⠀
Điều bàng hoàng phía sau một vụ trúng thầu kỳ khôi
Tôi học được bài học kinh doanh đầu đời ở tuổi U40. Lập doanh nghiệp, làm giám đốc, đi bỏ thầu và được “hệ thống” dạy về cách trúng thầu dù không đủ năng lực.
Bài viết của doanh nhân Nguyễn Thị Thu Hiền.
Có một ngày, công ty tôi đang làm việc tuyên bố phá sản. Từ đó tôi trở thành người thất nghiệp, sau gần 15 năm lặng lẽ làm việc. Thời buổi kinh tế khó khăn, kiếm việc mới đúng ý mình thật không dễ gì khi tuổi đã gần 40. Ở đâu người ta cũng ngầm đòi hỏi ngoại hình trẻ đẹp, chưa chồng, chân dài ngoài yêu cầu chuyên môn cao. Thế là tôi thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp.
Ở nhà mãi cũng chán. Một ngày, với sự gợi ý của chồng, tôi bỗng nhận ra: Thời buổi kinh tế khủng hoảng, bao nhiêu công ty phá sản, nhưng cũng biết bao công ty mọc lên như nấm. Nhà nhà, người người “khởi nghiệp”, vậy tại sao tôi không thử sức khi mà được chồng và gia đình nhiệt liệt ủng hộ. Nhà tôi có mặt tiền bỏ không trong khi người ta tốn không ít tiền để thuê văn phòng. Mọi người làm được thì mình cũng làm được, tại sao không?
Vậy là trong lòng tràn đầy khí thế, tôi mau chóng lập một công ty nhỏ. Tất nhiên, tôi làm giám đốc. Gọi là “giám đốc” cho oai chứ thật ra mình tôi tự làm từ A đến Z, từ đăng ký giấy phép thành lập công ty đến sổ sách chứng từ. Tôi không dám tuyển nhiều nhân viên vì sợ không đủ tiền để trả lương khi mà chưa biết mình sẽ kinh doanh ra làm sao. Từ khi “có chức tước”, tôi luôn cẩn thận lời ăn tiếng nói đến hành động trước mặt nhân viên cho dù chỉ có vài người. Làm giám đốc không đến nỗi đáng sợ như tôi vẫn nghĩ. Cái đáng sợ nhất là làm thế nào để có doanh thu, có tiền lãi mà trả lương cho nhân viên và đủ loại chi phí, thuế trong khi tháng này tháng sau cứ tới lia lịa. Trước đây khi làm nhân viên, tôi chỉ mong hết tháng để nhận lương, giờ thì hoàn toàn ngược lại.
Tôi là con gái thành phố, tốt nghiệp đại học xong may mắn được làm việc trong một tập đoàn lớn. Nhờ sự đỡ đầu của bố. Giờ đây, sau khi mở công ty, chúng tôi mời cơm vợ chồng ông Tuấn – một người quyền lực quen biết bố tôi. Ông Tuấn hiện là người cao nhất có quyền quyết định công ty nào trúng thầu các dự án cỡ lớn, nhỏ ở địa phương. Còn chúng tôi đang muốn công ty mình được thầu dự án này.
Trước khi vào nhà hàng, tôi căng thẳng quá, chồng trấn an: “Ông ta nhận lời đi ăn với vợ chồng mình là hứa hẹn lắm rồi. Công trình này thuộc cỡ lớn, may mắn mình sẽ kiếm được một món tiền không nhỏ, và chúng ta đang cần khoản đó. Em chỉ cần khéo léo đưa vụ thầu vào câu chuyện”. Tôi thì lại nghĩ khác. Ông Tuấn nhận lời mời đi ăn tối vì nể bố tôi thôi.
Bữa tối thật dễ chịu và nhẹ nhõm ngoài mong đợi. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện. Bà Tuấn khen món ăn ngon và nhà hàng đẹp. Trong khoảng vài phút, không khí hoàn toàn im lặng, vì chúng tôi chẳng còn gì để nói. Tất cả chúng tôi đều nghĩ tới vụ trúng thầu chiều mai. Tôi chỉ nghĩ đến số tiền sẽ kiếm được nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Tôi cảm thấy ông đang chờ tôi đặt thẳng vấn đề, nhưng tôi chẳng làm gì cả. Chần chừ, ông Tuấn nhìn đồng hồ và xin phép ra về.
“Lẽ ra em có thể mượn cớ nào đó để nói chuyện trúng thầu vào chiều mai. Em không biết là anh đã đặt phòng vip ở đây chỉ để nói chuyện đó hay sao”, chồng tôi giọng hụt hẫng, “Mình cần gọi điện cho bố. Chỉ gọi một cú là thu xếp được mọi chuyện thôi, nhưng anh muốn tự em phải thắng trong vụ này”. Tôi thở dài. Chồng tiếp tục bảo rằng em đừng nghĩ là ông ấy liêm chính. Trước khi tôi kịp phân trần thì ông bà Tuấn quay trở lại vì để quên chìa khóa xe. Chồng tôi chẳng hề ngạc nhiên khi thấy họ quay lại, nhìn tôi khích lệ. Tôi vẫn ngồi im.
“Hồ sơ thầu của công ty em có giá thấp nhất đấy”, tôi mở to mắt khi bà Tuấn mau lẹ nói. Lòng tôi bừng lên một niềm sung sướng, tim tôi rộn ràng. Tôi nhìn với vẻ bối rối, nhưng bà mỉm cười. “Đơn giá của công ty em thấp hơn nhiều công ty kế tiếp. Chị đề nghị em nâng giá bỏ thầu lên gần sát với giá thầu công ty kia. Như thế em vẫn là người bỏ thầu thấp nhất mà còn kiếm thêm được một khoản tiền lớn nữa”.
Khi tôi còn đang ngơ ngác thì chồng lấy trong túi ra một cây bút và một phong bì đã ghi sẵn “Điều chỉnh đơn giá dự thầu của công ty X”, công văn đã được đóng dấu đỏ, rồi đưa cho tôi. Nhưng tôi luống cuống quá không viết được, bèn đưa bút lại và ngồi nhìn chồng sửa đơn giá bằng bàn tay cầm bút tự tin. Viết lại tổng giá bỏ thầu, anh trao phong bì cho bà Tuấn kèm theo phong bì dày cộm đã chuẩn bị sẵn từ bao giờ.
Tôi thậm chí không hiểu hết được mọi chuyện lúc đó. Trên đường về nhà, chồng tôi rất sung sướng, bình thản, tự tin, nhưng tôi vẫn lăn tăn điều gì không rõ. Đây là phi vụ đầu tiên và tôi chưa hề có kinh nghiệm về việc “làm ăn” kiểu này. Thực chất, công ty tôi không đủ lực để thi công công trình to lớn đó, nhưng chồng bảo không sao, có thể bán lại hợp đồng cho đơn vị B phẩy. Về đến nhà, tôi lên phòng làm việc, ngồi xuống bên chiếc bàn quá lớn với chính mình. Tôi vẫn không biết phải bắt đầu thế nào. Lâu nay tôi chỉ là một nhân viên làm công ăn lương, lo bổn phận người phụ nữ trong gia đình. Có phải là tôi quá lạc hậu, chậm tiến với thời đại?
Sau này, tìm hiểu thêm, tôi mới rõ quy trình đấu thầu phổ biến ở nước ta. Nhà thầu chính nộp hồ sơ dự thầu rất đầy đủ, gồm thông tin về nguồn nhân lực đủ các kỹ năng, trình độ, kinh nghiệm; nguồn tài chính bảo đảm; cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn. Nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp khai không đúng như yêu cầu. Chủ đầu tư mặc dù biết hồ sơ dự thầu không đúng thực lực doanh nghiệp, nhưng vì lý do nào đó vẫn cho trúng thầu. Hiện tượng “chân gỗ” tham gia đấu thầu với vai trò nhà thầu phụ, tạo điều kiện cho nhà thầu chính trúng thầu được các doanh nghiệp và chủ đầu tư lựa chọn như một phương án an toàn đảm bảo pháp lý.
Tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu, trong nhiều trường hợp thực chất chỉ trên phương diện giấy tờ. Bởi đơn vị trúng thầu đã được lựa chọn trước đó, một cách thiếu tường minh, không công bằng, đặc biệt là các dự án liên quan đến nhà nước. Vấn đề nổi cộm hiện nay chính là việc nhiều chủ đầu tư, nhất là những dự án tại địa phương ngang nhiên sai phạm, lách luật. Nhiều nhà thầu không trúng thầu, ấm ức cũng đành chịu, vì có muốn cũng không làm gì được, chỉ tốn công tốn sức “kiện củ khoai”.
Thời đại công nghệ thông tin, tôi hy vọng việc đấu thầu qua mạng với các thông tin minh bạch mau chóng được đẩy mạnh kèm chế tài bắt buộc nghiêm khắc. Đẩy mạnh giám sát, kiểm tra hậu đấu thầu, giải quyết kiến nghị nếu có một cách triệt để từ khâu hồ sơ dự thầu đến công tác tổ chức, từ sổ sách cho đến thực tế không khó khăn gì với cơ quan chức năng. Từ khi Luật Đấu thầu 2013 hiệu lực, các trường hợp vi phạm hoàn toàn có thể xử lý nghiêm và công khai để làm gương. Nhà nước hoàn toàn có thể khuyến khích các nhà thầu gửi văn bản kiến nghị nếu thấy không thỏa đáng, trả lời kiện tụng rõ ràng, đúng luật cũng như tăng cường quản lý sau đấu thầu, giám sát thi công trong thực tế xem có đúng chất lượng như trong hồ sơ trúng thầu hay không.
Sau vụ trúng thầu bất ngờ, tôi đi loanh quanh trong phòng, chợt hiểu vì sao rất nhiều các “công trình thế kỷ” luôn xuống cấp trầm trọng chỉ sau thời gian ngắn.
Theo VNEXPRESS
Tags: Tham nhũng - Tiêu cực, Cơ sở hạ tầng