‘Đồng phục trụ sở’ – đề xuất kỳ quặc của chính quyền Hà Nội

Khi chính quyền Hà Nội vẫn đặt chuyện làm đẹp trụ sở lên trên việc cải thiện chất lượng dịch vụ công, vốn nằm trong nhóm kém nhất cả nước theo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2017, thì người dân thủ đô có lý do chính đáng để thấy không hài lòng.

Hai năm trước, chính quyền Hà Nội đã cho thử nghiệm con phố kiểu mẫu với “đồng phục biển hiệu” ở đường Lê Trọng Tấn. Thử nghiệm này thất bại, khi chỉ một thời gian sau các cửa hàng buộc phải thân ai nấy lo, vì buôn bán bết bát do khách hàng không thể nhận diện được thương hiệu.

Hai năm sau, thành phố tiếp tục đề xuất xây dựng “đồng phục trụ sở”, lần này là mong muốn “thống nhất về hình khối kiến trúc, vật liệu xây dựng và màu sắc” trụ sở các cơ quan phường xã. Nói cách khác, Sở Xây dựng Hà Nội muốn đồng bộ hóa gần 500 trụ sở, trong đó 75 trụ sở xây mới, 136 công trình phải cải tạo nhiều và xây mới một số hạng mục, và 118 công trình cần cải tạo, sửa chữa.

Mới đây thôi, trong giai đoạn 2011-2015, nhiều trụ sở địa phương đã được cải tạo, nâng cấp với tổng số vốn trên 1.600 tỷ đồng. Con số này chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể nếu đề xuất trên được thông qua.

Hà Nội chưa bao giờ tỏ ra dư dả trong ngân sách. Thành phố này đi đầu trong việc thiết lập các dự án “đổi đất lấy hạ tầng” (BT) với lý do thiếu vốn, và trở thành tiền đề cho hàng loạt dấu hiệu bất minh khiến Thanh tra chính phủ phải vào cuộc.

Lợi ích nhãn tiền của những trụ sở có “đồng phục”, như hiện tại, sẽ là để tăng tính nhận diện, bởi đa số các trụ sở cơ quan ở Hà Nội còn khá mới vì mới được cải tạo cách đây ba năm. Lập luận này khiến tôi băn khoăn. Nói một cách thẳng thắn, phần lớn người dân đều không muốn đến trụ sở của các cơ quan công quyền, trừ khi bắt buộc phải làm vậy. Người ta sẽ tra địa chỉ rất cẩn thận trước khi đến, chứ không nhìn vào màu sắc sặc sỡ hay kiến trúc nổi trội của nó. Tìm đến một địa chỉ, người ta chỉ cần số nhà, chứ không cần dễ nhận diện như tìm hộp chữa cháy hay nhà vệ sinh công cộng.

Một trụ sở chỉ cần đảm bảo đủ điều kiện cho công chức làm việc hiệu quả, phục vụ tốt yêu cầu công việc và phụng sự người dân có nhu cầu. Hình thức của trụ sở sẽ không giúp được gì nhiều cho mục tiêu đó. Đặc biệt là khi quốc gia đang hướng tới chính phủ điện tử: tương lai đáng trông đợi và đáng đầu tư, phải là các công dân cả đời không cần biết mặt trụ sở công quyền ra sao, chỉ làm việc thông qua hạ tầng số.

Nếu giả định là đề án được đưa ra một cách hoàn toàn công minh, không mảy may có dấu hiệu nào của lợi ích nhóm, thì tôi buộc phải đặt câu hỏi về năng lực lựa chọn ưu tiên chính sách của thành phố. Mọi chính sách đưa ra đều phải dựa trên tính toán chặt chẽ về chi phí – lợi ích trong dài hạn. Đặc biệt là với chính sách về hạ tầng, nơi chi phí đầu tư sẽ là vô cùng lớn. Ở đây, ưu tiên chính sách của Hà Nội đang là “thẩm mỹ”. Sẽ ra sao nếu sau khi mặc “đồng phục” được một vài năm, cũng nhân danh thẩm mỹ, thành phố lại cho rằng mỗi trụ sở cần phải thể hiện được cá tính của từng địa phương, và lại tiếp tục cần được đưa ra sửa chữa, nâng cấp?

Đà Nẵng đã từng hân hoan với yếu tố hình thức của tòa nhà hành chính – cho đến khi nó được phát hiện ra là không phục vụ hoạt động cơ bản nhất của con người là hô hấp, bị than phiền là “thiếu không khí” – và địa phương này đòi xây tòa nhà mới.

Vấn đề  khác của đề án là nguy cơ tham nhũng, lãng phí. Xây dựng cơ bản là một trong những lĩnh vực dễ bị lợi dụng nhất.

Tôi có một người bạn năm nào cũng tìm đến trút bầu tâm sự về một cái toilet. Chị làm việc ở một cơ quan ngang bộ có trụ sở hoành tráng trên phố Lý Thường Kiệt, cách Hồ Gươm chưa đầy một cây số. Cán bộ cơ quan này vẫn chua chát đùa với nhau, không biết có “tội” gì, hay nằm đúng vị trí phong thủy xấu mà cái toilet năm nào cũng bị lôi ra sửa. Thay bồn cầu, sửa, đập cái bệ, lật gạch lên thay gạch mới – không thấy tốt hơn gạch cũ, đập cái tường ngăn đi rồi xây lại y như cũ… Cuối năm, khoản chi cho cơ sở vật chất, nhằm “nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên” mang tên “sửa nhà vệ sinh chung” khi nào cũng được hạch toán hơn một tỷ đồng. Đều như vắt chanh, suốt năm năm qua cái toilet được sửa chữa.

Trên giấy tờ, báo cáo, có lẽ nhiều lý do cấp thiết được đưa ra để giải thích vì sao toilet cần được sửa: hệ thống vòi rửa xuống cấp, gương bị mờ, hay tường cần sơn lại để tăng yếu tố thẩm mỹ. Một lần, lãnh đạo dõng dạc đọc báo cáo cho rằng phải sửa nhà vệ sinh vì “gạch lát nền trơn gây nguy hiểm cho chị em phụ nữ”. Cán bộ cơ quan quay sang hỏi nhau, không hiểu sao gạch nền trơn lại không gây nguy hiểm cho anh em.

Họ mang cảm xúc của những người mỗi ngày phải ra vào nhà vệ sinh vài lần và không thể quên nổi việc nó bị đập ra định kỳ. Tôi hiểu sự khó chịu của một nhân viên mẫn cán, làm việc mười mấy năm trong tòa nhà, nhưng vẫn không sao lý giải nổi cái toilet này xây bằng vật liệu gì mà 5 năm hết những hơn 5 tỷ – bằng giá tiền một biệt thự ven đô Hà Nội.

Mong muốn thống nhất hóa nhận diện trụ sở công quyền không phải là xấu, nhưng nó sẽ tạo ra cái cớ cho những chuyện khó hiểu như cái toilet ở trên. Và quan trọng hơn, khi chính quyền Hà Nội vẫn đặt chuyện làm đẹp trụ sở lên trên việc cải thiện chất lượng dịch vụ công, vốn nằm trong nhóm kém nhất cả nước theo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2017, thì người dân thủ đô có lý do chính đáng để thấy không hài lòng.

Theo NGUYỄN KHẮC GIANG / VNEXPRESS 

Tags: , ,