Chuyện của những tấm bản đồ chứng minh Hoàng Sa thuộc về Việt Nam

Một ngày, chuẩn bị đến công ty tại Mỹ, tôi thấy có người rao bán tập bản đồ chính thức của Trung Quốc. Có điều gì thôi thúc tôi phải đi ngay.

Chuyện của những tấm bản đồ chứng minh Hoàng Sa thuộc về Việt Nam

Tác giả: Trần Thắng, kỹ sư hàng không.

Xin nghỉ phép, tôi lái xe một mạch tới New York. Trước mắt tôi, tập bản đồ to như cái bàn, dày mấy chục trang được in từ năm 1933. Lật từng trang, tôi hồi hộp vì đang chứng kiến một sự kiện lịch sử sống. Bản đồ chi tiết đến từng tỉnh, từng khu vực của Trung Quốc. Trong đó, họ đã đưa Tây Tạng và Mông Cổ vào bản đồ. Tôi nghĩ: “Nếu Trung Quốc cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của họ thì họ cũng đưa vào sách này”.

Và y như rằng, tập bản đồ dày cộp liệt kê 29 tỉnh của Trung Quốc không đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. Cực nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam trong tờ bản đồ tỉnh Quảng Ðông. Tôi thở phào sung sướng, bấm điện thoại báo tin vui cho bạn bè ở Mỹ và Việt Nam.

Sinh ra ở Quảng Ngãi, quê hương của Hải đội Hoàng Sa, nhưng sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa ngày 19/1/1974 với tôi là một khái niệm xa lạ khi còn ở Việt Nam cho tới khi định cư tại Mỹ. Không có nhiều người nói cho tôi biết về câu chuyện. Cả khi ngồi trên ghế nhà trường thời trung học và năm đầu đại học tại TP HCM, tôi cũng không được học sử về những gì đã diễn ra ở Hoàng Sa.

Tháng 8 năm 2012, tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng tặng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam một bản đồ Trung Quốc thời nhà Thanh. Trên đó, mốc địa giới xa nhất của Trung Quốc phía nam chỉ đến đảo Hải Nam. Lúc đó, tôi nghĩ, tại sao mình không tìm kiếm bản đồ Trung Quốc do các nước phương Tây phát hành để minh định lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam. Tôi quyết định sưu tập bản đồ về Hoàng Sa. Và nhờ hành trình này, Hoàng Sa trong ý thức của tôi dần hiện ra rõ ràng hơn.

Tôi ấn tượng khi một lần nhìn thấy tờ giấy khai sinh một công dân xa xưa ở Hoàng Sa có đóng dấu của chính quyền, hình ảnh những viên gạch chủ quyền Hoàng Sa được khắc dấu hay những nhân viên khí tượng người Pháp làm việc ở quần đảo Hoàng Sa. Từ thời xưa, ta đã có dân ra sinh sống ở Hoàng Sa và đã có chính quyền quản lý quần đảo này. Và xa hơn nữa, triều đình nhà Lê và nhà Nguyễn trong thế kỷ 16 đến 19 cũng đã quản lý Hoàng Sa.

Một khoảng thời gian sau khi mua được tập bản đồ quý ở New York, tôi lại tìm được thông tin một tiệm sách ở Ba Lan có tập bản đồ “Trung Hoa bưu chính dư đồ” do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông Trung Hoa Dân Quốc xuất bản lần đầu năm 1919 tại Nam Kinh. Người chủ tiệm cho tôi biết họ giữ sách này hơn 10 năm và tôi là người đầu tiên hỏi về nó. Ông không hiểu sao tôi lại bỏ ra số tiền lớn mua sách bản đồ để làm gì. Còn tôi thì không bỏ qua cơ hội vàng, mua luôn tập bản đồ.

Càng tìm kiếm, tôi càng thêm hăng say và tự tin về tư liệu bản đồ cổ mình có. Tôi phát hiện nhiều bản đồ từ những năm 1700 cho đến 1900 do các nhà xuất bản ở châu Âu thực hiện cho thấy Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. Chạm vào thêm một trang bản đồ cổ, tự nhiên tôi lại có cảm giác mình sắp chạm đến vùng biển đảo quê hương.

Bộ sưu tập cuối cùng gồm 150 bản đồ cổ Trung Hoa và bản đồ Hoàng Sa, ba sách atlas Trung Hoa. Trong gần 400 năm liên tục, từ năm 1626 đến 1980, các nhà hàng hải châu Âu khẳng định miền nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam. Trong đó, bộ atlas được các nhà nghiên cứu đánh giá cực kỳ quý giá là “Trung Hoa bưu chính dư đồ” năm 1919 cũng như bộ tái bản năm 1933. Các tập bản đồ này đều thừa nhận cương vực phía nam Trung Quốc đến đảo Hải Nam, chưa bao giờ đả động đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Người xưa tạo ra bản đồ dựa trên trí nhớ và định hướng theo các ngôi sao chứ không dựa trên vĩ độ và kinh độ nên khi đi giao thương với quần đảo gần nước nào, họ mặc định nó thuộc về nước đó. Hầu hết trong các bản đồ Ðông Nam Á, quần đảo Hoàng Sa nằm sát thềm lục địa Việt Nam.

Ðặc biệt, có một bản đồ Hoàng Sa rất quý hiếm với giá trị pháp lý cao, đó là sách tập bản đồ của Viện trưởng Viện địa lý Hoàng gia Bỉ, Giáo sư Phillipe Vandermaelen. Nó gồm 6 cuốn atlas bản đồ thế giới in vào năm 1827. Phần sách bản đồ châu Á có hai trang nói về Việt Nam, gồm bản đồ Hoàng Sa và giới thiệu về đất nước An Nam (tên gọi Việt Nam theo cách của phương Tây). Đây là một trong số rất hiếm bản đồ vào thời điểm đó vẽ một cách tuyệt đối chính xác kinh độ, vĩ độ, đặc điểm địa lý. Tập bản đồ thế giới dày công xây dựng của Giáo sư Phillipe Vandermaelen được dâng tặng vua Hà Lan Willem I.

Tháng 12/2012, tôi gửi bộ sưu tập của mình về thành phố Đà Nẵng. Từ cuộc trưng bày đầu tiên vào tháng 1/2013 tại bảo tàng Ðà Nẵng, bộ sưu tập lan tỏa đi khắp mọi miền đất nước trong 100 cuộc triển lãm khác.

Tháng 2/2013, trang bìa tạp chí chính trị uy tín ở Mỹ – The Christian Science Monitor – đăng bài báo “Thang Dinh Tran loves maps and Vietnam. That may put him in the eye of a storm” (Trần Thắng yêu bản đồ và Việt Nam, điều có thể đặt anh vào mắt bão). Sau bài báo, nhiều học giả, nhà nghiên cứu chính trị và người Mỹ biết về sự kiện biển đảo Việt Nam bị tranh chấp với Trung Quốc. Bạn bè, đồng nghiệp trong công ty gặp tôi tìm hiểu về vấn đề thú vị này và chúc cho Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo thành công.

Tháng 7/2015, tôi gửi thư cho Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ Marco Rubio tại Mỹ; gửi thư cho Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải tại Canada vào tháng 6/2018 để giới thiệu những tư liệu bản đồ cổ về Hoàng Sa và Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Ngài John McCain hồi âm rằng ông “ủng hộ quan điểm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam và tố cáo sự hung hăng của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam”.

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Ðà Nẵng, Tổng thống Donald Trump trong bài diễn văn của mình đã nói về lịch sử Việt Nam. “Vào khoảng năm 40, Hai Bà Trưng đã đánh thức tinh thần của nhân dân vùng đất này. Đó là lần đầu tiên người Việt đứng lên đấu tranh cho sự độc lập và niềm tự hào của các bạn. Nước chủ nhà Việt Nam không chỉ có tinh thần đó trong 200 năm mà là trong gần 2000 năm”. Ý tứ lời diễn văn của ông là phải dùng sức mạnh để bảo vệ chủ quyền và nền độc lập, lịch sử không thể quên những người đã tranh đấu vì đất nước.

Gia đình tôi xuất thân từ miền trung, nơi có truyền thống học hành và dấn thân cho xã hội. Ông cố tôi là nhà nho theo phong trào Ðông Du từ buổi đầu thế kỷ 20. Thế hệ cha ông trong gia đình sau này đều theo văn chương, âm nhạc và nhà giáo. Như ông Tế Hanh, một nhà thơ mang đậm chất làng quê Việt. Ðến thế hệ mình, riêng tôi đang có những dự án khác nhau về giáo dục và khoa học kỹ thuật để đóng góp cho Việt Nam. Tôi luôn có cảm giác mất mát về tinh thần khi chủ quyền bị tổn hại.

Tôi mong muốn chính quyền thường xuyên tổ chức các sự kiện về biển đảo Việt Nam, để các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu và nhớ được sử nước mình. Điều tôi vẫn lấy làm tiếc là nhiều câu chuyện về Hoàng Sa và Biển Đông chưa được chính thức đưa vào sách giáo khoa và lịch sử. Việc đưa nội dung quan trọng này vào sách lịch sử chính thống hoàn toàn không tạo ra thù hằn hay kích động mà là trả lịch sử về đúng với giá trị thật của nó. Hiểu sử, người Việt Nam mới vững tin trong hiện tại và tương lai. Chỉ khi càng nhiều người biết đến, xã hội mới càng có trách nhiệm đối với chủ quyền không chỉ ở Hoàng Sa, Trường Sa mà còn trên khắp dải đất hình chữ S hay trên vùng biển, vùng trời Việt Nam.

Theo VNEXPRESS 

Tags: , ,