⠀
Dịch bệnh tham nhũng đã len lỏi đến những nơi nào?
Tham nhũng không chỉ xảy ra ở những cơ quan công quyền, những nơi dịch vụ công như bệnh viện trường học mà những hành vi tiêu cực đang len lỏi trong mọi ngõ ngách của đời sống. Nó làm đạo đức văn hóa xã hội càng ngày càng đi xuống. Nhưng vấn đề lớn hơn chính là tất cả đều nghĩ rằng thói quen đó là chuyện bình thường.
Khi mở nhà máy mới ở Hưng Yên năm 2003, chúng tôi nhận được hơn chục hồ sơ xin vào vị trí thủ kho.
Hầu hết ứng viên nhiều kinh nghiệm, đều từng làm việc ở các doanh nghiệp nhà nước. Vị trí này trở thành cạnh tranh nhất trong đợt tuyển dụng hàng trăm người năm đó. Ở cao trào cuộc đua, một người đến gặp phụ trách tuyển dụng của chúng tôi và nói rằng, nếu được nhận vào làm thủ kho thì không nhận lương anh cũng làm.
Tôi khá sốc. Vậy thì người ta xin vào đây làm gì? Tìm hiểu ra mới hay. Anh ta nghĩ giống như cách ở chỗ cũ, anh sẽ sống khoẻ. Làm thủ kho không phải chỉ là canh kho hàng, theo dõi nhập, xuất hàng và hưởng lương cứng mà là bằng những mánh lới đã quen thuộc, họ vẫn kiếm được lợi mà mối lợi đó lớn hơn lương. Nếu mua vật tư, anh ta có thể móc nối với các đơn vị cung ứng thống nhất sự ăn chia ở giá đầu vào. Nếu xuất hàng đi, chỉ cần nghĩ ra lý do trì hoãn một chút là có thể được nhận tiền cám ơn từ phía kia. Nếu móc nối với nhân viên khác và đối tác thì còn có nhiều nguồn thu khác. Anh ta cho rằng “màu mè” đem lại từ công việc đó mới là nguồn thu nhập đáng mong đợi, vài triệu tiền lương không bõ bèn gì. Tôi mới hiểu ra, có câu “Giàu thủ kho, no nhà bếp” từ thời bao cấp là thế.
Tôi đã không tuyển người đó vào vị trí thủ kho. Dù đã phỏng vấn rất kỹ và tuyển một người khác, nhiều năm nay vị trí thủ kho vẫn luôn là một trong những ghế nóng gây đau đầu với các nhà máy của chúng tôi ở ba miền.
Một lần, chính giám đốc một công ty tư nhân kể tôi nghe: đã chốt giá xong với đối tác cung ứng vật tư cho mình, nhưng sau đó lại “phím” cho anh thủ kho đòi thêm “tiền cà phê” của đối tác cho mỗi tấn hàng nhập vào. Đối tác đồng ý.
Trước sự băn khoăn của tôi, ông nói: “Đó là văn hóa của người Việt. Họ có thêm một chút thì mới có động lực để làm việc với tôi. Và tôi thì chẳng mất gì. Ở phía kia, các doanh nghiệp cung ứng luôn có tâm lý muốn mọi việc nhanh chóng”.
Tôi chia sẻ với một số doanh nhân khác, họ thừa nhận chuyện này không có gì lạ. Đôi khi thủ kho, kế toán, văn phòng cố tình làm chậm đi một tí thủ tục, làm giao dịch khó đi một chút; tài xế vận chuyển chậm trễ hơn một tí; cô gái thủ quỹ xuất tiền trễ hơn mấy ngày vì lý do bận việc. Đối tác, khách hàng thấy vậy tìm cách mời bao thuốc, ít tiền cà phê thì cô kế toán thanh toán tiền rất nhanh và anh tài xế chở hàng đúng hẹn.
“Hoa hồng” này khác với cụm từ “phí hoa hồng” (commission fee) ở những nước phát triển. Vì hoa hồng của họ được luật quy định chi tiết và công khai. Có những nghề sống bằng hoa hồng như môi giới chứng khoán, nhà đất, bảo hiểm… Còn hoa hồng ở Việt Nam là một loại “lệ”. Nó được thương thảo với bất kể tỷ lệ, giá nào, hình thức nào, lĩnh vực nào, từ văn phòng phẩm, dược phẩm, y tế, giáo dục, đến xây dựng, thậm chí cả những dự án xã hội, từ thiện.
Văn hóa này có cả trong công ty cổ phần, các doanh nghiệp FDI hoặc tổ chức 100% nước ngoài. Vì sao? Đa số công ty nước ngoài đưa người quản lý ở nước ngoài sang. Người này thường không rõ về tập quán nước sở tại nên đội ngũ người Việt làm thuê đôi khi trở thành quyền lực và lũng đoạn hơn cả ông sếp. Mức hoa hồng đặt ra cho đối tác, nhà cung cấp được quyết bởi người đứng đầu khâu nào đó và sau đó được chia cho những người liên quan.
Khi chúng tôi tham gia một số dự án lớn có yếu tố nước ngoài, dù nhà quản lý nước ngoài rất minh bạch nhưng những người Việt phụ trách bộ phận vẫn đứng ra vòi vĩnh. Là đối tác, nhà cung cấp, nếu mình không cho họ cái họ muốn, họ tìm cách đẩy mình ra. Một số quản lý nước ngoài biết, tìm cách ngăn chặn. Có lần, họ sa thải cả một dàn cán bộ cấp trung người địa phương. Nhưng nhóm mới sau một thời gian lại lũng đoạn như nhóm trước.
Người ta nói nhiều đến câu chuyện tham nhũng trong môi trường công nhưng ít nhắc đến tham nhũng trong khu vực tư nhân.
Tham nhũng không chỉ xảy ra ở những cơ quan công quyền, những nơi dịch vụ công như bệnh viện trường học mà những hành vi tiêu cực đang len lỏi trong mọi ngõ ngách của đời sống. Nó làm đạo đức văn hóa xã hội càng ngày càng đi xuống. Nhưng vấn đề lớn hơn chính là tất cả đều nghĩ rằng thói quen đó là chuyện bình thường.
Ở một số nước có văn hóa tiền tip, nhưng nó vận hành theo một quy tắc rõ ràng. Cái gì là tip khác với việc ngửa tay gợi ý xin tiền hay làm mọi cách để kiếm tiền thêm ngoài thù lao là mình xứng đáng.
Nhiều người không cảm thấy việc nói ra câu gợi ý là đáng xấu hổ hoặc vi phạm vào phạm trù đạo đức.
Tôi không dám vơ đũa cả nắm. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân hay nước ngoài có quy tắc rất nghiêm và chặt về phòng chống tham nhũng nội bộ. Họ yêu cầu đối tác, nhân viên phải ký kết và thực hiện nghiêm. Trong đó quy định rất rõ cấm tuyệt đối và có các biện pháp chế tài việc “chia chác”, đi ăn uống với đối tác hay nhận quà, kể cả quà tết, quà theo các ngày lễ.
Khi văn hóa hoa hồng đã thành lệ và được thừa nhận bởi hành động của nhiều người thì sự liêm chính sẽ sống sót nhờ cơ may ở “quan niệm đạo đức cá nhân” của từng người.
Theo ĐINH HỒNG KỲ / VNEXPRESS
Tags: Tham nhũng - Tiêu cực