⠀
COVID-19 chỉ là khởi đầu của chuỗi đại dịch do suy thoái đa dạng sinh học?
Khi mất sinh cảnh và đa dạng sinh học gia tăng trên toàn cầu, sự bùng phát của virus corona có thể chỉ là khởi đầu của hàng loạt đại dịch.
Mayibout 2 không phải là một nơi lành mạnh. Khoảng 150 người sống trong ngôi làng nằm trên bờ nam sông Ivindo, sâu tít trong rừng Minkebe rộng lớn ở phía bắc Gabon đã quen với các bệnh thi thoảng lại xảy ra như sốt rét, sốt xuất huyết, sốt vàng và bệnh ngủ. Hầu hết dân làng đều tự khỏi bệnh.
Nhưng tháng 1/1996, Ebola – một loại virus chết người sau này mới được con người biết đến – đã bất ngờ tràn ra khỏi khu rừng trong một làn sóng dịch bệnh nhỏ. Căn bệnh đã giết chết 21/37 dân làng nhiễm bệnh, bao gồm một số người đã mang về, tham gia chế biến hoặc ăn thịt một con tinh tinh trong khu rừng gần đó.
Chỉ một hoặc hai thập kỷ trước, người ta vẫn nghĩ rằng rừng nhiệt đới và môi trường tự nhiên nguyên sinh dồi dào động vật hoang dã là mối đe dọa với con người bởi những nơi này ẩn giấu nhiều virus và mầm bệnh dẫn đến các loại bệnh mới ở người như Ebola, HIV và sốt xuất huyết.
Nhưng một số nhà nghiên cứu ngày nay cho rằng chính việc hủy hoại đa dạng sinh học dưới bàn tay con người đã tạo điều kiện cho các loại virus và bệnh mới như COVID-19 phát sinh, gây tác động sâu sắc tới kinh tế cũng như y tế ở cả nước giàu và nước nghèo. Trên thực tế, một môn học mới đang dần hiện hữu mang tên “sức khỏe hành tinh” chuyên tập trung vào các mối liên hệ ngày càng rõ ràng giữa phúc lợi của con người, các sinh vật sống khác và toàn bộ hệ sinh thái.
Có phải chính các hoạt động của con người như xây dựng đường sá, khai khoáng, săn bắn và khai thác gỗ đã châm ngòi cho dịch bệnh Ebola ở Mayibout 2 và nhiều nơi trên thế giới trong những năm 1990 và ngày nay đang tiếp tục tháo gông cho những nỗi kinh hoàng mới?
“Chúng ta xâm lấn các khu rừng nhiệt đới và các cảnh quan hoang dã khác – nơi nương náu của rất nhiều loài động thực vật và trong những sinh vật đó có rất nhiều loại virus chưa được biết đến. Chúng ta chặt cây, giết các con vật hoặc nhốt chúng hoặc mang chúng ra chợ. Chúng ta phá vỡ các hệ sinh thái và vô tình đưa virus ra khỏi vật chủ tự nhiên. Khi điều đó xảy ra, virus cần một vật chủ mới. Thông thường, vật chủ là chính chúng ta”, David Quammen, tác giả cuốn “Lây lan: Truyền nhiễn từ động vật và đại dịch tiếp theo” gần đây viết trên tờ New York Times.
Mối đe dọa ngày càng tăng
Nghiên cứu cho thấy bùng phát của bệnh truyền nhiễm qua động vật và các bệnh truyền nhiễm khác như Ebola, SARS, cúm gia cầm và bây giờ là COVID-19 (do một chủng coronavirus mới) đang gia tăng. Các mầm bệnh lây lan từ động vật sang người và có thể lây lan nhanh chóng đến những nơi mới. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính 3/4 số bệnh mới hoặc mới phát sinh lây nhiễm ở người bắt nguồn từ động vật.
Một số bệnh như bệnh dại và bệnh dịch hạch khởi phát từ động vật từ nhiều thế kỷ trước. Những bệnh khác, chẳng hạn như Marburg được cho là lây truyền từ dơi vẫn còn hiếm. Một số ít bệnh như COVID-19 (xuất hiện năm ngoái ở Vũ Hán) và MERS (có dính dáng đến lạc đà ở Trung Đông) là mới đối với con người và lan rộng trên toàn cầu.
Các bệnh khác đã lây sang người, bao gồm sốt Lassa được xác định lần đầu tiên vào năm 1969 ở Nigeria; bệnh Nipah từ Malaysia; SARS từ Trung Quốc (giết chết hơn 700 người và lây lan cho 30 quốc gia trong năm 2002-2003). Một số bệnh như virus Zika và Tây sông Nile xuất hiện ở châu Phi đã đột biến và lan sang các châu lục khác.
Kate Jones, Chủ tịch sinh thái học và đa dạng sinh học thuộc Đại học College London gọi các bệnh truyền nhiễm từ động vật mới nổi là một “mối đe dọa ngày càng tăng và rất quan trọng đối với sức khỏe, an ninh và các nền kinh tế toàn cầu”.
Hiệu ứng khuếch đại
Năm 2008, Jones và một nhóm các nhà nghiên cứu đã xác định 335 căn bệnh xuất hiện từ năm 1960 đến 2004, ít nhất 60% trong số này từ động vật.
Jones nói rằng những căn bệnh này ngày càng liên quan đến thay đổi môi trường và hành vi của con người. Phá vỡ các khu rừng nguyên sinh do khai thác gỗ, khai khoáng, xây dựng đường bộ qua những nơi hẻo lánh, đô thị hóa nhanh chóng và gia tăng dân số đang khiến con người tiếp xúc gần hơn với các loài động vật mà trước đây họ chưa từng đến gần.
Việc lây truyền bệnh từ động vật hoang dã sang người hiện là “chi phí tiềm ẩn cho sự phát triển kinh tế của con người. Chúng ta đang đi vào những nơi không bị xáo trộn và ngày càng bị phơi nhiễm nhiều hơn. Chúng ta đang tạo ra các sinh cảnh – nơi virus lây truyền dễ dàng hơn và sau đó chúng ta ngạc nhiên rằng mình mắc bệnh mới”.
Jones nghiên cứu cách những thay đổi trong sử dụng đất góp phần vào rủi ro. “Chúng tôi đang nghiên cứu cách các loài trong sinh cảnh bị suy thoái có khả năng mang nhiều virus có thể lây nhiễm sang người hơn. Các hệ thống đơn giản hơn có được hiệu ứng khuếch đại. Phá hủy cảnh quan và những loài bạn bỏ lại là những loài con người mắc bệnh từ đó”.
Eric Fevre, Chủ nhiệm Khoa bệnh truyền nhiễm thú y tại Viện Nhiễm trùng và Sức khỏe Toàn cầu chuộc Đại học Liverpool cho biết: “Có vô số mầm bệnh ngoài kia đang tiếp tục tiến hóa đến một điểm nào đó có thể đe dọa con người. Nguy cơ [của mầm bệnh lấy từ động vật sang người] luôn luôn tồn tại”.
Sự khác biệt giữa bây giờ và một vài thập kỷ trước là các căn bệnh có khả năng phát sinh trong cả môi trường đô thị và tự nhiên. “Chúng ta đã tạo ra các quần thể đông đặc – nơi bên cạnh chúng ta là dơi, loài gặm nhấm và chim, thú cưng và các sinh vật sống khác. Điều đó tạo ra sự tương tác và cơ hội lớn để mọi thứ chuyển từ loài này sang loài khác”, Fevre phân tích.
Phần nổi của tảng băng chìm
Nhà nghiên cứu sinh thái bệnh tật Thomas Gillespie, Phó Giáo sư khoa học môi trường tại Đại học Emory, chuyên nghiên cứu về việc thu hẹp sinh cảnh tự nhiên và thay đổi hành vi làm tăng nguy cơ lây lan bệnh từ động vật sang người, nhấn mạnh: “Mầm bệnh không tuân theo ranh giới các loài”.
“Tôi không ngạc nhiên về dịch coronavirus bùng phát. Phần lớn mầm bệnh vẫn đang được phát hiện. Chúng ta đang ở phần nổi của tảng băng chìm”.
Con người đang tạo điều kiện cho bệnh tật lây lan bằng việc giảm các rào cản tự nhiên giữa các động vật chủ – trong đó virus đang lưu hành tự nhiên – và chính mình. Chúng ta sẽ thấy đại dịch cúm xuất hiện; chúng ta sẽ thấy tỷ lệ tử vong của con người quy ở mô lớn; chúng ta có thể sẽ thấy các mầm bệnh với các tác động khác. Một căn bệnh như Ebola không dễ lây lan. Nhưng một thứ có tỷ lệ tử vong của Ebola và lây lan như bệnh sởi sẽ là thảm họa”, theo Gillespie.
Động vật hoang dã ở khắp mọi nơi đang bị căng thẳng nhiều hơn. “Những thay đổi lớn về cảnh quan khiến động vật mất sinh cảnh, khiến các loài sinh tồn chật chội hơn và cũng tiếp xúc nhiều hơn với con người. Các loài sống sót sau sự thay đổi hiện đang di chuyển và hòa lẫn với các loài động vật khác nhau và với con người”.
Tuy nhiên, nghiên cứu sức khỏe con người hiếm khi xem xét đến các hệ sinh thái tự nhiên xung quanh, theo Richard Ostfeld, khoa học gia lỗi lạc tại Viện nghiên cứu hệ sinh thái Cary ở Millbrook, New York. Nhóm của Ostfeld đang phát triển một bộ môn mới về sức khỏe hành tinh, xem xét mối liên hệ giữa con người và sức khỏe của hệ sinh thái.
“Giới khoa học và công chúng đều hiểu lầm rằng các hệ sinh thái tự nhiên là nguồn gốc của các mối đe dọa đối với chính chúng ta. Đấy là sai lầm. Thiên nhiên có những mối đe dọa, đó là sự thật, nhưng chính hoạt động của con người mới gây ra thiệt hại thực sự. Rủi ro sức khỏe trong môi trường tự nhiên có thể tồi tệ hơn nhiều khi chúng ta can thiệp vào”.
Ostfeld nói đến chuột và dơi – những loài liên quan chặt chẽ với sự lây lan trực tiếp và gián tiếp các bệnh từ động vật.
“Loài gặm nhấm và một số loài dơi phát triển mạnh khi chúng ta phá vỡ sinh cảnh tự nhiên. Chúng có khả năng thúc đẩy lan truyền [mầm bệnh]. Càng làm xáo trộn các khu rừng và sinh cảnh, chúng ta càng gặp nguy hiểm”.
Felicia Keesing, Giáo sư sinh học tại Bard College, New York chuyên nghiên cứu cách các thay đổi môi trường ảnh hưởng đến xác suất con người sẽ tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm chỉ rõ: “Khi làm xói mòn đa dạng sinh học, chúng ta thấy các loài có khả năng truyền bệnh mới cho chúng sinh sôi nảy nở nhưng cũng có bằng chứng vững chắc cho thấy những loài đó là vật chủ tốt nhất cho các bệnh hiện có”.
Mối liên hệ với chợ
Các nhà sinh thái bệnh học cho rằng virus và các mầm bệnh khác cũng có khả năng di chuyển từ động vật sang người ở nhiều khu chợ tự phát vốn cung cấp thịt tươi cho dân số đô thị đang tăng nhanh trên khắp thế giới. Tại đây, động vật bị giết mổ và bán tại chỗ.
Chợ “tươi sống” ở Vũ Hán, được chính phủ Trung Quốc cho là điểm khởi đầu của đại dịch COVID-19 hiện nay, bán rất nhiều động vật hoang dã, bao gồm cả chó sói, kỳ nhông, cá sấu, bọ cạp, chuột, sóc, cáo, cầy hương và rùa.
Tương tự, các chợ đô thị ở phía Tây và Trung Phi bán khỉ, dơi, chuột và hàng tá loài chim, động vật có vú, côn trùng và động vật gặm nhấm. Tất cả bị giết mổ và bán gần bãi rác lộ thiên và không có hệ thống thoát nước.
“Chợ tươi sống tạo ra một cơn bão hoàn hảo cho sự lây truyền chéo loài của các mầm bệnh. Bất cứ khi nào có những tương tác mới với một loạt các loài ở một nơi, cho dù đó là trong môi trường tự nhiên như rừng hay chợ tươi sống, lây truyền sẽ xảy ra”, Gillespie phân tích.
Chợ Vũ Hán, cùng với những chợ khác bán động vật sống, đã bị chính quyền Trung Quốc đóng cửa, tháng trước Bắc Kinh cấm buôn bán và ăn động vật hoang dã trừ cá và hải sản. Nhưng các lệnh cấm đối với động vật sống được bán ở khu vực thành thị hoặc chợ phi chính thức không phải là câu trả lời, theo một số nhà khoa học.
“Khu chợ tươi sống khét tiếng ở Lagos giống như một quả bom hạt nhân đang chờ nổ. Nhưng thật không công bằng khi quy kết hết tội lỗi những nơi không có tủ lạnh. Những chợ truyền thống này cũng là cung cấp thực phẩm lớn ở châu Phi và châu Á”, Jones bày tỏ.
Delia Grace, nhà dịch tễ học kiêm bác sĩ thú y cao cấp của Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế ở Nairobi, Kenya cho biết: “Những chợ như thế là nguồn thực phẩm thiết yếu cho hàng trăm triệu người nghèo, dẹp bỏ hết là bất khả thi”. Cô cho rằng lệnh cấm sẽ khiến giới thương nhân giao dịch ngầm – nơi họ ít chú ý đến vệ sinh.
Fevre và Cecilia Tacoli, nhà nghiên cứu chủ chốt trong nhóm nghiên cứu định cư con người tại Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) tranh luận trong một bài đăng trên blog rằng thay vì chĩa mũi dùi vào các chợ tươi sống, chúng ta nên nhìn vào thương mại ĐVHD đang phát triển.
“Động vật hoang dã chứ không phải động vật nuôi là vật chủ tự nhiên của nhiều loại virus. Chợ tươi sống được coi là một phần của thương mại thực phẩm phi chính thức – thường bị đổ lỗi cho việc góp phần truyền bệnh. Nhưng… bằng chứng cho thấy rằng mối liên hệ giữa chợ phi chính thức và bệnh tật không phải lúc nào cũng rõ ràng”.
Thay đổi hành vi
Vậy chúng ta có thể làm gì về tất cả những điều này?
Jones nói rằng sự thay đổi phải đến từ cả xã hội giàu và nghèo. Nhu cầu về gỗ, khoáng sản và tài nguyên từ phía bắc dẫn đến suy thoái cảnh quan và gián đoạn sinh thái – những thứ gây ra bệnh tật. “Chúng ta phải suy nghĩ về an toàn sinh học toàn cầu, tìm ra những điểm yếu và tăng cường dịch vụ chăm sóc y tế ở các nước đang phát triển. Nếu không, chúng ta sẽ còn hứng chịu nhiều hơn nữa”.
“Hiện giờ rủi ro đã lớn hơn, luôn và sẽ tồn tại qua nhiều thế hệ. Chúng ta cần phải thay đổi các tương tác mang tới rủi ro”, theo Brian Bird, nhà nghiên cứu virus học tại Davis School of Veterinary Medicine One Health Institute thuộc Đại học California, nơi ông phụ trách các hoạt động giám sát liên quan đến Ebola ở Sierra Leone và các nước khác.
“Chúng ta đang trong thời đại khẩn cấp kinh niên. Các bệnh dịch có nhiều khả năng đi xa hơn và nhanh hơn trước đây, có nghĩa là chúng ta phải phản ứng nhanh hơn. Để được như thế thì cần đầu tư, thay đổi hành vi của con người và chúng ta phải lắng nghe mọi người ở cấp độ cộng đồng”.
Bird nhấn mạnh chìa khóa là truyền tải thông điệp về mầm bệnh và bệnh tật tới thợ săn, người khai thác gỗ, tiểu thương ở chợ và người tiêu dùng. “Truyền nhiễm bắt đầu từ một vài người. Các giải pháp bắt đầu bằng giáo dục và nhận thức. Chúng ta phải làm cho mọi người nhận thức được rằng bây giờ mọi thứ đã khác. Tôi đã học được từ quá trình làm việc ở Sierra Leone với những người bị ảnh hưởng từ Ebola rằng các cộng đồng địa phương luôn khao khát và mong muốn có thông tin. Họ muốn biết phải làm gì. Họ muốn học”.
Fevre và Tacoli ủng hộ cân nhắc lại cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là trong các khu định cư thu nhập thấp và phi chính thức. “Những nỗ lực ngắn hạn nên tập trung vào ngăn chặn lây nhiễm. Về lâu dài, do các bệnh truyền nhiễm mới có thể sẽ tiếp tục lây lan nhanh vào trong các thành phố nên cần thiết phải thay đổi triệt để các phương pháp tiếp cận hiện tại đối với quy hoạch và phát triển đô thị”.
Điểm mấu chốt là phải được chuẩn bị trước, Bird nói. “Chúng ta không thể dự đoán được đại dịch tiếp theo sẽ đến từ đâu, vì vậy chúng ta cần các kế hoạch giảm thiểu cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Điều duy nhất chắc chắn là đại dịch tiếp theo chắc chắn sẽ đến”.
Theo BẢO VỆ RỪNG & MÔI TRƯỜNG / THE GUARDIAN
Tags: Đa dạng sinh học, Suy thoái môi trường, Dịch bệnh COVID-19, Dịch bệnh