Đừng giết con em bằng sức ép của tấm bằng đại học

Phần lớn các bậc phụ huynh giao cho con cái một nhiệm vụ bắt buộc, đó là phải vào đại học. Con cái mà thi rớt đại học là coi như vứt, là không còn đường sống, là không có tương lai.

Đừng giết con em bằng sức ép của tấm bằng đại học

Em Nguyễn Tấn Tài, ở thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đã tự thiêu vì thi rớt đại học. Trước khi tự thiêu, em Tài đã nhắn tin cho người thân để nói về sự thất vọng do thi rớt đại học. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột của em.Sẽ không nói hết sự đau khổ của bố mẹ em Tài khi người con trai độc nhất không còn nữa.

Nhưng thật đau lòng khi em Nguyễn Tấn Tài không phải là trường hợp học sinh đầu tiên tự tử vì thi rớt đại học. Đã có nhiều trường hợp học sinh tự tử vì chuyện thi cử, nhất là thi đại học. Báo chí cũng từng cảnh báo về tình trạng này để các bậc phụ huynh lưu ý, quan tâm đến tâm lý, tình cảm của con cái khi gặp trục trặc trong học tập, thi cử.

Nhưng có lẽ xã hội chưa đánh giá cao những cảnh báo này, dẫn đến hậu quả là trẻ em tự tử vì lý do thi cử ngày càng nhiều.

Các chuyên gia tâm lý cũng chứng minh những nông nổi của các em ở lứa tuổi vị thành niên. Các em dễ bức xúc, nổi loạn và có những hành động thiếu suy nghĩ, nhất là khi các em bị thất vọng về một điều mình đã kỳ vọng. Ở lứa tuổi này, các em cũng rất dễ bị sốc khi gặp thất bại, trong đó có thất bại về học hành.

Không biết từ lúc nào và vì lý do gì, xã hội Việt Nam rất xem trọng việc thi đại học. Phần lớn các bậc phụ huynh giao cho con cái một nhiệm vụ bắt buộc, đó là phải vào đại học. Con cái mà thi rớt đại học là coi như vứt, là không còn đường sống, là không có tương lai.

Trên thực tế, không phải đến khi thi đại học thì học sinh mới bị áp lực từ cha mẹ. Trong quá trình con cái đang đi học, cha mẹ đã đặt nặng chuyện thi cử, thành tích, và điều đó trở thành nỗi ám ảnh của con cái. Không ít trường hợp cha mẹ mắng nhiếc, chì chiết con cái vì học không giỏi như con nhà người khác.

Nếu chẳng may thi học kỳ điểm kém, hoặc thi không đổ vào trường chuyên, thì cha mẹ tỏ ra thất vọng, buồn sầu, nặng lời với con cái. Những ám ảnh đó hằn sâu vào tâm trí của đứa trẻ. Đến khi thi rớt đại học, các em coi như là chuyện trời sập, là thất bại không thể chấp nhận được, không thể sống nổi với sự chì chiết của cha mẹ.

Các em suy nghĩ chưa chín chắn, các em cứ cho rằng mình đã làm một việc “trọng tội” với cha mẹ, dòng họ. Mình không xứng đáng với sự lo toan, kỳ vọng của cha mẹ. Các em càng ngoan lại càng dễ có suy nghĩ dại dột như vậy.

Đại học không phải là cánh cửa duy nhất để đi vào tương lai, tại sao phải lấy đó làm áp lực với con cái, để từ đó có thể dẫn đến nhưng hậu quả ghê gớm, như con cái tự tử.

Có thể đối với trường hợp của em Tài, cha mẹ chưa hẳn đã tạo ra áp lực lớn đối với em. Nhưng áp lực từ phụ huynh, nhà trường, bạn bè, xã hội dồn nén lại cũng đủ để cho một học sinh có hành động thiếu suy nghĩ khi thất bại trong thi cử.

Theo LÊ CHÂN NHÂN / DÂN TRÍ (2014)

Tags: ,