Câu hỏi nhói lòng về thực trạng tham nhũng ở Việt Nam

“Vì sao vừa qua chúng ta chống tham nhũng quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, cả cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, gây bức xúc trong dư luận?”.

Câu hỏi nhói lòng đó được Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực Phan Đình Trạc đặt ra tại hội thảo góp ý báo cáo chuyên đề “Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới”, do Ban Nội chính Trung ương tổ chức sáng 18-10, tại Hà Nội.

Cùng ngày, một thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng “vô tình” như một minh họa thuyết phục cho vấn đề đau đầu, không dễ tìm câu trả lời nói trên. Ấy là việc ông Nguyễn Văn Vịnh – cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai – bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tội ấy cụ thể là ông Vịnh bị cáo buộc ký nhiều văn bản trái luật để doanh nghiệp khai thác khoáng sản và được cảm ơn 5 tỷ đồng, và ông đã chi tiêu cá nhân hết.

Nhưng đâu chỉ riêng ông Vịnh, trong vụ án này còn có nhiều lãnh đạo cao cấp của tỉnh Lào Cai cùng “dính chàm”, đều là “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”…Nhưng cũng đâu chỉ riêng vụ việc ở Lào Cai, mà trước đó, không ít vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã được đưa ra xét xử, ở nhiều bộ, ngành, địa phương trên cả nước, cũng với tội danh ấy, hoặc các tội danh khác liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Và đây, là những thông tin thống kê tuy khô khan, lạnh lùng mà chát chúa, xót đau. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, chúng ta đã xử lý kỷ luật 113 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 27 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương; 4 ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị.Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý kỷ luật 95 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 19 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang…

Đó mới chỉ là những cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật. Còn không ít cán bộ cấp thấp hơn “thân bại, danh liệt” vì đồng tiền – những “viên đạn bọc đường” – suốt thời gian qua nữa. Thế nhưng không hiểu tại sao vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm xói mòn niềm tin của Nhân dân, gây phương hại đến danh dự, uy tín của Đảng? Thế nên, câu hỏi mà Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đặt ra là câu hỏi luôn cần thiết phải được nhắc lại một cách đầy trách nhiệm, những mong tìm được câu trả lời xác đáng.

Rõ ràng, việc xử lý cán bộ tiêu cực, tham nhũng là chuyện chẳng đặng đừng, không hề muốn. Thế nhưng, chúng ta không thể “chùn tay”, không thể để tạo ra “vùng an toàn” cho bất kỳ ai, dù đã “về vườn”, “hạ cánh an toàn” hay đương chức. Điều ấy thể hiện quyết tâm xuyên suốt của Đảng ta là đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài, cốt để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm kiến tạo môi trường trong sạch, lành mạnh cho đất nước phát triển nhanh, vững bền.

Trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” không khoan nhượng, đầy cam go, quyết liệt ấy, những đau đớn, xót xa hằn hiện trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh, làm phơi bày những bộ mặt thật của các quan tham, thấy rõ tệ trạng tham nhũng, tiêu cực bào mòn “cơ thể đất nước” nguy hại đến nhường nào!

Ở một khía cạnh khác, những vị quan tham nhúng chàm, vướng vòng lao lý bị xét xử, trả giá suốt thời gian vừa qua liệu có thực sự là “tấm gương tày liếp” cho mỗi cán bộ, đáng viên, nhất là những người đứng đầu giật mình, tự soi, tự sửa, rèn giũa bản lĩnh, đạo đức cách mạng, sự cần, kiệm, liêm, chính trong quá trình thực thi công vụ?

Và khi mà mỗi người có quyền chưa tu tỉnh, chưa run sợ trước tội ác, còn u mê, quẫn trí, sa lầy trước sự cám dỗ vật chất thì vẫn rất cần thiết phải có sự cảnh báo, răn đe, để cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo không mờ mắt sa chân vào những “vũng lầy” tăm tối, không lối thoát.

Có thể nói rằng, sau gần 40 năm đổi mới, đặc biệt là trong 10 năm gần đây, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến nay; công tác phòng, chống tham nhũng đã tạo được bước tiến mới rõ rệt cả về nhận thức và lý luận; với những những kết quả hết sức tích cực, thực sự là sự răn đe, cảnh báo rất hữu hiệu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tất nhiên, chúng ta cần tiếp tục kiên trì, kiên quyết, từng bước tìm ra các giải pháp căn cốt, gốc rễ để hướng tới mục tiêu “bốn không” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là: không thể, không dám, không muốn và không cần.

Chỉ khi ấy, khi lương tâm con người, đạo đức công vụ, sự liêm chính được “đánh thức”, thực thi, đề cao, bảo đảm thì những câu hỏi nhói lòng như trên đã đề cập mới không còn tiếp tục được cất lên.

Theo BÁO THANH HÓA

Tags: