⠀
Cuộc chiến chống tham nhũng có làm thay đổi não trạng của quan tham?
Trước nay, nhiều người nghĩ làm quan là có bổng lộc do tham nhũng, tham ô và họ mặc nhiên có cái quyền ấy. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cuộc chiến chống tham nhũng đang được đẩy mạnh, một số cán bộ cấp cao mắc sai phạm đã bị xử lý kỷ luật, nhiều vụ đại án được đưa ra xét xử làm trong sạch bộ máy chính trị. Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng này sẽ khiến người ta phải nghĩ khác đi về chuyện làm quan.
Trả lời phỏng vấn VTC News, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương đã có những bình luận về vấn đề này.
– Thưa ông, có ý kiến cho rằng, công cuộc chống tham nhũng hiện nay là một cuộc “đại phẫu chính trường”, trực tiếp nhằm vào quan tham và điều này sẽ góp phần thay đổi nhân sinh quan về làm quan ở ta, có thể nhờ đó mà thanh liêm. Ý kiến của ông thế nào?
– Chống tham nhũng là việc lớn hiện nay. Trước nhất là để khôi phục lòng tin của nhân dân đã suy giảm nhiều. Tiếp nữa là góp phần răn đe, ngăn chặn. Và đương nhiên là chống tham nhũng sẽ có tác động vào tư duy làm quan là phải thanh liêm.
Tuy nhiên, thanh liêm là một nhân cách, nó liên quan trực tiếp đến độ “chín” về văn hóa. Khi con người đủ độ “chín” về văn hóa thì người ta biết xấu hổ với chính mình nếu làm sai, chứ không phải do sợ lẽ này, lẽ khác.
Mà độ “chín” như vậy về văn hóa thì phải có quá trình rèn luyện, tu dưỡng, học hỏi rất nhiều. Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy, số người như vậy thường không phải nhiều lắm.
Làm quan thanh liêm chỉ có được ở nhà nước pháp trị thực sự. Do vậy, theo tôi cần phải sử dụng pháp trị, phải có biện pháp mạnh, để vừa ngăn chặn, vừa góp phần giáo dục cán bộ.
– Trước nay, vẫn có nhiều người nghĩ làm quan là có bổng lộc do tham nhũng, tham ô và họ mặc nhiên có cái quyền ấy. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng này sẽ khiến người ta phải nghĩ khác đi. Và phải chăng nhờ thế mà số người tham vọng tranh giành làm quan bằng mọi giá để thực hiện mục đích xấu xa sẽ ít đi, nhường chỗ cho những người có tài, có đạo đức, có hoài bão ước mơ ra làm quan để giúp nước, giúp dân?
– Chống tham nhũng mạnh mẽ sẽ góp phần đáng kể làm trong sạch bộ máy, loại bỏ quan tham. Còn việc có sử dụng được người tài đức hay không là một việc nữa, một việc khác.
Không hẳn giảm quan tham là tự nhiên tăng được nhân tài. Một người lãnh đạo nào đó có đại nghĩa, thật lòng muốn làm việc cùng với các nhân tài, trong đó có những mặt họ nổi trội hơn mình, tôn trọng các nhân tài ấy, thì sử dụng được nhân tài.
“Phải lấy lễ mà đãi” là cách nói của người xưa. Tôi hiểu “lễ” ở đây là sự tôn trọng chứ không phải vật chất.
Còn những người lãnh đạo nào không muốn nghe những lời “nghịch nhĩ”, chỉ thích những lời êm tai, thích sử dụng những người ngoan ngoãn, không ưa ai hay cãi lại mình thì khó mà sử dụng được nhân tài.
– Ở một số nước phương Tây, trong tư duy thì họ coi chính trị là một nghề. Những người hoạt động (hành nghề) chính trị cũng bình đẳng như bao người làm những nghề khác, nên khi người làm chính trị (chính trị gia) sai phạm là họ áp dụng luật pháp để xử lý ngay. Ở ta thì khác, nhiều quan chức vẫn xem mình là “quan phụ mẫu” của dân và tự cho mình “đặc quyền đặc lợi”. Sự khác nhau này theo ông là do đâu?
– Ta bị ảnh hưởng nặng nề kiểu phong kiến phương Đông, chưa có nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa đầy đủ.Còn ở phương Tây, vấn đề nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự và dân chủ đã phát triển nhiều hơn. Các lẽ ấy giải thích lý do tại sao việc làm quan ở ta và ở Tây nó khác nhau như anh nói. Tất nhiên, có thể chưa hết, có thể còn thêm lý do khác nữa.
– Để hạn chế dần quan niệm “học để làm quan”, “làm quan là phải ăn”, “quan là phụ mẫu dân”, hướng đến một nhà nước pháp quyền thực sự, theo ông cần phải thế nào?
Đầu tiên vẫn là nhận thức, trước nhất là nhận thức của lãnh đạo, tiếp theo là nhận thức của xã hội.
Nói “trước nhất” ở đây là nói về vai trò tác động quan trọng của lãnh đạo đối với xã hội, nếu lãnh đạo nhận thức được thì quá trình tiến bộ sẽ nhanh hơn nhiều.
Trong trường hợp lãnh đạo bảo thủ, nhưng nếu dân chúng toàn xã hội đã nhận thức ra, thì cộng đồng xã hội lại thúc đẩy ngược lại, làm cho lãnh đạo phải thay đổi dần, thế là cũng sẽ tiến bộ, dù có chậm hơn.
Tôi tin rồi trước sau gì xã hội cũng sẽ tiến bộ, hệ thống chính trị của quốc gia cũng sẽ tiến bộ, không thể khác được, đó là quy luật của cuộc sống.
Còn vấn đề nhanh, chậm là phụ thuộc lãnh đạo, những người lãnh đạo giỏi sẽ để lại dấu ấn đáng kể với lịch sử, còn những người lãnh đạo kém sẽ để lại điều tiếng người đời chê bai.
– Xin trân trọng cảm ơn ông.
Theo VTC
Tags: Tham nhũng - Tiêu cực, Giám sát quyền lực