⠀
Chặng đường 50 năm ASEAN: Kết thúc hay chỉ mới bắt đầu?
Các nhà phê bình vẫn thường chỉ trích rằng ASEAN đang ngày càng trở nên không thích hợp khi đối mặt với áp lực từ Trung Quốc và các vấn đề ở châu Âu, một số người thậm chí còn dự đoán ASEAN sẽ sụp đổ. Liệu những quan điểm đó có đúng không?
Bài viết của Giáo sư John Blaxland, chuyên gia về an ninh quốc tế và nghiên cứu tình báo, đồng thời là Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học quốc gia Úc (ANU). Bài viết đăng trên trang “Diễn đàn Đông Á”.
Cách đây 50 năm, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines đã thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). ASEAN đã được mở rộng vào cuối năm 1980 và đầu những năm 1990 với việc kết nạp thêm Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia. Kể từ đó đến nay, ASEAN đã thúc đẩy hợp tác giữa 10 quốc gia. Với sự đa dạng về nhân khẩu học, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, kinh tế, chính trị, hiệp hội này vẫn kết hợp thành một khối thống nhất.
Nguyện vọng thiết lập cộng đồng chung về kinh tế, chính trị và xã hội của ASEAN đã được thực hiện. Trong 50 năm kể từ khi thành lập, ASEAN đã tạo điều kiện cho việc tăng khổng lồ khối lượng thương mại trong và ngoài khu vực, cùng với đó sự thịnh vượng và an ninh cũng được nâng lên. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN hiện nay là 2,5 nghìn tỷ USD. Thương mại nội khối ASEAN ở mức trên 545 tỷ USD và thương mại ngoại khối là 1,76 nghìn tỷ USD. Kim ngạch thương mại Úc-ASEAN trong năm 2014 đã lên đến hơn 100 tỷ USD, nhiều hơn so với kim ngạch thương mại của Úc với Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) hay Mỹ.
Dù có được những thành công như vậy, các nhà phê bình vẫn thường chỉ trích ASEAN. Họ cho rằng ASEAN đang ngày càng trở nên không thích hợp khi đối mặt với áp lực từ Trung Quốc và các vấn đề ở châu Âu, một số người thậm chí còn dự đoán ASEAN sẽ sụp đổ. Liệu những quan điểm đó có đúng không? Và “Con đường ASEAN” ngày nay với lựa chọn chính sách dựa trên đồng thuận còn phù hợp nữa hay không?
ASEAN lâu nay nhìn sang EU như một nguồn cảm hứng. Cho đến gần đây, mô hình EU có vẻ rất hứa hẹn đối với nhiều nước ASEAN mong muốn khẳng định một mức độ tập trung, tích hợp và tương đồng lớn hơn về các vấn đề kinh tế, chính trị-xã hội và an ninh. Sự khác biệt lớn ở đây là việc ASEAN thiếu một đồng tiền chung và sự vắng mặt của một chính phủ hay bộ máy hành chính liên bang như kiểu EU. Nhưng sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, dòng người tị nạn đã tràn sang châu Âu. Mô hình EU cuối cùng cũng bị “tháo gỡ” bởi sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU), lúc này châu Âu đã thất bại trong việc truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo ASEAN về con đường mà họ đã trải qua.
Tuy nhiên, trước khi đưa ra dự đoán ASEAN sụp đổ, điều quan trọng là phải nghĩ xem thế giới sẽ như thế nào nếu không có ASEAN. Xét cho cùng, ASEAN đã được kích hoạt và tiếp tục cho phép một số lượng đáng kể sự tương tác giữa các quan chức chính phủ chủ chốt, các bộ trưởng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên một loạt vấn đề về an ninh, kinh tế, xã hội, môi trường và các vấn đề có thể sẽ không xảy ra nếu không có sự tồn tại của ASEAN và các diễn đàn liên quan đến họ. Tuy nhiên, ASEAN đã giảm sự tập trung và nhiệt tình trước những toan tính của Trung Quốc. Các chiến dịch kinh tế của Trung Quốc, điển hình nhất là Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đang phủ cái bóng quá lớn lên ASEAN. Hơn nữa, Trung Quốc tiếp tục lôi kéo Lào và Campuchia ngăn cản các hội nghị thượng đỉnh ASEAN ra tuyên bố chung liên quan vấn đề Biển Đông.
Các nhà quan sát dự họp hội thảo của các quan chức cấp cao ASEAN thỉnh thoảng bày tỏ sự thất vọng trước sự tiến bộ của khối. Tuy nhiên, sự thất vọng đó không nên đem ra so sánh với những gì ASEAN đã làm được. Với sự mong manh vốn có của một nhóm các quốc gia khác nhau như vậy, các vấn đề mà ASEAN đã có thể giải quyết trong 2 thập kỷ qua quả thật vẫn là phi thường.
Điều này một phần bởi vì vai trò của Indonesia trong ASEAN và những gì Tổng thống Indonesia Joko Widodo mô tả khu vực này như là “điểm tựa hàng hải toàn cầu”. Phần lớn hoạt động quá cảnh thương mại của thế giới đi qua các vùng biển Đông Nam Á và khu vực này là cửa ngõ quan trọng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, ASEAN tiếp tục cung cấp một nền tảng hữu ích cho sự hợp tác trong khu vực về một loạt vấn đề và tiếp tục đóng vai trò như một phương tiện thông qua đó các cường quốc ngoài khu vực có thể tiếp tục tham gia, thảo luận, đàm phán và tránh leo thang căng thẳng quá mức.
Các quốc gia thành viên ASEAN đánh giá cao vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng cho khu vực. ASEAN chưa bao giờ đáp ứng nguyện vọng của phương Tây đóng vai trò lớn hơn trong giải quyết các vấn đề khu vực và thế giới. Đối mặt với sự cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng tăng, nền tảng đa năng của ASEAN cần tiếp tục được nuôi dưỡng và thúc đẩy thay vì bị lên án.
Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG
Tags: Đông Nam Á, ASEAN