Đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt: Nhìn lại một nỗi đau

Sau ngày đất nước thống nhất, tuyến đường sắt răng cưa bị phá, các đầu máy bán lại cho Thụy Sĩ rẻ như phế liệu và đau đớn thay, chúng ta có thể sẽ phải bỏ ra hơn 17.000 tỉ đồng để khôi phục tuyến đường sắt huyền thoại này.

Bán sắt vụn

Năm 1968, tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt phải ngưng hoạt động một số đoạn do bị cài mìn. Tháng 5.1975, tuyến đường này được khôi phục nhưng chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn thì ngưng hẳn.

Năm 1986, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam đã cho công nhân tháo ray và tà vẹt để phục vụ sửa chữa đường sắt Bắc – Nam. Phần còn lại bị bán làm sắt vụn dần dần từ những năm 1980 đến 2004, khi cầu đường sắt Đ’ran bị tháo dỡ để bán sắt vụn.

Đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt: Nhìn lại một nỗi đau

Các đầu máy hơi nước độc đáo chỉ có ở Việt Nam bị bỏ lăn lóc vào thời điểm năm 1986.

Đường sắt răng cưa Tháp Chàm-Đà Lạt độc đáo bị khai tử, các trạm ga, những hầm xuyên núi trở nên hoang tàn. Các đầu máy hơi nước độc đáo chỉ có ở Việt Nam bị bỏ lăn lóc.

Trùng hợp là thời gian đó ở Thụy Sĩ, đoạn đường sắt răng cưa leo núi Furka cũng bị ngưng sử dụng do đầu máy hơi nước bị hỏng không phục hồi được.

Và năm 1985, Công ty DFB – đơn vị khai thác tuyến đường sắt này mở chiến dịch “Back to Switzerland” nhằm đưa các đầu máy hơi nước trong đó có ở Việt Nam hồi hương về Thụy Sĩ.

Năm 1990, họ đạt được sự thỏa thuận với cơ quan hữu trách ngành đường sắt Việt Nam để mua các đầu máy còn hiện hữu, kể cả những bộ sườn, toa tàu và một số thiết bị với giá rẻ mạt là 650.000 USD rồi kỳ công vận chuyển về Thụy Sĩ.

Những đầu máy hơi nước độc đáo này được tu sửa rất hoành tráng và từ năm 1993 bắt đầu đưa du khách rong ruổi vuợt dãy Alpes với giá vé lên tới 60 USD/người cho đoạn đường không tới 25 km.

Trong khi đó, tuyến đường sắt huyền thoại Tháp Chàm-Đà Lạt chỉ còn một đoạn ngắn 7km nối Đà Lạt-Trại Mát với loại đường sắt 2 thanh ray trơn như ở đồng bằng và sử dụng đầu máy chạy điện thông thường.

Và nhà ga Đà Lạt cũng chuyển đổi công năng từ vận chuyển sang phục vụ du lịch. Với tuyến đường 7 km, tàu sẽ đưa du khách khám phá phố núi với điểm cuối là Chùa Linh Phước, hay còn được gọi là chùa Ve Chai – một kiến trúc Phật giáo đặc sắc trên cao nguyên Langbiang với giá vé 150 ngàn đồng/ người.

Trớ trêu nữa là ở ga Đà Lạt hiện còn một hiện vật đầu máy hơi nước để du khách chụp ảnh lưu niệm nhưng lại là đầu máy do… Nhật Bản sản xuất chứ không phải đầu máy nguyên gốc!

Cần 7.000 tỉ đồng để phục hồi

Cách đây vài năm, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương khôi phục lại tuyến đường này trên cơ sở các thông số của tuyến đường sắt cũ với tổng vốn dự kiến khoảng… 5.000 – 7.000 tỉ đồng, thời gian hoàn thành là năm 2015. Tuy nhiên đến nay, dự án mới dừng lại ở ý tưởng và rất khó khả thi vì nhiều lý do, trong đó việc giờ tìm đâu ra đầu máy hơi nước?

Mới đây nhất, Công ty CP Thương mại – Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đề xuất khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt với kinh phí lên đến hơn 17 nghìn tỉ đồng theo hình thức đầu tư PPP.

Theo tư vấn lập nghiên cứu dự án – Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDI South), tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt được đề xuất khôi phục có điểm đầu là ga Tháp Chàm, điểm cuối là ga Đà Lạt dài khoảng 84km, đi qua địa bàn TP Phan Rang – Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Về kĩ thuật, đây sẽ là đường đơn khổ 1.000mm; Tốc độ thiết kế trên đoạn đường bằng là 60km/h, đoạn núi khi qua đường sắt răng cưa là 30km/h. Tuyến được khôi phục dựa trên cơ sở tuyến đường sắt cũ, có điều chỉnh để giảm độ dốc, với khoảng 15-17 ga, qua 5 hầm xuyên núi. Tuyến đường này sẽ kết nối với tuyến đường sắt Bắc – Nam khổ 1.000mm hiện hữu tại ga Tháp Chàm.

Về phương tiện, tư vấn đề xuất phương án sử dụng đầu máy diesel, sau này sẽ sử dụng đầu máy điện hiện đại. Còn theo đại diện nhà đầu tư Bạch Đằng, đầu máy sẽ được thiết kế hình dáng bên ngoài như đầu máy hơi nước thời Pháp và có cả bộ phận nồi hơi để phả hơi nước trong quá trình chạy tàu, nhưng không sử dụng than đốt.

Hôm nọ tôi lang thang trên mạng, bất chợt gặp ca sĩ Célina Ramsauer đang hát “Le retour de la Petite Tonkinoise” (Sự trở lại của cô em Bắc Kỳ nho nhỏ) do Georges Villard viết lời (“La petite tonkinoise”) và Vincent Scotto soạn nhạc từ 1906.

Ngẩn người bởi nhạc hay, hình ảnh trong clip còn hay hơn nhạc và quan trọng nhất, lần đầu trong đời tôi thấy hình ảnh đầu máy và tuyến đường sắt răng cưa huyền thoại từ Tháp Chàm lên Đà Lạt nay chỉ còn trong ảnh.

Sự thật là chúng ta chẳng còn lại gì ngoài những thước phim, những bức ảnh cùng những hồi ức ngẩn ngơ về những đoàn tàu chạy bằng hơi nước xình xịch, phì phò băng qua cánh rừng thông cùng những đụn khói phản phất mùi than đá, tiếng còi “hít” chói tai, những cung đường hoang phế và cụ Nguyễn Văn Liễn – người lái tàu cuối cùng nay đã gần trăm tuổi không biết còn hay mất…

Chúng ta chẳng còn gì như những ca từ đớn đau trong bài hát: “Nhưng mọi thứ diễn ra và mọi thứ đều tan vỡ/ Trái tim tôi tràn đầy nỗi buồn/ Nhưng trước khi chúng ta tách biệt/ Tôi nói với em trong một nụ hôn/ Đừng khóc nếu tôi rời xa bạn…”.

Có lẽ quyết định kỳ lạ khi cho phá bỏ tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt năm xưa của ngành đường sắt Việt Nam đã để lại cho chúng ta những vô vàn đớn đau cùng nổi ám ảnh sẽ còn trĩu nặng qua nhiều thế hệ nữa bởi những nỗ lực khôi phục có khi bất thành.

Theo HOÀNG VĂN MINH / LAO ĐỘNG ONLINE

Tags: ,