Chưa nâng tầm được giao thông công cộng, Hà Nội khó cấm nổi xe máy

Khi xe buýt nói riêng và phương tiện công cộng nói chung vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân, đề án cấm xe máy khó được đồng cảm.

Chưa nâng tầm được giao thông công cộng, Hà Nội khó có thể cấm xe máy

Theo dự thảo đề án của Sở Giao thông Vận tải, sau năm 2025, Hà Nội dự kiến cấm xe máy tại năm quận trung tâm và một phần các quận khác với diện tích 145 km2, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch trước đây. Tuy nhiên, theo tôi, nếu thành phố không phát triển được hệ thống giao thông công cộng trước đó thì khó mong quy định cấm xe máy, hay xa hơn là hạn chế phương tiện cá nhân, có thể thành công.

Tôi nhớ lại quãng thời gian trước đây, khi phải bắt xe buýt đi làm, mà đến tận bây giờ vẫn thấy hãi hùng, ám ảnh. Xe luôn trong tình trạng quá đông vào giờ cao điểm, đợi mòn mỏi với có chuyến lên được. Có thời gian nhà tôi ở Phúc Đồng, Long Biên, đi làm bên Vĩnh Hưng, Hoàng Mai. Nếu đi bằng xe máy, tôi chỉ mất khoảng 15 phút là đến nơi. Trong khi đó, nếu đi bằng xe buýt, vì không tiện chuyến nên tôi phải mất một tiếng rưỡi, đi vòng vèo qua nhiều trạm, đổi chuyến đến ba lần mới tới được công ty. Chỉ vậy thôi đã đủ cho thấy việc đi lại bằng xe buýt ở Hà Nội vất vả thế nào.

Chưa hết, các tài xế xe buýt cũng thường xuyên phóng nhanh, vượt ẩu, phanh gấp. Những ai may mắn kiếm được chỗ ngồi còn đỡ, chứ ai hết chỗ, phải đứng bám thì mỗi lần như vậy lại ngã bổ nhào, người sau huých, đè vào người trước cả xe nhốn nháo. Có lần, tôi đang ngồi bình thường trên ghế, nhưng không có tay vịn, tài xế bất ngờ đạp phanh gấp khiến tôi và một bác lớn tuổi khác ngã cắm đầu xuống đất. Nghĩ lại cảm giác lúc đó, đến giờ tôi vẫn thất kinh.

Có lần, trong lúc chen chúc lên xe, tài xế bấm đóng cửa vội khiến tôi vô tình bị kẹt chân vào cửa lên xuống, chân đau ê ẩm, sưng tấy. Nhưng vì xe quá đông, tôi phải kêu to nhiều lần, tài xế mới nghe thấy và mở cửa, nhả chân tôi ra. Lúc ấy, tôi vừa tủi, vừa sợ, chỉ biết kêu la trong vô vọng. Ấy vậy mà cả lái xe và phụ xe không có lấy một lời giải thích hay xin lỗi hành khách, cứ thế im ỉm rồi đi tiếp.

Ai từng đi xe buýt ở Hà Nội, chắc sẽ rất ám ảnh với các tuyến 22, 26, 34, 52… Đây là những tuyến cực kỳ đông, tài xế hay tự động bỏ bến hoặc đậu không đúng bến để tránh tắc đường, làm hành khách bị lệch nhịp.

Rồi tôi chuyển chỗ làm khác, quãng đường đi làm dài bốn km. Từ nhà đến công ty, nếu đi xe máy, tôi chỉ mất 10 phút, nhưng đi xe buýt mất đến 45 phút vì phải bắt hai tuyến xe, đợi xe lâu. Suốt quãng thời gian đó, tôi bị ảnh hưởng tinh thần và sức khỏe nặng nề.

Thực tế, tôi từng chứng kiến, có những người mới đi xe buýt lần đâu nên không quen, không biết cửa lên, cửa xuống, nên liên tục bị phụ xe chửi xơi xơi vào mặt giữa chỗ đông người. Loa thông báo hành trình cũng có lúc bật, lúc không, đôi khi hành khách hỏi phụ xe thì nhiều người cấm cảu, chẳng buồn trả lời, hoặc nói gắt gỏng, cộc lốc. Có nhiều phụ xe ngồi ngả ngớn trên xe, cười nói hô hố, rất kém duyên.

Trong suốt cả “sự nghiệp” đi xey buýt của mình, tôi chỉ duy nhất một lần gặp được một bác phụ xe dễ thương. Còn lại toàn là những kiểu như ở trên. Điều đó có lẽ xuất phát từ tâm lý đây là dịch vụ công cộng nên nhân viên luôn làm hời hợt, cho có. Đi đường, nhiều xe chạy rất bát nháo, xe cũ nên xả khói đen kịt, tài xế không ngại đánh võng, lạng lách, thậm chí chen lên cả vỉa hè, rồi lại phi xuống đường khiến cả người ngồi trong xe lẫn người bên ngoài đều kinh hãi.

Rõ ràng, với thực trạng giao thông công cộng như vậy, rất khó để Hà Nội có thể thành công với kế hoạch cấm xe máy từ sau năm 2025. Theo tôi, muốn cấm xe máy, thành phố cần phải điều chỉnh, chuẩn bị trước những việc sau:

Thứ nhất, giãn dân ra vùng ven đô để giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực nội thành.

Thứ hai, cấm xây dựng thêm chung cư mới trong nội đô, tính toán lại quy hoạch thành phố.

Thứ ba, cấm xây thêm các trường đại học trong khu vực trung tâm, kết hợp với việc đẩy nhanh chuyển dịch các trường ra khu vực ngoại thành.

Thứ tư, di dời các bệnh viện lớn ra các tỉnh hoặc các khu vực lân cận thay vì tập trung trong nội thành.

Thứ năm, các cơ quan cần bố trí xe đưa đón nhân viên, các trường học phải có xe đưa đón học sinh để giảm lượng phương tiện cá nhân ra đường trong khung giờ cao điểm.

Và cuối cùng, cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất, chính là phát triển đồng bộ hệ thống giao thông công cộng; nâng cao chất lượng hạ tầng đường sá, bến bãi; cải thiện chất lượng dịch vụ… để phục vụ tối đa nhu cầu đi lại của người dân.

Làm được những điều này, việc cấm xe máy mới đem lại hiệu quả thiết thực, tránh việc gây khó cho người dân trong việc di chuyển, đảm bảo sinh hoạt thường nhật của mọi tầng lớp nhân dân.

Theo HUYỀN NGUYỄN / VNEXPRESS

Tags: ,