Chuyện từ Fukushima: Con người là thứ dịch hại khủng khiếp nhất

Thảm họa kép động đất – sóng thần tại Nhật Bản năm 2011 đã gây ra tai nạn phóng xạ kinh khủng nhất trong thập kỷ, mang tên Fukushima. Một thập niên trôi qua, con người không dám quay lại, nhưng thiên nhiên đã có câu trả lời.

Chuyện từ Fukushima: Con người thứ dịch hại khủng khiếp nhất với thiên nhiên

Ngày 22/4/2011, thành phố Fukushima trở thành “cấm địa” đối với người dân Nhật Bản, sau thảm họa kép động đất – sóng thần gây chấn động thời điểm bấy giờ.

Năm ấy, Fukushima phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ một trận động đất mạnh 9 độ richter, kéo theo là trận sóng thần cao 15m đánh thẳng vào nhà máy điện hạt nhân Daiichi. Những chấn động khiến cho nguồn điện của 3 lò phản ứng bị hư hại nặng, khiến phóng xạ bị đẩy ra ngoài tự nhiên. Chỉ trong vòng 3 ngày, toàn bộ lõi hạt phóng xạ đã tan chảy, buộc giới chức địa phương phải phát lệnh sơ tán khẩn cấp đối với toàn bộ cư dân trong bán kính hơn 1.100km2 xung quanh nhà máy.

Ước tính, hơn 100.000 người đã phải di tản ngày hôm đó. Còn Fukushima, thành phố trở thành “cấm địa” với tấm biển: “đặc biệt nguy hiểm” đặt ngay lối vào. Nhưng Fukushima nay đã đổi khác, và sự thay đổi ấy diễn ra ở những khu rừng nhiễm phóng xạ nằm xung quanh thành phố này.

Cụ thể, các chuyên gia tại Hoa Kỳ cho biết những khu rừng nhiễm xạ tại Fukushima đang hồi sinh mạnh mẽ so với thập kỷ trước, khi chứng kiến số lượng các loài vật hoang dã tăng lên nhanh chóng.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những bằng chứng đầu tiên về sức sống của tự nhiên trong khu vực di tản của Fukushima, dẫu cho vùng đất này vẫn đang bị nhiễm xạ khá nặng” – trích lời James Beasley, giáo sư tại Phòng thí nghiệm sinh thái sông Savannah thuộc ĐH Georgia. Đặc biệt, Beasley cho rằng nguyên nhân là do thiếu vắng sự hiện diện của con người.

Để có được kết quả này, nhóm nghiên cứu đã đặt tổng cộng 106 camera trong 3 khu vực tại Fukushima. Đầu tiên là khu vực cấm con người vì nồng độ nhiễm xạ cao, rồi khu có nồng độ nhiễm xạ trung bình, và khu vực ít nhiễm xạ có cho phép con người lui tới.

Trong tổng cộng 120 ngày, có hơn 267.000 bức hình đã được chụp liên quan đến 20 loài vật: khỉ macaque, thỏ rừng Nhật Bản, chồn… nhưng nhiều nhất là lợn rừng. Tổng cộng có 46.000 hình ảnh ghi được về sự tồn tại của lợn rừng trong khu vực này, và đây cũng là sinh vật… phá nhiều máy quay nhất.

Theo Beasley thì nhìn chung, phạm vi hoạt động của các loài vật chịu ảnh hưởng từ địa hình và hệ sinh thái, cũng như tập tính của chúng. Như loài chồn, chúng chỉ xuất hiện mạnh vào ban đêm, trong khi loài lợn rừng thì thăng hoa do sự biến mất của con người. Duy có ngoại lệ là loài sơn dương, chúng xuất hiện nhiều hơn chủ yếu do lãnh thổ của lợn rừng đang dần mở rộng.

Nghiên cứu này là bằng chứng đầu tiên cho thấy sự sống tự nhiên đã dần hồi sinh sau thảm họa kinh khủng như phóng xạ, giống như những gì từng xảy ra ở Chernobyl – nơi thiên nhiên cũng đang phát triển rất mạnh sau hàng chục năm thảm họa. Con người chỉ cần không ở đó, thiên nhiên tự khắc sẽ có câu trả lời.

Báo cáo được công bố trên tạp chí Frontiers in Ecology and the Environment.

Theo HELINO

Tags: , ,