Chủ nghĩa tiêu dùng: Bi kịch của con người hiện đại

Chủ nghĩa tiêu dùng suy tôn những bản năng và đam mê thấp hèn hơn là những giá trị tinh thần cao quý, là hình ảnh phản chiếu của sự bất công trong việc phân phối của cải giữa người giàu và người nghèo, giữa những nước giàu và những nước nghèo.

Chủ nghĩa tiêu dùng: Bi kịch của con người hiện đại

Người ta thường nói: phụ nữ thích đi mua sắm. Thật ra, nói như thế là bất công, vì không những phụ nữ mà cả nam giới và trẻ con đều thích mua sắm. Nếu nữ giới thích quần áo và đồ trang sức thì nam giới thích xe hơi, máy móc điện tử, còn trẻ con thì thích đồ chơi.

Có người nói: ở Mỹ không thiếu một thứ gì, chỉ thiếu tiền. Chính vì thế hễ có tiền thì mua sắm, không có tiền cũng mua sắm vì có thẻ tín dụng hoặc có chương trình tài trợ “không down, không tiền lời”. Các hãng sản xuất thì mong bán cho được nhiều nên cứ tung ra những đợt hạ giá. Hàng hóa càng ngày càng nhiều, vừa tốt lại vừa rẻ, lôi cuốn người mua. Những dịp lễ, thiên hạ đổ xô nhau đi mua sắm. Quần áo giày dép chất đầy tủ, máy móc chất đầy nhà, đồ chơi vương vãi khắp nơi. Nhiều thứ mua về vẫn chưa mặc tới đã tìm mua thứ khác, “hàng hiệu”, đẹp hơn. Nhiều quá không biết liệng đi đâu.

Người Việt Nam học người Mỹ rất mau nên không mấy chốc đã trở thành những đồ đệ trung thành của Chủ nghĩa Tiêu dùng (consumerism).

Chủ nghĩa tiêu dùng là gì?

Chủ nghĩa tiêu dùng là một hiện tượng xã hội, nẩy sinh ở những nước giàu Âu Mỹ. Do nền kỹ nghệ phát triển vượt bậc, sản xuất mỗi ngày một thặng dư so với nhu cầu của dân chúng. Lúc đầu, các nhà sản xuất chỉ tạo ra sản phẩm để cung ứng cho những nhu cầu cần thiết của con người như thức ăn, quần áo, đồ dùng, nhà cửa, phương tiện đi lại, v.v…

Nhưng khi những nhu cầu căn bản này đã được cung cấp đầy đủ, người ta phải tạo ra những nhu cầu mới, nếu không guồng máy sản xuất sẽ bị ngưng trệ. Từ ăn no mặc ấm tiến đến ăn ngon mặc đẹp. Xa xỉ phẩm, kỹ nghệ giải trí… được tung ra thị trường. Muốn cho người tiêu dùng tin rằng họ “thật sự cần” những món hàng đó, các nhà sản xuất dùng đến những kỹ thuật quảng cáo tinh vi, khai thác những ước muốn thầm kín của con người: ai cũng muốn đẹp, muốn hay, muốn giàu có sung sướng, muốn hưởng thụ tối đa những tiện ích vật chất, muốn được trầm trồ khen ngợi… Sự mua sắm vì những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống biến thành sự mua sắm để thỏa mãn cái tôi của mình.

Ước muốn và hưởng dùng của cải vật chất tự nó không phải là xấu. Cái xấu là ở chỗ: muốn có thêm và có thêm nữa, coi như hưởng thụ chúng là cùng đích của cuộc đời. Cần phải xác định: đi mua sắm chưa phải là theo chủ nghĩa tiêu dùng. Nhưng nếu hay đi mua sắm, tối ngày chỉ nghĩ đến mua sắm, mua không phải vì cần nhưng vì thích, bị stress vì làm việc đầu tắt mặt tối để trả hóa đơn cho ngôi nhà thật to và những chiếc xe hào nhoáng mà mình không cần lắm, nợ nần vì mua sắm, hoang phí, chạy theo thời trang như một nô lệ, chỉ nghĩ đến hưởng thụ một cách ích kỷ, không biết chia sẻ, đó là những dấu cho thấy con người đang theo chủ nghĩa tiêu dùng.

Những tai hại của chủ nghĩa tiêu dùng

1. Chủ nghĩa tiêu dùng đưa đến nhiều tai hại về mặt xã hội và luân lý. Cách thức tạo ra những nhu cầu mới cho thấy quan niệm của con người về bậc thang giá trị mà họ theo đuổi. Chủ nghĩa tiêu dùng suy tôn những bản năng và đam mê thấp hèn hơn là những giá trị tinh thần cao quý. Chủ nghĩa tiêu dùng nô lệ hóa con người; sự nô lệ hóa xảy ra khi “con người bị dính cứng vào mạng lưới của những dục vọng phải được thỏa mãn cấp thời”. Chủ nghĩa tiêu dùng còn là hình ảnh phản chiếu của sự bất công trong việc phân phối của cải giữa người giàu và người nghèo, giữa những nước giàu và những nước nghèo. Sau cùng, chủ nghĩa tiêu dùng hoang phí tài nguyên thiên nhiên mà không đem lại lợi ích thực thụ cho con người.

2. Về mặt tâm lý, nhiều nghiên cứu cho thấy: Người theo chủ nghĩa tiêu dùng ít cảm thấy hài lòng với cuộc sống, mất tự chủ trong việc tiêu xài, mức độ buồn chán và suy sụp rất cao, và tiêu chuẩn đạo đức rất thấp. Nhà tâm lý học đầu ngahf Tim Kasser trong một nghiên cứu về vấn đề này đã kết luận: “người theo chủ nghĩa tiêu dùng ít vui tươi và hạnh phúc hơn những người cho rằng theo đuổi sở hữu vật chất không phải là điều quan trọng.”

Chúng ta phải làm gì?

• Chúng ta cần sáng suốt để nhận chân giá trị của tiền bạc trong cuộc sống. Tiền bạc là con dao hai lưỡi; nếu được sử dụng như một phương tiện, tiền của sẽ giúp chúng ta sống đúng với phẩm giá con người; trái lại, khi chúng ta chạy theo tiền của như một cứu cánh, nghĩa là tôn thờ nó như thần tượng, thì sự phá sản về tinh thần là điều tất yếu.

• Tập nếp sống đơn giản và tiết độ. Sống đơn giản và tiết độ sẽ giúp chúng ta giảm bớt những áp lực của tiền bạc, tâm hồn thanh thoát, vui tươi và hạnh phúc.

• Tập sống bác ái và quảng đại. Mở rộng cõi lòng và đôi tay mà chia sớt, san sẻ cho những người nghèo khổ, khốn khó hơn mình. Đóng góp vào việc chung một cách rộng rãi, để thực thi tinh thần liên đới trách nhiệm.

Theo KINH TẾ HỌC

Tags: , , , ,