Đừng hỏi về hay không. Hãy hỏi có làm được gì hay không?

Đừng hỏi du học sinh có trở về nước hay không mà hỏi thị trường chất xám trong nước có cạnh tranh được với thị trường nước ngoài hay không.

Du học sinh Việt Nam ở các nước trăn trở chuyện về hay ở lại nước sở tại. Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn nhân lực được đào tạo ở các nước văn minh nhưng không về phục vụ đất nước là lãng phí. Đây không phải là chảy máu chất xám mà là thất thoát chất xám. Tuy nhiên, cách nghĩ này chưa hẳn đã phù hợp với thế giới hiện đại.

Thế giới ngày càng phẳng và ngày càng “co” lại thì con người không thể đóng khung trong giới hạn của cách nghĩ cũ. Ở nơi đâu có môi trường, điều kiện làm việc tốt, khai thác được tối đa khả năng của mình, thì đó là nơi để một trí thức trẻ lựa chọn. Bởi vì thế giới ngày càng phẳng, cho nên không thể cho rằng phải làm việc trong nước mới phục vụ đất nước. Việt Nam có nhiều nhà khoa học đang làm việc tại Mỹ như Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Đàm Thanh Sơn, Lê Tự Quốc Thắng, và bằng cách này hay cách khác, họ vẫn đóng góp rất có ý nghĩa cho đất nước.

Đối với các bạn trẻ đang học ở các nước hiện nay, việc trở về Việt Nam cũng chỉ nên xem là một lựa chọn. Nếu như tìm được việc làm phù hợp ở các cơ quan, doanh nghiệp trong nước thì họ trở về, hoặc họ có thể tìm việc làm ở nước khác. Trở về mà làm việc nhận đồng lương ba đồng ba cọc, làm anh thợ cạo giấy hay viết báo cáo thi đua thì về mà làm gì. Đã có nhiều trường hợp du học trở về, vào làm việc trong các cơ quan nhà nước và thất vọng vì không làm được gì trong cái cơ chế quá cũ kỹ, quá bảo thủ và trì trệ.

Yêu nước, cống hiến là khái niệm rất chung, nó đến sau việc lập thân, lo cho gia đình mình. Người không lo được cho bản thân mình, lo cho gia đình mình, thì đừng nói đến việc giúp nước. Chính vì vậy, trí thức ở các nước lựa chọn việc trở về hay làm việc tại nước sở tại còn tuỳ thuộc vào lợi ích của chính cá nhân họ, mọi lý thuyết cao siêu khác chỉ bàn cho vui.

Thị trường nào cũng có quy luật của nó, thì trường lao động cũng có quy luật. Đó là, ai trả giá cao hơn, sẽ sở hữu chất xám cao hơn. Trả giá cao không chỉ là đồng lương mà còn những chính sách đi kèm, trong đó có chính sách đãi ngộ, sự tôn trọng, sự thăng tiến.

Nói như thế cũng có nghĩa là chính các cơ quan, doanh nghiệp trong nước đang đối diện với sự cạnh tranh trên thị trường chất xám. Cơ quan chính quyền tuyển dụng cán bộ công chức theo tiêu chuẩn hậu duệ, quan hệ, tiền tệ thì chắc chắn không có sự sàng lọc khách quan, cho nên không thể sở hữu được người có năng lực. Không có đội ngũ cán bộ chất lượng cao thì không thể có một chính quyền chất lượng cao.

Đừng hỏi du học sinh có trở về nước hay không mà hỏi thị trường chất xám trong nước có cạnh tranh được với thị trường nước ngoài hay không.

Đừng hỏi du học sinh có trở về nước hay không mà hỏi họ có làm được gì hay không.

Theo LÊ THANH PHONG / LAO ĐỘNG ONLINE

Tags: ,