Điều cần biết về quyền được thông tin của người dân

Hạn chế thông tin sẽ làm tiêu hao nguồn lực, tài sản của nhân dân, của đất nước! Hạn chế thông tin đồng nghĩa với tự gây ra lực cản lớn cho dân tộc mình trên đường phát triển, không bắt kịp các giá trị của nhân loại văn minh.

Điều cần biết về quyền được thông tin của người dân

Quyền được thông tin của công dân đã được Hiến pháp quy định ở Điều 69. Đó là một trong những nội dung của Nhà nước pháp quyền. Quyền được thông tin là sự tiếp thu thành tựu văn minh trong cuộc đấu tranh tự giải phóng của con người.

Ngày nay, có hơn 80 quốc gia có luật về quyền được thông tin cao, thấp khác nhau và là một trong những tiêu chí quan trọng để được coi là nước phát triển, đang phát triển hay chậm phát triển.

Nhân dân ta được hưởng quyền được thông tin ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Nhưng rồi hai cuộc kháng chiến kéo dài, bảo mật thông tin là yêu cầu quan trọng để giành chiến thắng. Tiếp theo đó là một thời tập trung quan liêu bao cấp, thông tin đến người dân chỉ một chiều. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, thông tin cần thiết như khí trời cho con người. Cuộc sống hiện đại cảnh báo: “Không có thông tin thì không có tri thức!”. Đại hội XI chỉ đạo phải “Bảo đảm quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của nhân dân” là vì thế.

Nhân dân được quyền thông tin sẽ giúp nhà nước cải cách nền hành chính minh bạch, tháo gỡ những chồng chéo chức năng, định rõ thẩm quyền, quy định trách nhiệm cá nhân, xóa các khe hở đẻ ra tham nhũng. Quyền được thông tin ngăn chặn cán bộ viên chức thay mặt dân nắm giữ thông tin, lẽ ra là để phục vụ lợi ích cộng đồng thì ngược lại sử dụng như thứ đặc quyền để mưu lợi cá nhân. Quyền được thông tin bảo vệ phẩm chất nhà nước phụng sự nhân dân, ngăn chặn sự thoái hóa của một bộ phận quan chức chuyên quyền tiêu cực.

Quyền được thông tin, tạo điều kiện để người dân có thể thực hiện: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ở mọi lĩnh vực xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện quyền được thông tin còn nhiều bất cập cần phải được tiếp tục xử lý. Mặc dù Thủ tướng đã ban hành quy chế phát ngôn cung cấp thông tin từ năm 2007, nhưng cho đến nay, nhiều cơ quan chưa cử người phát ngôn, hoặc người phát ngôn sợ trách nhiệm, luôn tìm cách né tránh. Tình trạng “đóng dấu mật” tràn lan trên các tài liệu, công văn vẫn không giảm. Nói chung các cấp chính quyền đều có xu hướng giấu kín thông tin, cấm quay phim chụp ảnh cả những nơi lẽ ra phải được công khai cho mọi người biết thì có lợi cho công việc hơn. Mấy năm nay, liên tiếp xảy ra chuyện cản trở, thậm chí uy hiếp, thu giữ phương tiện của nhà báo. Nông dân có 80% không biết thông tin về quy hoạch. Người tiêu dùng có 60% không biết mình có quyền gì. Khi cần đến cơ quan công quyền, phần lớn người dân tù mù bởi quá nhiều thủ tục hành chính chưa được biết. Tình trạng đó gây không biết bao nhiêu trì trệ, hạn chế tính tự giác, sức sáng tạo, làm phí thời gian, tiêu hao sức khỏe, mất của cải.

Hóa ra hạn chế thông tin sẽ làm tiêu hao nguồn lực, tài sản của nhân dân, của đất nước! Hạn chế thông tin đồng nghĩa với tự gây ra lực cản lớn cho dân tộc mình trên đường phát triển, không bắt kịp các giá trị của nhân loại văn minh.

Theo LAO ĐỘNG ONLINE

Tags: ,