⠀
Có thể học hỏi điều gì từ cách người Mỹ dạy con?
Người Mỹ không tạo áp lực để con học đọc, học viết sớm vì họ không muốn làm trẻ sợ việc đi học từ trước khi đến trường.
Ở Mỹ, trẻ tới 5 tuổi sẽ vào lớp Kindergarten (mẫu giáo), là chương trình được chính phủ hỗ trợ. Còn trước 5 tuổi, trẻ có thể ở nhà học đi học Pre-school (nhà trẻ), dù ở đâu, cũng không có tình trạng ép trẻ học đọc, học viết sớm. Người Mỹ không tạo áp lực để con học đọc, học viết sớm vì họ không muốn làm trẻ sợ việc đi học từ trước khi đến trường. Chính vì vậy, họ chỉ tập trung vào việc xây dựng các kỹ năng nền tảng để chuẩn bị cho việc đi học, thông qua các hoạt động vui chơi.<
Học chữ là để thực hành
Anna là mẹ của cô bé Ellie khoảng 2 tuổi rưỡi. Cách cô dạy con học chữ thông qua giúp mẹ làm việc nhà là việc khá phổ biến với các bà mẹ Mỹ. Khi Anna đang bận làm nốt việc nhà. Cô đặt bát đĩa vào máy rửa bát rồi gọi: “Ellie, ra giúp mẹ bấm rửa bát nào.” Bé Ellie lon ton chạy ra, đẩy cửa máy rửa bát lên giúp mẹ. Rồi cô chỉ: “Con bấm nút nào.” “Rồi, bấm nút Light Wash… rồi… bấm nút Start.” Bé Ellie nghe tiếng máy bắt đầu chạy thì vỗ tay sung sướng lắm.
Lúc này máy sấy kêu đã xong, Anna lấy quần áo vào rổ để chuẩn bị gấp. Cô lấy 3 tờ giấy ghi chữ Anna, Ellie, Max (Max là tên chồng chị). Rồi cô bảo: “Mẹ gấp rồi Ellie mang ra để đúng cho mẹ nhé.” “Rồi, đây là quần của bố”. Thế là bé bê cái quần đã gập đặt vào trước tờ giấy ghi chữ Max. “Rồi, đây là áo của Ellie”, bé lại chạy lại bê cái áo bé xíu của mình đặt trước chữ Ellie, rồi tự vỗ tay khen mình.
Sau khi con chơi xong đồ chơi, Anna kêu con dọn đồ chơi lại. Bé Ellie có cái tủ đồ chơi 2 ngăn thấp thấp, trong đó có các hộp để phân loại riêng. Ở mỗi thành mỗi hộp, Anna dán một hình và chữ viết để giúp con phân loại: Hình ô tô ở dưới ghi chữ “Car”, hình Lego ở dưới ghi chữ Lego, hình khối vuông ở dưới viết chữ “Blocks”. Ellie cũng có một rổ mây đựng sách. Anna không xếp sách nằm ngang hay dọc như cách người lớn mà xếp sao cho bìa sách với những hình vẽ đập vào mắt thay vì gáy sách. Làm như vậy khiến trẻ dễ bị thu hút và nhớ đến việc lấy sách ra đọc.
Cách Anna kể chuyện cho Ellie nghe khi cô bé chọn một cuốn sách ra chỗ mẹ cũng được cô lồng ghép để dạy bé về thế giới xung quanh. “Truyện này là chuyện gì nhỉ. À, hai em mèo Cat Skidoo, Con thấy ở bìa có hình gì nhỉ? Hai con mèo à? Đang trèo cây. Rồi bắt đầu đọc nào. Con nhìn này, có hai con mèo đang nằm bên cửa sổ. Cửa sổ nhà Ellie đâu nhỉ?” Ellie vặn người chỉ về phía cửa sổ. Anna cho biết lần đầu đọc truyện này và khi cô hỏi Ellie không biết cửa sổ là cái gì, nhưng giờ cô bé biết rồi.
“Một con mèo nhìn thấy hai con chim ngoài cửa sổ. Nó ngạc nhiên quá kìa. Con nhìn mắt nó mở to không? Nó nhảy chồm lên, giẫm phải con mèo kia. Con mèo kia bị đau, mắt cũng trố ra kìa. Con mèo liền nhảy xuống. Có hai em bé đang ngồi chơi xếp hình. Chơi xếp hình giống Ellie chơi đấy. Thì con mèo chạy qua. Nó là bộ xếp hình của các em bé vỡ tung hết rồi”, tay Anna xoay trên không trung, để diễn đạt đám đồ chơi bị bắn tung lên khắp phía”.
Con mèo chạy ra ngoài cửa. Mẹ đang đi chợ về. Mẹ đang ôm một đống đồ kìa. Mẹ đeo kính. (Ellie quay lại chỉ vào mắt mẹ). Mẹ đi dép (Ellie chỉ ra ngoài tủ đựng dép). Ừ, mẹ đang đi vào nhà thì con mèo chạy ra ngoài cửa mất rồi. Nó với lên cao để bắt con chim. Hai con chim đang ăn ngũ cốc này. Con mèo trèo lên xe đẩy. Nó nhảy ra bắt con chim thì con chim bay đi mất rồi, nó nhảy phải ống nước, thế là ống nước phụt ra, bắn vào mặt mèo rồi”. Anna lấy bàn tay ụp nhẹ vào mặt Ellie. “Đấy nước phụt vào mặt như thế đấy. Hai con mèo chạy đi, nó nhìn thấy một quả bóng. Quả bóng của Ellie đâu nhỉ?” Ellie đứng dậy chạy đi lấy một quả bóng màu hồng khá giống quả bóng trong truyện, ôm vào lòng thích thú lắm. Có vẻ bé rất thích vì thấy rằn một vật trong truyện lại hiện hữu ngay trong nhà bé. Cứ như thế, Anna lồng ghép các sự việc trong câu truyện để hỏi Ellie.
Chữ có ở khắp nơi và con sẽ hứng thú với nó
Một việc thú vị khác mà Anna dành cho Ellie nữa là cho bé xem những chiếc phong bì, quảng cáo đầy màu sắc từ hòm thư gia đình. Có lúc cô bé ngây người nhìn những chữ viết ngoài phong bì. Trên đường đi, Anna ghé vào quán kem và chỉ cho con các biển ghi tên các loại kem rồi bảo con “Con muốn ăn loại gì nào, socola, vani hay dâu?” Việc chỉ cho trẻ rằng ta có thể thấy chữ viết khắp mọi nơi, chữ viết cho ta thông tin chính là chuẩn bị cho trẻ yêu thích việc học chữ sau này.
Người Mỹ thường bắt đầu dạy trẻ viết lúc 5 tuổi. Trước đó, họ chỉ muốn con quen với việc cầm bút, và hiểu về việc viết, hiểu rằng viết là cách lưu giữ lại thông tin, và về sau chúng ta có thể đọc lại. Lúc đứa trẻ vẽ tranh, bố mẹ có thể hỏi: “Con hãy mô tả bức tranh. Mẹ sẽ ghi lại nhé!” Rồi mẹ lấy bút ghi theo lời trẻ đọc: “Đây là một khu rừng, trong đó có rất nhiều cây, và có một con khỉ.” Ngày hôm sau, mẹ có thể cầm giấy đọc lại cho con nghe: “Con ơi, hôm qua con mô tả bức tranh đây này. Đây là một khu rừng, trong đó có rất nhiều cây, và có một con khỉ.”
Khi cả nhà đi ăn hàng, đứa trẻ có thể chơi trò giả vờ làm người phục vụ, bé lấy một xấp giấy và một bút ra “Mẹ muốn gọi gì nào?” “Mẹ muốn ăn thịt bò” “Xin lỗi, nhà hàng hôm nay không có thịt bò.” “OK, vậy mẹ muốn ăn thịt gà rán, nhà hàng có không?” “Có, con sẽ ghi vào đây, thịt gà rán.” Trẻ chưa biết viết, nhưng nó có thể nguệch ngoạc bất cứ cái gì trên tờ giấy đó. Điều quan trọng là bé học được “viết là ghi chép thông tin.”
Để khuyến khích trẻ tập vẽ thì ở nhà, người Mỹ luôn để sẵn giấy và một hộp đựng bút các loại (bút chì, bút màu, bút sáp…) để trẻ khi cần, khi thích thì luôn có sẵn giấy bút bên cạnh.
Theo TRÍ THỨC TRẺ
Tags: Mỹ, Trẻ em, Gia đình