Cuộc chiến chống quyền lực bảo thủ của Giáo hội ở Philippines

Tại sao pháp luật quốc gia không đại diện cho quan điểm của người Philippines? Lời giải thích nằm trong sự kết hợp khập khiễng giữa chính trị và đức tin.

Cuộc chiến chống quyền lực bảo thủ của Giáo hội ở Philippines

Nguồn: “Why the Philippines is the only country where divorce is illegal”, The Economist, 13/02/2020.

Biên dịch: Đỗ Minh Châu.

“Phải lùi một bước để tiến hai bước”, đó là nhận định của luật sư Jesus Falcis đối với phán quyết của Tòa án Tối cao nhằm bác bỏ, dựa trên lý do thủ tục, một đơn kiến nghị của ông vào năm 2015, trong đó thách thức một bộ luật quy định rằng hôn nhân chỉ được phép xảy ra giữa nam và nữ. Ông Falcis vẫn thấy có hi vọng khi các thẩm phán đã không tìm thấy bất kì điều khoản rõ ràng nào trong Hiến pháp ngăn cấm hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, ông cũng tin rằng nỗ lực để hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới sẽ mất nhiều thập niên như ở những quốc gia phát triển.

So với mặt bằng chung của các quốc gia thuộc địa cũ của Tây Ban Nha, pháp luật Philippines vô cùng bảo thủ về mặt xã hội. Ngoại trừ Toà thánh Vatican, Philippines là quốc gia duy nhất không cho phép ly hôn (riêng người Hồi giáo có quyền ly hôn). Hủy hôn là cách duy nhất để kết thúc cuộc hôn nhân mà không phải chờ đến chết nhưng đây là một biện pháp chỉ áp dụng trong một số trường hợp hạn chế với chi phí lớn.

Phá thai cũng bị cấm ở Philippines và bất cứ ai thực hiện phá thai có thể chịu bản án tới 6 năm tù. Mặc dù các biện pháp phòng tránh thai không bị cấm nhưng chúng vẫn là chủ đề của những cuộc chiến pháp lý nảy lửa khi những người phản đối cố gắng ngăn chặn việc nhà nước phổ biến các biện pháp phòng tránh thai một cách rộng rãi.

Tình trạng trên không chỉ là di sản của chủ nghĩa thực dân hay sự phản ánh lòng mộ đạo của người Philippines. Ví dụ, so với Mexico, một nước cũng từng bị Tây Ban Nha cai trị với ⅘ dân số theo Công giáo thì Philippines bảo thủ hơn nhiều. Việc sửa đổi hiến pháp và một số luật được ban hành năm 1974 đã đảm bảo quyền tiếp cận các biện pháp tránh thai của người Mexico. Thành phố Mexico đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2006 và phá thai vào năm 2007. Ngoài ra, 17 bang của Mexico cũng đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới kể từ 2006.

Nhưng người Philippines dường như không bảo thủ như luật pháp của họ. Theo số liệu của một khảo sát được thực hiện bởi tổ chức khảo sát Social Weather Station (SWS) vào năm 2017, hơn một nửa dân số Philippines cho rằng ly hôn nên được hợp pháp hóa. 7/10 người dân ủng hộ luật ban hành vào năm 2012 cho phép chính phủ phân phối dụng cụ tránh thai cho người nghèo nhưng chưa được triển khai toàn diện. Rất nhiều người Philippines công khai đồng tính. Năm ngoái mặc dù trời mưa, lễ diễu hành thường niên của người đồng tính diễn ra ở Manila đã thu hút đến 70.000 lượt tham gia. Những người đồng tính Philippines thành công trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, từ âm nhạc nghệ thuật cho đến thể thao. Năm 2016, một người phụ nữ chuyển giới trúng cử vào Quốc hội Philippines. Năm ngoái, bà đã tái đắc cử với 91% số phiếu của cử tri.

Vậy tại sao pháp luật quốc gia không đại diện cho quan điểm của người Philippines? Lời giải thích nằm trong sự kết hợp khập khiễng giữa chính trị và đức tin. Theo số liệu từ Social Weather Station năm 2018, khoảng 3/4 dân số Philippines cho rằng tôn giáo rất quan trọng. Một nghiên cứu cùng năm cho thấy 4/10 cử tri sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên được hậu thuẫn bởi giáo hội hay phong trào tôn giáo họ theo.

Trong những năm gần đây, sức ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo đã giảm đi phần nào. Tỉ lệ người Công giáo đi dự lễ nhà thờ hàng tuần đã giảm từ 66% năm 1991 xuống còn 46% năm 2017. Tại Hội nghị Giám mục Công giáo Philippines, Cha Jerome Secillano thể hiện quan ngại rằng đang diễn ra một sự xói mòn các giá trị truyền thống. Nhà thờ đã chật vật đối phó với ông Rodrigo Duterte, người từng nói Chúa “ngu ngốc”, gọi Giáo hoàng là “đứa con của gái điếm” và cáo buộc một linh mục từng quấy rối tình dục ông khi ông còn nhỏ. Giáo hội Công giáo Philippines đã phản đối cuộc chiến chống ma túy cho phép cảnh sát bắn chết hàng ngàn người tình nghi buôn ma túy – một chính sách đặc trưng của ông Duterte – nhưng không có kết quả.

Dù ảnh hưởng của Công giáo lên chính trị đã giảm dần nhưng nó được bù đắp bởi sự gia tăng tầm quan trọng của các giáo phái Tin lành khác. Tuy chỉ có khoảng 10% người Philippines, tức khoảng 10 triệu người, tự nhận là theo đạo Tin lành hoặc Tin lành phúc âm, lòng nhiệt thành của họ khiến họ trở thành một nhóm vận động hành lang đáng kể. Theo lời Jayeel Serrano Cornelio thuộc Đại học Ateneo de Manila, họ có xu hướng diễn giải Kinh thánh theo nghĩa đen nên phản đối quyết liệt việc ly hôn, hôn nhân đồng giới và phá thai.

Các phong trào có ảnh hưởng lớn nhất được tổ chức vào cuối những năm 1970 và 1980, trong đó có Jesus Is Lord, có lẽ là phong trào phúc âm lớn nhất của Philippines, cũng như những đại giáo đoàn như Victory Christian Fellowship và Christ’s Commission Fellowship. Iglesia Ni Cristo, một phong trào Kitô giáo bản địa được thành lập hơn một thế kỷ trước, cũng có khoảng 2 triệu tín đồ ở Philippines. Họ sở hữu sân vận động trong nhà lớn nhất thế giới, nằm gần Manila, nơi 55.000 người có thể cầu nguyện cùng một lúc.

Trong khi các linh mục Công giáo dần dè dặt hơn trong việc thách thức các chính trị gia thì những người theo phái phúc âm thường kết hợp tôn giáo với chính trị một cách không ngại ngần. Ví dụ, Eddie Villanueva, phó chủ tịch Hạ viện, vừa là một tín đồ phúc âm nổi tiếng trên truyền hình, đồng thời là người sáng lập tổ chức Jesus Is Lord. Manny Pacquiao, người đã tận dụng sự nghiệp võ sĩ quyền anh để giành một ghế trong Thượng viện, cũng nổi tiếng vì sự cuồng tín. Ông đã từng gọi những người có quan hệ đồng giới là “tệ hơn cả súc vật”.

Bản chất của hệ thống chính trị Philippines cho phép những người bảo thủ như vậy dễ dàng ngăn chặn các thay đổi cấp tiến. Các đảng phái yếu gây khó khăn cho việc tạo động lực để giải quyết những vấn đề gây tranh cãi. Thượng viện, nơi phê chuẩn các dự luật trước khi ban hành, là một trở ngại đặc biệt khó khăn. 24 thành viên của Thượng viện được bầu ra từ các cuộc bầu cử cạnh tranh khốc liệt với một khu vực bầu cử duy nhất là toàn quốc. Huy động phiếu bầu tại một đất nước 106 triệu dân là một công việc khổng lồ, vậy nên việc làm mất lòng bất kỳ nhóm lớn có ảnh hưởng nào cũng sẽ là một quyết định không sáng suốt. Không có gì ngạc nhiên khi lễ khai trương một bảo tàng dành riêng cho phong trào Iglesia Ni Cristo vào tháng 9 đã thu hút hơn một nửa số các thượng nghị sĩ của đất nước. Ngay cả bà Cynthia Villar, thành viên giàu có nhất của Thượng viện, cũng quyết định không thể bỏ lỡ sự kiện này.

Sự phản đối quyết liệt của tôn giáo đã trì hoãn 13 năm việc thông qua một đạo luật cho phép chính phủ phân phối các dụng cụ tránh thai. Ngay cả sau khi nó được thông qua, Quốc hội đã từ chối tài trợ ngân sách đầy đủ cho chương trình, khiến nhiều người nghèo Philippines không được tiếp cận với những biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Trong khi đó, nhà thờ Công giáo đã thuyết phục các tòa án ban hành lệnh hạn chế một số loại biện pháp tránh thai nhất định vốn có thể được cung cấp theo luật với lý do rằng chúng tương đương với hành vi phá thai.

Cuộc chiến đang diễn ra không có lợi cho dự luật hợp pháp hóa việc ly hôn hiện đang được xem xét tại Quốc hội. Cuộc hôn nhân của ông Duterte đã bị hủy bỏ, sau khi một tòa án nhận thấy ông ngoại tình nhiều đến nỗi người vợ chung sống 27 năm của ông chỉ là một người vợ “hữu danh vô thực”. Sự phản đối của giới chức tôn giáo đối với dự luật mạnh đến mức thậm chí ngay cả ông Duterte cũng không ủng hộ. Mặc dù cơ hội thành công của những dự luật tự do hóa là rất thấp, Carlos Conde của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền – một nhóm vận động xã hội- cho rằng việc tiếp tục cố gắng đưa ra các dự luật như vậy cũng đã là một dấu hiệu đáng khích lệ.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ 

Tags: ,