Đi tìm cuộc sống thứ hai cho rác thải sinh học

Vải làm từ vỏ cam chanh, giấy, màng bọc từ sữa đổ bỏ, cốc chén làm từ bã cà phê… là những gì chúng ta có được từ các loại rác thải sinh học phổ biến trong đời sống.

Tìm cuộc sống thứ hai cho rác thải sinh học

Thật khó tưởng tượng nhưng đây là sự thật: Mỗi năm bình quân một người dân ở châu Âu tạo ra một lượng rác thải sinh học là 173 kg, đó là sữa tươi quá đát, phô mai bị mốc, hỏng phải vứt đi hoặc là vỏ chuối và các loại trái cây và cả trà túi lọc đã qua sử dụng.

Khoảng một nửa lượng rác thải này không phát sinh từ các hộ gia đình, không phải cơm thừa hay hoa quả bị nẫu, bị thối vì chín quá mà chủ yếu dưới dạng rác thải của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và các cửa hàng, siêu thị. Thí dụ, ngành công nghiệp thực phẩm hàng năm đổ ra biển hoặc đổ ra bãi rác nhiều triệu tấn trái cây, rau củ bị hư hỏng hoặc các bộ phận của động vật mà không thể sử dụng được. Khi thực phẩm đã quá hạn sử dụng các chuỗi siêu thị buộc phải huỷ bỏ.

Hậu quả của sản xuất dư thừa thực phẩm không thể coi là chuyện vặt. Theo ước tính Liên hiệp quốc (LHQ) thì lượng dư thừa này tạo ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính còn nhiều hơn lượng khí thải do toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ tạo nên. Ngay từ năm 2015, LHQ đã đề ra chủ trương đến năm 2030 giảm một nửa lượng rác thải này. 193 quốc gia, trong đó có tất cả các nước thuộc EU cam kết thực hiện chỉ tiêu này. 48 trong số 50 tập đoàn thực phẩn lớn nhất thế giới sẽ giảm mạnh lượng phế thải thực phẩm.

Một điều rất có ý nghĩa là, nhờ chương trình này của LHQ mà người ta cũng chú ý nhiều hơn đến công tác nghiên cứu đối với lĩnh vực này, theo Harald Rohm, giáo sư về công nghiệp thực phẩm tại ĐH Kỹ thuật Dresden. Kết quả là từ rác thải hình thành các sản phẩm mới hữu dụng. Các nhà khoa học ở châu Á đang nghiên cứu về sản xuất pin từ trấu. Vỏ trấu có tới 20 % là chất silicium – nguyên tố hoá học này là cơ sở quan trọng đối với việc tích điện.

Những ý tưởng ban đầu được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và một số đã đi vào sản xuất. Từ da cá đã tạo ra túi xách, từ bã kẹo cao su làm giày thể thao. Bã lá chè xanh biến thành bàn ghế ở các công viên, vườn hoa. Bã cà phê thành áo khoác.

Sau đây là một số ví dụ:

Vỏ cam chanh làm vải

Xí nghiệp Orange Fiber ra đời năm 2014 ở thành phố Catania (Italia), tại xí nghiệp này, vỏ cam ép được chế biến thành vải vóc. Từ vỏ cam chanh người ta lấy được chất Zitrus-Zellulose, từ chất này có thể tạo ra loại tơ gần như tơ lụa và có thể dệt vải tấm có mầu trắng hoặc trắng óng ánh. Tháng tư năm ngoái hãng thời trang sang trọng Salvatore Ferragamo lần đầu tiên xử dụng loại vải này để làm áo khoác, áo dài và khăn quàng và đã bán ra thị trường. Riêng các doanh nghiệp Italia, mỗi năm thải ra khoảng 700.000 tấn vỏ cam chanh, cho đến nay là đồ bỏ đi, thậm chí không dùng làm phân bón được vì thời gian ủ rất lâu, vò cam chanh phải mất hai năm mới hoai mục trong khi vỏ chuối chỉ cần sáu tuần.

Giấy, màng bọc từ sữa đổ bỏ

Ngay từ năm 1904 nhà hoá học người Đức Friedrich Todtenhaupt đã được cấp bằng sáng chế đối với phương pháp chế biến Casein, một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất sữa thành sợi để dệt vải. Tuy nhiên trong những năm 1920, người ta đã xây dựng cơ sở sản xuất sợi ở Italia nhưng bất thành. Mãi đến năm 2011 mới ra đời doanh nghiệp Q-Milk ở Đức và công nghệ này mới được đưa vào sản xuất. Hiện nay thậm chí người ta đã thành công trong việc sản xuất màng mỏng folie từ casein mà không cần có dầu mỏ. Tại nước Đức, mỗi năm phải đổ bỏ khoảng 2 triệu tấn sữa ở các siêu thị vì hết hạn sử dụng hoặc vì có nhiều mầm bệnh. Những sữa bị đổ bỏ này có thể đươc Q-Milk chế biến thành màng mỏng và làm thành các đồ gia dụng. Màng mỏng này sau khi sử dụng sẽ bị phân huỷ để làm phân bón chỉ sau ít ngày.

Dùng trấu lúa gạo làm pin đèn

Từ mấy năm nay các nhà nghiên cứu ở các trường đại học Châu Á nghiên cứu sử dụng vỏ trấu để làm pin đèn. 20% vỏ trấu là silicium, chất này có khả năng tích điện cao. Để lấy chất silizium, người ta phải đốt vỏ trấu và tinh luyện. Khác với phương pháp chế tạo Nano-Silizium kinh điển, nếu dùng vỏ trấu là nguyên liệu thì ít tốn năng lượng hơn. Hơn nữa nguồn nguyên liệu này rất lớn, mỗi năm ước tính có khoảng 140 triệu tấn trấu bị đổ bỏ.

Dùng bã cà phê làm cốc, chén

Start-up Kaffeeform của chuyên gia thiết kế Julian Lechner ở Berlin dùng bã cà phê làm nguyên liệu chính để sản xuất chén, tách. Ông trộn bã cà phê với xơ gỗ sồi và các loại gỗ khác cộng với cellulose, tinh bột và keo dán để làm nguyên liệu sản xuất tách, chén, đĩa vv….

Thành phẩm trông như làm bằng gỗ chứ không phải đồ sành, sứ. Bã cà phê có ở mọi nơi, riêng ở châu Âu ước tính mỗi ngày có tới 8 triệu kilo bã.

Doanh nghiệp sinh thái Modelabel Ecoalf của Tây ban nha lại chế biến từ bã cà phê lấy từ tập đoàn Starbuck của Hoa kỳ để sản xuất áo khoác. Từ bã của 30 tách cà phê đủ để làm ra một mét vải. bã cà phê sẽ được phơi khô, nghiền nhỏ thật mịn rồi trộn với polyester-polymer, để từ đó kéo thành sợi. Loại vải này không thấm nước và chống mùi.

Da cá làm đồ da

Từ hàng trăm năm nay các dân tộc bản địa đã biết dùng da cá bắt trong thiên nhiên để làm đồ tiêu dùng. Doanh nghiệp thuộc da của Island Atlantic Leather là doanh nghiệp đầu tiên ở châu Âu đã thử nghiệm kinh doanh bằng nghề da cá. Họ biến da cá hồi thành da thuộc và các nhà tạo mốt đã trên cơ sở da cá hồi làm giầy da, ví đựng tiền và túi xách. Doanh nghiệp này nhận được sự tài trợ của EU và hiện đây là nơi cung cấp nguyên liệu da cá cho các nhà tạo mốt thời trang lừng danh như Gucci và Prada. Do vùng bờ biến từ Island đến Na uy có vô vàn trang trại khổng lồ nuôi cá hồi, tại đây có hàng triệu con cá hồi và nguồn da khổng lồ. Trước kia người ta chỉ sử dụng phần thịt của cá, còn da và xương là chất thải, bị vứt xuống biển.

Vỏ cà phê làm bánh quy

Doanh nghiệp Coffee Flour ở New York đã phơi khô vỏ quả cà phê rồi nghiền thành bột. Bột này không có vị cà phê, mà lại hơi ngọt và có thể dùng làm nguyên liệu chế biến bánh quy hoặc bánh ga tô không có gluten. Còn từ trước tới nay, vỏ và thịt quả cà phê chỉ được sử dụng làm phân bón một phần rất nhỏ, phần lớn bị đổ bỏ.

Bã quả nho làm giấy

Doanh nghiệp Favini ở Italia gần 300 tuổi đã phát triển một phương pháp để tận dụng chất thải trong quá trình chế biến cam, kiwis, ngô hạt, nho và quả hạt dẻ thành giấy. Dùng các chất thải này có thể giảm khoảng 15% cellulo lấy từ cây cối. Chất thải các loại trái cây ép nói trên sẽ được phơi khô sau đó nghiền nhỏ để làm nguyên liệu sản xuất giấy. Ngành kinh doanh này hiện phát triển rất nhanh vì các doanh nghiệp đang có xu hướng giảm xử dụng nhựa làm bao bì đóng gói và tăng cường sử dụng giấy làm bao bì.

Từ bã kẹo cao su làm giầy thể thao

Start-up Gumdrop ở London là doanh nghiệp duy nhất trên thế giới phân tách kẹo cao su thành các thành phần hoá học để từ đó tận dụng cao su tổng hợp. Tại dự án thí điểm tiến hành ở thành phố Amsterdam người ta đã phát triển thành công một chiếc giày thể thao, 20% nguyên liệu làm ra chiếc giày lấy từ bã kẹo cao su. Ở Hà Lan có nhiều thành phố đặt thùng rác đặc biệt chỉ để thu gom bã kẹo cao su. Tại nước này mỗi năm người ta thu lượm được khoảng 1,5 triệu kilogram bã kẹo cao su. Số tiền chi từ ngân sách để xử lý bã kẹo cao su lên đến hàng triệu euro.

Từ bã bia làm các loại bánh

Start-up ReGrained ở Kaliphornia chế biến các loại rác từ ngũ cốc, bã bia thành thức ăn. Riêng ngành công nghiệp bia ở Hoa kỳ mỗi năm tạo ra khoảng 35 triệu tấn chất thải từ chế biến hạt ngũ cốc, nấu bia. Cho đến nay một phần bã bia được dùng làm phân bón cho cây cối, tuy nhiên một phần lớn chất thải của các nhà máy bia bị tống ra các hố rác. Trong tương lai ReGrained cũng sẽ chế biến bã bia thành bánh quy, bánh mì và nhiều loại bánh khác nhau.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG / UIWO (2018)

Tags: