⠀
Dự báo chính sách đối ngoại của Donald Trump nhiệm kỳ Tống thống thứ 2
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã thay đổi hướng đi của chính sách đối ngoại Mỹ, từ gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc đến việc rút lui khỏi các tổ chức quốc tế. Khi ông tham gia tranh cử lần nữa vào năm 2024, ông hứa sẽ khôi phục chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” của mình và lần này sẽ đẩy nó đi xa hơn nữa.
Các bài luận từ các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và cả các cố vấn của Trump, bao gồm những người từng làm việc với ông trong quá khứ và hiện tại, đã xem xét nhiệm kỳ thứ hai của Trump có thể mang lại điều gì cho nước Mỹ và thế giới.
Các đồng minh của Donald Trump lập luận rằng sự khó đoán của ông là một lợi thế chứ không phải nhược điểm và là điều quan trọng trong việc đối phó với thế giới. Điều này khiến việc dự đoán hướng đi của chính sách đối ngoại dưới chính quyền của ông trở nên đầy thách thức. Trump đã đưa ra rất ít chi tiết về kế hoạch của mình đối với nhiều vấn đề trọng tâm. Tuy nhiên, theo Elizabeth Saunders, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Columbia, ông có ba “niềm tin cố định”.
Thứ nhất, ông thực sự không thích các liên minh, đặc biệt là các liên minh đa phương lớn. Thứ hai, ông không thích các thỏa thuận thương mại đa phương. Ông muốn rút khỏi các thỏa thuận này và thay vào đó là các thỏa thuận song phương. Thứ ba, ông ngưỡng mộ các chế độ độc tài. Các chi tiết cụ thể có thể khó đoán, nhưng đây là những nguyên tắc cốt lõi định hình cách tiếp cận của ông đối với thế giới.
Bên cạnh đó, trong cuộc tranh cử lần này ông Trump nhấn rất mạnh vào cương lĩnh của đảng Cộng hòa, đặc biệt theo đuổi chủ thuyết “Nước Mỹ trước tiên” và “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Chắc chắn trong quan hệ với các nước, ông Trump vẫn sẽ tiếp tục nhấn mạnh chủ thuyết “Nước Mỹ trước tiên” mà cá nhân ông theo đuổi. Cùng với đó, nếu nhìn vào cả nhiệm kỳ trước và những gì ông Trump làm, ông vẫn sẽ rất cần tranh thủ quan hệ với thế giới, đặc biệt là quan hệ với các đồng minh, đối tác.
Trung Quốc: Sự đối đầu kinh tế và chiến lược
Ông Trump luôn coi Trung Quốc là đối thủ kinh tế và chiến lược chính của Mỹ. Chính quyền của ông có khả năng sẽ khôi phục hoặc tăng cường các mức thuế và biện pháp kinh tế nhằm giảm thâm hụt thương mại và gây áp lực để Trung Quốc giảm tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng cửa hơn cho doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường 1,4 tỷ người tiêu dùng. Cũng có thể ông Trump sẽ tiếp tục khuyến khích các công ty Mỹ giảm phụ thuộc vào sản xuất từ Trung Quốc, thúc đẩy việc “tách rời” kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Irina Ipatova, chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Phân tích Kinh tế Vĩ mô và Dự báo Ngắn hạn (CAMAC), cảnh báo rằng ý định tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc của chính quyền Trump 2.0 sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu. Nếu các hành động của chính quyền Trump mới làm chậm nền kinh tế Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, thì điều đó sẽ làm giảm nhu cầu chung về tài nguyên dầu khí, từ đó tác động đến giá cả. Chuyên gia Olga Belenkaya thuộc Finam cũng chỉ ra rằng chính sách sắp tới của Mỹ thời ông Trump có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty năng lượng tái tạo và các nhà xuất khẩu từ châu Âu khiến ngành công nghiệp của EU gặp khó khăn do giá năng lượng tăng cao và sự cạnh tranh từ Mỹ và Trung Quốc.
Tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, năm 2017, ông Trump đã đưa chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào thực tế và chắc ông sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược này. Châu Á – Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vẫn là những khu vực quan trọng với nước Mỹ, với ông Trump và cả hai đảng. Hoạt động quân sự của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể sẽ được tăng cường, với trọng tâm là hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, và có thể cả Ấn Độ nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trong bối cảnh đan xen câu chuyện cạnh tranh nước lớn và tranh thủ các đối tác như thế nào nếu cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc vẫn tiếp tục và gia tăng, ông Trump vẫn cần tranh thủ các đối tác và đồng minh ở khu vực này. Tuy nhiên, cách tranh thủ của ông Trump sẽ khác so với chính quyền Tổng thống Joe Biden, đó là vẫn làm ăn kinh tế nhưng phải công bằng, sòng phẳng với nhau và ông Trump sẽ nhấn ít hơn các yếu tố về mặt chính trị, chẳng hạn như bao vây, kiềm chế Trung Quốc. Bên cạnh đó, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của ông Trump, dù có thể không bằng như trước.
Trong cuộc họp báo mới nhất hôm qua sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, bà Mao Ning, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu rằng bà muốn khẳng định rằng không có ai chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại, và thế giới cũng không được hưởng lợi vì tình trạng đó.
Các nhà phân tích cho rằng, các kênh liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc đang được vận hành dưới chính quyền của ông Biden sẽ là công cụ quan trọng để quản lý mối quan hệ luôn căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai, dưới sự cầm quyền của ông Donald Trump.
Quan hệ Mỹ – Trung dự kiến sẽ tiếp tục chi phối nhiệm kỳ thứ hai của Trump, với việc ông có thể quay lại cuộc chiến thương mại và đầu tư nhiều hơn vào sự sẵn sàng quân sự của Mỹ cho một cuộc xung đột tiềm tàng ở Thái Bình Dương. Trump cũng đã trở nên thận trọng hơn với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người mà ông đổ lỗi cho sự bùng nổ đại dịch Covid-19 và những hậu quả nghiêm trọng của nó, dẫn đến thất bại của ông trước Biden vào năm 2020.
Nga: Tương tác thực dụng hay sự cô lập mới?
Cách tiếp cận của ông Trump đối với Nga mang tính lưỡng cực. Ông đã bày tỏ ủng hộ hợp tác với Nga trong một số vấn đề và bị một số người Mỹ chỉ trích vì có phần khoan dung. Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông có thể sẽ cố gắng cải thiện quan hệ ngoại giao, dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nếu điều đó đem lại lợi ích cho Mỹ, mặc dù Quốc hội Mỹ có thể sẽ cản trở.
Tuy nhiên, quan điểm của ông Trump sẽ phụ thuộc vào hành động của Nga, đặc biệt liên quan Ukraine và các quốc gia Đông Âu khác. Nếu có thỏa thuận hòa bình hoặc giảm leo thang tại Ukraine, ông có thể khuyến khích nới lỏng các biện pháp trừng phạt; ngược lại, nếu Nga gia tăng hoạt động quân sự, nhiều khả năng ông sẽ áp dụng biện pháp cô lập kinh tế mạnh hơn. Marina Amurskaya, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga, tin rằng sẽ không có thay đổi đáng kể nào trong chính sách kinh tế của Mỹ đối với Nga. Những lời hứa của ông Trump về việc “giải quyết xung đột Ukraine” có thể liên quan đến áp lực trừng phạt đối với Nga. Bà Amurskaya nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không vội vàng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt này. Trong khi đó, Konstantin Kostin, người đứng đầu Quỹ Phát triển Xã hội Dân sự, cho biết trong 4 năm tới, Mỹ sẽ trở nên cứng rắn hơn và tính toán hơn. Ông nhấn mạnh rằng lợi nhuận sẽ trở thành cốt lõi của chính sách Mỹ trong chính quyền Trump 2.0.
Vào tháng 9/2024, ông Donald Trump, khi đó là ứng cử viên của đảng Cộng hòa đã có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine tại New York. Tại đây, ông khẳng định có mối quan hệ tốt với cả hai nhà lãnh đạo Ukraine và Nga. Ngày 27/9, ông Trump đã phát biểu rằng ông có mối quan hệ rất tốt với Tổng thống Putin. Nếu ông chiến thắng, vấn đề sẽ được giải quyết rất nhanh chóng. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã phản đối hỗ trợ tài chính và quân sự quy mô lớn của Hoa Kỳ cho Kiev và tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh. Cả hai Tổng thống Ukraine và Nga đã chúc mừng chiến thắng của ông Trump và bày tỏ mong muốn sẽ hợp tác với chính quyền mới của Mỹ.
Trung Đông: Tiếp tục tái định hướng
Ông Trump đã ca ngợi Hiệp định Abraham, văn kiện điều chỉnh quan hệ giữa Israel và một số nước Ả Rập và sẽ có thể ông Trump sẽ tiếp tục phát triển khung hợp tác này nhằm giảm bớt sự can thiệp của Mỹ trong khu vực, đồng thời vẫn duy trì quan điểm ủng hộ Israel. Ngược lại, chính quyền của ông có thể xa cách hơn với Iran, nhiều khả năng sẽ khôi phục hoặc gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế và xây dựng các liên minh khu vực nhằm hạn chế ảnh hưởng của Iran. Việc can thiệp quân sự có thể sẽ tiếp tục được hạn chế, trừ khi Iran có hành động quá khích.
Cả hai đảng ở Mỹ đều ủng hộ đồng minh Israel. Tuy nhiên, ông Trump muốn Israel phải xử lý nhanh chóng các vấn đề liên quan đến lực lượng Hamas, chấm dứt cuộc chiến ở Gaza và ông không nói gì đến câu chuyện về Palestine. Trong khi đó, chính quyền Biden – Harris nhấn mạnh đến cả hai, ủng hộ Israel nhưng cũng chỉ trích những hành động quá mức của Israel và muốn tháo gỡ cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza. Nhìn lại quá khứ, ông Trump từng muốn thúc đẩy nối lại hòa bình giữa các nước Israel và vùng Vịnh với thỏa thuận Abraham. Có thể quan điểm này sẽ trở lại, đi kèm với việc kiềm chế Iran, ủng hộ Israel chống Hamas nhưng vẫn thúc đẩy những câu chuyện của nước Mỹ liên quan đến vùng Vịnh, thúc đẩy vùng Vịnh nối lại quan hệ với Israel.
Ông Trump cũng có thể sẽ tìm cách giảm bớt cam kết quân sự của Mỹ tại các nước như Syria và Iraq, chuyển vai trò lớn hơn cho các quốc gia trong khu vực. Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump trong một cuộc phỏng vấn với Al Arabiya phát sóng ngày 20/10, đã cam kết đạt được “hòa bình lâu dài” ở Trung Đông nếu ông giành chiến thắng. Ông Trump khẳng định: “Tôi muốn thấy Trung Đông trở lại với hòa bình, và hòa bình thực sự, một nền hòa bình lâu dài và điều đó sẽ xảy ra”. Ngay sau chiến thắng của ông Trump, người phát ngôn của phong trào Hamas hôm qua tuyên bố lực lượng này muốn chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến với Israel.
Maxim Kazanin, Phó Giáo sư tại Khoa Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga, nhận định rằng nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Trump khó có thể mang lại những thay đổi căn bản cho tình hình ở Trung Đông. Về phần mình, Kirill Semenov, chuyên gia tại Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, lại cho rằng việc tiếp tục đối đầu giữa Palestine và Israel không phù hợp với kế hoạch của ông Trump. Ông Semenov hy vọng giai đoạn đối đầu ở Trung Đông sẽ kết thúc trước lễ nhậm chức vào tháng 1/2025 của ông Trump. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia ở vùng Vịnh đều sẽ đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel mà không giải quyết vấn đề Palestine. Điều này tạo ra một thách thức lớn cho ông Trump trong việc đạt được hòa bình lâu dài trong khu vực.
ThS Hoàng Việt, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, nói rằng có thể quan sát thấy Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rất vui mừng khi nghe tin ông Donald Trump thắng cử. Ở nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã có những quyết định rất táo bạo chưa ai dám làm trước đó như công nhận phần cao nguyên Golan là đất của Israel, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Đây là những điều chưa một đời tổng thống Mỹ nào quyết trước đó. Thời điểm đó, ông Netanyahu đã khen ông Trump là người bạn tốt nhất của người Israel và đặt cả một khu định cư ở Israel mang tên Donald Trump. Điều đó cho thấy thái độ của ông Trump đối với Israel, theo ThS Hoàng Việt. Quay lại thời điểm khi truyền thông đưa tin ông Donald Trump chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, Israel khi đó đã ngay lập tức phản ứng bằng cách tấn công các mục tiêu Hezbollah ở Lebanon. Israel đã tính toán và chờ sẵn cơ hội chỉ cần ông Trump thắng cử là sẽ ra tay ngay lập tức và thực tế đến nay họ đã tung đòn. Và chắc chắn trong thời gian sắp tới Tel Aviv sẽ mạnh tay hơn nữa đối với cả khu vực Trung Đông.
Về giao tranh hiện nay giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza, TS Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore), nhận định khả năng chính quyền mới của ông Trump giải quyết được xung đột Israel – Hamas là rất thấp. Lý do là bởi so với chính quyền Biden, ông Trump ít chú trọng đến giải pháp hai nhà nước và có lập trường cứng rắn hơn đối với Palestine, lại có cách tiếp cận thiếu cân bằng và không có đối thoại trực tiếp với các lực lượng của người Palestine.
Chính sách sắp tới của ông Donald Trump với Iran cũng là điều được giới quan sát quan tâm. Tờ The Times of Israel dẫn nhận định của chuyên gia địa chính trị Sergio Restelli, từng là trợ lý đặc biệt cho phó tổng thống Ý dưới thời chính quyền Thủ tướng Bettino Craxi (1983-1987), rằng ông Trump sẽ có cách tiếp cận Iran khác với cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Biden. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và áp đặt chính sách trừng phạt kinh tế gây áp lực tối đa lên Tehran. Ông Trump khi đó cáo buộc Iran gây bất ổn cho khu vực khi hỗ trợ các nhóm chiến binh và phát triển chương trình tên lửa đạn đạo. Một khi về lại Nhà Trắng, ông Donald Trump có thể tăng cường lập trường cứng rắn này, có khả năng tìm cách loại bỏ hoàn toàn tham vọng hạt nhân của Iran thông qua các hành động ép buộc hoặc đe dọa hành động quân sự. Còn nhớ trước bầu cử Mỹ, ông Netanyahu từng nhiều lần nói rằng có khả năng Israel sẽ tấn công tên lửa vào các cơ sở hạt nhân và dầu mỏ của Iran. Một khi nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Trump có thể sẽ không ngại ngần ủng hộ Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, khi việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân là cái gai trong mắt Israel và Mỹ. Bên cạnh đó, chính quyền ông Trump ở nhiệm kỳ thứ hai cũng có thể đặt mục tiêu xây dựng một liên minh rộng lớn hơn gồm các bên tham gia trong khu vực để đối trọng với ảnh hưởng của Iran.
Châu Âu và NATO: Áp lực về chi tiêu quốc phòng
Ông Trump đã chỉ trích NATO, đặc biệt là về vấn đề chia sẻ gánh nặng. Ông có thể sẽ tiếp tục yêu cầu các quốc gia châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng, thậm chí đe dọa giảm hỗ trợ của Mỹ nếu họ không đáp ứng. Quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) được dự báo sẽ căng thẳng, đặc biệt nếu xuất hiện các tranh chấp hoặc mất cân bằng thương mại, khi ông Trump có thể sẽ muốn đàm phán các hiệp định song phương thay vì giao dịch với EU như một khối.
Với châu Âu, cách làm của ông Trump có lẽ vẫn thúc đẩy quan hệ nhưng sòng phẳng hơn và cũng sẽ có những yêu cầu, đòi hỏi. Ví dụ như yêu cầu đồng minh ở châu Âu hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải chia sẻ gánh nặng liên quan đến an ninh, quốc phòng, hay là câu chuyện với các nước châu Âu hoặc nước khác ở phương Tây. Sòng phẳng, công bằng, có đi có lại cũng là điều ông Trump đòi hỏi ở các đối tác kinh tế lớn của Mỹ. Ông Trump từng yêu cầu những nước châu Âu như Pháp, Đức hoặc một số nước châu Á như Nhật là trong thương mại cũng phải minh bạch và công bằng với nước Mỹ.
Điểm đáng chú ý khác trong chính sách đối ngoại sắp tới của ông Trump là câu chuyện liên quan đến cạnh tranh nước lớn. Trong nhiệm kỳ lần trước, ông Trump đã đưa vấn đề này lên thành cạnh tranh chiến lược. Vấn đề này cũng là sự đồng thuận của hai đảng ở Mỹ, cho nên dù chính quyền nào đi nữa, cạnh tranh nước lớn vẫn sẽ tiếp tục và có lẽ cạnh tranh nước lớn theo quan điểm của ông Trump sẽ thiên nhiều hơn về kinh tế, công nghệ, thương mại để lấy lại sự công bằng và lợi ích cho nước Mỹ.
Theo Sergey Kislitsyn, Phó Giám đốc Viện Mỹ và Canada tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, tài trợ cho Ukraine có khả năng sẽ bị cắt giảm. Ông Kislitsyn cho rằng ông Trump sẽ chuyển trách nhiệm hỗ trợ Ukraine cho các đối tác châu Âu, điều này có thể dẫn đến thay đổi trong cách tiếp cận của Washington đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Mặc dù đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội, nhưng chuyên gia Kislitsyn nhấn mạnh rằng Quốc hội Mỹ sẽ không cho phép ông Trump đàm phán trong một ngày để chấm dứt xung đột Nga – Ukraine. Với câu chuyện Ukraine, ông Trump từng nhấn mạnh rằng trong mẫu chung của các cuộc khủng hoảng, nước Mỹ không muốn có những cuộc chiến vô bổ và kéo dài vĩnh viễn, mãi mãi mà không có hồi kết. Dù là câu chuyện Trung Đông hay Ukraine, ông Trump không muốn có những cuộc chiến và không muốn nước Mỹ sa lầy vào những vấn đề đó. Trong quá trình tranh cử, ông Trump từng nói có thể giải quyết câu chuyện Ukraine trong 24 giờ. Hiện chưa thể biết việc đó sẽ diễn ra như thế nào. Vào tháng 9/2024, ông Trump gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, dù không biết nội dung gì đã được trao đổi nhưng tựu trung ông Trump không muốn can thiệp vào những câu chuyện xung đột trên khắp thế giới. Ông Trump cũng từng nhắc đến việc Nga và Ukraine cần phải hòa giải. Theo đó, ông Trump có thể sử dụng viện trợ nhằm “mặc cả” với cả Ukraine và Nga để hai bên có áp lực ngừng bắn.
Nhìn chung, chính sách đối ngoại của ông Trump có thể mang tính thực dụng hơn và hướng tới việc giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia.
Triều Tiên: Tiếp tục ngoại giao cá nhân
Ông Trump từng có cách tiếp cận không chính thống với Triều Tiên, bao gồm các cuộc gặp gỡ trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông có thể sẽ tiếp tục cố gắng ngoại giao cá nhân, nhưng với các yêu cầu cụ thể hơn về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ông cũng có thể cân bằng áp lực và khuyến khích, như giảm nhẹ một số biện pháp trừng phạt hạn chế, nhằm khuyến khích Triều Tiên hợp tác mà không yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, ông Trump thời gian tới vẫn sẽ duy trì cách tiếp cận mang tính “từ trên xuống” mà ông đã áp dụng với Triều Tiên trong nhiệm kỳ trước. Ông Trump chọn cách tiếp cận “từ trên xuống” vì nó “mang tính kinh doanh”. Thay vì để các nhóm làm việc cấp dưới đàm phán rồi từng bước lên cấp cao hơn, ông Trump chọn làm việc trực tiếp từ cấp cao nhất rồi mới dần dần đến các cấp thấp hơn, nhằm thúc đẩy mọi việc trôi chảy hơn. “Đó là phong cách của ông Trump và tôi không nghĩ điều đó sẽ thay đổi trong nhiệm kỳ thứ hai. Ông ấy sẽ tiếp tục “vừa đấm vừa xoa” với Triều Tiên”. TS Nguyễn Khắc Giang – nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore), cũng cho rằng ông Trump có thể tiếp tục tiếp cận ngoại giao cá nhân với hy vọng đạt được thỏa thuận hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tương tự, TS Stephen R. Nagy – khoa Chính trị và quốc tế học, ĐH Cơ đốc giáo quốc tế (Nhật) cũng lạc quan về khả năng hai bên sẽ tổ chức các cuộc gặp song phương như hồi năm 2019. Vẫn có khả năng diễn ra một hội nghị thượng đỉnh nữa giữa ông Trump và ông Kim. Thượng đỉnh này có thể liên quan việc giảm số lượng quân Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Về phía Bình Nhưỡng, nước này có thể theo đuổi một số loại thỏa thuận hòa bình trên thực tế để đổi lấy sự công nhận quốc tế rằng Triều Tiên là quốc gia hạt nhân.
Giới phân tích ở Hàn Quốc cũng đồng tình với các quan điểm rằng ông Trump sẽ khôi phục chính sách ngoại giao trực tiếp với Triều Tiên. Tờ Korea Times dẫn lời ông Yang Moo-jin, Hiệu trưởng Trường ĐH Nghiên cứu Triều Tiên (Seoul, Hàn Quốc) rằng ông Trump khả năng sẽ khôi phục lại ngoại giao cá nhân với ông Kim Jong-un và theo đuổi phong cách từ trên xuống. Đầu tiên là tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo và sau đó là tổ chức các cuộc đàm phán ở cấp thấp hơn. Đổi lại, Triều Tiên có thể gây sức ép buộc Mỹ chấp nhận Bình Nhưỡng là một quốc gia hạt nhân và yêu cầu nới lỏng lệnh trừng phạt. GS Seo Jung-kun tại ĐH Kyung Hee (Hàn Quốc) thì cho rằng ông Trump có thể muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với ông Kim vào thời điểm giữa cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào năm 2026 và trong thời gian bầu cử tổng thống Mỹ lần tới vào năm 2028 để định hình dấu ấn đối ngoại của bản thân ông.
Dù dự đoán ông Trump sẽ tiếp tục năng nổ tiếp cận Triều Tiên như nhiệm kỳ đầu song các chuyên gia không lạc quan lắm về triển vọng hòa bình, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong nhiệm kỳ tới của ông. Dù giới chuyên gia đánh giá cao nỗ lực của ông Trump nhằm mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nhưng không đặt nhiều kỳ vọng vào những gì tổng thống Mỹ sắp tới có thể làm được. Cùng ý kiến, TS Nagy cho rằng tình hình hiện tại đã không còn như trước nên Mỹ hay bất cứ quốc gia nào muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên cần phải có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại. Rất khó để chính quyền của ông Trump hay bất kỳ chính quyền phương Tây nào có thể tác động đến chiến lược của Triều Tiên mà không phải đưa ra những thay đổi cơ bản trong chính sách đối ngoại. Để giải thích về nhận định trên, ông Nagy nói rằng Triều Tiên thời gian qua đã cho thấy sự quyết tâm trong việc theo đuổi mục tiêu củng cố khả năng răn đe hạt nhân dài hạn. Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng vị thế của Triều Tiên hiện tại đã khác trước đây, nhất là khi nước này xây dựng mối quan hệ ngày càng mật thiết với Nga.
Giới quan sát ở Hàn Quốc cũng nghi ngại triển vọng sẽ có được giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, họ còn lo khả năng chính quyền mới ở Mỹ sẽ xao lãng an ninh bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều điểm nóng xung đột như ở Ukraine và Trung Đông, chưa kể sự cạnh tranh với Trung Quốc, theo tờ Korea Times.
Chính sách ngoại thương: Ưu tiên hiệp định song phương
Ông Trump có xu hướng ưa chuộng các hiệp định thương mại song phương hơn là các hiệp định đa phương. Ông có thể tìm cách đàm phán lại các hiệp định thương mại hiện có mà ông cho là bất lợi cho Mỹ. Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nhận định rằng ông Trump không thích các cơ chế đa phương nên đã rút khỏi hiệp định TPP, vậy thì ông ấy sẽ không thúc đẩy IPEF, thậm chí khai tử luôn. Khả năng kết nối kinh tế – thương mại của Mỹ với khu vực theo khuôn khổ đa phương sẽ không còn nữa.
Thuế quan cũng có thể sẽ được sử dụng như một công cụ để gây áp lực lên nhiều đối tác thương mại nhằm đạt được các điều kiện thuận lợi hơn, đặc biệt là các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Chính quyền của ông được dự đoán tìm cách đàm phán lại điều khoản với các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu, dẫn đến căng thẳng thương mại tái phát.
Người nhập cư và an ninh biên giới: biện pháp cứng rắn hơn
Về vấn đề di dân, ông Trump có thể sẽ ưu tiên việc bảo vệ biên giới, theo đuổi việc xây dựng thêm hàng rào dọc biên giới Mỹ – Mexico và tăng cường thực thi các luật di dân hiện hành. Nhiều khả năng ông sẽ áp dụng các chính sách thị thực nghiêm ngặt hơn, đặc biệt nhằm hạn chế nhập cư từ các khu vực liên quan đến khủng bố hoặc từ các quốc gia mà ông coi là đối thủ kinh tế. Các hiệp định thương mại với Mexico và một số quốc gia Trung Mỹ có thể bao gồm các điều khoản liên quan đến kiểm soát di cư và hợp tác an ninh biên giới.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Trump đã hứa hẹn về “cuộc trục xuất lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu ông có thể thực hiện được lời hứa này hay không. Dù vào năm 2016, số người bị trục xuất dưới thời Trump nhiệm kỳ đầu thực tế lại ít hơn so với nhiệm kỳ thứ hai của Obama. Ngoài ra, một bài báo trên Wall Street Journal tuần trước tiết lộ rằng các cố vấn tiềm năng của Trump đang chuẩn bị các quy định và sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế cả nhập cư hợp pháp.
Các tổ chức quốc tế: Hạn chế tham gia
Ông Trump luôn hoài nghi các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới… và đặt câu hỏi về lợi ích của các tổ chức này đối với Mỹ. Ông có thể tiếp tục giảm tài trợ của Hoa Kỳ hoặc rút khỏi các sáng kiến mà ông thấy làm suy yếu chủ quyền của Mỹ. Các thỏa thuận liên quan đến khí hậu, như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, có thể không được ưu tiên, khi ông vẫn ủng hộ sản xuất năng lượng trong nước hơn là các cam kết môi trường quốc tế.
Công nghệ toàn cầu và quản trị kỹ thuật số: Giảm phụ thuộc vào nước ngoài
Chính quyền của ông Trump nhiều khả năng sẽ tập trung vào việc giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào công nghệ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, thông qua các chính sách khuyến khích sản xuất trong nước và hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei. Ông có thể ủng hộ các chính sách internet nhằm thúc đẩy lợi ích công nghệ của Mỹ và chống lại những quy định kỹ thuật số toàn cầu có khả năng gây khó khăn cho các công ty Mỹ.
Có thể thấy rằng, nhiều khả năng chính sách đối ngoại dưới thời Trump 2.0 sẽ mang đặc điểm của các biện pháp quyết đoán và thường đơn phương, nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ, giảm sự phụ thuộc vào các khuôn khổ đa phương và tiếp tục nhấn mạnh vào tính độc lập kinh tế và khả năng răn đe quân sự. Cách tiếp cận này có thể gây căng thẳng với các đồng minh của Mỹ trong khi tập trung vào việc kiềm chế các đối thủ chiến lược như Trung Quốc, điều chỉnh các cam kết ở Trung Đông và gây áp lực kinh tế để tái cân bằng các thỏa thuận thương mại và an ninh.
————————
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Thời sự. (2024, November 9). Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Donald Trump sẽ như thế nào? VTV.vn. Retrieved November 16, 2024, from https://vtv.vn/the-gioi/chinh-sach-doi-ngoai-cua-my-duoi-thoi-ong-donald-trump-se-nhu-the-nao-20241108234332513.htm
2. Chuyên gia: Hé lộ chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Trump 2.0 – VNews. (2024, November 9). YouTube. Retrieved November 16, 2024, from https://www.youtube.com/watch?v=mg2VnM2pWYc
3. Công Thuận. (2024, November 7). Chuyên gia Nga dự báo chính sách đối ngoại của Mỹ thời chính quyền Trump 2.0. baotintuc.vn. Retrieved November 16, 2024, from https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chuyen-gia-nga-du-bao-chinh-sach-doi-ngoai-cua-my-thoi-chinh-quyen-trump-20-20241107191715484.htm
4. Dương Khang, & Đức Hiền. (2024, November 11). Đối ngoại ông Donald Trump 2.0: Trung Đông có thôi khói lửa? PLO. Retrieved November 16, 2024, from https://plo.vn/doi-ngoai-trump-20-israel-va-trung-dong-se-the-nao-post819364.htm
5. Faruk Imamovic. (2024, 11 7). Donald Trump’s key policy changes as President elect. Financial World. https://www.financial-world.org/news/news/financial/27500/donald-trump-s-key-policy-changes-as-president-elect/
6. Frick, W. (2024, November 10). How Donald Trump Will Reshape Foreign Policy in His Second Term – Bloomberg. Bloomberg News. Retrieved November 16, 2024, from https://www.bloomberg.com/news/newsletters/2024-11-10/how-donald-trump-will-reshape-foreign-policy-in-his-second-term
7. Ngọc Diệp. (2024, November 8). Dự báo chính sách đối ngoại của ông Trump ở nhiệm kỳ thứ 2. PLO. Retrieved November 16, 2024, from https://plo.vn/du-bao-chinh-sach-doi-ngoai-cua-ong-trump-o-nhiem-ky-thu-2-post818984.html
8. Thái An. (2024, November 7). Dự đoán chính sách đối ngoại của chính quyền mới. Tiền Phong. Retrieved November 16, 2024, from https://tienphong.vn/du-doan-chinh-sach-doi-ngoai-cua-chinh-quyen-moi-post1689244.tpo
9. Thảo Vy, & Đức Hiền. (2024, 11 13). Ông Donald Trump và bán đảo Triều Tiên: Vẫn lối tiếp cận ‘từ trên xuống’? Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh. https://plo.vn/ong-donald-trump-va-ban-dao-trieu-tien-van-loi-tiep-can-tu-tren-xuong-post819535.html
10. Trump and the World. (2024, November 6). Foreign Affairs. Retrieved November 16, 2024, from https://www.foreignaffairs.com/lists/trump-and-world
11. Yaroslav Trofimov, Alexander Ward, & Lara Seligman. (2024, Tháng 11 9). Deals and Deterrence: Trump’s Foreign Policy in a Dangerous World. THE WALL STREET JOURNAL. Retrieved Tháng 11 16, 2024, from https://www.wsj.com/politics/policy/trump-foreign-policy-china-russia-iran-ukraine-8c32cdf4?msockid=2b4ac48cf48e62193e0cd082f5e863be
Theo NGUYỄN PHƯƠNG NGÂN / NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG
Tags: Donald Trump, Nghiên cứu quốc tế, Mỹ