Chuyện giao thông kiểu đàn cừu ở Việt Nam

Thực tế, luật là thứ xa xỉ, không hữu hình nên người tham gia giao thông không sợ. Nhưng với công cụ của pháp luật hiện hữu – cảnh sát giao thông – thì họ lại răm rắp theo tiếng còi hay cây gậy. Rất trực quan.

Giao thông – nỗi kinh hoàng của người ngoại quốc khi tới Việt Nam. Họ không thể tưởng tượng được kiểu đi như thế với số lượng xe như thế, dòng người vẫn “trôi” đi được. Mạnh ai nấy chạy, gần như chỉ có một thứ quy tắc vô hình trong toàn bộ sự bất quy tắc của giao thông. Đó là né.

Những con đường có làn có vạch quy định rất rõ ràng nhưng đó chỉ thuộc về phạm trù của luật pháp, vì khi cần chả ai đi theo những làn vạch đó.

Nếu nhìn từ trên cao xuống một con đường vào giờ tan tầm, bạn cảm giác như thấy một đàn kiến khổng lồ. Những con kiến nhỏ (xe máy) đang bu quanh những con kiến lớn (xe hơi) đi về tổ. Với quy luật né, nghĩa là cứ chỗ trống thì chen vô, đi kiểu gì cũng về được nhà. Xe hơi thì dàn hàng 2, hàng 3, thậm chí hàng 4… chắc chắn xe máy sẽ lên vỉa hè mà tiến. Quả thực, nếu xe hơi lên được vỉa hè có lẽ họ cũng chẳng từ.

Xe máy thì chen vào đường xe hơi, xe buýt thì đi tuốt… các làn.

Trong khi đó, các chế tài luật pháp ngăn chặn vi phạm giao thông thiếu và bất lực trước đám đông hỗn loạn. Chả ai đi theo luật, và chưa chắc gì đã học luật. Thực tế, luật là thứ xa xỉ, không hữu hình nên người tham gia giao thông không sợ. Nhưng với công cụ của pháp luật hiện hữu – cảnh sát giao thông – thì họ lại răm rắp theo tiếng còi hay cây gậy. Rất trực quan.

Chính vì vậy, khi không có sự hiện diện của công cụ luật pháp, mặt đường là thế giới tự do. Ở ngã tư, đèn chưa xanh, nhiều người đã tràn tới giữa ngã tư và hậu quả là phía còn lại cũng bị vướng ở đó. Vậy là kẹt, rất đơn giản. Với những thành phố như Hà Nội hay TP. HCM, có 1001 lý do để kẹt xe. Một ai đó đi xe hơi do chờ đợi quá lâu hoặc có thông tin nhà cháy, bồ nhí đẻ, vậy là đánh vô lăng, ta nhào sang làn ngược chiều cho nhanh. Đoàn người vượt cố ngã tư khi tín hiệu giao thông sắp sang mầu đỏ (nhiều khi đã đỏ). Một chiếc xe chở cồng kềnh chắn đường hay vô duyên hơn nữa là một chị thắng két giữa đường ngoái đầu lại vì nhìn thấy người quen…

Nhưng quan trọng hơn cả, là thái độ bàng quan, lãnh cảm của người đi đường. Họ thấy và họ … né, chỉ đôi người khó chịu cũng làu bàu hoặc hơn thế là chửi thề vài tiếng.

Sự bàng quan đỉnh điểm sẽ là sự lạnh lùng vô cảm khi đoàn người cứ vô tư đi khi phía sau là tiếng còi gắt của xe cứu thương. Đó là sinh mạng, họ vẫn mặc. Người ta từng thắt lòng khi nhìn tấm hình xe cứu thương chuyền bệnh nhân qua cửa sổ để đi cấp cứu khi xe kẹt cứng trong biển người. Nhưng có lẽ chỉ vậy, cảm thán rồi quên đi.

Nhưng giữa đám người vô thức chen lấn kia vẫn có người “vác tù và hàng tổng” khi sẵn sàng lao ra đường điều khiển giao thông. Hoặc có người đi tìm chỗ kẹt xe để hỗ trợ điều khiển. Nhưng họ vẫn chỉ là những hạt cát vu vơ. Vì họ chỉ là những thường dân, nên những thường dân khác không … nể. Rất nhiều người vẫn chen lấn, vượt ẩu thậm chí còn chửi cả những “hiệp sĩ” kia.

Chính vì thế, hình ảnh anh chàng Tây quay xe chặn đường chiếc xe hơi đi ngược chiều vừa qua sẽ nhạt nhoà trong con mắt của không ít người vô cảm. Họ sẽ cho rằng “thằng Tây rách việc hoặc rảnh việc”. Cũng có rất nhiều người khen ngợi, nhưng chỉ ba bảy hai mốt ngày là chẳng ai còn nhớ.

Quả thực, chàng Tây hay ta có rảnh hay rách việc hay không chưa bàn. Nhưng họ là những người có nguyên tắc không chấp nhận sự hỗn loạn vô tổ chức mang tính bầy đàn và sự thờ ơ vô cảm như đồng loã với cái sai hiện hữu.

Chợt nhớ câu chuyện ngụ ngôn: “Chỉ có một người”. Khi người chủ hỏi bác làm công đám cưới cạnh nhà có đông không và nhận được câu trả lời: “Đám cưới chỉ có một người dự. Bởi vì tôi để khúc gỗ bên thềm nhà, tất cả đều vấp phải và tức tối nhưng chẳng ai buồn dẹp đi. Thế thì lũ cừu cũng làm như vậy. Nhưng một bà lão đã dẹp khúc gỗ sang bên để người khác khỏi vấp ngã. Chỉ có con người mới làm như vậy. Một mình bà lão là người.”

Theo PHƯƠNG UYÊN / THANH NIÊN ONLINE (2016)

Tags: ,