Chung cư và câu hỏi về văn minh, văn hóa

Đã đến lúc chúng ta phải giã từ quan niệm chỉ cần ăn để no và chỉ cần ở để không mưa nắng, mà chúng ta phải tạo ra một không gian sống văn minh và văn hóa cho mình.

Đô thị hóa có thể coi là một trong những đặc trưng của công cuộc văn minh hóa đối với mọi quốc gia. Và chung cư là một trong những thuật ngữ chỉ đô thị hóa. Khi tôi còn học cấp 2, thi thoảng cha tôi cho tôi ra Hà Đông chơi vào những dịp nghỉ hè. Tôi đã đứng nhìn khu “tập thể 3 tầng”, khu dân cư vĩ đại nhất thị xã Hà Đông hồi đó mà chỉ cán bộ “cao cấp” của tỉnh mới được ở, và nghĩ rằng có cho mình một căn hộ trên tầng 3 thì có lẽ mình không dám ở một nơi như ở giữa lưng trời như thế. Thế mà hơn 40 năm sau, Hà Đông đã rùng rùng mọc lên các khu chung cư cao tầng chóng mặt xuyên qua trí tưởng tượng của tôi trước kia.

Có thể nói, một trong những cuộc cách mạng lớn nhất của đô thị hóa là chung cư hóa. Do nhu cầu của sự phát triển đô thị, chung cư phải mọc lên như một lẽ tất yếu không sao cưỡng lại được. Nhưng phải nói rằng, nhiều chung cư đã mọc lên với sự bất chấp rất nhiều nguyên tắc. Bởi thế mà rất nhiều vấn đề của chung cư đã được đặt ra lâu nay thật sự cấp bách như sự tiện lợi, vệ sinh môi trường, an ninh, phòng cháy chữa cháy… rồi đến tính cấu kết cộng đồng, đời sống văn hóa của các cư dân trong những chung cư.

Tôi sống ở Hà Đông từ mấy chục năm trước và không hề muốn chuyển đi bất cứ nơi đâu cho dù ngôi nhà tôi khá chật. Tôi thích ở lại thị xã này bởi đó là một không gian yên tĩnh, bởi ngôi nhà tôi đang ở được xây trên một mảnh đất mà các nhà phong thủy đến chơi ai cũng khuyên tôi đừng bỏ đi. Một người bạn tôi làm công tác nghiên cứu lịch sử cho biết khu vực tôi đang sống là khu vực của Tổng đốc Hoàng Trọng Phu trước kia. Nghĩa là về địa lý thì đó là một mảnh đất rất đắc địa cho đời sống tinh thần và sự phát triển. Tôi không để ý đến điều đó nhiều lắm mà chỉ thấy một cảm giác bình an luôn trú ngụ nơi tôi đang ở.

Vì nhà chật mà có người khuyên tôi nên bán đi mua chung cư. Nhưng tôi nghe nhiều vấn đề về chung cư nên không hề có ý định đó. Thế mà một ngày, một chung cư cao 45 tầng bắt đầu đào móng ngay trước nhà tôi chỉ cách mấy chục bước chân tôi ít nhiều choáng váng và với cái tên đầy tính tò mò “Hà Tây thiên niên kỷ”. Đây là một trong những công trình của tập đoàn TSQ có tác phẩm mà rất nhiều người đều biết “Làng Việt kiều Châu âu”. Và tôi thử tìm hiểu xem cái tòa nhà 45 tầng kia sẽ là cái gì? Một tổ kiến? một tổ ong? một khối bê tông rỗng chứa người bên trong?

Một câu hỏi mà chúng ta thường bàn tới là những khu chung cư khép kín có “giết chết” tính cộng đồng truyền thống trong văn hóa Việt hay không? Nó sẽ “giết chết” nếu những ông/bà chủ các công trình đó không đặt vấn đề về sự gắn kết cộng đồng như một nguyên tắc khi xây dựng. Vậy gắn kết cộng đồng sống trong một chung cư bằng những điều kiện gì?

Với cách nhìn của tôi, câu trả lời là: bằng một thiên nhiên hài hòa với kiến trúc, bằng một môi trường văn hóa, bằng những dịch vụ mang tính gắn kết nhân văn và bằng chính kiến trúc “cứng” nhưng lại mang đến những hiệu quả “mềm” như nhà trẻ, bể bơi, y tế, phòng tập, không gian sinh hoạt chung và các hoạt động văn hóa phi lợi nhuận… Và tôi thấy tòa “Hà Tây Thiên Niên Kỷ” đang thực hiện điều đó. Vì vậy, sự yên tâm của một người hàng xóm là tôi với cộng đồng trong ngôi nhà 45 tầng kia được thiết lập. Đồng thời nó cũng thay đổi cái nhìn của tôi về cái gọi là chung cư lâu nay.

Trong công trình này có những khu vườn treo. Kiến trúc sư người Úc đã sử dụng khoảng không giữa hai tòa nhà để kết lại thành những khu vườn. Những khu vườn này là thiên nhiên và chính là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để kết nối các cư dân trong tòa nhà với nhau. Người ta sẽ ngồi trong khu vườn đó đọc sách, báo, uống cà phê, chơi cờ, trò chuyện, tập dưỡng sinh…

Một lần, một trong những ông chủ của công trình này đã gặp tôi và nói về một điều mà tôi thực sự ấn tượng và hơn cả ấn tượng là sự xúc động. Anh ấy muốn bàn với tôi về một không gian văn hóa của chung cư mà anh tạm gọi là “Câu lạc bộ văn hóa”. Tôi không biết các chung cư khác, nhưng đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp biết về một không gian văn hóa mà những ông chủ của công trình này sẽ thực hiện.

Đấy là một không gian rộng hàng trăm mét được thiết kế vừa như một thư viện, vừa như một nơi trưng bày tranh và vừa là nơi thực hiện các buổi giới thiệu về văn học, âm nhạc, hội họa, giáo dục, nghệ thuật sống…. Toàn bộ các cư dân của hai tòa nhà này được hưởng thụ những hoạt động đó miễn phí. Anh ấy có ý nhờ tôi đứng ra tổ chức hoạt động cho câu lạc bộ văn hóa này. Và tôi thấy đó thực sự là một công việc đầy hứng thú và thực sự ý nghĩa cho con người.

Một điều vô cùng ý nghĩa đối với con người trong không gian sống của họ chính là những “hàng xóm láng giềng” thời hiện đại. Quá nhiều chung cư và nói rộng hơn là cả một khu đô thị mới lâu nay vô tình đấy các cư dân trong một khu nhà, một chung cư xa cách nhau, biệt lập nhau và trở nên dửng dưng cho dù họ sống với nhau chỉ cách một bức tường. Nhưng ở tòa “Hà Tây Thiên Niên Kỷ” đã tạo ra nhiều cách thức để cư dân cùng trong một không gian gần lại với nhau để làm bạn, để giao kết và chia sẻ. Đó thực sự là một điều quan trọng trong đời sống tinh thần của con người như ông cha ta nói “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

Mấy năm gần đây, những vụ cháy chung cư với sự thiệt hại đặc biệt về con người đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về sự an toàn của các chung cư. Quá vì lợi ích trước mắt mà không ít chung cư đã vô tình đẩy con người đến thảm họa như chúng ta từng phải đau lòng chứng kiến.

Tôi đã ngỡ ngàng khi “Hà Tây Thiên Niên Kỷ” để trọn vẹn một tầng với hàng ngàn mét vuông gọi là tầng cứu nạn cùng với các phương tiện báo cháy hiện đại nhất để khi có hỏa hoạn thì các cư dân có thể “tránh nạn” ở đó. Hệ thống sẽ bơm oxy vào tầng này đủ cho nhiều người an toàn trong vài ba tiếng trong khi chờ cứu hộ. Một trong những vấn đề nhiều khi tưởng chừng nan giải là khu vực đỗ xe thì “Hà Tây Thiên Niên Kỷ” đã phá vỡ nan giải ấy bằng 8 tầng để xe. Một tầng là hàng chục căn hộ. Nếu những ông chủ tòa tháp này chỉ nghĩ đến việc bán các căn hộ thì lại đi vào con đường đẩy các cư dân trong nó vào sự mệt mỏi tìm nơi đỗ xe như tình trạng của nhiều chung cư hiện nay.

Kinh doanh không phải là tìm cách khai thác triệt để từng đồng của khách hàng để rồi đẩy họ vào cảm giác sống bức bối, mà là đem lại sự hưởng lợi cho khách hàng ở nhiều phía. Đã đến lúc chúng ta phải giã từ quan niệm chỉ cần ăn để no và chỉ cần ở để không mưa nắng, mà chúng ta phải tạo ra một không gian sống văn minh và văn hóa cho mình. Hưởng thụ văn hóa là hưởng thụ cao cấp nhất. Sự thật cùng một ngôi nhà thì có người biến nó trở thành một không gian sống ngập tràn văn hóa còn có người chỉ biến nó thành một chỗ để chui vào.

Bài học ở đây không chỉ là bài học cho việc xây dựng một chung cư mà là bài học cho chiến lược xây dựng một đô thị hay một quốc gia với mục đích tạo ra một tinh thần sống trên nền tảng của văn minh và một không gian thiên nhiên và văn hóa hài hòa. Nó cũng là bài học cho mọi lĩnh vực nếu thực sự vì con người.

Theo NGUYỄN QUANG THIỀU / VIETNAMNET

Tags: ,