Đinh Bộ Lĩnh: Sự mơ hồ giữa huyền thoại và sự thật lịch sử

Những chi tiết về cuộc đời ấu thơ của Đinh Bộ Lĩnh là một ví dụ tiêu biểu cho việc đan xen giữa huyền thoại và lịch sử.

Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) trước nay vẫn được coi là bộ chính sử quan trọng nhất đối với các nhà sử học, văn hóa học,… Tính chính sử của nó được coi như cái mác bảo hành cho những gì ghi chép bên trong. Song do tình trạng thiếu khuyết tư liệu trầm trọng, mà văn bản này đã sưu tập không ít những huyền thoại, thần tích trong dân gian. Điều đó có thể hiểu được trong bối cảnh “văn – sử – triết bất phân”, là nơi chủ thể văn hóa không quan tâm, hoặc không thể phân biệt được ranh giới giữa các lĩnh vực khoa học. Điều nguy hiểm là ở chỗ, trong suốt thế kỷ 20 và cho đến tận ngày nay, tư duy huyền thoại ngày càng lấn át tư duy sử học trong đời sống người Việt. Chúng ta đánh đồng huyền thoại và lịch sử. Ở một số trường hợp cụ thể, chúng ta “làm sử” chỉ là kéo dài cách nghĩ của từ vài trăm năm trước. Nói cách khác đó là lối làm sử “hậu phong kiến”.

Một ví dụ tiêu biểu cho việc đan xen giữa huyền thoại và lịch sử là chi tiết về cuộc đời ấu thơ của Đinh Bộ Lĩnh. Toàn thư ghi như sau: Xưa, cha của vua là Đinh Công Trứ làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ giao giữ chức quyền Thứ sử châu Hoan, sau theo về với Ngô Vương, vẫn được giữ chức cũ, rồi mất. Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự biết kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hằng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: “Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, bọn ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn”. Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy, vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương(1).

Đoạn trích trên lâu nay vẫn được coi như một sử liệu nguyên khối và khả tín. Chưa thấy nhà nghiên cứu nào tiến hành giám định sử liệu, hay cao hơn phê phán sử liệu cho trường hợp này. Trong thế kỷ 20, hình tượng chú bé mồ côi, chăn trâu không chỉ dừng lại ở sách sử mà nó đã được chuyển hóa vào đời sống của người Việt hiện đại. Người ta tiếp tục bồi đắp để xây dựng thành một huyền thoại “cờ lau dựng nước”. Những tác phẩm nghệ thuật xuất hiện trong nhiều năm qua khai thác chủ để này là những minh chứng cụ thể. Phải kể đến hai bức tranh dân gian Đông Hồ: một bức là hoạt cảnh Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu có hai trẻ cầm cờ lau hộ giá, một bức là cảnh Đinh Bộ Lĩnh được rồng che chở khi bị ông chú Đinh Dự truy sát. Chúng ta còn biết đến cuốn tiểu thuyết lịch sử “Cờ lau dựng nước” (2001) của nhà văn Ngô Văn Phú(2), “Hoàng Đế cờ lau” (2010) của Nguyễn Khắc Triệu(3), truyện tranh cho thiếu nhi “Đinh Bộ Lĩnh”(2000) trong bộ tranh truyện lịch sử Việt Nam(4), truyện lịch sử “Vạn Thắng Vương(Đinh Bộ Lĩnh)” (2000) của Lữ Giang(5), truyện tranh “Cờ lau tập trận” (1999) trong bộ “Truyện xưa đất Việt” (24 tập) của Tạ Chí Đông Hải(6)…

Để giám định tính khả tín của đoạn sử liệu trên, chúng ta ít nhất phải có những sử liệu độc lập soi chiếu. Chúng tôi muốn nhắc đến đoạn sau đây trong sách Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đảo (1115- 1184) ghi: “Trước, Dương Đình Nghệ làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, sai Nha tướng Đinh Công Trứ nhiếp Hoan châu Thứ sử. Công Trứ chết, con Bộ Lĩnh nối chức ấy. Khi đó, Bộ Lĩnh cùng con là Liễn cùng thống soái ba vạn người đánh phá bọn Xử Bình, đất ấy mới yên, bèn tự lập làm Vạn Thắng Vương, lấy Liễn làm Tĩnh Hải tiết độ sứ.”(7)

Sách Văn hiến Thông khảo của sử gia Mã Đoan Lâm(1254 – 1324) đời Tống ghi: “Trước, Dương Đình Nghệ lấy Nha tướng Đinh Công Trứ giữ chức Hoan châu Thứ sử, và Ngự phiên Đô đốc. Bộ Lĩnh con của Công Trứ vậy. Khi Công Trứ chết, Bộ Lĩnh nối các chức ấy. Đến đây, Bộ Lĩnh cùng con là Liễn đem binh đánh bại bọn Xử Bình, tặc đảng tan vỡ, cảnh nội đều yên, dân ơn đức ấy bèn suy Bộ Lĩnh làm Giao Châu soái, hiệu là Đại Thắng Vương).”(8)

Sách An Nam chí lược của Lê Trắc ghi: “Cuối đời Ngũ Đại, Đình Nghệ đi trấn Giao Châu, lấy Công Trứ quyền Thứ sử Hoan Châu. Trước đây, Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn, cha con Bộ Lĩnh về với Ngô Quyền, Quyền nhân khiến Công Trứ về nhiệm chức cũ. Khi Công Trứ mất, Bộ Lĩnh kế tập chức cha.”(9)

Điều đáng chú ý là thời gian định bản của các sử liệu trên xuất hiện trước Toàn thư từ hai đến năm thế kỷ(10). Nguyễn Danh Phiệt trong “Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước” đã chứng minh rằng không hề có chuyện Đinh Bộ Lĩnh mồ côi cha từ bé. Theo cách tính của Nguyễn Danh Phiệt, Đinh Công Trứ mất khi Đinh Bộ Lĩnh quãng từ 15 đến 20 tuổi(11). Vậy, việc “nối cha giữ chức Thứ sử Hoan Châu và Ngự phiên Đô đốc” có thể sẽ xảy ra vào quãng năm 940 đến 944, khi Đinh Bộ Lĩnh từ 15 đến 20 tuổi. Keith Weller Taylor cũng dựa vào sử liệu nhà Tống mà đoán định rằng Đinh Bộ Lĩnh giữ chức Thứ sử Hoan – Ái vào thời Bình Vương Dương Tam Kha ở ngôi(12). Trong khi Nguyễn Danh Phiệt phủ nhận việc Đinh Bộ Lĩnh nối chức cha bằng các truyền thuyết và sử liệu dân gian, thì chúng tôi cho rằng, quãng tuổi từ 15 – 20 là quãng tuổi hoàn toàn có thể nhậm chức trong thời xưa theo phép tập ấm.

Những thông tin này rất quan trọng. Từ đây, có thể nhận định rằng:(1) Đinh Bộ Lĩnh không phải trẻ mồ côi, mà chỉ mất cha quãng thời thanh niên.(2) Đinh Bộ Lĩnh là con của danh gia vọng tộc, con của quan chức cao cấp nhà Ngô.(3) Khi cha mất, ông có khả năng được tập ấm các chức Thứ sử Hoan Châu, Ngự phiên Đô đốc. Như nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã lý giải rằng, Đinh Bộ Lĩnh đã bị mất chức mà phải trở về nguyên quán là động Hoa Lư có lẽ vì liên quan đến thế lực Dương Tam Kha. Trở về Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh hẳn đã vấp phải những mâu thuẫn quyền lực trong nội bộ gia tộc mà câu chuyện hai chú cháu Đinh Dự – Đinh Bộ Lĩnh đánh lẫn nhau là một kiểu trầm tích lịch sử được hóa thạch trong truyền thuyết như Toàn thư đã ghi. Từ cái lõi lịch sử này, dân gian nhiều đời đã xây dựng nhiều huyền thoại khác nhau. Đại Việt sử ký tiền biên còn sưu tầm một huyền thoại ngộ nghĩnh hơn, rằng Đinh Dự muốn giết cháu bởi vì Đinh Bộ Lĩnh đã dám giết lợn nhà để khao đám trẻ chăn trâu(14). Đến đây, nhìn lại những ghi chép trong Toàn thư, ta sẽ thấy các chuyện “mồ côi cha từ bé”, “cùng bọn trẻ chăn trâu ngoài đồng”, “cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử”, “hai con rồng vàng hộ vệ vua”… đều là những chuyện sáng tác của đời sau, ít nhất là vào thế kỷ 15 – thời Lê sơ – sau thời của Đinh Bộ Lĩnh quãng 500 năm.

Huyền thoại là những câu chuyện kể huyền hoặc hoang đường, là một thể loại của văn học dân gian, tức nó là một sản phẩm “hư cấu”. Trái lại, lịch sử là một sản phẩm “thực cấu” của quá trình thu thập thông tin, nhận thức, xử lý thông tin và tư duy sử học. Cái LỊCH SỬ TUYỆT ĐỐI là toàn bộ tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ, là cái đích mà nhà sử học muốn hướng đến. Nó là cái đích không tưởng, vì sẽ không bao giờ có thể tri nhận nó một cách tuyệt đối – toàn diện, mà chỉ có thể tiệm cận đến nó một phần nào đó. Tuyệt vọng trước cái bất khả toàn tri ấy, dân gian đã sáng tác ra các huyền thoại để lấp đầy những nhu cầu về sự hiểu biết. Tham vọng trước cái bất khả toàn tri ấy, nhà sử học buộc phải tiến hành các thao tác tư duy trên những mảnh vụn chắp vá của sử liệu. Nhưng trớ trêu thay, có những lịch sử đã trở thành huyền thoại, và cũng có những huyền thoại chưa bao giờ là lịch sử!

———————-

Chú thích:

1. Chính Hòa thứ mười tám (1697). Đại Việt sử ký toàn thư. Nội các quan bản. Bản khắc in. Bản dịch. 1998. Tập 1. Ngô Đức Thọ dịch chú, Hà Văn Tấn hiệu đính. NXB Khoa học Xã hội. Hà Nội. tr.209, tr.211.
2. Ngô Văn Phú. 2001. Cờ lau dựng nước. NXB Kim Đồng. Hà Nội.
3. Nguyễn Khắc Triệu. 2010. Hoàng đế cờ lau. NXB Văn học. Hà Nội.
4. 2000. Đinh Bộ Lĩnh. Tranh: Tạ Huy Long. Lời: Kim Đồng soạn theo “Đại Việt sử ký toàn thư”. NXB Kim Đồng. Hà Nội.
5. Lữ Giang. 2000. Vạn Thắng Vương (Đinh Bộ Lĩnh). Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh. Tp. HCM.
6. Tạ Chí Đông Hải. 1999. Cờ lau tập trận. NXB Giáo dục. Hà Nội.
7. Nguyên văn: : “始楊庭藝為静海節度使遣牙將丁公著攝驩州刺史公著死子部領繼之於是部領與其子璉同帥兵三萬人擊破處玶等境内以安遂自立為萬勝王以璉為静海節度使” [(Tống) Lý Đảo. Tục tư trị thông giám trường biên. Đài Loan thương vụ. Đài Bắc Thị. Dân quốc 72. q.314-322]
8. Nguyên văn: “先是楊廷藝以牙將丁公著攝驩州刺史兼禦蕃都督部領即其子也公著死部領繼之至是部領與其子璉率兵擊敗處玶等賊黨潰散境内安堵部民德之乃推部領為交州帥號曰大勝王” [(Nguyên) Mã Đoan Lâm. Văn hiến thông khảo. Đài Loan thương vụ. Đài Bắc thị. Dân quốc 72. q.610-616.] Xem thêm (Nguyên) Thoát Thoát (soạn), Dương Gia Lạc (chủ biên). Tống sử. “Trung Quốc học thuật loại biên”. Đỉnh Văn thư cục. Đỉnh Văn Thư cục. Đài Bắc thị. Dân Quốc 69 (1980). Phần Liệt truyện. Q.488. p.14058.]
9. Lê Trắc.( 1335). An Nam chí lược. Mạnh Nghị Trần Kinh Hòa dịch (1960, tb 2002). NXB Thuận Hóa- Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Huế. Tr.227.
10. Sử liệu này được biên soạn trong nhiều thế kỷ, vết tích sớm và chắc chắn nhất là từ thế kỷ XV tới văn bản cuối là vào năm 1697.
11. Nguyễn Danh Phiệt. 1990. Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước. NXB KHXH. H. tr.55.
12. K. Taylor. 1983. The Birth of Vietnam. University of California Press. P.277.
13. Ngô Thì Sĩ (soạn), Ngô Thì Nhậm (tu đính). 1800 (khắc in). Đại Việt sử ký tiền biên. Bắc Thành học đường tàng bản. Ký hiệu A2/2-7. Lê Văn Bảy, Dương Thị The, Nguyễn Thị Thảo, Phạm Thị Thoa (dịch), Lê Duy Chưởng (hiệu đính). NXB KHXH.H.1997. tr.152.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: , , ,