Con người, động vật và nỗi đau trước cái chết của đồng loại

Khi động vật đau buồn vì cái chết của đồng loại, ta sẽ dễ dàng nhận thấy.Con người, động vật và nỗi đau trước cái chết của đồng loại

Tác giả: Zoe Cormier / BBC Earth.

Hồi tháng 8/2018, một con cá voi sát thủ non chết ở ngoài khơi Vancouver Island, và con cá mẹ, Tahelqua, đã giữ xác con con bên mình suốt 17 ngày liên tục. Những hình ảnh đó đã được loan đi trong các bản tin thời sự toàn cầu.

Hai năm sau, tại Quỹ Bảo vệ Tinh tinh Mồ côi Hoang dã (Chimfunshi Wildlife Orphange Trust) ở Zambia, một con tinh tinh cái có tên là Noel đã cố tìm cách lau sạch răng cho đứa con nuôi đã chết của nó, tinh tinh đực non Thomas, hành vi được nhiều người cho là “nghi thức làm đám tang”.

Voi nổi tiếng về việc tới thăm xác chết của các thành viên trong đàn, vuốt ve những bộ xương và có lúc còn đung đưa lắc mình như thể làm lễ “tưởng niệm”.

Con người, động vật và nỗi đau trước cái chết của đồng loại

Ta có thể chết vì trái tim tan nát không?

Kịch tính hơn nữa, hồi 1972 Jane Goodall chứng kiến cảnh một con tinh tinh đực non có tên là Flint chết chỉ một tháng sau cái chết của mẹ nó, Flo. Con tinh tinh non đã quá đau lòng sau cái chết của mẹ, đến nỗi nó ngừng ăn uống và mọi hoạt động khác cho tới chết.

Một con vật nào đó không rõ có thể “chết vì tan nát trái tim” hay không, nhưng luôn có một điều không thể nghi ngờ, đó là:

“Con người chúng ta không độc quyền sở hữu tình yêu hay nỗi đau buồn – những cảm xúc này tồn tại rộng khắp trong các loài động vật khác,” Tiến sỹ Barbara J. King, Giáo sư danh dự ngành Nhân chủng học tại Đại học William and Mary, tác giả cuốn Động vật đau buồn ra sao (How Animals Grieve), nói.

Bản thân Darwin cho rằng các loài động vật khác có khả năng biểu hiện các cảm xúc như hạnh phúc và đau khổ, và những câu chuyện về loài voi để tang đồng loại đã được Pliny the Elder (23-79 Sau Công nguyên) ghi nhận.

Vậy nhưng trong gần hai thế kỷ qua, các khoa học gia và các nhà triết học đã vô cùng ngần ngại khi dùng từ “đau buồn” để mô tả cách ứng xử của bất kỳ động vật nào trước cái chết của đồng loại, bởi họ sợ rằng như thế là đã nhân cách hoá chúng – tức là gán cho chúng những thuộc tính, trạng thái tình cảm, hay ý niệm của con người.

Qua quá trình nghiên cứu của mình, Tiến sỹ King bắt đầu cảm thấy rằng “chúng ta đã bị trói buộc suy nghĩ bởi những sợ hãi của mình về việc nhân cách hoá”, cho nên bà đưa ra một bộ các tiêu chí như sau:

“Nếu một con vật đang sống có mối quan hệ gần gũi với một con vật vừa chết trở nên từ bỏ mọi hoạt động xã hội, không ăn, ngủ, đi lại theo cách thức thông thường nó vẫn làm, và thể hiện những cảm xúc đặc trưng của loài – thì đó là lúc chúng ta ghi nhận được bằng chứng về cách thể hiện tình cảm của con vật đó trước cái chết”.

Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy sự đau buồn và để tang ở các loài động vật khác đã tăng lên rất nhiều trong thập niên qua.

Tạp chí Philosophical Transactions of the Royal B đã dành nguyên cả một số để viết về phản ứng trước cái chết ở cả con người và các loài động vật khác, và đề xuất một ngành nghiên cứu hoàn toàn mới, “sự tiến hoá trong tử vong học”.

Mục tiêu tối thượng của ngành mới này là không chỉ đơn giản lập danh mục các loại hành vi ứng xử trong vương quốc động vật và trong các nền văn hoá của con người, mà còn nhằm “phát triển nghiên cứu chi tiết hơn về sự tiến hoá trong mọi khía cạnh liên quan tới cái chết và sự hấp hối”.

Sau hết, nếu như người ta nói rằng “trong lĩnh vực sinh học, không có chuyện gì có thể coi là hợp lý trừ việc tiến hoá”, thì câu hỏi được đưa ra là tại sao sự đau buồn lại tồn tại?

Khi để tang, cả động vật và con người đều ứng xử theo những cách thức thường là không tốt cho sự sinh tồn: co vào trạng thái cô độc, từ bỏ các hoạt động giao tiếp xã hội, ngủ ít hơn, ăn ít hơn, giao phối ít hơn; và nếu như dành nhiều thời gian quanh quẩn bên xác chết thì cũng đồng nghĩa với việc để bản thân tiếp xúc với những nguồn bệnh, đồng thời trở nên dễ bị những loài thú săn mồi tấn công hơn.

Nâng lên mức ở con người, thì với số lượng đất chúng ta dùng cho các nghĩa trang, thời gian và tiền bạc ta chi cho các đám tang, và nỗi đau đớn khổ sở chúng ta phải chịu đựng khi mất người thân yêu, thì sự thống khổ thậm chí còn khiến ta kiệt quệ hơn.

Tâm trạng đau buồn đem lại những lợi hại gì?

Những trải nghiệm nhất định trong đời có lẽ là đau đớn, nhưng không có nghĩa là khiến ta thích nghi theo hướng không tốt.

Khi ta trải qua sự đau đớn thể xác do bị cắt vào da thịt hay do bị bỏng, theo phản xạ tự nhiên mang tính tiến hoá, vết đau đó sẽ gửi tín hiệu để chúng ta đưa mình ra khỏi nguồn gây đau đớn.

Cảm nhận được sự đau đớn là điều tốt. Những người sinh ra mà bẩm sinh không phản ứng với cảm giác đau sẽ chết yểu, dễ bị thương, bị nhiễm trùng triền miên.

Thế nhưng tâm trạng đau buồn đem lại cho ta những gì ngoài việc khiến ta thu mình lại trước thế giới, không còn buồn quan tâm tới chuyện ăn, ngủ nữa?

Việc hiểu được lý do động vật phản ứng với cái chết vào lúc nào, tại sao, và như thế nào, sẽ không chỉ dạy cho chúng ta về khả năng tri giác ở động vật, hay về sự tiến hoá của chính bản thân con người, mà nó còn giúp ta hiểu được bản chất của hiện tượng đau buồn.

Việc để tang không chỉ giới hạn ở các loài thuộc họ cá voi có não lớn (như cá voi, cá heo) hay ở các loài linh trưởng, các khoa học gia đã ghi nhận được một số hình thức “phản ứng trước cái chết” ở hải cẩu, heo biển, chó hoang dingo, ngựa, chó, mèo nhà, và nhiều loài khác nữa.

Trong số những ví dụ đáng kinh ngạc có câu chuyện về 27 con hươu cao cổ trưởng thành tổ chức lễ tưởng niệm cho một con non mới chết, chuyện những con voi từ năm gia đình khác nhau tới thăm xương cốt của một con voi chết, một nhóm 15 con cá heo bơi chầm chậm hộ tống một con cá heo mẹ mang theo con con đã chết, và một trường hợp kỳ lạ về hai con vịt được cứu từ một nông trại chuyên nuôi gia cầm lấy gan làm thực phẩm đã kết bạn với nhau, rồi khi một con chết, con vịt còn lại đã nằm gối đầu lên cổ con kia trong nhiều giờ đồng hồ.

Tuy những loài động vật có vú thường được đưa tin nhiều hơn, nhưng phản ứng trước cái chết là thứ tâm lý tồn tại ở cả những loài động vật khác, chẳng hạn như chim.

“Chúng tôi muốn đi xa hơn các câu chuyện vặt, và muốn nghiên cứu thử nghiệm, tìm cách hiểu giá trị của khả năng thích nghi trong việc thể hiện cảm xúc khi đồng loại chết,” Tiến sỹ Kaeli Swift, người đã tiến hành các thử nghiệm về hành vi ứng xử của quạ khi nhìn thấy quạ chết, bồ câu chết và sóc chết bị bỏ vào môi trường của chúng, nói.

Quạ có nhiều khả năng phát ra tiếng kêu cảnh báo và kêu gọi các con quạ khác tới khi thấy con quạ khác chết nhiều hơn là khi thấy bồ câu hay sóc chết, hay thậm chí cả khi thấy các con quạ giả được để trong tư thế như chết – cho thấy quạ thể hiện “phản ứng nguy hiểm” trước quạ chết.

Cách thức con người và động vật đau buồn có giống nhau?

“Cách bạn để tâm tới cái chết sẽ cho bạn biết về những cách mà bản thân bạn sẽ chết – cho nên bạn thường muốn tránh những chuyện này,” Tiến sỹ Swift nói. “Việc hiểu được cách thức thái độ ứng xử này bắt nguồn từ đâu sẽ giúp ta hiểu được quá trình tiến hoá của bản thân chúng ta”.

Từ quan điểm này, việc hiểu được các lý do khiến động vật để tang đồng loại sẽ giúp chúng ta hiểu được hành vi để tang của bản thân chúng ta.

Những phản ứng của chúng ta trước cái chết có rất nhiều điểm chung với các loài động vật.

Chẳng hạn như, giống với con người thì động vật cũng có những mức độ cảm xúc khác nhau khi phản ứng trước cái chết của đồng loại – cả từ mức độ cá nhân lẫn từ khía cạnh giống loài.

Nhìn chung, những giống loài có giao tiếp xã hội nhiều hơn sẽ tỏ thái độ đau buồn nhiều hơn. Và hai cá thể càng gần gũi với nhau thì sự đau buồn càng sâu sắc hơn.

Cá heo và cá voi là ví dụ điển hình về những loài vừa thông minh, vừa có mức độ giao tiếp xã hội cao, cho nên không ngạc nhiên gì khi chúng quan tâm tới thành viên vừa chết, mà xảy ra thường xuyên nhất là chuyện con mẹ quan tâm tới con con bị chết.

Thái độ của chúng không chỉ gồm việc kéo hay đẩy xác chết như trong trường hợp cá voi mẹ Tahelqua, mà còn cả các cách ứng xử tự phát và xăng xái hơn, như nhấc lên, hạ xuống xác chết nơi bề mặt nước (như thể để giúp nó dễ thở hơn), hay lôi kéo, xoay tròn, và kéo xác chết lặn xuống.

Tiến sỹ Joan Gonzalvo từ Dự án Ionian, là chương trình do Viện Nghiên cứu Tethys tài trợ, đã chứng kiến các con cá heo mũi chai ‘dự tang lễ’ của con non bị chết trong ba lần khác nhau, trong đó có hai lần là con cá heo mẹ mang con con đã chết theo mình trong vài ngày, và một lần là cả đàn cố tìm cách đẩy con non đang hấp hổi nổi lên, rồi cùng nhau ở lại khu vực thêm một thời gian sau khi con non chết và chìm xuống.

“Đau buồn đi kèm với việc mất mát,” ông nói. “Khi cá mẹ mang theo con con của nó trong nhiều ngày thì đó là bởi con con vừa mới được sinh ra, cho nên việc con non chết là bất ngờ, không lường trước. Cá mẹ cần có thêm nhiều thời gian để chấp nhận mất mát. Nhưng khi cả đàn phải chăm sóc cho một cá thể đã đau đớn vật vã một thời gian thì dẫu sao việc cá thể đó chết đi cũng là một sự giải thoát, để chúng có thể tiếp tục cuộc sống kể từ ngày đó thay vì phải mang theo một xác chết suốt tuần”.

Các hình thức “để tang” khác nhau ở linh trưởng

Có một điều lạ lùng là việc mang theo xác chết của con non là chuyện vô cùng phổ biến trong các loài linh trưởng.

Nhiều loài linh trưởng được quan sát thấy mang theo xác con non trong hàng tuần, thậm chí hàng tháng – trong một số trường hợp đặc biệt, con mẹ thậm chí mang xác chết theo cho tới khi xác con nó hoàn toàn khô như xác ướp do nhiệt, hoặc thậm chí chỉ còn là bộ xương.

Nhưng đó chỉ là một trong vài cách thức khác nhau mà các loài linh trưởng thể hiện đối với cái chết của đồng loại: chúng có thể tỏ thái độ giao tiếp thể chất với xác chết, như chải lông, làm sạch răng và nhẹ nhàng vuốt ve, hoặc có các hành vi dữ dội hơn như giật nhổ lông, dựng xác chết lên, hoặc thậm chí là ăn thịt xác chết.

“Cái chết là một trong những sự kiện xã hội chấn động nhất có thể xảy ra trong một nhóm động vật sống quần cư có giao tiếp với nhau”.

“Tôi đã chứng kiến cảnh chăm sóc vô cùng dịu dàng, cẩn thận, tuy nhiên các con tinh tinh đực vẫn có thể hung dữ với các con khác,” Tiến sỹ King, người đã quan sát tinh tinh, khỉ bonobo, đười ươi và các loài linh trưởng khác trong nhiều năm, nói.

“Giống như ở người, đó là sự lẫn lộn giữa nhiều thứ, phụ thuộc vào tính cách cá nhân của từng cá thể”.

Thái độ ứng xử xã hội của tinh tinh khiến Tiến sỹ Edwin van Leewen từ Viện Nghiên cứu Tâm lý Ngữ học Max Planck quan tâm.

Khi quan sát Noel lau chùi răng cho con nuôi của mình là tinh tinh đực non Thomas, một hành vi rất hiếm thấy trước đây, ông cảm thấy có thể giải thích được động cơ thông qua các động lực xã hội.

“Tôi nghĩ rằng con tinh tinh cái đang tìm cách thể hiện sự gắn bó của nó bằng cách làm điều gì đó với xác chết của con con,” ông nói.

“Cái chết là một trong những sự kiện xã hội chấn động nhất trong một nhóm động vật sống quần cư có giao tiếp với nhau. Chẳng hạn như khi một cá thể trưởng thành chết, sẽ cần có thứ gì đó để củng cố sự gắn bó xã hội. Hoặc có thể là phản ứng từ cả nhóm đối với một con mẹ bị mất con là cách để chúng kết nối với nhau. Trong số các loài động vật có vú, giống như con người chúng ta, nơi mà giao tiếp xã hội đóng vai trò rất quan trọng đối với sự sinh tồn, ta sẽ thấy khả năng thể hiện cảm xúc mạnh mẽ của các cá thể trước cái chết”.

Với Tiến sỹ Dora Biro từ Đại học Oxford, người đã quan sát tinh tinh phản ứng trước cái chết hai lần, thì ý nghĩa của việc này còn sâu xa hơn thế.

“Đứng từ quan điểm sự phát triển diễn ra theo từng thời kỳ, trẻ nhỏ cần một thời gian dài để hiểu được đầy đủ ý nghĩa của cái chết. Đó không phải là thứ mà chúng ta biết một cách tự nhiên mà là thứ ta biết thông qua những trải nghiệm,” bà nói.

Các nhà tâm lý học xác định là có bốn yếu tố quan trọng liên quan tới cái chết, bao gồm: sự không thể quay trở về trạng thái trước, bất động tuyệt đối (người chết không phản ứng trước bất kỳ điều gì), quan hệ nhân quả (vấn đề căn bản sinh học gây ra cái chết), và tính phổ quát (mọi sinh vật sống đều sẽ chết, kể cả bản thân bạn).

“Khi nào, và theo thứ tự nào, mà chúng ta đạt được hiểu biết về những yếu tố này?” bà hỏi. “Việc biết được là con người nắm được tới đâu trong những yếu tố đó sẽ cho ta biết về nguồn gốc tiến hoá nhận thức của chúng ta”.

Nếu như đau buồn là điều ta chứng kiến trong các loài động vật có tính giao tiếp xã hội cao, và thường thấy nhất trong các cá thể có mối gắn bó xã hội thân thiết, thì điều này rốt cuộc cho chúng ta biết rằng nghi thức để tang là phản ứng mang tính tiến hoá để “chấp nhận sự mất mát”, Tiến sỹ Gonzalvo nói.

Các loài động vật thông minh và con người cần có thời gian để chấp nhận sự mất mát. Hay, nói theo ngôn ngữ giản dị thì sự đau buồn là cái giá chúng ta phải trả để đổi lấy tình yêu.

Không mấy ngạc nhiên gì khi các địa điểm khảo cổ cho thấy những dấu hiệu về cái chết được thể hiện từ hơn 100 ngàn năm trước, và các nền văn hoá trên toàn cầu đều phát triển những nghi lễ phức tạp đối với cái chết từ các nghi lễ để tang cho tới việc xây dựng nghĩa địa, trang trí quan tài hay xây dựng kim tự tháp, hay thậm chí là nghi thức kỳ lạ của tộc người Toraja ở Indonesia – sống cùng xác chết của người thân, đã được đem ướp xác, trong hàng tuần lễ.

Có thêm một lý do nữa khiến chúng ta cần nghiên cứu về sự đau buồn của các loài động vật khác, Tiến sỹ King nói.

“Không phải là để nêu vấn đề phúc lợi của động vật mà còn là vấn đề quyền động vật nữa,” bà nói. “Nếu như chúng ta hiểu rõ về những cảm xúc mà các loài động vật có thì chúng ta sẽ đặt câu hỏi về sự tồn tại của các sở thú, các lò giết mổ trên toàn thế giới, và chúng ta sẽ nghĩ lại về những hệ thống đó”.

Theo BBC EARTH

Tags: , ,