Đôi điều về ‘phát triển’ và ‘bền vững’

Tuy không được dùng sóng đôi như một cụm từ nhưng có lẽ chưa lúc nào hai từ “phát triển và bền vững” lại được dùng với tần suất cao trong lĩnh vực kinh tế, an sinh như hiện nay. Phát triển, theo cách nói và hiểu thông dụng thì thường là điều tốt, và càng tốt hơn nữa nếu là một sự phát triển theo hướng bền vững.

Đôi điều về ‘phát triển’ và ‘bền vững’

Nhưng nhìn từ thực tế hẹp trong đời sống đã thấy những va chạm, những nghịch lý của phát triển bởi chủ thể của sự phát triển thường khiếm khuyết trong việc nhận chân giá trị nghĩa là đạo đức của phát triển, chìa khóa cho sự bền vững của phát triển…

Ngay ở vùng quê, trong đó có quê tôi – nơi được cho, được mặc định là cư dân vẫn còn khá chơn chất, ngay thật – vậy mà từ khoảng vài mươi năm trước, bà con nông dân đã nghĩ ra cách “trồng rau hai luống, nuôi heo hai chuồng” và duy trì mãi đến nay. Ấy là ngoài diện tích rau trồng để bán, “được” phun tưới các loại thuốc trừ sâu bệnh, các hóa chất kích thích, phân hóa học vượt hạn định, họ trồng riêng một luống để dùng cho nhà mình bằng cách bón phân chuồng, giảm tối đa hoặc không dùng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng. Ngoài nuôi theo lối công nghiệp, cộng thêm với việc dùng thuốc tăng trọng, tăng nạc vượt mức để nhanh xuất chuồng cho có lợi, chủ nuôi còn có chuồng nuôi riêng một vài con theo lối nuôi thủ công ngày trước để có thịt sạch cho gia đình, cho người thân mình dùng.

Đây chỉ là đơn cử nhỏ lẻ, còn khá nhiều chiêu thức mà người trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán đã làm để tăng năng suất, sản lượng, lợi nhuận bất chấp những hậu quả tai hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Điều bi kịch, là những việc làm gây tác hại cho người khác của họ lại được gọi là thành tích của sự phát triển, tiến bộ kinh tế ở đơn vị, cơ sở mà họ được coi là thành viên!

Thấy cây keo nguyên liệu giấy có lợi, cư dân vùng cận sơn đã phát trọc những quả đồi xung yếu ở sát sông, suối có áp lực sạt lở nặng vào mùa mưa lũ để trồng loại cây công nghiệp này. Sau một vài mùa thu hoạch có lợi, đến mùa cây kế tiếp mưa lớn đã cuốn cả những quả đồi trồng cây này xuống sông suối, lấp vùi nhà cửa, ruộng đồng của những người trong vùng. Ấy là bởi rễ mục của cả rừng keo khai thác trước đó đã làm ruỗng, phá vỡ kết cấu vốn bền chắc trước đó của đất đồi. Không phủ nhận đời sống của cư dân khá lên từ cây keo nhưng cũng không thể phủ nhận di lụy môi sinh lâu dài từ việc trồng keo quá đà, bất kể địa hình!

Việc khai thác thủy – hải sản bằng những phương cách phi truyền thống, mang tính hủy diệt như dùng xung điện cực mạnh, thuốc nổ của những cá nhân hay những nhóm ngư dân nhỏ đã giúp họ có lợi thật nhiều, thật nhanh. Họ đã góp phần tạo nên những làng chài trông khá giả, được coi là sự phát triển ngư nghiệp đáng mong đợi. Nhưng đây chính là mối nguy hại cho môi sinh biển, gây thiệt hại cho cộng đồng ngư dân trong vùng không chỉ ở hiện tại. Và khi làm vậy, chính những ngư dân này vẫn biết lượng cá tôm sẽ không còn cho họ kéo dài cách đánh bắt này, nhưng điều họ đạt được là đã nhanh phát triển được cuộc sống cho mình!

Phát triển – nhìn lại cách dùng từ ngữ này có điều khá lý thú. Thường thì người ta hay dùng từ này (khi là danh từ, khi là động từ) để chỉ một sự tiến triển, một sự đổi thay tích cực, đúng như dự tính, như mong đợi. Nhưng từ này cũng được dùng – tuy ít hơn, để chỉ sự diễn biến, một tiến độ tiêu cực, không như kế hoạch, không như mong đợi, cả đến trái ngược. Đó là khi sự phát triển ở tình trạng thái quá, hỗn độn (do ý chí chủ quan, tham lam của người thực hiện, do biến chuyển bên trong, bên ngoài trong quá trình thực hiện…) vượt tầm kiểm soát tạo nên hệ quả ngược.

Theo tỳ kheo Buddhadasa, ý nghĩa gốc rễ của từ tiếng Thái về phát triển là patana: vô trật tự, và một từ ngữ Phật giáo liên quan là vadhana mang cả nghĩa tiến bộ hoặc thoái bộ. Theo Ivan Illich thì từ progressio trong tiếng La tinh, một ý tưởng gốc rễ trong sự phát triển, có thể mang ý nghĩa điên loạn. Khó mà có thể nói ngược lại những gì mà Buddhadasa và Illich hàm ý(*). Rất lý thú!

Sự phát triển (kinh tế) của cá nhân (cũng như cộng đồng nhỏ) chỉ được bền vững khi chủ thể của hoạt động phát triển biết nghĩ đến lợi ích hài hòa giữa mình với người quan hệ, với đối tác, nghĩa là được ta, được người. Cái được đó cũng cần ở sự hài hòa với thiên nhiên, với môi sinh, không vì cái được nhất thời mà làm tổn hại đến môi sinh hiện tại và cả mai hậu. Sự phát triển như vậy không chỉ đáp ứng về vật chất mà cả cho tinh thần, mới là sự phát triển bền vững!

———————

Chú thích:

(*) Dẫn theo Sulak Sivaraksa, Minh triết của sự bền vững, NXB Tri Thức, 2012′

Theo HUỲNH VĂN MỸ / THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Tags: