Đường mòn Hồ Chí Minh – con đường đến ngày Thống Nhất

Đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh góp phần to lớn kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, thu non sông về một mối.

Đường mòn Hồ Chí Minh – con đường đến ngày Thống Nhất

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã từng khai thông nhiều con đường để mở mang bờ cõi, bảo vệ non sông, vượt lên sự bao vây, ngăn chặn… Nhưng có lẽ đường Trường Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh là con đường vĩ đại nhất, cả trong ý tưởng và thực tế. Đó là con đường sáng tạo, đột khởi, làm thay đổi cục diện thế lực cách mạng và đi tới thắng lợi vẻ vang… Đó cũng là con đường của những con đường, con đường của gợi mở, tiếp nối những con đường…

Đại văn hào người Trung Quốc Lỗ Tấn có câu nói với đại ý: Trên thế giới này làm gì có đường. Người ta đi mãi rồi thành đường.

Không hẳn thế. Trước khi có con đường hằn trên mặt đất, đã có những con đường trong ý tưởng, con đường của ý chí. Con đường Trường Sơn 55 năm trước, trước khi thành con đường mòn có dấu chân lớp lớp chiến sỹ giải phóng hằn in trên đó, đã là con đường trong tâm tưởng của những người lãnh đạo, trong khát vọng mỗi người dân Việt Nam. Đó chính là con đường thống nhất đất nước, con đường vũ trang cách mạng. Cùng tắc biến. Con đường đi đến thống nhất hai miền Nam – Bắc bằng hiệp thương chính trị, tổng tuyển cử theo tinh thần Hiệp định Geneva đã không thể thực hiện, do đối phương tráo trở, thì con đường vũ trang cách mạng phải được tiến hành, và đường Trường Sơn mở ra, là một tất yếu lịch sử.

Đường Trường Sơn, mà sau này, chính đối phương định danh đường mòn Hồ Chí Minh, là con đường của tinh thần sáng tạo, đột khởi, bất ngờ và biến hóa không ngừng. Từ một nhóm nhỏ cán bộ soi đường, đến tiểu đoàn giao liên đầu tiên dẫn quân, đã hình thành một binh đoàn mang tên Binh đoàn Trường Sơn – Đoàn 559. Từ lối mòn men theo dãy Trường Sơn, đã hình thành hệ thống đường trục dọc, trục ngang, với đường bộ, đường sông, đường ống, dài gần 2 vạn km. Trên hệ thống giao thông này, hơn một triệu tấn hàng hóa, vũ khí được đưa vào các chiến trường; hơn 2 triệu lượt người, 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào Nam ra Bắc.

Với đối phương, đây là con đường mang đến thảm họa, báo trước sự sa lầy và thất bại. Hơn 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học đã đổ xuống; nhiều đời Tổng thống đối phương huy động nhiều bộ não siêu phàm để đối phó, ngăn chặn, nhưng đường Hồ Chí Minh vẫn cứ như gọng kìm siết chặt sào huyệt kẻ thù, chạy thẳng cả vào giấc ngủ, bữa ăn mỗi ngày của đối phương… Chiều sâu kỳ tích và chất huyền thoại của con đường được xây đắp bằng trí tuệ, mồ hôi, xương máu của hàng ngàn, vạn nhân dân, cán bộ, chiến sĩ. Tính từ ngày mở đường đến ngày thống nhất đất nước, con đường tồn tại gần 60.000 ngày đêm. Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh; hơn 3 vạn người bị thương…

Con đường xuyên qua 20 tỉnh từ Bắc vào Nam; chạy qua nước bạn Lào và Campuchia; vắt từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, từ Tây Nguyên xuyên xuống miền Đông, miền Tây Nam Bộ, nếu không có sức sáng tạo và lòng quả cảm của những người mở đường, nếu không có lòng dân chở che, bảo vệ và tiếp thêm nguồn lực, nếu không có sự ủng hộ, sẻ chia của bạn bè quốc tế thì làm sao có thể tồn tại và đến cái đích cần đến! Đường mòn Hồ Chí Minh là một kỳ tích vĩ đại thể hiện sâu sắc ý Đảng lòng dân, biểu tượng của khối đoàn kết liên minh 3 nước Đông Dương. Từ con đường trên bộ, đã có trên đường Hồ Chí Minh trên biển, đường Hồ Chí Minh trên không, vượt lên sự phong tỏa, ngăn chặn, hướng về miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh chính là con của những con đường, con đường gợi mở, tiếp nối con đường.

Đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, góp phần to lớn kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, thu non sông về một mối. Nhưng tính chiến lược, bất ngờ, sức sáng tạo, gợi mở của con đường có giá trị lâu bền, vượt thời gian…

Từ mấy chục năm trước, nhà thơ Tố Hữu đã cảm nhận về tầm vóc và sức lan tỏa con đường: “Đường mòn Hồ Chí Minh” là con đường sáng tạo/Trường Sơn cao hay địa đạo âm thầm/Cũng là linh hồn ta, từ bốn nghìn năm/ Tự xây đắp để ngang tầm thế kỷ”. Và nhà thơ Tố Hữu, trong một bài thơ sau này – Cảm nghĩ đầu xuân 2002, đã lại dự cảm: “Mở rộng con đường huyền thoại Hồ Chí Minh/Cho Tổ Quốc mai sau lên tuyến đầu nhân loại”.

Từ con đường mòn trong chiến tranh, con đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa dài hơn, rộng hơn và hiện đại gấp nhiều lần đã được các thế hệ lớn lên sau chiến tranh dựng xây, sẽ là một kỳ tích mới trong hòa bình. Nhưng, như thế chưa đủ, 55 năm trước, nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương không có quyết định dũng cảm mở đường Trường Sơn, thì sự nghiệp thống nhất đất nước sẽ cam go, quanh co như thế nào! Khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc về con đường Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay, đó là con đường trí tuệ, đột khởi, dũng cảm vượt lên tư duy giáo điều mòn cũ, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng tầm dân tộc “ngang tầm thế kỷ”, đưa dân tộc “lên tuyến đầu nhân loại”.

Theo VOV

Tags: , ,