Châu Á có chào đón sự trở lại của ‘dân chủ kiểu Mỹ’ thời Biden?

Mỹ không thể làm tấm gương về dân chủ được nữa vì: hành động bạo hành của cảnh sát Mỹ với người biểu tình ôn hòa trong nước; bởi bạo loạn giai đoạn bầu cử; và chính sách ứng phó với COVID không hiệu quả. Sự suy thoái của nền dân chủ Mỹ và các thể chế là lời khẳng định các lo ngại về mặt trái của dân chủ Mỹ mà chúng ta vẫn lo ngại bấy lâu…

Châu Á có sẵn sàng chào đón sự trở lại của ‘dân chủ kiểu Mỹ’ thời Biden?

Tác giả: Alex Fang, Marrian Zhou và Francesca Regalado, báo Nikkei. Thông tin bổ sung do Gwen Robinson và Apornrath Phoonphongphiphat tại Thái Lan, CK Tan tại Thượng Hải và Kim Jaewon tại Seoul cung cấp.

Nguồn: Team Biden says America is back. But is Asia ready to welcome it?; Nikkei Asia.

Biên dịch: Đỗ Hoàng.

Nước Mỹ đã trở lại,” Joe Biden tuyên bố ngày 24/11 khi giới thiệu đội ngũ chính sách đối ngoại tại buổi họp báo ở Delaware: “(Nước Mỹ) sẵn sàng lãnh đạo thế giới chứ không rút lui”.

Đứng sau Biden là đội ngũ quan chức đối ngoại hùng hậu, bao gồm Antony Blinken – đề cử Ngoại trưởng, cố vấn lâu năm, cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng từng cộng tác với Biden – và Jake Sullivan – đề cử cố vấn an ninh quốc gia, cựu cố vấn hàng đầu của Biden.

Biden nhấn mạnh chính sách đối ngoại đã quay về “phe thể chế”: các quan chức có học vị tại Harvard hay Yale, các viện nghiên cứu tại DC với kinh nghiệm chính trường nhiều thập kỷ, thấm nhuẩn chủ nghĩa quốc tế tự do lâu đời. Biden cũng hứa sẽ đảo ngược chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Trump (mà Biden gọi là “Nước Mỹ một mình”). Theo đó, Mỹ sẽ không “nắn gân” đồng minh, không kết thân với độc tài, không tôn vinh dân túy và giảm thiểu cam kết quốc tế nữa. Thay vào đó, Mỹ sẽ quay lại chính sách truyền thống từ sau Chiến tranh lạnh: củng cố đồng minh và chủ nghĩa đa phương, lấy giá trị dân chủ làm nguyên tắc tập hợp cốt lõi.

Tuy nhiên, cũng như với các chính quyền trước, các lý tưởng táo bạo thường vấp phải thực tại phũ phàng.

Sau bốn năm chính quyền Trump cầm quyền, thế giới đã trải qua nhiều thay đổi: sức mạnh địa chính trị, thay vì chủ nghĩa lý tưởng, ngày càng có ảnh hưởng lên hệ thống toàn cầu. Ba trụ cột chính sách đối ngoại Mỹ – chủ nghĩa đã phương, quan hệ đồng minh và giá trị dân chủ – đã mai một tới mức không thể khôi phục được.

Châu Á là minh chứng rõ rệt cho xu thế này. Chính sách đối ngoại của Mỹ tại Châu Á chủ yếu được cho là tập trung vào cạnh tranh nước lớn: Trung Quốc “ăn cắp” công nghệ Mỹ, bắt nạt láng giềng và bành chướng tầm ảnh hưởng. Biden viết rằng, cách đối phó là “xây dựng một liên minh các đối tác và đồng minh Mỹ để đối đầu với hành xử hung hăng của Trung Quốc… ngay cả khi Mỹ tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề chung lợi ích khác như biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh y tế toàn cầu”.

Thế nhưng, việc xây dựng một liên minh như Biden nói rất phức tạp. Nước Mỹ thời Biden “quay trở lại khu vực với cái tôi bị trầy xước,” nhà bình luận chuyên về Đông Nam Á Kavi Chongkittavorn trao đổi với tờ Nikkei Asia. “Mỹ có thể khiêm tốn hoặc cứng rắn hơn. Dù theo hướng nào, chính sách của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

Trước tiên, theo nhận định của Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie Tsinghua tại Bắc Kinh, Mỹ không thể dựa vào các cơ chế đa phương như trước bởi Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng tại chính các cơ chế này. “Chính quyền Biden sẽ vấp phải cuộc chiến gam co ngay từ ngày đầu”. Chỉ trong Tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ khi ký hiệp định thương mại đa phương RCEP (mà nhiều người cho là đối trọng của TPP do Trung Quốc dẫn dắt).

Trụ cột thứ hai – hệ thống đồng minh – cũng lung lay. Trump rút lính khỏi Đức và công khai đặt nghi vấn cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ. Nhiều nước đã phản ứng bằng việc theo đuổi sách phòng vệ nước đôi (hedging). Ví dụ, Nhật tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Tháng 11, hai nước đồng ý nối lại đường bay thương mại trước cuối tháng và tiếp tục đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương. Đại sứ Nhật tại Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Obama cho rằng “đây là nghệ thuật ngoại giao để cùng lúc theo đuổi những mục tiêu tưởng chừng khác nhau”.

Trong khi đó, giá trị dân chủ gặp suy thoái trên toàn cầu. Mỹ không thể làm tấm gương về dân chủ được nữa vì: hành động bạo hành của cảnh sát Mỹ với người biểu tình ôn hòa trong nước; bởi bạo loạn giai đoạn bầu cử; và chính sách ứng phó với COVID không hiệu quả. Sự suy thoái của nền dân chủ Mỹ và các thể chế là “lời khẳng định các lo ngại về mặt trái của dân chủ Mỹ mà chúng ta vẫn lo ngại bấy lâu,” cựu Ngoại trưởng Singapore Bilahari Kausikan nhận xét.

Mặc dù tổn hại về uy tín, giá trị dân chủ vẫn là trọng tâm thế giới quan của bộ đôi Biden-Bliken. Blinken phát biểu hồi Tháng 7 rằng “Câu trả lời nền tảng, nguyên thủy nhất là dân chủ. Khi phát huy tác dụng, dân chủ là nền móng sức mạnh Mỹ cả trong và ngoài nước”. Ý tưởng này cũng chi phối các ấn phẩm của phe Biden. Theo “Kế hoạch Dẫn dắt Thế giới Dân chủ để Giải quyết các Vấn đề Thế kỷ 21”, Biden hứa sẽ tổ chức một “Hội nghị toàn cầu về Dân chủ để làm hồi sinh tinh thần và mục tiêu chung của Thế giới Tự do”.

Kế hoạch của Biden nói rõ: “Để thắng Trung Quốc hay bất kì đối thủ nào trong tương lai, chúng ta phải mài dũa thế mạnh về Đổi mới và Kinh tế của các nền dân chủ trên thế giới, làm đối trọng với các hành vi kinh tế hung hăng”.

Trong bài xã luận trên tờ Washington Post, Blinken (cùng nhà tân bảo thủ nổi tiếng Robert Kagan) đưa ra ý tưởng thành lập một “liên minh dân chủ” hay một “hệ thống hợp tác dân chủ” để chống lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc.

“Mỹ có các đồng minh tại Châu Á và Châu Âu nhưng không có thể chế nào kết nối các nền dân chủ Á-Âu,” Blinken và Kagan viết. “Khi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc kết nối Châu Á, Châu Âu và Trung Đông nhằm phục vụ lợi ích Bắc Kinh, các nền dân chủ cũng cần một chính sách toàn cầu – các thể chế mới – để thiết lập một tầm nhìn chiến lược, kinh tế và chính trị chung”.

Cựu Đại sứ Mỹ Dan Fried chia sẻ với Atlantic Council rằng: “Về cốt lõi, Blinken có vẻ gần với tư tưởng của (cực Ngoại trưởng thời Clinton) Madeleine Albright – người coi Mỹ là biểu tượng tự do của riêng mình – hơn là lập trường có phần điềm tĩnh hơn của Obama”.

Trong bài phát biểu đầu tiên với vai trò đề cử Ngoại trưởng, Blinken kể lại câu chuyện về người cha dượng, một nạn nhân còn sống sót từ cuộc thảm sát Holocaust, được một binh sĩ Mỹ gốc Phi giải cứu trong Thế chiến II và về một nước Mỹ, dù không hoàn hảo, vẫn đại diện cho “hy vọng tốt đẹp cuối cùng trên thế giới”.

Ý tưởng về một liên minh dân chủ vẫn mù mờ (mặc dù khái niệm BRI của Trung Quốc cũng vậy). Tuy nhiên, Bắc Kinh không đưa ra phép thử chính trị nào. Ngược lại, việc đặt điều kiện về dân chủ có thể làm tổn hại quan hệ giữa Mỹ và chính những nước Mỹ đang muốn quy phục về phe mình như Philippines, Việt Nam hay Thái Lan.

Kausikan, người cho rằng Trump thành công trong khôi phục uy tín Mỹ tại Châu Á hơn người tiền nhiệm, cho biết: “Nhiều điều phụ thuộc vào cách chính quyền Biden định nghĩa thế nào là ‘khôi phục cam kết với dân chủ hóa’”.

“Nếu điều này chỉ có nghĩa là có chính sách khác Trump, không vấn đề gì”. Nhưng nếu đây là chính sách Mỹ định theo đuổi, Mỹ nên hiểu rằng không phải tất cả các quốc gia – bao gồm bạn bè và đồng minh của Mỹ – đều chia sẻ định nghĩa dân chủ hay giá trị của Mỹ… Chính sách này sẽ không chỉ thất bại mà còn đẩy khu vực vào vòng tay Trung Quốc nếu không được triển khai với những lưu ý về sắc thái như trên”.

Các nước khu vực có những mô hình dân chủ hoàn toàn khác nhau. Việt Nam có chế độ cộng sản. Thái Lan năm vừa qua chứng kiến biểu tình rộng khắp vì dân chủ, dẫn đến phản ứng bạo lực từ chính quyền. Đại dịch đem lại cơ hội để các lãnh đạo như Tổng thống Joko Widodo của Indonesia hay Rodrigo Duterte của Philippines củng cố chế độ độc tài. Duterte từng đuổi Obama “cút xuống địa ngục” và đắn đo việc gia hạn Thỏa thuận các Lực lượng Viếng thăm với Mỹ – công cụ răn đe Trung Quốc xâm nhập Biển Đông tối quan trọng.

Chính quyền Trump không ngăn chặn xu hướng độc tài tại Đông Nam Á, thậm chí còn mời Duterte và Thủ tướng Thái Prayuth Chan-ocha, cựu lãnh đạo quân phiệt, tới Washington vào năm 2017. Myanmar, mặc dù tiến hành dân chủ hóa thời Obama, quay về với chế độ độc tài dưới thời Trump.

Ann Marie Murphy, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Seton Hall cho biết: “Trên toàn khu vực, điều duy nhất được các lãnh đạo hưởng ứng là chính quyền Trump bớt thúc đẩy dân chủ”.

Blinken nói rõ rằng mình nhận thức được mâu thuẫn giữa việc tìm kiếm đối tác và duy trì các lý tưởng dân chủ. “Có nhiều quốc gia chúng ta cần hợp tác, bao gồm các nước Châu Á, nhưng không phù hợp với quan điểm về dân chủ kiểu Jefferson của chúng ta… Chính chúng ta thời điểm này cũng không hợp… Nhưng khi củng cố dân chủ, ta sẽ lôi kéo các nền dân chủ cùng hợp tác, tạo ra nền móng để kêu gọi các nước khác trong các vấn đề khác”.

Joshua Kurlantzick, nghiên cứu viên cấp cao về Đông Nam Á thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế, cho rằng, nếu Mỹ chú trọng vào Trung Quốc, Mỹ phải nhượng bộ mục tiêu dân chủ ở mức độ nào đó. “Nhu cầu tập hợp ủng hộ khu vực tại Đông Nam Á… có thể khiến mục tiêu về dân chủ và nhân quyền bị lu mờ”.

“Ngày cũ đã qua”

Bức tượng em bé gái trước cổng Sứ quán Nhật tại Seoul giờ cũng ngáng đường Blinken.

Vào Tháng 4/2015, Blinken nhậm chức Thứ trưởng Ngoại giao được bốn tháng và vừa tổ chức thành công cuộc gặp ba bên với Thứ trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc. Khi một phóng viên Nhật hỏi liệu mâu thuẫn lâu đời giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề bồi thường chiến tranh có làm tổn hại hợp tác ba bên không, Biden khéo léo né tránh. Trước cuối năm đó, với sự ủng hộ của Mỹ, Nhật và Hàn đã đạt được thỏa thuận bồi thường. Đổi lại, Hàn Quốc sẽ giỡ bỏ bức tượng tưởng nhớ “phụ nữ giải khuây” trước cổng Sứ quán Nhật.

Thế nhưng, khi Blinken vừa rời chính quyền Obama năm 2017, một bức tượng tương tự được dựng lên tại thành phố Busan, Hàn Quốc. Quá xúc phạm, Nhật rút khỏi thỏa thuận.

Sự việc cho thấy lịch sử phức tạp và mục tiêu khác nhau của các nước Mỹ muốn dựa vào để xây dựng tiền tuyến dân chủ tại Châu Á. Bây giờ, khi Blinken trở lại Bộ Ngoại giao, quan hệ Nhật-Hàn cũng chạm đáy. Đây cũng chỉ là một điểm tối trong khu vực đầy mâu thuẫn lịch sử: Trung Quốc ngày một hung hăng trong xung đột biên giới với Nhật Bản và Ấn Độ, gây sức ép lên Đài Loan; Bắc Triều Tiên vẫn rất khó đoán; ranh giới giữa Hồng Kông và Trung Quốc lục địa ngày một lung lay.

Blinken là người “giải quyết rắc rối,” cựu Trợ lý Ngoại trưởng về Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel nhận xét. Russel nói, trong các cuộc họp, ông luôn ấn tượng với khả năng truyền tải rõ ràng chính sách Mỹ cũng như khả năng khiến đối phương bộc lộ ưu tiên và trăn trở đối với kiến nghị từ phía Mỹ của Blinken. Russel lấy đàm phán TPP làm ví dụ. Trong đó, Blinken cùng đồng nghiệp đã khiến Việt Nam cam kết cải cách để đạt tiêu chuẩn quốc tế (dù với chính quyền không dân chủ), từ đó kéo Việt Nam được vào thỏa thuận.

Sullivan, đối trọng với Blinken, từng đạt Học bổng Rhodes tại Đại học Oxford, được cho là ngôi sang đang lên của phe Dân chủ. Mặc dù không nổi tiếng trong giới chính sách bằng Blinken, Sullivan là một nhà vận hành chính trị điêu luyện, đóng góp vào thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 (mà Trump đã rút năm 2018).

Tuy nhiên, lãnh đạo phe Biden về đối ngoại chắc chắn là Biden, người có nhiều kinh nghiệm quốc tế hơn bất kì ai kể từ George H.W. Bush. Theo cựu Đại sứ Nhật tại Mỹ Fujisaki, việc đề bạt Blinken cho thấy Biden muốn kiểm soát chính sách đối ngoại, không như Obama – người bước vào Nhà Trắng với tương đối ít kinh nghiệm đối ngoại.

“Tôi nghĩ Biden muốn kiểm soát chính sách đối ngoại bằng cách bổ nhiệm các nhân sự và trợ lý cũ,” Fujisaki nói. “Cách này khác với Obama – người bổ nhiệm Hillary Clinton và John Kerry vào vị trí Ngoại trưởng”.

Các vấn đề về khu vực đã thay đổi nhanh chóng kể từ khi những người thuộc đội ngũ Biden rời nhiệm sở. Thỏa thuận TPP Blinken góp phần tạo dựng đã bỏ Mỹ lại phía sau. Việc ký kết RCEP được xem là lời cảnh tỉnh với Washington: Khu vực giờ đây có thể hình thành các hiệp ước đa phương mà không cần Mỹ.

Trong những năm gần đây, các nước Ấn Độ-Thái Bình Dương có xu hướng dựa vào Mỹ về an ninh và dựa vào Trung Quốc về kinh tế. Tuy nhiên, các nước này ngày càng coi trọng phát triển kinh tế hơn, lo ngại về ảnh hưởng kinh tế hơn nguy cơ quân sự từ Trung Quốc, theo báo cáo của RAND (dựa trên phỏng vấn với hơn 100 quan chức Mỹ và các nước và các chuyên gia). Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc Biden và Blinken tái tập trung vào dân chủ nên được cân nhắc thận trọng và đừng nên diễn giải “dân chủ” quá hạn hẹp.

Trong khi các giá trị dân chủ “giúp Mỹ mở rộng tầm ảnh hưởng, đặc biệt là về sức mạnh mềm,” Biden và Blinken “không phải những người quá chú trọng về ý thức hệ,” Russel cho biết. “Đây không phải là một cuộc thánh chiến vì dân chủ mà là cách tiếp cận thực dụng, dựa trên thực tế”.

Đối với các đồng minh lâu năm như Nhật và Úc – những quốc gia chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược với Mỹ nhưng phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại, việc nhắc đến liên minh dân chủ có thể “đặt các nước này vào thế bí”. Thế nhưng, sớm hay muộn, các nước này cũng phải đối mặt với thách thức từ Trung Quốc,” John Lee, nguyên cố vấn an ninh cho Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop, cho biết. “Điều này không có nghĩa là các nước này phải đưa ra tuyên bố hay chính sách giống Mỹ, nhưng các nước phải quyết định tương lai sẽ bị chi phối bởi những luật lệ nào”.

Với vai trò là trụ cột hệ thống đồng minh tại Châu Á, Nhật Bản có thể sẵn sàng tham gia liên minh dân chủ. Nhật đã thế vị trí lãnh đạo của Mỹ, chèo lái TPP sau khi Trump rút khỏi hiệp định. Tuy nhiên, Tokyo cũng theo đuổi quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc vì căng thẳng thương mại với Mỹ và lo ngại về cam kết của Mỹ tại Châu Á trong tương lai.

Trong khi đó, Ấn Độ – một trụ cột quan trọng của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Trump – vẫn tỏ ra do dự. Ấn Độ không chỉ rút khỏi RCEP mà còn giữ khoảng cách với các đối tác trong hệ thống Quad.

“Tôi dự đoán Biden và đội ngũ của mình có thể điều chỉnh (chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương) về sắc thái nhưng Mỹ vẫn sẽ coi trọng chính sách này để làm đối trọng với Trung Quốc,” cựu Đại sứ Ấn Độ tại ASEAN Gurjit Singh cho biết.

Mỹ tập trung trở lại vào dân chủ chắc chắn sẽ khiến lãnh đạo Trung Quốc không vừa lòng. Trung Quốc vốn nghi ngờ Washington dùng giá trị dân chủ để chống phá các chính quyền đối địch. Blinken đã từng chia sẻ rằng thất bại lớn nhất về đối ngoại của chính quyền Obama là không can dự quyết liệt vào Syria, điều Blinken “sẽ luôn khắc ghi”.

Thế nhưng, Giám đốc chương trình Châu Mỹ tại Chatham House, Leslie Vinjamuri, lại cho rằng Blinken và Biden sẽ không quay lại chính sách thúc đẩy dân chủ kiểu cũ.

“Mỹ sẽ không sử dụng lực lượng quân sự để thúc đẩy dân chủ tại nước ngoài. Tôi nghĩ thời kì đó đã qua rồi. Giờ không ai muốn và không có tiền để làm điều đó nữa,” Vinjamuri nói.

Trong một buổi hội thảo của Chatham House hồi Tháng 4, Blinken chỉ trích cách tiếp cận của Trump. Ông cho rằng các quốc gia dân chủ chiếm hơn một nửa kinh tế thế giới nên Bắc Kinh sẽ phải coi trọng các quốc gia này. Blinken nói: “Mỹ phải hiện diện và thể hiện rằng Mỹ sẽ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo – điều sẽ tạo ra khác biệt lớn – thay vì vắng mặt… Nếu phối hợp với các đối tác, Mỹ có thể tiến xa hơn nhiều” so với việc thay đổi chính sách liên tục trong những năm gần đây.

Blinken cũng đề cập đến chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang dâng cao trong chính nước Mỹ. Ông cho rằng chính sách đối ngoại nên mang tính “bao quát” (inclusive) và phục vụ lợi ích nhân dân.

“Người dân đang tìm kiếm những câu trả lời đơn giản. Nếu làm điều khiến dân không hiểu hay bực bội, đó không phải là chính sách vì dân,” Blinken nhận xét. “Giờ ta không thể quay đầu… Nếu chúng ta không chứng minh được chính sách đối ngoại của Mỹ phục vụ người dân Mỹ, theo cách người dân Mỹ hiểu, thì chúng ta sẽ không được nhân dân ủng hộ lâu dài”.

Hỗn loạn từ trật tự

Khi xem xét kĩ hơn, nhiều chuyên gia cho rằng lời kêu gọi các nền dân chủ đoàn kết lại của Blinken và Biden không chỉ là tuyên bố về chính sách đối ngoại. Đó có thể là phản hồi đối với những khủng hoảng ngay trong lòng nước Mỹ, nơi xã hội trở nên chia rẽ hơn bao giờ hết.

Thứ nhất, việc tập trung vào dân chủ thay vì chế độ chuyên quyền khiến chính quyền Biden khác với chính quyền Trump trong mắt người dân trong nước lẫn quốc tế.

Thứ hai, việc tập trung vào dân chủ có thể nhằm mở rộng đồng thuận chính trị tại Washington, lôi kéo nhóm Cộng hòa, nhóm tân bảo thủ, những người thề “không bao giờ theo Trump”, những người đã bỏ đảng Cộng hòa khi Trump thắng cử và những những người trước giờ vẫn ủng hộ thúc đẩy dân chủ và can thiệp tại nước ngoài. Ví dụ, Kagan – đồng tác giả với Blinken – từng theo phe Cộng hòa nhưng rời khỏi đảng vào năm 2016. Kagan từng làm cố vấn cho ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney và John McCain.

Biden nêu rõ mục tiêu hàng đầu của mình là đẩy lùi đại dịch, phục hồi kinh tế và khôi phục niềm tin vào chính phủ Mỹ. Nikkei đưa tin vào Tháng 10 rằng Biden khó có thể đạt được các thỏa thuận thương mại lớn trong năm đầu vì các mục tiêu đối nội cần đầu tư trước tiên. Trong số các mục tiêu này, từ biến đổi khí hậu đến y tế cộng đồng, Mỹ đều cần Trung Quốc hợp tác. Đây cũng là các lĩnh vực Biden tuyên bố muốn tìm điểm đồng với Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố hoan nghênh các biện pháp giải quyết vấn đề mang tính “xây dựng” dù tinh thần thù địch thời Trump vẫn còn. “Trump đã thúc đẩy đồng thuận lưỡng đảng chống Trung Quốc. Đó là thách thức Trung Quốc phải đối mặt khi tìm cách tiếp tục đối thoại với Mỹ. Với Biden, tình hình sáng sủa hơn vì hai bên đều có nhu cầu đối thoại nhưng chắc chắn các vấn đề cấu trúc vẫn còn tồn tại,” Wang Huiyao, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa tại Bắc Kinh cho biết.

Kể cả khi Blinken gửi đi thông điệp dân chủ, chính quyền Biden cũng sẽ không giữ lập trường chống Trung, Clayton Dube, Giám đốc Viện Mỹ-Trung tại Đại học Nam California cho biết.

Dube cho rằng Biden không “làm ngơ” trước cách Trung Quốc hành xử nhưng sẽ không kiềm chế Trung Quốc bằng một cuộc chinh phạt vì dân chủ hay tìm cách khiến Trung Quốc dân chủ hơn. Ngược lại, cách tiếp cận của Blinken có thể trấn án đồng minh Mỹ rằng Mỹ sẵn sàng hợp tác trong khi Biden giải quyết các vấn đề đối nội.

“Blinken hướng tới người dân trong nước nhưng ông cũng gửi tín hiệu tới những đồng minh đã nghi ngờ cam kết dân chủ của Mỹ,” Dube nói. “Tôi nghĩ bài viết của Blinken nên được hiểu theo hướng trấn an người Mỹ về những gì Mỹ có thể và nên đại diện, cũng như trấn an các nước rằng ‘Mỹ cần quay trở lại con đường cũ và cần phối hợp với của các đồng minh’”.

Vinjamuri cũng chỉ ra rằng đội ngũ của Biden không coi Trung Quốc là kẻ địch dù Biden sẽ có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc về nhân quyền. Chính quyền Biden sẽ không tìm cách làm xa lánh Trung Quốc bằng một “liên minh dân chủ”.

“Tôi nghĩ Biden nhận thức rõ rằng hợp tác Mỹ-Trung là chìa khóa cho mọi thách thức lớn trên toàn cầu,” Vinjamuri cho biết. “Không chỉ về khí hậu hay dịch bệnh mà còn về kinh tế, thúc đẩy kinh tế toàn cầu và quản lý hướng phát triển công nghệ”.

“Đội ngũ của Biden không phải các chiến binh thời Chiến tranh lạnh,” Vinjamuri nói.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , , ,