Chuyện giang hồ đòi nợ và thiếu sót của một nền tư pháp

Mọi sự so sánh đều khập khễnh, nhất là lĩnh vực tư pháp nhưng nếu đã không theo kịp thông lệ luật pháp quốc tế cơ bản, cho phép cá nhân phá sản thì cũng cần có thiết chế để bảo vệ con nợ khỏi sự đòi nợ thô bạo.

Không có số liệu thống kê chính xác nhưng một tỷ lệ không nhỏ các vụ án giết người, cố ý gây thương tích xuất phát từ chuyện giang hồ đòi nợ. Những “Chí Phèo thời hiện đại” được sử dụng như một công cụ phổ biến với tính chất khủng bố thể chất và tinh thần man rợ. Những người thiếu nợ không thể bảo vệ được gia đình mình khi cái lý “có vay, có trả” thuộc về những kẻ côn đồ. Xã hội bị rạn nứt từ bên trong khi tinh thần thượng tôn pháp luật nhường chỗ cho sự thô bạo.

Tôi nhiều năm làm việc trong ngành ngân hàng, biết nhiều số phận lao đao vì nợ nần. Vài năm trước tôi còn làm quen với một nhóm tự gọi đùa nhau là “Câu lạc bộ giám đốc phá sản năm 2010”. Phần lớn đều trắng tay vì đầu tư vào bất động sản với lãi ngân hàng quá cao, giờ họ thường gặp nhau để giúp đỡ, động viên và chia sẻ về hậu quả do nợ nần đem đến. “Nhất tội, nhì nợ” – một người trong hoàn cảnh nợ nần vượt quá khả năng trả nợ đối diện với áp lực rất lớn đến từ chủ nợ xiết nợ hàng ngày; từ mâu thuẫn gia đình; từ nỗi lo về tương lai con cái và dư luận xã hội…

Bố một người bạn tôi đã chọn uống thuốc sâu tự tử với hy vọng sau khi chết khoản nợ được xóa đi, giữ lại căn nhà cho con cái. Tôi biết, không ít người như ông, đã phải chọn cách cực đoan đó.

Nhưng liệu họ có nhiều lựa chọn không? Có hai nguyên nhân chính khiến những người “vỡ nợ” ở Việt Nam có rất ít cơ hội để làm lại cuộc đời khi đã tiêu tán hết tài sản. Thứ nhất, sổ sách ngân hàng sẽ lưu trữ mãi tình trạng nợ xấu của những người này và lãi được tính đến khi nào họ trả hết. Vì họ không được quyền tuyên bố phá sản như doanh nghiệp. Thứ hai, người “vỡ nợ” rất khó khôi phục làm ăn vì hở ra cái gì là chủ nợ lại đến xiết, kết cục phần lớn những người này sẽ đi làm thuê, không dám làm ăn nữa.

Những thiếu sót của hệ thống tư pháp hiện ra rõ nét khi việc đòi nợ ở Việt Nam chủ yếu do hai bên tự giải quyết bên ngoài tòa án. Đó là địa lợi cho giang hồ đòi nợ hành nghề. Con nợ hầu như không thể bảo vệ bất cứ quyền gì cho mình, hoàn toàn bế tắc bởi nghèo túng, thiếu vắng tư vấn luật pháp và hỗ trợ tâm lý. Nếu gõ từ khóa “giang hồ đòi nợ”, Google sẽ cho ra trên một triệu kết quả, mà đọc lướt qua sẽ thấy sự khủng bố là rất khủng khiếp, từ đâm chém, bắt cóc con cái, đặt quan tài trước cửa nhà và vô số hình thức khác.

Công an chủ yếu dọn dẹp hậu quả các vụ khủng bố tinh thần chứ không thể bảo vệ hết những người bị hại, đa phần những người xung quanh cũng quay lưng vì họ vẫn thấy cái lý thuộc về chủ nợ. Những con nợ thiếu nơi bám víu dù chỉ để bảo vệ sự an toàn tối thiểu cho gia đình.

Tôi chắc ai cũng đồng ý với việc “có vay, có trả” nhưng trong trường hợp người vay thực sự không thể trả nợ ngay, sự xiết nợ bằng bất cứ biện pháp nào sẽ dẫn tới hành động cực đoan. Nó cũng sẽ tước đoạt mất giải pháp làm lại cuộc đời để có thể trả nợ trong tương lai của những người thất bại.

Pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ có quy định về “phá sản doanh nghiệp” còn cá nhân không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật phá sản. Theo tôi đây là điều càng khiến cho tình trạng đòi nợ, xiết nợ trở nên phổ biến hơn. Việc pháp luật cho phép cá nhân được tuyên bố phá sản đã diễn ra ở nhiều các quốc gia. Sau khi được tuyên bố phá sản, như tại Mỹ thì tòa án có thể xóa một phần nợ (giống như việc phá sản doanh nghiệp), giữ lại cho con nợ một số tài sản được miễn (như chỗ ở tối thiểu, quần áo, đồ dùng cho nghề nghiệp…) và ngăn chủ nợ đòi nợ trong thời gian nhất định.

Mọi sự so sánh đều khập khễnh, nhất là lĩnh vực tư pháp nhưng nếu đã không theo kịp thông lệ luật pháp quốc tế cơ bản, cho phép cá nhân phá sản thì cũng cần có thiết chế để bảo vệ con nợ khỏi sự đòi nợ thô bạo. Nếu Việt Nam muốn thu hút Việt kiều cũng như người nước ngoài đến sinh sống, xây dựng những đặc khu kinh tế thành công, nếu muốn gó phần tạo sự bình yên xã hội thì việc sửa đổi bổ sung Luật Phá sản, tạo điều kiện cho công dân được vỡ nợ an toàn có ý nghĩa không hề nhỏ.

Theo PHAN NAM / VNEXPRESS (2017)

Tags: ,