Điều cần biết về chính sách Một Trung Quốc của Mỹ

Kể từ năm 1949, trên thực tế có hai nước Trung Quốc, cả hai đều tuyên bố chủ quyền trên cùng một lãnh thổ.

Chính sách Một Trung Quốc là gì?

Nguồn: “What is the one-China policy?”, The Economist, 14/3/2017

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

“Chỉ có một Trung Quốc trên thế giới, và Đài Loan là một phần của Trung Quốc,” Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào ngày 8/3/2017 như vậy. Đó không phải là cách mà Đài Loan nhìn nhận về vấn đề này. Ít nhất, Đài Loan không chấp nhận rằng nó là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, với thủ đô là Bắc Kinh. Vậy tại sao Mỹ lại nói rằng họ ủng hộ chính sách “một Trung Quốc”? Và tại sao các quan chức Đài Loan lại cảm thấy nhẹ nhõm khi Donald Trump, trước đó đã thách thức quan điểm “một Trung Quốc”, lại bày tỏ sự ủng hộ đối với điều này trong một cú điện thoại với người đồng nhiệm Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình, vào tháng 2 vừa qua?

Thật khó để lập luận rằng Đài Loan là bất cứ điều gì khác ngoài một quốc gia riêng biệt. Hòn đảo này có một tổng thống được bầu cử dân chủ của riêng mình. Nó có luật pháp riêng và lực lượng vũ trang riêng. Nhưng tên chính thức của nó là Trung Hoa Dân Quốc (ROC). Nó có một yêu sách về mặt ý niệm đối với khu vực mà bây giờ được gọi là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đó là một di sản của cuộc nội chiến Trung Quốc, điều đã dẫn đến sự lật đổ chế độ Trung Hoa Dân Quốc bởi Mao Trạch Đông vào năm 1949. Chính phủ bị đánh bại của chế độ này trốn sang tỉnh Đài Loan của Trung Quốc, nơi nó tiếp tục tự gọi mình là chính phủ của toàn bộ Trung Quốc. Kể từ đó, trên thực tế có hai nước Trung Quốc, cả hai đều tuyên bố chủ quyền trên cùng một lãnh thổ (không giống như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Trung Hoa Dân Quốc còn yêu sách Mông Cổ trong các đường biên giới lý thuyết của mình, nhưng trên thực tế nó vẫn đối xử với Mông Cổ như một quốc gia riêng biệt).

Tuy nhiên, chính phủ ở Bắc Kinh phủ nhận ý tưởng về hai nước Trung Quốc. Nó duy trì cái được gọi là ” nguyên tắc một Trung Quốc”: rằng chỉ có chính phủ tại Bắc Kinh đại diện cho Trung Quốc, và Đài Loan là một phần của Trung Quốc (do Đảng Cộng sản lãnh đạo) đó. Điều này đặt ra một vấn đề trong những năm 1970, khi Mỹ muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và tìm kiếm sự giúp đỡ của quốc gia này trong cuộc Chiến tranh Lạnh với Liên Xô. Các nhà Cộng sản Trung Quốc muốn Mỹ chấp nhận nguyên tắc “một Trung Quốc” của họ, nhưng Mỹ không muốn quay lưng hoàn toàn với một Đài Loan tư bản chủ nghĩa, thực thể mà cho đến lúc đó Mỹ vẫn công nhận là đại diện hợp pháp của Trung Quốc.

Vì vậy, Mỹ đã đưa ra “chính sách một Trung Quốc” đơn giản chỉ để nhằm thừa nhận rằng cả hai bên eo biển Đài Loan đều thừa nhận sự tồn tại của chỉ một nước Trung Quốc (của họ). Chính sách này không chỉ rõ bên nào có quyền cai quản Đài Loan. Đó là một khái niệm mơ hồ được đẽo gọt chữ nghĩa cẩn thận và đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc chấp nhận. Kết quả là Mỹ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tạo ra một mối quan hệ rốt cuộc cho phép nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ (và những nước khác, bao gồm cả Mỹ và Đài Loan, cũng được lợi từ điều đó).

Nhiều người Đài Loan hiện đang nghi ngờ về ý tưởng một Trung Quốc. Họ muốn hòn đảo này được tách rời khỏi đại lục mãi mãi. Nhưng họ cũng sợ chọc giận những người Cộng sản. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã tăng lên rất nhiều trong những năm gần đây. Nếu Mỹ từ bỏ chính sách một Trung Quốc của mình, và công nhận nền độc lập của Đài Loan, có một nguy cơ đáng kể là Trung Quốc Cộng sản sẽ tấn công hòn đảo và rằng Mỹ, tự thấy có nghĩa vụ phải bảo vệ hòn đảo này, sẽ bị kéo vào cuộc chiến. Do đó không có chính phủ nào tiếc nuối khi ông Trump quyết định nói với ông Tập rằng Mỹ vẫn tin tưởng vào nguyên tắc “một Trung Quốc”. Đài Loan sẽ chỉ hy vọng rằng một Trung Quốc được đề cập đến không chỉ là nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: , , ,