Chủ nghĩa độc tôn: Chứng bệnh hoang tưởng, vĩ cuồng của nước Mỹ

Sự pha trộn đáng kinh ngạc giữa ảo tưởng và huyền thoại từ lâu đã trở thành một phần không thể tách rời của hệ tư tưởng Mỹ, được nuôi dưỡng để củng cố niềm tin rằng họ đang đấu tranh vì những lý tưởng dân chủ và tiến bộ tươi sáng.

Chính hệ tư tưởng thần thoại này ngày nay đang đóng vai trò là vỏ bọc cho tham vọng đế quốc của Mỹ. Trong hai thế kỷ qua, những người Mỹ nổi tiếng luôn mô tả Mỹ là một đế chế của tự do, “một thành phố tỏa sáng trên ngọn đồi”, là “niềm hy vọng của Trái đất” và là “lãnh đạo của thế giới tự do”. Huyền thoại lâu đời này từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong diễn văn chính trị của tất cả các ứng cử viên tổng thống, những người cảm thấy bắt buộc phải đưa ra những lời ca ngợi mang tính nghi thức về sự vĩ đại của nước Mỹ.

Hầu hết các tuyên bố về “chủ nghĩa độc tôn của Mỹ” đều dựa trên tiền đề rằng các giá trị dân chủ, hệ thống chính trị và lịch sử của nước Mỹ là độc nhất và đáng ngưỡng mộ. Do đó, kết luận được rút ra là Mỹ đã được định sẵn để đóng vai trò là lãnh đạo của thế giới. Niềm tin vào “chủ nghĩa độc tôn” khiến người Mỹ khó hiểu tại sao những người khác lại ít hào hứng với sự thống trị của Mỹ, thường có phản ứng khá cực đoan trước các chính sách (đạo đức giả) của Mỹ. Vậy nền tảng thực sự của cái gọi là “chủ nghĩa độc tôn Mỹ” là gì? Trớ trêu thay, toàn bộ nền tảng đó chỉ là sự dối trá, mị dân không thể thô thiển hơn.

Thứ nhất: Sự vượt trội đặc biệt. Bất cứ khi nào các nhà lãnh đạo Mỹ đề cập đến trách nhiệm “cao cả” của Mỹ, họ đều nói rằng Mỹ khác biệt so với các nước khác, và những khác biệt này buộc Mỹ phải đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn trên thế giới, không có lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, điều này chả có gì bất thường, bởi hầu hết các cường quốc đều coi mình vượt trội so với các đối thủ và tin rằng họ đang thúc đẩy một số lợi ích lớn hơn khi áp đặt sở thích của mình lên các nước khác. Người Anh nghĩ rằng họ mang “gánh nặng của người da trắng”, trong khi thực dân Pháp và Bồ Đào Nha viện dẫn sứ mệnh khai hóa văn minh hóa để biện minh cho đế chế của họ… Vì vậy, khi người Mỹ tuyên bố là đặc biệt và không thể thay thế, thì họ cũng chỉ là đang hát một bài hát cũ rích mà thôi. Các cường quốc coi mình đặc biệt cũng là điều bình thường, không phải là ngoại lệ.

Thứ hai: Mỹ luôn cư xử tử tế hơn các quốc gia khác. Vấn đề này được tuyên truyền không ngừng nghỉ rằng Mỹ là một quốc gia có giá trị đạo đức đặc biệt, yêu chuộng hòa bình, đề cao tự do, tôn trọng nhân quyền và pháp quyền. Có quá hài hước không? Người Mỹ thích nghĩ rằng đất nước của họ chắc chắn là tốt hơn nhiều so với các nước khác về những giá trị đạo đức này. OK, nếu điều này là đúng thì tại sao trong lịch sử, nước Mỹ lại ngang hàng với những quốc gia tồi tệ nhất, trái ngược với các tuyên bố về cái gọi là “đạo đức” của người Mỹ. Mỹ là một trong những cường quốc bành trướng nhất trong lịch sử hiện đại. Nó bắt đầu với 13 lãnh thổ nhỏ ở Bờ Đông, sau đó đã chiếm toàn bộ Bắc Mỹ bằng vũ lực, bao gồm Texas, Arizona, New Mexico, California từ chiến tranh Mexico năm 1846. Con đường phát triển của nó đi cùng sự hủy diệt của người dân địa phương. Sau đó, Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh xâm lược: Philippines vào năm 1899-1902, nơi có khoảng 200.000 đến 400.000 người Philippines thiệt mạng; họ đã không ngần ngại tàn sát khoảng 305.000 người dân Đức và 330.000 người dân Nhật Bản trong các cuộc oanh tạc dã man vào các khu dân cư. Mỹ đã thả hơn 6 triệu tấn bom trong “Chiến tranh Đông Dương” và chịu trách nhiệm về cái chết của khoảng 1 triệu thường dân đã chết trong cuộc chiến đó… Hàng trăm cuộc chiến xâm lược, cướp bóc đã được Mỹ tiến hành trên toàn thế giới, và đến giờ người Mỹ vẫn đang đặt câu hỏi: “Tại sao họ ghét chúng tôi?” Mỹ tuyên bố cam kết bảo vệ nhân quyền, nhưng lại từ chối ký hầu hết các hiệp ước nhân quyền, rút ​​khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế. Ý tưởng rằng nước Mỹ là một quốc gia “đạo đức” có thể an ủi người Mỹ, nhưng rất tiếc, điều đó cực kỳ lố bịch.

Thứ ba: Thành công của nước Mỹ là do thiên tài bẩm sinh của nó. Mỹ đã đạt được những tiến bộ đáng kể, và người Mỹ có xu hướng coi việc vươn lên trở thành bá chủ toàn cầu của họ là kết quả của tầm nhìn xa về chính trị của các Nhà lập quốc, các giá trị của Hiến pháp Mỹ, tính ưu việt của nhân quyền và tự do, tôn trọng phẩm giá của cá nhân… Trong câu chuyện ca ngợi này, nước Mỹ là đặc biệt trên thế giới bởi vì họ tỏ ra quá đặc biệt. Nhưng những thành công trong quá khứ của nước Mỹ là do may mắn và hoàn toàn là do may mắn. Lãnh thổ của Mỹ được ưu đãi rất nhiều về địa thế tự nhiên. Họ may mắn tránh xa các cường quốc khác. Họ may mắn vì các cường quốc châu Âu đã có chiến tranh trong phần lớn lịch sử ban đầu của họ, cho phép họ mở rộng lãnh thổ và củng cố vị thế sau hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc.

Thứ tư: Mỹ tạo ra những điều tốt đẹp trên thế giới. Người Mỹ thích ghi công cho những phát triển quốc tế tích cực. Tổng thống Bill Clinton tin tưởng rằng nếu không có Mỹ thì không thể có “các mối quan hệ chính trị ổn định”, uy thế tối cao của Mỹ là chìa khóa “cho tương lai của tự do, dân chủ, nền kinh tế mở và trật tự quốc tế trên thế giới”. Họ cho rằng vai trò toàn cầu của Mỹ là “món quà vĩ đại nhất mà thế giới đã nhận được trong toàn bộ lịch sử nhân loại”. Một lần nữa, quan điểm này hoàn toàn cực kỳ vớ vẩn, và nó đã được thể hiện trong bộ phim “Saving Private Ryan” (Giải cứu binh nhì Ryan) mà Mỹ đóng vai trò trung tâm trong việc đánh bại Đức Quốc xã!!! Vậy thì vai trò của Liên Xô như thế nào? Về vấn đề này thì phải thừa nhận là truyền thông Mỹ đã làm rất xuất sắc công việc của mình, khiến cho người dân Mỹ gần như không biết đến Hồng quân Xô-viết và vai trò quyết định của họ trong Thế chiến II. Thêm nữa, hãy đối mặt với sự thật: Mỹ hiện nay là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất, gây ra tình trạng biến đổi khí hậu tiêu cực kéo dài gần một trăm năm qua. Mỹ đã ủng hộ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi khi các lợi ích chiến lược của họ đòi hỏi như vậy. Người Mỹ rất tự hào về sự ủng hộ của họ đối với Israel và từ chối tư cách nhà nước đối với Palestine và góp phần vào sự chiếm đóng của Israel đối với các lãnh thổ Ả Rập… Tóm lại, người Mỹ đã đánh giá quá cao về những thành công của họ và không muốn nhìn thấy những hậu quả tiêu cực trong chính sách đối ngoại của họ mà thôi.

Thứ năm: Chúa đứng về phía Mỹ. Đặc điểm quan trọng nhất của “chủ nghĩa độc tôn Mỹ” là niềm tin rằng chính Đức Chúa Trời đã giao cho Mỹ sứ mệnh lãnh đạo thế giới. Ronald Reagan nói với khán giả rằng có “một kế hoạch thiêng liêng nào đó” đã đưa nước Mỹ đến đây, và “Chúa đã đặt số phận của nhân loại đau khổ vào tay nước Mỹ”. Bush cũng đưa ra quan điểm tương tự vào năm 2004, nói rằng “Chúng tôi có sứ mệnh đấu tranh cho tự do”. Và đây là rắc rối chính: khi một quốc gia nghĩ rằng họ có mệnh lệnh từ Chúa Trời, và tin chắc rằng họ không thể thất bại, thì thực tế có thể nhanh chóng hạ gục ảo tưởng này. Athens cổ đại, nước Pháp thời Napoleon, Đế quốc Nhật Bản và các quốc gia khác đã bị khuất phục trước kiểu kiêu ngạo này và hầu như luôn dẫn đến những kết quả thảm hại. Bất chấp nhiều thành công của nước Mỹ, đất nước này hầu như không tránh khỏi những thất bại bởi những sai lầm ngu ngốc. Nếu không tin, hãy nghĩ về hai cuộc chiến tranh thảm hại ở Việt Nam và Afghanistan, cùng với cuộc khủng hoảng tài chính cuối thế kỷ 20. Thay vì cho rằng Chúa đứng về phía họ, có lẽ người Mỹ nên chú ý rằng mối quan tâm lớn nhất nên là “chúng ta có đứng về phía Chúa hay không”.

Trước vô số thách thức mà người Mỹ hiện đang phải đối mặt, không có gì lạ khi họ tìm thấy niềm an ủi trong ý tưởng về chủ nghĩa độc tôn của mình. Chính trị quốc tế có thể nói là một môn thể thao đối kháng, và trong cuộc chơi đó, ngay cả các quốc gia hùng mạnh nhất cũng phải từ bỏ các nguyên tắc chính trị của riêng mình, vậy thôi.

Theo HÀ HUY THÀNH / NƯỚC NGA TRẺ FACEBOOK

Tags: , ,