⠀
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Tô Lâm nói lên điều gì?
Mỹ và phương Tây dành sự quan tâm lớn đến cá nhân Tổng Bí thư Tô Lâm khi ông đang giữ hai chức vụ cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam. Và Mỹ có thể là quốc gia mong chờ tín hiệu ngoại giao của Việt Nam nhất sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và phu nhân đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ ngày 18 đến ngày 20/8[1]. Thông cáo đã được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra chiều 15/8, đồng thời phía Trung Quốc đã mong đợi chuyến thăm sẽ làm sâu sắc thêm tình hữu nghị truyền thống giữa hai quốc gia, hai dân tộc. Đây là một sự kiện chính trị có tầm quan trọng đặc biệt phản ánh những dấu ấn đối ngoại đầu tiên trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đảm nhiệm. |
Bối cảnh diễn ra chuyến thăm
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm xuất phát từ lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi quan hệ hai nước đạt được nhiều bước tiến đáng kể. Tuy vậy, thời điểm chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Tô Lâm được đặt vào bối cảnh có nhiều điểm đặc biệt.
Thứ nhất, sau thành công của Kỳ họp “Lưỡng hội” Trung Quốc hồi đầu năm nay đã vạch ra những quyết sách kinh tế, cải tổ nhân sự mới cho bộ máy. Đến tháng 7 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (BCHTW ĐCSTQ) tiếp tục tổ chức thành công Hội nghị Trung ương 3 tại Bắc Kinh. BCHTW ĐCSTQ đã thông qua dự thảo văn kiện Quyết định của BCHTW về việc tiếp tục cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa theo kiểu Trung Quốc, đi sâu vào các biện pháp giúp khôi phục đà tăng trưởng nền kinh tế. Hội nghị Trung ương 3 được ví như dấu mốc quan trọng của Đảng sau 46 năm Trung Quốc tiến hành mở cửa nền kinh tế và trên con đường thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” dưới 11 năm nắm quyền của ông Tập Cận Bình.
Thứ hai, các điểm nóng trên thế giới ngày càng xuất hiện thêm các nhân tố châm ngòi cho nguy cơ leo thang tới mức trở thành xung đột toàn cầu đặc biệt tại khu vực Trung Đông. Trên Biển Đông, Trung Quốc bùng phát đụng độ với Philippines gần Bãi Cỏ Mây làm trầm trọng thêm căng thẳng ngoại giao đã có giữa hai nước. Ngoài ra, sự việc Trung Quốc tập trận gần quần đảo Hoàng Sa hồi tháng trước bị quốc tế lên án mạnh mẽ. Cùng thời điểm Việt Nam hoàn tất Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông với đầy đủ cơ sở bằng chứng pháp lý. Trong đó cả Việt Nam và Trung Quốc đều có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông đòi hỏi hai bên cần có một tiếng nói chung về vấn đề này.
Về phía Việt Nam, công tác đối ngoại 6 tháng đầu năm đạt được nhiều thành quả nổi bật như nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Australia và đón tiếp chu đáo chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin. Kinh tế tăng trưởng ổn định, nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, trước những thành tựu đạt được, Đảng và nhân dân Việt Nam phải trải qua một mất mát to lớn đó là sự ra đi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, dấu ấn “ngoại giao cây tre” của cố Tổng Bí thư đã góp phần định hình nên nền đối ngoại Việt Nam như hiện tại. Sau thời gian quốc tang, ngày 3/8 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII thống nhất bầu đồng chí Tô Lâm giữ chức Tổng Bí thư. Kiêm nhiệm hai chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước với xuất phát điểm từ ngành an ninh, Tổng Bí thư Tô Lâm được kỳ vọng sẽ nối tiếp các di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gồm chiến dịch chống tham nhũng, tiêu cực và đường lối ngoại giao cây tre.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm diễn ra vào thời điểm then chốt đối với mỗi Đảng, mỗi nước và quan hệ Việt – Trung. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra từng bước triển khai chuẩn bị cho công tác Đại hội XIV. Còn Trung Quốc đang đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển, đi sâu cải cách đã xác định tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chuyến thăm quốc tế đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm phản ánh điều gì về chiến lược ngoại giao của Việt Nam?
Trước khi đứng trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm từng có chuyến thăm đến Lào và Campuchia không lâu sau khi nhậm chức Chủ tịch nước. Điều đó cho thấy vị trí của các quốc gia láng giềng xung quanh luôn được đặt ở mức quan tâm lớn đối với nguyên thủ Việt Nam. Đặc biệt, chuyến thăm quốc tế đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm trong vai trò người lãnh đạo cao nhất của Đảng là sự tiếp nối những thuận lợi trong quan hệ Việt – Trung được xây đắp bởi các thế hệ lãnh đạo hai nước qua từng thời kỳ lịch sử. Định hướng khu vực của Hà Nội tiếp tục đặt trọng tâm vào quan hệ với Bắc Kinh và coi quan hệ hữu nghị, truyền thống làm nền tảng cho sự phát triển tích cực của hai dân tộc trước bối cảnh quốc tế nhiều biến động, thách thức.
Ngược lại về phía Trung Quốc, sau tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược ngoại giao láng giềng Trung Quốc đã đạt những thành công kỳ vọng. Với phương châm: “Lấy láng giềng làm bạn, quan hệ tốt với các nước xung quanh, tin cậy và hữu hảo. Cùng giúp đỡ lẫn nhau vì lợi ích chung”[2]. Bắc Kinh đã xây dựng được mạng lưới các quốc gia để hiện thực hóa khái niệm cộng đồng chung vận mệnh vì tiến bộ nhân loại. Việt Nam trong hoạch định chiến lược đối ngoại của Trung Quốc trở thành đối tác tin cậy hàng đầu của nước này minh chứng bằng những chuyến thăm cấp cao thường xuyên giữa hai nước. Do vậy có thể thấy nội hàm của chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm xuất phát từ sự ưu tiên lẫn nhau trong đường lối đối ngoại đến từ cả hai nước. Đặc biệt sau khi Hà Nội tham gia khuôn khổ cộng đồng chia sẻ tương lai và khởi đầu thuận lợi qua tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư.
Tuy nhiên, chiến lược ngoại giao của Việt Nam hiện nay đang ở vị thế khác với thời kỳ trước. Ngày nay, công tác đối ngoại không quá đặt nặng vấn đề ý thức hệ và cạnh tranh địa chính trị mà lấy lợi ích quốc gia – dân tộc làm nền tảng. Trong đó, chiến lược ngoại giao đặt rõ 3 mục tiêu: Phát triển đất nước, hòa bình ổn định và vị thế quốc tế. Ưu tiên quan hệ với Trung Quốc xuất phát từ thực tế tình hình nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Dễ thấy trọng tâm trong các văn kiện ký kết gần đây giữa hai nước chủ yếu về hợp tác kinh tế song phương. Nhìn vào tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc năm 2023 đạt được số văn kiện hợp tác nhiều chưa từng có. Trong đó có 4 thỏa thuận về chính trị – ngoại giao, 4 thỏa thuận về an ninh – quốc phòng và đến 24 thỏa thuận liên quan đến kinh tế – đầu tư[3]. Đó là lòng tin chiến lược trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Đồng thời khẳng định với thế giới về sự ưu tiên dành cho Bắc Kinh của Hà Nội không phải hành động từ bỏ chính sách cân bằng mà từ sự tin cậy của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước. Sau sự ra đi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều câu hỏi đặt ra về tương lai của nền đối ngoại Việt Nam trước sự gia tăng cạnh tranh nước lớn. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm vào đúng thời điểm phù hợp để Việt Nam một lần nữa khẳng định bố cục chiến lược đối ngoại của trường phái “ngoại giao cây tre”. Dẫn theo lời Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, ông Lê Hoài Trung: “Chuyến thăm khẳng định sự coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong chính sách đối ngoại”. Không gì khác ngoài mong muốn cùng với Trung Quốc củng cố môi trường đối ngoại và vị thế đối ngoại thuận lợi, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho việc thực hiện thành công những mục tiêu do Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra[4].
Phản ứng của Mỹ và phương Tây về chuyến thăm
Đối với Mỹ, từ khi xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược số một đối vị thế siêu cường mọi nhất cử nhất động của Bắc Kinh luôn được Washington theo sát. Trước bối cảnh giữa Mỹ – Trung đều tồn tại sự bất an chiến lược lẫn nhau trong đó Việt Nam đang thực hiện thế “cân bằng” giữ mức quan hệ ngoại giao Đối tác chiến lược toàn diện với cả hai bên. Điều này thực sự đã khiến kết quả chuyến thăm lần này giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với ông Tập Cận Bình nhận được phản ứng quan tâm từ Mỹ và phương Tây.
Hãng tin AP Mỹ bình luận với tựa “Chuyến thăm của tân lãnh đạo Việt Nam tới Trung Quốc phản ánh sự ưu tiên ngoại giao, ngay cả khi nước này xây dựng quan hệ với Mỹ”[5]. Bài viết phân tích những động thái ngoại giao của Việt Nam đặc biệt quan tâm đến câu chuyện Hà Nội có tiếp tục chiến lược cân bằng với cả Trung Quốc và Mỹ. Đặc biệt khi quan hệ hai nước tăng cường hơn bằng Tuyên bố chung về Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt – Trung công bố cuối năm 2023.
Về phía phương Tây, trước khi thông cáo về chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra, truyền thông phương Tây đã có bình luận vấn đề. Cụ thể, hãng tin Reuters ngày 12/8 với bài viết với tựa “Tổng bí thư mới được bổ nhiệm của Việt Nam sẽ thăm Trung Quốc vào tuần tới”[6]. Nguồn tin không được tiết lộ nhưng cho thấy chuyến thăm được lên kế hoạch từ trước. Kế đó hãng tin Deutsche Welle (DW) của Đức ra bài “Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc” vào ngày 18/8[7]. Bài viết ngắn cho rằng Việt Nam muốn tăng cường hợp tác với láng giềng Trung Quốc bất chấp những tranh chấp ở Biển Đông. Do đó có thể thấy truyền thông quốc tế có sự quan tâm lớn đến chuyến thăm và nhiều nhà bình luận phương Tây cũng đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh quan hệ Việt – Trung sẽ tác động đến trật tự khu vực Đông Nam Á thời gian tới ra sao.
Đo lường phản ứng từ truyền thông Mỹ và phương Tây có thể rút ra một số điểm sau. Thứ nhất, truyền thông phương Tây nói chung hiện đang bận rộn với những tin tức về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cùng diễn biến mới của xung đột Nga – Ukraina. Thông tin về chuyến thăm nước khác của nguyên thủ một quốc gia xa cách về địa lý được thông tin từ sớm, trên nhiều kênh đài cho thấy sức ảnh hưởng chính trị từ việc gia tăng quan hệ Việt – Trung rất được phương Tây quan tâm. Thứ hai, Mỹ và phương Tây dành sự quan tâm lớn đến cá nhân Tổng Bí thư Tô Lâm khi ông đang giữ hai chức vụ cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam. Điều đó làm cho phương Tây mong chờ sẽ thấy được phản ứng và định hướng, phong cách đối ngoại của Tổng Bí thư Tô Lâm so với các lãnh đạo tiền nhiệm. Thứ ba, sự quan tâm đó từ phương Tây như cách xem xét chiến lược ngoại giao thời gian tới dưới thời lãnh đạo mới còn trong thế “cân bằng” hay không. Và Mỹ có thể là quốc gia mong chờ tín hiệu ngoại giao của Việt Nam nhất sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Chưa đầy một tháng nữa quan hệ Việt – Mỹ sẽ tròn một năm hai nước thiết lập quan hệ mức cao nhất Đối tác chiến lược toàn diện. Trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung, Việt Nam trở thành điểm quan tâm thường xuyên hơn của lãnh đạo hai siêu cường. Do đó với những biến đổi tình hình mới, chủ trương hành động của Việt Nam cần quyết tâm thực hiện đúng đường lối đối ngoại đã vạch ra trong văn kiện Đại hội XIII.
Những kết quả đạt được trong chuyến thăm
Trước chuyến thăm Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá đây là sự kiện thể hiện sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của cả hai bên đều rất mong đợi và kỳ vọng sẽ đạt được những thành quả. Trong đó, thống nhất về những phương hướng, biện pháp lớn nhằm xây dựng hiệu quả Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc, triển khai định hướng “6 hơn”. Trọng tâm là tiếp tục cụ thể hóa các thỏa thuận đã ký kết, đưa hợp tác đi vào thực chất trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như kết nối đường sắt, thương mại, đầu tư, tài chính tiền tệ, văn hóa – du lịch, giao lưu nhân dân[8].
Sau ngày làm việc đầu tiên tại với giới chức thành phố Quảng Châu, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao những kết quả hợp tác tốt đẹp giữa Quảng Đông với các địa phương của Việt Nam. Tổng Bí thư đề nghị Quảng Đông và các địa phương Việt Nam thúc đẩy giao lưu, hợp tác thường xuyên. Hoan nghênh các doanh nghiệp của tỉnh Quảng Đông mở rộng quy mô đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam trong các lĩnh vực chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, cơ sở hạ tầng. Đáp lại đề nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Khôn Minh khẳng định sự coi trọng, quyết tâm và mong muốn của tỉnh Quảng Đông trong việc cùng các địa phương giàu tiềm năng của Việt Nam hợp tác có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.
Qua ngày làm việc thứ hai, đoàn cấp cao di chuyển đến thủ đô Bắc Kinh, sau lễ đón chính thức trọng thể, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội đàm cấp cao với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Tại Đại lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã cùng chứng kiến lễ ký 14 văn kiện và 2 tuyên bố được các ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương hai nước ký kết.
Trong số 14 văn kiện có tới một nửa số văn kiện ký nhằm thúc đẩy hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng. Toàn bộ 2 tuyên bố là hai Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam với chính quyền nhân dân tỉnh Hải Nam và chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Trong đó mục tiêu đạt được tiến triển trong thúc đẩy thực hiện “Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đường sắt Trung Quốc – Việt Nam” đã ký vào tháng 10/2023. Ngoài 3 tuyến đường sắt phía Bắc Việt Nam: Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hải Phòng, Trung Quốc còn hoan nghênh hợp tác trong các tuyến đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng, đường sắt đô thị tại Hà Nội. Trang Người Quan sát đưa ra lời nhận xét “khi ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển một phần hoạt động xuất khẩu sang Việt Nam, “sự kết nối liền mạch” của đường sắt Trung Quốc – Việt Nam được coi là chìa khóa của chuỗi cung ứng”[9].
Ngoài những vấn đề trên, các vấn đề quốc tế, khu vực hai bên nhất trí cùng kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở trên biển, củng cố môi trường thuận lợi cho sự phát triển của mỗi nước.
Kết thúc chuyến thăm quốc tế đầu tiên trên cương vị mới của Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn cấp cao Việt Nam đã tổng kết được nhiều thành tựu với kỳ vọng đặt ra. Trong đó, một số dự kiến ban đầu đạt được thành công hơn dự kiến. Lựa chọn Quảng Châu làm điểm đến đầu tiên, Tổng Bí thư đã khảo sát được tình hình kinh tế xã hội địa phương qua đó thúc đẩy gắn kết, đầu tư giữa thành phố giàu có bậc nhất với những địa phương tiềm năng của Việt Nam. Trong các hoạt động viếng thăm, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp gỡ đại diện các tổ chức hữu nghị, thân nhân của gia đình các tướng lĩnh cách mạng, nhân sĩ trí thức tiêu biểu của Trung Quốc… đã gợi nhớ lại quá trình gắn bó, đấu tranh cách mạng của hai Đảng, hai dân tộc, qua đó vun đắp thêm tình hữu nghị truyền thống. Sau cùng là những kết quả trong hợp tác, đầu tư cùng phát triển. Những mục tiêu đặt ra đều được hoàn thành đúng mong đợi. Qua đó để lại dấu ấn đối ngoại đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm trên cương vị mới. Với một chuyến thăm gấp và ngắn nhưng đồng thời Tổng Bí thư và đoàn cấp cao đã thực hiện thành công 3 kênh Đối ngoại Đảng – ngoại giao nhà nước – đối ngoại nhân dân.
Dự báo quan hệ Việt – Trung trong những năm tiếp theo
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950 tính đến hiện tại đã trải qua hơn 70 năm dẫu có lúc thăng trầm nhưng hữu nghị, hợp tác vẫn là mạch đập chính. Sau hơn 30 năm bình thường hóa, quan hệ Việt – Trung đã có những bước tiến nhanh chóng và ngày càng sâu sắc, toàn diện trên các lĩnh vực. Xuất phát từ yếu tố lịch sử, truyền thống cùng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong thời gian tới quan hệ Việt – Trung sẽ gặt hái được nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt. Phấn đấu xây dựng và phát huy giá trị của Cộng đồng chia sẻ tương lai, đưa nội dung văn kiện đã ký vào thực tiễn.
Trong những năm tới, căn bản quan hệ Việt – Trung sẽ tiếp tục phát triển theo hướng hợp tác cùng có lợi cho đôi bên xuất phát từ động lực thực tiễn sau.
Thứ nhất, mong muốn khôi phục nền sản xuất, nối lại kênh cung ứng sau gián đoạn của đại dịch COVID-19 và chính sách Zero COVID mà Trung Quốc mới gỡ bỏ chưa lâu. Tăng cường mở cửa biên giới, kết nối hạ tầng là giải pháp thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương đem lại lợi ích thiết thực nhất cho nhân dân hai nước.
Thứ hai, xuất phát từ những bước tiến lớn trong ngoại giao. Kể từ khi xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2008 theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” đã đưa quan hệ hai nước vào một quỹ đạo ổn định. Đặc biệt, sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2022 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12/2023, hai bên đã nhất trí cùng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt – Trung bổ sung định hướng “6 hơn” mở ra chương mới cho quan hệ hợp tác.
Quan hệ song phương theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá đang ở mức độ sâu sắc, toàn diện, thực chất nhất từ trước đến nay[10]. Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 112,2 tỷ USD, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục xu thế tăng nhanh, đạt 1,524 tỷ USD[11]. Ngoài thặng dư về kinh tế, trọng tâm mới của Việt Nam nằm ở việc thúc đẩy đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc – Việt Nam mà hai bên đã thỏa thuận. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Tô Lâm lần này góp phần tạo bước nhảy vọt mới cho quan hệ song phương, có tác động to lớn đối với xu thế phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian dài tiếp theo.
Bên cạnh tương lai phát triển quan hệ Việt – Trung lên tầm cao mới, giữa hai nước cần tìm được tiếng nói chung trong giải quyết một số vướng mắc về chủ quyền lãnh thổ, vấn đề biển Đông. Thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”. Xử lý bất đồng dựa vào luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, xử lý kiểm soát tốt tình hình trên biển. Trong tương lai duy trì đà phát triển ổn định, tích cực của quan hệ song phương và hòa bình, ổn định ở khu vực.
Theo PHẠM QUANG HIỀN / NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG
Tags: Quan hệ Việt - Trung