người Việt tiếp thu, vận hành được các công nghệ trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đột ngột rút khỏi Việt Nam. Thực tế, chủ trương thu hút công nghệ cao từ FDI được đặt ra ngay từ những năm đầu mở cửa, nhưng đến nay, hiện thực trên các báo cáo tổng kết vẫn đang là “chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước còn hạn chế”.

Thị trường vốn quốc tế có thể hiểu một cách đơn giản là “chợ đầu tư”. Đã là chợ thì có mua, có bán, và không ai cho không ai bao giờ, có chăng chỉ là cho những đồng bạc lẻ cho những người ăn xin trong chợ. Không có nhà đầu tư nào lại chuyển giao công nghệ cao của họ cho người khác trong khi công nghệ đó vẫn mang lại cho họ lợi nhuận cao và chưa có công nghệ mới thay thế.

Vì thế, điều kiện ở đây còn có nghĩa là làm sao để các doanh nghiệp Việt được tham gia trực tiếp vào dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, nắm được công nghệ cốt lõi sản xuất ra sản phẩm, từ đó tăng được năng lực, năng suất của doanh nghiệp và người lao động Việt Nam; cũng từ đó mới nâng cao được giá trị thực của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đã đến lúc đưa ra các yêu cầu rõ ràng, rằng việc chuyển giao công nghệ cao từ các doanh nghiệp FDI sang cho các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được thực hiện ở đâu và bằng phương thức nào, khi hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài đang chiếm tới trên 70% số doanh nghiệp FDI đã đăng ký đầu tư tại Việt Nam đến nay. Chẳng nhẽ, họ đặt bàn ở ngoài cổng nhà máy (vì khó ai có thể vào trong) để chuyển giao công nghệ cao cho doanh nghiệp Việt qua đường quan tâm?

Việc chuyển hướng chính sách phải gắn với khuyến khích đầu tư thành lập các tổ chức kinh tế theo hình thức công ty liên doanh như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, hạn chế hình thức 100% vốn nước ngoài.

Cũng không nên để doanh ngiệp FDI có qui mô lớn, chiếm diện tích đất lớn đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài được tự tung tự tác trong một khu vực riêng, đến đoàn kiểm tra liên ngành muốn vào trong cũng khó. Và họ xây dựng gì, làm gì trong đó cũng không thể phát hiện kịp thời. Như việc một số công ty nước ngoài xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra sông, biển gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua là bài học rất đắt giá.

Trên toàn cầu, tốc độ tiến bộ của khoa học và công nghệ đã nhanh đến chóng mặt. Một phương pháp sản xuất, một sản phẩm mới vừa ra đời ngay sau đó đã có cái mới hơn xuất hiện và thay thế. Cùng với đó là Chủ nghĩa dân túy quay trở lại, chủ nghĩa bành trướng của nước lớn vẫn hiện hữu và ngày càng tinh vi hơn. Hình thức “xâm lấn mềm” thông qua đầu tư, thương mại, di dân cũng đã hiển hiện. Vốn đầu tư đã trở thành một vũ khí của các nước lớn trong việc mở rộng ảnh hưởng của mình.

Thế giới đã thay đổi rất nhiều sau 30 năm ta trải thảm cho vốn FDI. Trong thời gian đó, có những chính sách chúng ta đã kiên trì theo đuổi, dành nhiều tâm huyết, nhưng vẫn không đạt được mục tiêu. Không phải do chúng ta kém cỏi, mà do chúng ta chưa chịu nhìn ra bản chất của FDI là đầu tư tư nhân, là thu lời tối đa.

Thay vì tiếp tục dùng cụm từ “trải thảm”, việc chủ động chuyển hướng chính sách trong ứng xử với vốn FDI là vô cùng quan trọng, càng sớm càng tốt.

Theo VNEXPRESS 

Tags: ,