Đôi điều về ‘chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới’

Tại Đại hội XII (1982), Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức ghi vào văn kiện chủ trương xây dựng “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”. Đến Đại hội XIX (10/2017), Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra quan điểm xây dựng “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”.

Đôi điều về ‘chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới’

Tác giả: TS Nguyễn Văn Quyết, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2 – 2018.

1. Cơ sở hình thành lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới

– Cơ sở lý luận

Một là, chủ nghĩa Marx – Lenin, cơ sở tư tưởng chủ yếu của lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới. Đảng Cộng sản Trung Quốc trước sau như một khẳng định lấy chủ nghĩa Marx – Lenin làm kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Đại hội XVIII xác định: “Chủ nghĩa Marx – Lenin chỉ rõ quy luật phát triển của lịch sử loài người, nguyên lý cơ bản của nó là đúng đắn có sức sống mạnh mẽ… Kiên trì nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx – Lenin, đi con đường mà toàn thể nhân dân Trung Quốc đã tự nguyện lựa chọn, phù hợp với tình hình Trung Quốc, sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng”(1). Đại hội XIX tiếp tục khẳng định: “kiên trì chủ nghĩa Marx – Lenin, kiên trì chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử”(2). Sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc sau này đều là quá trình vận dụng chủ nghĩa Marx vào điều kiện cụ thể của Trung Quốc, hay còn gọi là quá trình “Trung Quốc hóa chủ nghĩa Marx”. Chủ nghĩa Marx – Lenin được Đảng Cộng sản Trung Quốc vận dụng bao gồm cả nội dung và phương pháp luận khoa học. Về nội dung, đó là tư tưởng về mục tiêu, mô hình và con đường đi lên CNXH như: công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản với nhà nước và xã hội…

Về phương pháp luận, Trung Quốc luôn quán triệt quan điểm “kết hợp chân lý phổ biến của chủ nghĩa Marx với thực tế cụ thể của Trung Quốc, xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc”; xây dựng CNXH phải dựa vào bối cảnh cụ thể của dân tộc và thời đại.

Hai là, tư tưởng của các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiêu biểu như: “tư tưởng Mao Trạch Đông”, “lý luận Đặng Tiểu Bình”, “tư tưởng quan trọng “ba đại diện” và “quan điểm phát triển khoa học”

Tư tưởng Mao Trạch Đông được Đảng Cộng sản Trung Quốc quan niệm là: “sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Marx – Lenin ở Trung Quốc, là nguyên tắc lý luận và sự tổng kết kinh nghiệm đúng đắn về công cuộc cách mạng và xây dựng của Trung Quốc đã được thực tiễn chứng minh, là sự kết tinh trí tuệ tập thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc”(3).

Lý luận Đặng Tiểu Bình: “là sản phẩm của sự kết hợp các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx – Lenin với thực tiễn ngày nay của Trung Quốc và những đặc trưng của thời đại, là sự kế thừa và phát triển của tư tưởng Mao Trạch Đông trong điều kiện lịch sử mới, là giai đoạn phát triển mới của chủ nghĩa Marx ở Trung Quốc, là chủ nghĩa Marx của Trung Quốc ngày nay, là sự kết tinh trí tuệ của tập thể Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn dắt sự nghiệp hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc không ngừng tiến lên”(4).

Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”: “là sự kế thừa và phát triển chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, phản ánh yêu cầu mới của sự phát triển thay đổi của thế giới và Trung Quốc hiện nay đối với công tác của Đảng và Nhà nước, là vũ khí lý luận mạnh mẽ nhằm tăng cường cải tiến công tác xây dựng Đảng, thúc đẩy quá trình tự hoàn thiện và phát triển chủ nghĩa xã hội Trung Quốc, là sự kết tinh trí tuệ tập thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là tư tưởng chỉ đạo mà Đảng phải kiên trì lâu dài. “Ba đại diện” là nguồn gốc lập Đảng, là nền tảng cầm quyền, là ngọn nguồn sức mạnh của Đảng”(5).

Quan điểm phát triển khoa học: “là lý luận khoa học chung một dòng với chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”, vừa tiến cùng thời đại, là sự thể hiện tập trung của thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Marx về phát triển, là thành quả mới nhất của Trung Quốc hóa chủ nghĩa Marx, là kết tinh trí tuệ tập thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là tư tưởng chỉ đạo cần phải kiên trì và quán triệt trong phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”(6).

Văn kiện Đại hội XIX, Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định: “Tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới là sự kế thừa và phát triển chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “ba đại diện” và quan điểm phát triển khoa học, là thành quả mới nhất của việc Trung Quốc hóa chủ nghĩa Marx; là kết tinh của kinh nghiệm thực tiễn và trí tuệ tập thể của Đảng và nhân dân, là bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, là kim chỉ nam hành động để toàn Đảng, toàn dân phấn đấu thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”(7).

– Cơ sở thực tiễn

Một là, bối cảnh thời đại: sự sụp đổ của CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào thập kỷ cuối của thế kỷ XX đặt ra yêu cầu phải nhận thức lại toàn diện, sâu sắc hơn lý luận của chủ nghĩa Marx – Lenin về mô hình và con đường đi lên CNXH phù hợp với đặc điểm cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc và thời đại. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự khủng hoảng, sụp đổ của các nước trên đó là tư tưởng giáo điều, chủ quan, nóng vội, phủ nhận các quy luật phát triển khách quan… Mặc dù sự kiện này đã qua gần 30 năm, nhưng những bài học kinh nghiệm lịch sử của nó vẫn còn nguyên giá trị.

Hiện nay, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 bên cạnh những tác động tích cực, cũng tạo ra những thách thức không nhỏ trong phát triển kinh tế – xã hội Trung Quốc. Trung Quốc là một quốc gia với hơn một tỷ người, trong nhiều năm qua, nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa trên tiềm lực nguồn lao động đông, giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Bước vào kỷ nguyên công nghệ mới, mô hình phát triển trước đây không còn phù hợp, đây là nguyên nhân khách quan dẫn đến đòi hỏi phải có hệ thống lý luận mới dẫn đường.

Hai là, bối cảnh cụ thể Trung Quốc: Những thành tựu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học công nghệ của Trung Quốc sau gần 40 năm thực hiện cải cách, mở cửa và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII đã tạo ra tiền đề mới cho xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc:

Kinh tế tăng trưởng cao, GDP tăng từ 54 nghìn tỷ nhân dân tệ (2012) lên 80 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 2 nghìn tỷ USD) năm 2017, đứng vị trí thứ hai thế giới, đóng góp trên 30% cho tăng trưởng GDP toàn cầu.

Trong cải cách chính trị, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII, với dũng khí chính trị to lớn, Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định: “đã đề ra một loạt các quan điểm mới, tư tưởng mới, chiến lược mới; ban hành một loạt những phương châm, chính sách lớn, giải quyết được nhiều vấn đề nan giải lâu nay muốn giải quyết nhưng chưa giải quyết được; làm được nhiều việc lớn lâu nay muốn làm nhưng chưa làm được”(8).

Trong quan hệ quốc tế, vị thế của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế: Trung Quốc đã có nhiều sáng kiến, chính sách nổi bật như: sáng kiến xây dựng “Vành đai và con đường”; khởi xướng thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á; xây dựng Quỹ con đường tơ lụa; đăng cai tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và con đường” lần thứ nhất (5/2017), Tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu (9/2016), Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS tại Hạ Môn (9/2017)…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Trung Quốc cũng đang đứng trước không ít những khó khăn, thách thức như: phát triển không cân bằng, không đầy đủ; chất lượng, hiệu quả phát triển chưa cao; năng lực sáng tạo chưa đủ mạnh; trình độ phát triển của nền kinh tế thấp; lĩnh vực dân sinh còn nhiều hạn chế; chênh lệch về trình độ phát triển và mức sống giữa các dân tộc, vùng miền còn cao…

2. Một số nội dung chủ yếu của lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới

Một là, về khái niệm “thời đại mới”

Khái niệm chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mớiđược thể hiện ở ngay chủ đề Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Không quên lý tưởng ban đầu, khắc ghi sứ mệnh, dương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, quyết tâm hoàn thành thắng lợi xây dựng xã hội khá giả toàn diện, giành thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, phấn đấu không mệt mỏi vì giấc mơ Trung Quốc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”(9).

Xét về mặt thời gian, thời đại mới mà Trung Quốc nhắc đến ở đây chính là thế kỷ XXI. Thế kỷ mà Trung Quốc đặt ra những mục tiêu vĩ đại, như hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện (vào năm 2021), phấn đấu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc XHCN phát triển, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hài hòa, tươi đẹp vào giữa thế kỷ XXI.

Xét về chất lượng và trình độ phát triển: Các điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Trung Quốc đã có sự phát triển vượt bậc; những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống người dân đã được đảm bảo. Trung Quốc đã qua thời kỳ “đứng lên”- thời kỳ mà thế hệ lãnh đạo thứ nhất đã làm được; Trung Quốc đã qua kỳ “giàu lên”- thời mà các thế hệ lãnh đạo thứ hai, ba, tư đã thực hiện được trong giai đoạn cải cách, mở cửa đến nay. Và hiện tại, Trung Quốc đang ở thời kỳ “mạnh lên”- tức là từ thế hệ lãnh đạo thứ năm: “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bước vào thời đại mới có nghĩa là dân tộc Trung Hoa sau khi trải qua muôn vàn khó khăn đã trải qua những bước tiến lớn từ đứng lên, giàu mạnh lên, chào đón viễn cảnh tươi sáng thực hiện phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”(10).

Hai là, về xác định nhiệm vụ, bố cục tổng thể, mâu thuẫn chủ yếu của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới

Nhiệm vụ tổng thể: Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng nhiệm vụ tổng thể của CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới là: thực hiện hiện đại hóa CNXH và phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa (gồm hai bước, bước 1: xây dựng xã hội khá giả toàn diện; bước hai, thành cường quốc XHCN hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hài hòa, tươi đẹp).

Bố cục tổng thểcủa CNXH đặc sắc Trung Quốc hiện nay là “năm trong một” (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường); bố cục chiến lược là “bốn toàn diện” (xây dựng xã hội khá giả toàn diện, đi sâu cải cách toàn diện, quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện và quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện); bố cục tư tưởng là “bốn tự tin” (tự tin về đường lối, tự tin về lý luận, tự tin về chế độ, tự tin về văn hóa).

Về mâu thuẫn chủ yếu: Tại Hội nghị Trung ương sáu khóa XI (6/1981), Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Trung Quốc là: “mâu thuẫn giữa nhu cầu vật chất và văn hóa ngày càng tăng của nhân dân với lực lượng sản xuất xã hội còn lạc hậu”(11). Sau gần 40 năm, Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định mâu thuẫn chủ yếu của xã hội hiện nay là: “giữa nhu cầu ngày càng gia tăng của nhân dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn với việc phát triển không cân bằng, không đầy đủ”(12). Trung Quốc đã giải quyết ổn định vấn đề no ấm cho hơn một tỷ dân, đã thực hiện được mục tiêu xây dựng xã hội khá giả; nhưng hiện tại, nhu cầu về đời sống tốt đẹp của nhân dân ngày càng cao; không chỉ về vật chất mà còn là các yêu cầu về dân chủ, pháp trị, chính nghĩa, công bằng, văn minh, môi trường… Việc thay đổi mâu thuẫn căn bản này được Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là: “những thay đổi mang tính lịch sử liên quan đến toàn cục, điều này đặt ra nhiều yêu cầu mới cho công tác của Đảng và Nhà nước”(13).

Ba là, tư tưởng và phương châm chiến lược của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới

Ngày 30/3/1979, tại Hội nghị nghiên cứu công tác lý luận của Đảng, Đặng Tiểu Bình lần đầu tiên đưa ra khái quát “bốn nguyên tắc cơ bản”, đó là: “kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa; kiên trì chuyên chính vô sản; kiên trì sự lãnh đạo của Đảng cộng sản; kiên trì chủ nghĩa Marx và tư tưởng Mao Trạch Đông”(14). Những nguyên tắc này được các thế hệ lãnh đạo tiếp sau quán triệt một cách triệt để.

Đến Đại hội XIX, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát triển thành 14 kiên trì là: “Kiên trì sự lãnh đạo của Đảng trong mọi mặt công tác; kiên trì lấy nhân dân làm trung tâm; kiên trì đi sâu cải cách toàn diện; kiên trì quan điểm phát triển mới; kiên trì nhân dân làm chủ; kiên trì quản lý xã hội theo pháp luật toàn diện; kiên trì hệ thống giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa; kiên trì bảo đảm và cải thiện dân sinh trong phát triển; kiên trì sinh sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên; kiên trì quan niệm tổng thể về an ninh quốc gia; kiên trì sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng với quân đội nhân dân; kiên trì thực hiện “một đất nước hai chế độ”, thúc đẩy thống nhất đất nước; kiên trì thúc đẩy cộng đồng chung vận mệnh nhân loại và kiên trì quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện”(15). Đây được coi là tư tưởng và phương châm chỉ đạo chiến lược trong xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới.

Bốn là, những quan điểm, giải pháp nhằm hiện thực hóa tư tưởng “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” trên các lĩnh vực chủ yếu

Trong kinh tế: quan điểm chỉ đạo cơ bản là coi phát triển kinh tế là nhiệm trung tâm, kiên trì giải phóng sức sản xuất và cải cách kinh tế thị trường XHCN. Chủ trương chuyển từ “tăng trưởng cao” sang tăng trưởng “chất lượng cao”. Trong đó tập trung vào chuyển đổi phương thức phát triển, tối ưu hóa kết cấu nền kinh tế, chuyển đổi động lực tăng trưởng.

Về các giải pháp chủ yếu: xây dựng kết cấu kinh tế theo hướng trọng cung, đưa Trung Quốc thành cường quốc chế tạo, đẩy nhanh phát triển ngành chế tạo tiên tiến, đẩy mạnh phát triển kinh tế kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo gắn với môi trường xanh, carbon thấp, kinh tế chia sẻ, chuỗi cung ứng hiện đại…; thực thi chiến lược chấn hưng nông thôn; cân bằng phát triển giữa các vùng miền; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN…

Trong xây dựng hệ thống chính trị: bản chất của chế độ chính trị XHCN đặc sắc Trung Quốc là nền chuyên chính dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy liên minh công – nông làm nền tảng, mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân.

Trung Quốc cho rằng, trên thế giới không có mô hình chế độ chính trị hoàn toàn giống nhau, không thể đánh giá một cách trừu tượng chế độ chính trị nếu tách khỏi điều kiện chính trị, xã hội và truyền thống lịch sử, văn hóa riêng của nước đó. Do vậy, cũng không thể sùng bái, áp dụng rập khuôn máy móc một chế độ chính trị nào ở bên ngoài. Thể chế chính trị CNXH đặc sắc Trung Quốc là “kết quả tất yếu của logic lịch sử, logic lý luận, logic thực tiễn của quá trình phấn đấu lâu dài của Đảng và nhân dân Trung Quốc”(16).

Về các giải pháp hoàn thiện hệ thống chính trị: thực hiện nhất quán phương thức vận hành của hệ thống chính trị theo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ và quản lý đất nước theo pháp luật”; tăng cường bảo đảm thể chế để nhân dân làm chủ; phát huy vai trò quan trọng của hiệp thương dân chủ XHCN theo phương châm “có việc gì thì cùng bàn bạc, việc của nhiều người thì do nhiều người cùng bàn bạc”; làm sâu sắc thực tiễn quản lý đất nước theo pháp luật, cần kiên trì thực hiện nghiêm pháp trị, thúc đẩy “lập pháp khoa học, chấp pháp nghiêm minh, tư pháp công minh, toàn dân tuân thủ pháp luật”; đi sâu cải cách bộ máy hành chính; quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện.

Về xây dựng văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa: Đảng Cộng sảnTrung Quốc cho rằng: “Văn hóa là linh hồn của một quốc gia, dân tộc. Văn hóa hưng thịnh thì đất nước hưng thịnh, văn hóa mạnh thì dân tộc sẽ mạnh. Không có sự tự tin vào văn hóa thì văn hóa không phồn vinh, thịnh vượng và càng không có công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”(17).

Các giải pháp xây dựng nền văn hóa XHCN ở Trung Quốc: nắm vững quyền lãnh đạo của Đảng với công tác ý thức hệ; phương châm thực hiện: Trung Quốc hóa, thời đại hóa, quần chúng hóa chủ nghĩa Marx; xây dựng ý thức hệ XHCN có sức hội tụ và sức dẫn dắt lớn mạnh, để toàn dân đoàn kết chặt chẽ về niềm tin, lý tưởng, quan điểm giá trị, quan điểm đạo đức; bồi dưỡng và thực hiện giá trị quan cốt lõi XHCN; tăng cường xây dựng đạo đức tư tưởng, theo phương châm “nhân dân có niềm tin, đất nước mới có sức mạnh, dân tộc mới có hy vọng”, do đó cần nâng cao giác ngộ tư tưởng, trình độ đạo đức, tố chất văn minh của nhân dân. Triển khai sâu rộng giáo dục niềm tin, lý tưởng về CNXH đặc sắc Trung Quốc, giấc mộng Trung Hoa, tôn vinh tinh thần thời đại, tinh thần dân tộc; đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật XHCN; thúc đẩy sự nghiệp văn hóa và ngành công nghiệp văn hóa.

Về xã hội: quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc: “chăm lo cho con người là hòn đá thử vàng để kiểm nghiệm tính chất của một chính đảng hay một chính quyền”(18), Trung Quốc luôn đặt lợi ích của nhân dân lên vị trí cao nhất, đem thành quả của cải cách và phát triển đến mọi tầng lớp nhân dân; không ngừng thúc đẩy công bằng, chính nghĩa trong xã hội…

Về vấn đề môi trường:quan điểm cơ bản là: con người phải tôn trọng thiên nhiên, thuận theo thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên; phương châm thực hiện là ưu tiên tiết kiệm tài nguyên, gắn khai thác với khôi phục thiên nhiên; hình thành bố cục không gian, kết cấu ngành nghề, phương thức sản xuất, phương thức sinh sống tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Đại hội XIX đề xuất một số giải pháp cụ thể như: thúc đẩy phát triển xanh; tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm về môi trường (ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, ô nhiễm nước, xử lý chất thải rắn…); tăng cường bảo vệ hệ thống sinh thái; cải cách thể chế quản lý giám sát môi trường sinh thái.

Đây chính là các quan điểm, giải pháp nhằm hiện thực hóa bố cục tổng thể “5 trong 1” của CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới.

3. Nhận xét bước đầu về lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới

Một là, về ý nghĩa chính trị: CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới thể hiện tư duy, vị thế chính trị của một thế hệ lãnh đạo mới đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đối với lịch sử, nhân dân Trung Quốc và thế giới hiện nay. Không phải ngẫu nhiên, mỗi thế hệ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều đưa ra một “tuyên ngôn” hay “cương lĩnh hành động” riêng của mình. Đúng như nhận định của một nhà nghiên cứu: “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới không chỉ là một ý tưởng mới dựa trên điều kiện hiện tại mà còn là một tuyên bố với thế giới rằng Trung Quốc đã đi đúng con đường và sẽ duy trì chủ nghĩa xã hội với đặc trưng Trung Quốc”(19).

Hai là, ý nghĩa chiến lược: CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới là ngọn cờ lý luận dẫn dắt nhân dân Trung Quốc xây dựng CNXH trong thời đại mới với nhiều đột phá về tư tưởng, mục tiêu và chính sách thực hiện; nó phản ánh những yêu cầu của xã hội Trung Quốc và thực tiễn thời đại.

Ba là, tư tưởng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới cũng là sự vận dụng đúng đắn phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Marx – Lenin, phát triển nội dung của CNXH khoa học. Xét về bản chất, lý luận là phản ánh thực tiễn, khi thực tiễn thay đổi đặt ra những yêu cầu mới cho lý luận, buộc lý luận phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn; xét về vai trò, lý luận không chỉ làm rõ thực tiễn mà còn đóng vai trò dẫn dắt thực tiễn. CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới thực hiện được cả hai chức năng trên. Một mặt, nó phản ánh được hiện thực thay đổi của Trung Quốc; mặt khác là ngọn cờ lý luận dẫn dắt hành động của Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay. Đúng như Đảng Cộng sản Trung Quốc quan niệm: “Thời đại là cội nguồn của tư tưởng, thực tiễn là nguồn gốc của lý luận”(20).

Bốn là, bên cạnh những ý nghĩa trên, cũng còn có những ý kiến quan ngại về “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”, cho rằng lý luận này đang đi vào con đường dân tộc chủ nghĩa; nhất là việc Trung Quốc diễn giải nhiều luận điểm của chủ nghĩa Marx theo cách của mình. CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới cũng thể hiện tham vọng của Trung Quốc khi cho rằng lý luận này không chỉ có tác dụng với nhân dân Trung Quốc mà còn: “mở ra con đường tiến lên hiện đại hóa của các quốc gia đang phát triển, mang lại sự lựa chọn hoàn toàn mới cho các quốc gia và dân tộc vừa muốn đẩy nhanh phát triển, vừa muốn giữ gìn tính độc lập của riêng mình”, đây chính là “đóng góp trí tuệ Trung Quốc, phương án Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế đương đại”(21).

————————————–

Chú thích:

(1), (3), (4), (5), (6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.105-106, 106, 107, 108, 109.
(2), (7), (8), (9), (10), (12), (13), (15), (16), (17), (18), (20), (21) Đảng Cộng sản Trung Quốc: Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX, https://vov.vn.
(11), (14) Viện nghiên cứu lịch sử phát triển chủ nghĩa Marx – Lenin, Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, Lịch sử chủ nghĩa Mác, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.1094, 1092.
(19) New era of socialism with Chinese characteristics, https://news.cgtn.com.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , ,