Chiến dịch Bão táp Sa mạc đã làm thay đổi chiến tranh trên không ra sao?

Một ngày sau thời hạn chót do Liêp Hiệp Quốc quy định, liên minh do Mỹ cầm đầu đã khởi xướng chiến dịch tấn công không quân ồ ạt mang mật danh Bão táp Sa mạc với hơn 1.000 lần xuất kích một ngày, bắt đầu từ sáng sớm ngày 17/1/1991.

Đôi nét về Chiến dịch Bão táp Sa mạc

Chiến dịch Bão táp Sa mạc (hay Chiến tranh Vùng Vịnh, Chiến tranh vịnh Ba Tư) là một cuộc xung đột giữa Iraq và liên minh gần 30 quốc gia do Mỹ đứng đầu, được Liên Hiệp Quốc phê chuẩn để giải phóng Kuwait.

Nguyên nhân dẫn tới chiến tranh là do Iraq xâm chiếm Kuwait ngày 2/8/1990, sau khi Iraq cho rằng Kuwait đã “khoan nghiêng” giếng dầu của họ vào biên giới Iraq nhưng không chứng minh được. Hậu quả: Iraq ngay lập tức bị Liên Hiệp Quốc áp đặt trừng phạt kinh tế.

Bắt đầu từ tháng Giêng 1991, xung đột xảy ra dẫn tới các lực lượng đồng minh thắng cuộc, buộc quân đội Iraq phải rút khỏi Kuwait với tổn thất nhân mạng tối thiểu cho lực lượng đồng minh.

Những trận đánh chính gồm trên không và trên bộ bên trong lãnh thổ Iraq, Kuwait và những vùng giáp biên với Ả Rập Saudi. Cuộc chiến không mở rộng ra ngoài vùng biên giới Iraq/Kuwait/Ả Rập Saudi, dù Iraq đã bắn tên lửa vào các thành phố của Israel.

Tại Mỹ, cuộc xung đột này được gọi là Bão táp Sa mạc hay Lá chắn sa mạc (Desert Shield) còn tại Anh lại được gọi là Chiến dịch Granby. Tại Kuwait và phần lớn các nước Ả Rập, cuộc xung đột nói trên được gọi là Harb Tahrir al-Kuwait hay “Chiến tranh giải phóng Kuwait hay Um Maarak (Cuộc chiến của mọi cuộc chiến) ở Iraq.

Một ngày sau thời hạn chót do Liên Hiệp Quốc quy định, liên minh đã khởi xướng chiến dịch tấn công không quân ồ ạt với mật danh Bão táp Sa mạc với hơn 1.000 lần xuất kích một ngày, bắt đầu từ sáng sớm ngày 17/1/1991.

Năm tiếng đồng hồ sau những cuộc tấn công đầu tiên, đài phát thanh quốc gia Bagdad phát đi một giọng nói được xác định là của Saddam Hussein tuyên bố “Cuộc chiến của mọi cuộc chiến đã bắt đầu”.

Những khí tài được sử dụng trong chiến dịch gồm các loại vũ khí dẫn đường chính xác (hay “bom thông minh”), bom bầy, BLU-82 “daisy cutters” và tên lửa hành trình.

Về máy bay, Mỹ sử dụng máy bay ném bom tàng hình F-117 Night Hawk, B-52, F-15 Eagles và máy bay A-10 Warthog bay thấp, cùng với các vũ khí khác. Dù khả năng phòng không của Iraq tốt hơn so với dự đoán, liên minh chỉ thiệt hại một máy bay trong ngày mở màn chiến tranh.

Máy bay tàng hình đã được sử dụng nhiều trong giai đoạn đầu tiên này nhằm tránh các hệ thống tên lửa đất đối không SAM dày đặc của Iraq. Đa số các phi vụ tấn công xuất phát từ Ả Rập Saudi và sáu nhóm tàu sân bay của liên minh ở Vịnh Péc-xích.

Trong tuần đầu tiên, không quân Iraq ít khi xuất kích và cũng không gây thiệt hại đáng kể, 38 máy bay MiG của Iraq đã bị không quân liên quân bắn hạ. Ngay sau đó, không quân Iraq bắt đầu chạy trốn sang Iran, khoảng 115 tới 140 chiếc.

Cuộc bỏ chạy ồ ạt của không quân Iraq sang Iran khiến các lực lượng liên quân rất kinh ngạc và không kịp phản ứng gì trước khi các máy bay Iraq đã an vị tại các sân bay Iran.

Điều nực cười, Iran không bao giờ trả lại các máy bay đó cho Iraq và chỉ cho phép các phi công trở về nước vào năm sau. Ngày 23 tháng Giêng, Iraq bắt đầu đổ gần 1 triệu tấn dầu thô xuống vịnh, gây ra vụ tràn dầu lớn nhất trong lịch sử.

Cách Bão táp Sa mạc làm thay đổi chiến tranh trên không hiện đại

Ra mắt nhiều công nghệ mới

Mặc dù trong Bão táp Sa mạc không có nhiều trận chiến trên không ác liệt nhưng do được trang bị chiến đấu cơ Mig-29 nên quân đội Iraq đã cố chống chọi. Một trong những lợi thế của Mỹ chính là radar như của F-15E.

Sự ra đời của nhiều loại vũ khí chính xác có sức công phá lớn, được hỗ trợ bởi GPS để điều hướng, trong đó có công nghệ mang tên Offset thứ 2 (2nd Offset).

Đây là bước tiến nhảy vọt trong chiến tranh, nó đã được áp dụng hoàn toàn vào cuối thập niên 90 trong Chiến dịch Đồng minh (Operation Allied Force) tại Kosovo.

Các loại bom dẫn đường GPS, được gọi là Bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM), chưa từng có trong Chiến tranh vùng Vịnh lần đầu nhưng công nghệ GPS để điều hướng giúp cải thiện đáng kể khả năng của phi công và lực lượng mặt đất.

Điều này đặc biệt có giá trị ở Iraq nơi có địa hình đồi núi và sa mạc, không có đường, không có địa hình cụ thể hay sông ngòi để xác định.

Theo tướng Paul Johnson, Giám đốc Phân ban Kế hoạch và Chiến lược, các loại vũ khí dẫn đường bằng laser rất lợi hại, giúp phi công xác định mục tiêu của Iraq một cách chính xác trước khi tấn công.

“Vũ khí laser đã có từ thời Chiến tranh Việt Nam nhưng chúng tôi đã sử dụng với số lượng lớn như Maverick, bom xuyên phá Mk 84 2.000 pound và Mk 82 500 pound cùng với vũ khí chùm. Tên lửa Maverick là vũ khí chính xác chống giáp, sử dụng hệ thống điện-quang để tiêu diệt mục tiêu”, tướng Paul Johnson nhấn mạnh.

Tên lửa Maverick được trang bị camera ở phía trước, có thể khóa và tự hướng đến mục tiêu. Công nghệ này tuy không mới nhưng lại rất chính xác.

Ngoài ra, giám sát trên không, dưới dạng Hệ thống radar giám sát chung tấn công mục tiêu hay JSTARS, có thể giúp tấn công với tầm nhìn chưa từng thấy từ trên cao.

Máy bay còn sử dụng hệ rada Chỉ báo mục tiêu di chuyển mặt đất và Radar khẩu độ tổng hợp giao thoa hoặc SAR, để tạo ra phác họa chính xác dưới mặt đất. “Nó cho phép theo dõi chiến trường cả ngày lẫn đêm bất kể thời tiết và phát hiện sự di chuyển của đối phương.

Đặc biệt khi quân đội Iraq thực hiện chiến tranh du kích di chuyển trong các làng nhỏ, như ở làng Khafji chẳng hạn, nhưng cuối cùng vẫn bị phát hiện. Với công nghệ giám sát nói trên, chỉ huy chiến trường đã dùng toàn lực trên không để tấn công một cách hiệu quả”, tướng Paul Johnson tiết lộ thêm.

Trong chiến dịch Bão táp Sa mạc chỉ huy và kiểm soát trong thời gian thực và chuyển hướng theo dõi đạt hiệu quả cao theo thời gian thực. Ngoài ra quân đội Mỹ còn liên lạc bằng vệ tinh tầm nhìn xa, cung cấp thông tin cảnh báo cho tên lửa.

“Chúng tôi không bắn tất cả Scud xuất hiện vì biết được đường đi của chúng. Chiến tranh vùng Vịnh thực sự làm thay đổi mô hình sử dụng không quân chiến lược bằng cách cho phép một máy bay tấn công chính xác nhiều mục tiêu thay vì sử dụng bom không dẫn đường ném tràn lan xuống một khu vực nhờ cách tính chính xác.

Kể từ buổi bình minh của sức mạnh không quân, tính toán chính xác luôn là điều quan trọng đối với máy bay tấn công mục tiêu. Thậm chí còn biết được cụ thể cần bao nhiêu máy bay.

Những chiếc A-10 có thể đặt một dàn bom và những quả nào sẽ bắn trúng mục tiêu nào. Công nghệ này thực sự hoàn thiện vào cuối thập niên 90, cho phép máy bay có thể tiêu diệt được bao nhiêu mục tiêu “, tướng Johnson nói thêm.

Cũng phải nói thêm rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu nhưng quân đội Mỹ lại tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa này có hiệu suất thành công rất cao trong việc chống lại tên lửa Scud.

Những bằng chứng giải mật về hiệu quả ngăn chặn tên lửa Scud chưa nhiều nên chưa thể khẳng định rằng hệ thống Patriot đã hoạt động tuyệt vời trong Chiến tranh Vùng Vịnh như tuyên bố.

“Chiến tranh dựa trên hiệu ứng” làm thay đổi cuộc tấn công trên không

Việc sử dụng các loại vũ khí, khí tài chính xác từ trên không đánh dấu sự ra đời của một loại công cụ được gọi là “chiến tranh dựa trên hiệu ứng”.

Thực chất đây là một kỹ thuật tấn công trên không chiến lược nhắm vào các mục tiêu cụ thể mà không cần phải phá hủy cơ sở hạ tầng khu vực kề cạnh. Mục tiêu rất đa dạng, gồm các trung tâm chỉ huy, di chuyển các lực lượng bộ binh hoặc thiết giáp, các tuyến đường tiếp tế và các mục tiêu chiến lược và chiến thuật khác.

Các chuyên gia chiến tranh dựa trên hiệu ứng mô tả, đây là cách tiếp cận “vòng tròn chiến lược ” với trung tâm chỉ huy tại “tâm vòng tròn” và các mục tiêu khác của đối phương hay còn gọi là ở vòng ngoài.

Sử dụng vũ khí chính xác từ trên không để cắt đứt đường dây liên lạc và cung cấp giữa trung tâm chỉ huy với các lực lượng bên ngoài của đối phương khi di chuyển nhằm làm tê liệt và tiêu diệt lực lượng di động một cách hiệu quả.

Cách tiếp cận này thực tế đã được sử dụng thành công trong chiến dịch Bão táp Sa mạc, đánh dấu bước nhảy vọt trong chiến lược đối với không quân, đánh từ trong ra thay vì từ ngoài vào như cách đánh truyền thống.

Chiến dịch không quân có tác động rõ nét liên quan đến cách mà các bên xung đột sau này sử dụng. Người ta không tập trung quân đội để đối mặt với quân Mỹ mà phân tán ra.

Các bên tham chiến cũng giảm bớt khoảng cách tiếp tế hậu cần và diện tích vùng bảo vệ như từng thấy trong Chiến tranh Afghanistan khi quân Taliban rút lui khỏi những vùng đất rộng lớn về giữ những cứ điểm mạnh của họ.

Điều này giúp tăng cường tập trung quân đội và giảm bớt khoảng cách tiếp tế. Chiến thuật này cũng được sử dụng trong cuộc tấn công của Iraq khi các lực lượng Iraq rút lui khỏi miền bắc Kurdistan thuộc Iraq vào trong các thành phố.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Tags: , , ,