COVID-19 và bi kịch của nền y tế đặt đồng tiền trên tất cả ở Mỹ

Hệ thống y tế và đội ngũ y bác sĩ Mỹ được đánh giá là có trình độ hàng đầu thế giới, nhưng không thích hợp để đối phó với bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh như COVID-19.

COVID-19 và bi kịch của nền y tế đặt đồng tiền trên tất cả ở Mỹ

Tính đến ngày 10/3, tổng số ca dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại Mỹ đã vượt mốc 1.000 người với 31 trường hợp tử vong. Nhiều bang và địa phương đã ban bố tình trạng khẩn cấp.

Những bang có số ca nhiễm cao nhất cả nước là Washington (271 trường hợp), New York (173), California (159) và Massachusetts (92). Ngành y tế Mỹ đang chạy đua với thời gian để chuẩn bị xử lý các ca nhiễm bệnh.

Giới quan sát nhận định dịch COVID-19 giờ là quả bom nổ chậm với ngành y tế Mỹ vì chi phí khám chữa bệnh quá đắt đỏ và tình trạng thiếu hụt vật tư. Trên thực tế, Mỹ luôn được đánh giá là sở hữu các bệnh viện và đội ngũ y bác sĩ chất lượng hàng đầu thế giới.

Nhưng những người không đủ tiền hoặc không có bảo hiểm y tế sẽ bị loại khỏi hệ thống y tế tiên tiến này. Theo Washington Post, nhiều người Mỹ có các triệu chứng bệnh cúm không dám đi xét nghiệm bởi họ không có bảo hiểm y tế hoặc sợ phải trả một khoản phí quá đắt đỏ.

Không bảo hiểm y tế, không dám khám chữa bệnh

Ở thời điểm hiện tại, chính phủ Mỹ vẫn chưa đưa ra thông báo nào về việc người dân cần xét nghiệm ở đâu và các hãng bảo hiểm sẽ chi trả mức nào. “Hệ thống chăm sóc y tế Mỹ và hợp đồng bảo hiểm của nhiều người lao động không phù hợp để đối phó với bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh”, Washington Post dẫn lời giáo sư Sabrina Corlette thuộc Đại học Georgetown nhận định.

Theo số liệu của chính phủ, năm 2018, có đến gần 27,5 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế. Con số này chưa tính đến khoảng 11 triệu người di cư không có giấy tờ hợp pháp nên không dám đến bệnh viện. Nếu không có bảo hiểm y tế, một bệnh nhân có thể tiêu tốn hàng trăm đến hàng nghìn USD cho mỗi lần khám bệnh.

Khi dịch COVID-19 bùng lên tại Mỹ, người dân Mỹ còn có một mối bận tâm khác. Đó là những trường hợp đi xét nghiệm virus corona chủng mới hoặc bị cách ly sẽ phải trả viện phí trên trời.

Ông Frank Wucinski và cô con gái 3 tuổi Annabel được chính quyền Washington đưa từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc – tâm chấn của dịch) về Mỹ và được cách ly. Sau khi hoàn thành cách ly, ông Wucinski và con gái bất ngờ nhận được khoản hóa đơn y tế lên đến 3.918 USD từ bệnh viện và công ty bảo hiểm y tế. “Chúng tôi không có lựa chọn. Khi nhìn thấy hóa đơn, tôi tự hỏi làm thế nào để trả được số tiền này đây”, ông Wucinski than thở.

Theo Washington Post, một trường hợp khác là anh Osmel Martinez Azcue – một kỹ sư 29 tuổi ở Miami (bang Florida) từng đến Trung Quốc, trở về Mỹ rồi đến Italy. Khi quay lại Mỹ, anh tới bệnh viện công Jackson Memorial để xét nghiệm virus corona chủng mới, nhưng bác sĩ yêu cầu trả trước 5.000 USD.

Do chỉ mua gói bảo hiểm giá rẻ, anh Azcue đề nghị được xét nghiệm cúm thông thường. Khoảng 2 tiếng sau, bác sĩ kết luận anh nhiễm cúm và kê đơn thuốc Tamiflu. Đến ngày 14/2, một hóa đơn hơn 3.270 USD vẫn được Công ty Bảo hiểm Quốc gia (NGI) gửi đến nhà anh Azcue.

“Nếu không may mắc virus corona, tôi sẽ không đủ tiền tiết kiệm để trả tiền viện phí”, cô Danjale Williams, một nhân viên pha chế làm việc tại bang Washington, thừa nhận. Cô là một trong những người không có bảo hiểm y tế ở Mỹ.

Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), chỉ riêng đối với bệnh cúm mùa Mỹ, có khoảng 34-49 triệu người Mỹ mắc bệnh trong khoảng thời gian từ ngày 1/10/2019 đến ngày 29/2/2020. Tuy nhiên, chỉ 16-23 triệu người trong số đó đi khám bệnh và 350.000-620.000 người nhập viện.

Nhiều khó khăn

Ngoài mối lo về khoản viện phí đắt đỏ, nhiều người Mỹ lo sợ mất thu nhập vì nghỉ bệnh. “Có nhiều người phó mặc số phận khi bị bệnh do sợ thất nghiệp, điều đó có thể khiến dịch COVID-19 lây lan nhanh hơn”, nhà dịch tễ học Brandon Brown tại Đại học California bình luận.

Tại Mỹ, các công ty tư nhân thường chỉ trả lương cho trung bình 8 ngày nghỉ bệnh mỗi năm, theo Viện Chính sách Kinh tế Mỹ. Một cuộc khảo sát của công ty Robert Half vào tháng 10/2019 chỉ ra 57% người lao động Mỹ “thỉnh thoảng” đi làm khi mắc bệnh, 33% người “luôn luôn” tới công ty dù mắc bệnh.

Theo New York Times, hồi năm 2005, chính phủ liên bang ước tính nước Mỹ sẽ cần đến 740.000 máy thở nếu một đại dịch nghiêm trọng liên quan đến đường hô hấp xảy ra.

Hiện, khi nước Mỹ đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch virus corona, chỉ có khoảng 62.000 máy thở đầy đủ tính năng có mặt tại các bệnh viện trên khắp cả nước. Ngoài ra, Kho Dự trữ Quốc gia Mỹ có 10.000 chiếc, theo ông Thomas R. Frieden, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

Nếu tình huống xấu nhất xảy ra, nước Mỹ có thể đối mặt với tình trạng thiếu máy thở, thiếu nhân lực, giường bệnh, khẩu trang và nhiều thiết bị bảo hộ quan trọng khác.

“Chúng tôi vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ cho tình huống cạn kiệt khẩu trang N95”, New York Times dẫn lời bác sĩ Susan Ray tại bệnh viện Grady Memorial ở Atlanta (bang Georgia, Mỹ).

Các giám đốc bệnh viện Grady Memorial cho biết số lượng khẩu trang N95 hiện tại chỉ đủ dùng trong ít hơn một tháng. Một số bệnh viện ở Mỹ không thể mua thêm khẩu trang, họ thậm chí còn không biết rõ thời điểm có hàng.

Ở thời điểm hiện tại, kho dự trữ vật tư y tế của chính quyền liên bang Mỹ có 12 triệu khẩu trang N95 và 30 triệu khẩu trang phẫu thuật, chỉ tương đương khoảng 1% so với 3,5 tỷ chiếc cần có nếu dịch COVID-19 bùng phát thành đại dịch tại nước này, theo Bộ Y tế Mỹ.

“Mọi thứ sẽ tốt đẹp cả thôi”

Bộ Y tế Mỹ cho biết chính quyền liên bang cần đảm bảo có thêm 500 triệu khẩu trang N95 trong vòng 18 tháng tới. Tình trạng thiếu hụt khẩu trang tại các bệnh viện không chỉ do nguồn cung cạn kiệt vì dịch bệnh, mà còn xuất phát từ việc mua tích trữ của người tiêu dùng trong và ngoài nước Mỹ. Ngược lại, các bệnh viện không tích trữ khẩu trang, vì vậy những cơ sở này không có nguồn cung có sẵn.

New York Times nhận định tài nguyên tập trung ở các khu vực đông dân và giàu có nhất nước Mỹ, vì vậy vùng nông thôn đứng trước nhiều nguy cơ hơn. Giới chuyên gia cũng lo ngại rằng những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh có thể bị cản trở bởi việc cắt giảm ngân sách nhà nước.

Ngân sách y tế dùng cho các trường hợp y tế khẩn cấp giảm dần trong hơn 15 năm qua. Năm 2003, hai chương trình chính của chính phủ liên bang trị giá 1,4 tỷ USD. Năm nay, số tiền giảm xuống còn 662 triệu USD. “Đời tổng thống nào cũng cắt giảm tiền của các chương trình này”, Washington Post dẫn lời chuyên gia Crystal Watson tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins.

Ngân sách dành cho y tế bị cắt giảm cũng khiến các phòng thí nghiệm y tế bang và địa phương rơi vào tình trạng thiếu thiết bị và nhân lực. “Sự thật là chúng tôi không được đầu tư, chúng tôi thiếu đầu tư tại các phòng thí nghiệm y tế công, không có đủ thiết bị và nhân lực”, CNN trích lời Giám đốc CDC Thomas R. Frieden.

Những ngày qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump bị chỉ trích vì không có phản ứng kịp thời để kiểm soát sự lây lan của virus trong giai đoạn đầu dịch. Thậm chí, ông chủ Nhà Trắng còn có những phát biểu làm giảm nhẹ mối đe dọa của dịch virus chết người.

Hôm 9/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Twitter: “Năm ngoái, có 37.000 người Mỹ chết vì cúm thường. Con số tử vong trung bình từ 27.000 đến 70.000 người mỗi năm. Không nơi nào bị đóng cửa, cuộc sống và kinh tế vẫn tiếp diễn. Ở thời điểm hiện tại, chỉ có 546 ca nhiễm virus corona và 22 người tử vong. Hãy nghĩ về điều này!”.

Đây không phải lần đầu tiên ông chủ Nhà Trắng bác bỏ những quan ngại về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế và người dân Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với kênh Fox News, Tổng thống Trump tuyên bố “có linh cảm rằng tỷ lệ tử vong của dịch COVID-19 thực tế thấp hơn so với số liệu mà WHO đưa ra”.

Tuy vậy, hôm 10/3, chính quyền Tổng thống Trump cũng đã đề xuất một số biện pháp như giảm thuế quỹ lương xuống 0% và hỗ trợ tài chính cho người lao động nghỉ việc vì bị bệnh. “Hãy cứ bình tĩnh. Mọi thứ sẽ tốt đẹp cả thôi. Chính phủ đang làm mọi thứ rất hiệu quả”, Tổng thống Trump khẳng định.

Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Dân chủ không mặn mà với kế hoạch này. “Dường như chính quyền Tổng thống Trump coi giảm thuế là cách giải quyết mọi vấn đề”, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer chỉ trích.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , , ,