⠀
Chuyện nàng công chúa lấy 2 vua đối địch làm chồng trong sử Việt
Nàng công chúa của nhà Lê bị số phận đưa đẩy khiến bà kết duyên cùng vua của 2 triều đại đối địch là Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn và Gia Long triều Nguyễn.
Đến nay dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “Số đâu có số lạ lùng!/Con vua mà lấy hai chồng làm vua”. Đó chính là câu chuyện về Ngọc Bình công chúa của nhà Lê. Lê Ngọc Bình là con gái thứ 23 của vua Lê Hiển Tông và Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều , đồng thời cũng là chị em cùng cha khác mẹ với công chúa Ngọc Hân.
Công chúa Ngọc Bình nổi tiếng với vẻ đẹp chim sa cá lặn. Không nhưng thế trong dân gian còn lưu truyền rằng bà có một hương thơm rất lạ trên cơ thể mà đến các bậc đế vương đều bị mê hoặc.
Vào năm 1795, Thái sư Bùi Đắc Tuyên bị lật đổ, thế lực ngoại thích không còn, Quang Toản (tức vua Cảnh Thịnh) hướng quân về Hà Bắc, lại được công chúa Ngọc Hân có ý làm mối với em gái mình.
Thế là cùng năm đó, khi công chúa Ngọc Bình vừa trong 12 tuổi, nàng được phong làm Chính cung hoàng hậu.
Đến tháng 5/1801 Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân, vua Quang Toản bỏ chạy, Ngọc Bình và một số cung nữ khác bị kẹt lại Phú Xuân. Thấy nàng xinh đẹp thướt tha, Gia Long rất lấy làm mến mộ.
Dù cận thần nhà Nguyễn hết sức can ngăn cho rằng “thiên hạ thiếu gì đàn bà mà lại lấy thừa vợ của vua nguỵ” nhưng vua Gia Long vẫn bỏ ngoài tai và lấy Ngọc Bình làm Phi không những thế còn phong cho nàng làm Đệ tam cung Đức Phi.
Sử sách chép rằng, bà hoàng Ngọc Bình sinh được bốn người con (hai trai, hai gái). Hai hoàng tử là Quảng Oai công Nguyễn Phúc Quân (1809) và Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự (1810)
Hai công chúa là Mỹ Khê Ngọc Khuê và An Nghĩa Ngọc Ngôn. Đức phi Ngọc Bình mất vào năm 1810, sau khi sinh hoàng tử Phúc Cự. Năm ấy, bà mới 27 tuổi.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu lịch sử, Lê Ngọc Bình là người phụ nữ thứ hai, sau hoàng hậu Dương Vân Nga, làm vợ của hai vị vua thuộc hai triều đại khác nhau trong lịch sử Việt Nam.
Theo TRÍ THỨC TRẺ
Tags: Nhà Nguyễn, Nhà Tây Sơn, Giai thoại lịch sử