⠀
Đừng để những kênh YouTube rác rưởi, độc hại làm giàu trong mùa dịch
Những kênh YouTube có nội dung vô bổ và thị phi vẫn tăng view ầm ầm mùa dịch.
Mùa dịch này nhiều người nghỉ ở nhà, ăn nằm với chiếc điện thoại và máy tính. Vậy nên nhu cầu giải trí rất cao. Nhiều người tìm đến YouTube để giải trí. Nếu như cứ hướng tới những nội dung, kênh YouTube lành mạnh thì tốt. Nhưng những kênh có nhiều tai tiếng, làm những video vô bổ, thậm chí có hại, vấp phải chỉ trích nhiều lần lại tăng view, tăng subcriber, sống khỏe.
Thậm chí có những chủ kênh tuyên bố rằng sẽ tự đóng kênh vì bị người dùng chỉ trích dữ dội. Nhưng sau một thời gian, vì nhiều lý do, kênh ấy vẫn tiếp tục tồn tại.
Tôi biết có những kênh YouTube của nước ngoài, khi chủ kênh phạm lỗi dù đã lên tiếng xin lỗi thì vẫn vấp phải sự trừng phạt của cộng đồng qua hình thức: giảm lượt người theo dõi, nhận nhiều dislike…
Nhưng ở ta, khi một kênh YouTube làm nội dung không có thông điệp ý nghĩa, không có giá trị tích cực lại tăng lượt view, tăng lượng người theo dõi thì thật khá mâu thuẫn theo lẽ thường.
Có nhiều câu hỏi và vấn đề được đặt ra và cần mổ xẻ, chẳng hạn:
– Người dùng mạng Việt dễ dãi, mau quên. Một mặt chỉ trích nhưng mặt khác lại vô tình (hay âm thầm) dung túng?
– Người dùng mạng chúng ta có quá thụ động trong việc chọn lọc và tiếp cận nội dung mình xem? Cho dù nội dung của kênh đó vô bổ, gây tiêu cực nhưng người dùng tức giận cho có phong trào hôm nay thôi, hôm khác lại vào kênh đó xem tiếp.
Nhờ thế mà chủ kênh nhờn, vẫn “sáng tạo” ra những video có nội dung độc hại. Bởi đằng nào thì view vẫn cao và nếu có bất trắc thì chỉ việc xin lỗi, tuyên bố đóng kênh rồi vài ngày sau trở lại?
Là một người dùng internet thận trọng, tôi luôn kiểm soát nội dung mà mình xem theo thứ tự ưu tiên: Tin tức – kiến thức – giải trí bổ ích, lành mạnh. Những lượt view, lượt đăng ký cần cân nhắc và chọn lọc. Bởi nếu đúng người, đúng nội dung thì nó có ý nghĩa khích lệ tác giả cần làm nhiều video bổ ích cho cộng đồng. Nhưng ngược lại, nó lại là miếng pho mát hấp dẫn những kẻ trục lợi, muốn kiếm danh và tiền thì sẽ bất chấp làm ra những video câu view.
Người ta nói nhìn danh sách bạn bè Facebook, những nội dung chia sẻ của một người có thể đánh giá người đó ra sao. Rộng hơn, nhìn nội dung nhảm nhí mà trở thành trend hoặc có hàng triệu người xem từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác thì rõ ràng có một điều gì không ổn.
Theo ĐỘC GIẢ HÙNG ANH / VNEXPRESS
Tags: Suy thoái văn hóa, Thế giới số