Câu chuyện khôi hài về bộ phim Titanic của Đức Quốc xã

Muốn sản xuất một bộ phim về thảm kịch Titanic để làm bẽ mặt nước Anh, Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Quốc xã Joseph Goebbels không ngờ rằng dự án tham vọng của mình lại thành một phim “bom xịt”, cho dù phim có mọi thứ, diễn viên xinh đẹp, kinh phí cao, kịch bản kịch tính và được chính quyền đặt hàng.

Dự án tham vọng

Số phận của bộ phim “bom xịt” đã được tiết lộ trong một cuốn sách mới xuất bản mang tên “The Nazi Titanic” (Tàu Titanic của Đức Quốc xã) của tác giả người Mỹ Robert R. Watson.

Hè năm 1940, khi trùm phát xít Adolf Hitler tới thăm thành phố Paris bị chiếm đóng và cân nhắc biện pháp xử lý với nước Anh, một nhà viết kịch bản người Đức tên là Harald Bratt đã gặp Goebbels tại văn phòng của hắn ở Berlin. Người này có một kịch bản phim khiến Goebbels ngay lập tức bị ấn tượng. Kịch bản đó có thể không chỉ biến giấc mơ của hắn và của cả Hitler thành hiện thực mà còn có thể giáng một đòn chí tử vào danh tiếng của nước Anh. Giấc mơ mà hắn ấp ủ là biến Đức trở thành một đối thủ của kinh đô điện ảnh Hollywood.

Chủ đề kịch bản mà Bratt trình với Goebbels là hành trình đầu tiên và cũng là cuối cùng của con tàu Titanic. Trong hành trình này, con tàu đã chìm xuống biển sau khi đâm vào một núi băng trôi ở Đại Tây Dương năm 1912, khiến 1.500 người thiệt mạng. Bratt, Goebbels và Hitler đã nhìn thấy trong sự kiện chìm tàu Titanic không chỉ một thảm kịch khủng khiếp mà còn là cơ hội để biến đây thành một bản cáo trạng về sự hèn nhát, ngu xuẩn và tham lam của người Anh.

Nhằm nỗ lực sản xuất một bộ phim để gây ấn tượng với Hitler và tạo dựng danh tiếng là một trong những nhà sản xuất vĩ đại nhất thế giới, Goebbels đã cấp cho bội phim một kinh phí “khủng” là 4 triệu reichsmarks (tương đương 175 triệu USD thời nay). Tại thời điểm đó, đây là bộ phim có kinh phí lớn chưa từng thấy.

Mặc dù phần lớn đạo diễn giỏi nhất của Đức chủ yếu là người Do Thái đã chạy trốn khỏi đất nước, nhưng Goebbels vẫn tìm được một chuyên gia tham vọng và tài năng để phụ trách bộ phim “Nazi Titanic”. Đó là Herbert Selpin.

Quá trình sản xuất phim Titanic của Đức Quốc xã bắt đầu vào tháng 9/1941 với dàn diễn viên gồm một số nam diễn viên nổi tiếng nhất nước Đức. Đạo diễn Selpin thuê một người bạn là nhà viết kịch bản Walter Zerlett-Olfenius để làm cho kịch bản của Bratt thêm phần kịch tính, lãng mạn và mang định kiến chống Anh. Zerlett, vốn là một người toàn tâm toàn ý với Đức Quốc xã, đã không gây thất vọng.

Nhào nặn sự thật

Từ cảnh mở màn của bộ phim trong phòng họp của ban giám đốc công ty đóng tàu Anh White Star Line – chủ sở hữu con tàu Titanic, nhà viết kịch bản đã cho các nhân vật phản diện chính của phim xuất hiện. Họ gồm các nhà tư bản Anh vô đạo đức, phớt lờ rủi ro tính mạng của hành khách để tìm cách đưa con tàu vượt Đại Tây Dương trong thời gian kỷ lục nhằm nâng giá cổ phiếu của công ty đang làm ăn khó khăn.

Sau khi con tàu bắt đầu chìm, những tên hèn nhát, tham lam này đã tìm cách hối lộ để mua được chỗ trên một trong những con thuyền cứu sinh ít ỏi. Không có bằng chứng nào cho thấy sự việc này có xảy ra, nhưng với Zerlett, điều đó không thành vấn đề.

Trong thực tế, ông J. Bruce Ismay, chủ tịch công ty sở hữu White Star Line đã bước vào một trong những thuyền cứu sinh cuối cùng. Uy tín của ông này không bao giờ được khôi phục cho dù một cuộc điều tra phát hiện ra ông chỉ ngồi vào một chỗ trống trên thuyền. Nếu ông không ngồi thì chỗ đó cũng không có ai ngồi trước khi thuyền được đưa đi.

Tuy nhiên, trong bộ phim của Đức Quốc xã, ông Ismay đã hối lộ thuyền trưởng Titanic để tàu đi nhanh hơn và phớt lờ các cảnh báo liên tục về núi băng trôi. Những lời cảnh báo này do ai đưa ra? Tất nhiên là một người Đức cho dù không có nhân vật nào như thế trong thực tế. Dưới óc tưởng tượng của mình, Zerlett đã sáng tạo ra một nhân vật anh hùng là thuyền phó người Đức Petersen. Chỉ có viên thuyền phó này phát hiện ra thảm họa đang đến dần, lăn xả vào để cứu hành khách. Sau khi bế một bé gái bị bà mẹ người Anh nhẫn tâm bỏ rơi tới nơi an toàn, Petersen đã được nhà viết kịch bản Zerlett cho ngồi vào một thuyền cứu sinh có ông Ismay chỉ để viên thuyền phó này có thể đưa ra bằng chứng chống lại Ismay sau này. Bộ phim kết thúc bằng một dòng chữ: “Cái chết của 1.500 hành khách vẫn chưa được đền bù, một lời chỉ trích còn mãi với thói hám lợi của Anh”.

Trong quá trình làm phim, đạo diễn Selpin đã đòi hỏi nhiều thứ. Ông ta yêu cầu xây dựng 9 bối cảnh khổng lồ để tái hiện bên trong con tàu. Để quay cảnh tàu chìm, ông ta ban đầu yêu cầu làm một mô hình nhỏ, sau đó muốn một mô hình dài 9 m để trông thật hơn và đặt mô hình này trên hồ.

Cho dù nguy cơ tàu sẽ bị máy bay ném bom của Anh nhìn thấy nhờ ánh đèn, đạo diễn Selpin nhất quyết đòi ghi hình vào ban đêm vì thực tế là tàu Titanic chìm vào ban đêm. Đòi hỏi quá quắt nhất của Selpin là một du thuyền thật có thể được sử dụng để quay cảnh bên ngoài. Goebbles đã đáp ứng yêu cầu này, cho Selpin dùng du thuyền xa hoa Cap Arcona trong một căn cứ hải quân ở Ba Lan.

Thời gian làm phim bị chậm hàng tháng so với kế hoạch khi đạo diễn đưa mọi người ra vùng Baltic và lấy một khách sạn 5 sao gần đó làm đại bản doanh. Hàng trăm binh sĩ, thủy thủ tạm ngừng nhiệm vụ chiến tranh để đóng vai phụ. Tuy nhiên, sự hiện diện của họ chỉ tăng thêm rắc rối. Đoàn diễn viên phụ này tiệc tùng thâu đêm với đồ ăn, thức uống và gái ê hề. Những binh sĩ say khướt liên tục phá rối bối cảnh phim, phá hỏng các bối cảnh trang trí đắt tiền, quấy rối các nữ diễn viên. Các nam diễn viên thì túy lúy đến mức không nhớ nổi vị trí. Mất vài ngày ông Selpin mới ghi được một cảnh ngắn.

Khi mọi việc kết thúc, Selpin đã mất bình tĩnh, nguyền rủa lính Đức và chế giễu nỗ lực chiến tranh. Đó là một sai lầm. Zerlett hóa ra là một người báo tin của Đức Quốc xã, đã trình bày lại thái độ của Selpin. Tháng 7/1942, Selpin bị đưa trình diện Goebbels và khiến hắn nổi giận vì không dám nhắc lại những lời phản quốc. Selpin bị tống giam và bị mật vụ Đức giết chết trong tù. Goebbels bảo là Selpin tự tử và thay đạo diễn khác để làm nốt phim.

Khi phim đã được làm xong, Goebbels xem bộ phim trong rạp riêng hồi tháng 12/1942. Hắn nhận ra ngay bộ phim là một thảm họa. Hắn cấm chiếu phim này ở Đức dù phim được phát hành ở các nước bị chiếm đóng và hút khách. Vào những năm 1950, phim mới được chiếu ở Đức sau khi cắt bỏ những phần chống người Anh.

Theo BÁO TIN TỨC

 

Tags: ,