Câu chuyện chùa Ba Vàng: Đừng để niềm tin bị đem ra trục lợi

Ở đâu cũng có một bộ phận người lợi dụng niềm tin của dân chúng, chẳng hạn như câu chuyện chùa Ba Vàng. Kinh doanh niềm tin đã diễn ra từ rất lâu và ở khắp nơi.

Câu chuyện chùa Ba Vàng: Đừng để niềm tin bị đem ra trục lợi

Bài viết của tác giả Dương Ngọc Dũng. Ông Dương Ngọc Dũng tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Đông Á học tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 1995, tốt nghiệp Tiến sĩ khoa Tôn giáo học tại Đại học Boston (Mỹ) năm 2001, tốt nghiệp MBA của United Business Institute (Bỉ) năm 2007. Năm 2016, ông được chọn là người giới thiệu của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại chùa Ngọc Hoàng (quận 1, TP.HCM). Ông hiện là Trưởng Bộ môn Kinh tế quốc tế, Khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP.HCM).

Nữ diễn viên Angelina Jolie bay đến Thái Lan ba lần chỉ để hoàn thành một hình xăm “phong thủy” tên Sak Yant, bởi ai sở hữu hình xăm này được cho là sẽ may mắn, sắc đẹp, hạnh phúc.

Ở Mỹ, nhà ngoại cảm Jerry Falwell, trong chương trình truyền hình 700 Club của đài CBN, đã từng khẳng định sự kiện khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 là nghiệp mà nước Mỹ phải gánh chịu do phớt lờ Chúa. Chính ông này từng khẳng định có thể liên lạc được với Chúa bằng điện thoại.

Đó là đức tin, tín ngưỡng dân gian hay mê tín?

Câu chuyện chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) xôn xao dư luận mấy ngày qua một lần nữa đặt ra cho chúng ta những câu hỏi về ranh giới giữa đức tin, tập quán dân gian và mê tín dị đoan. Liệu chúng ta có thể phán xét đức tin của người khác? Và quan trọng nhất, làm sao để đức tin của con người đừng bị đem ra lợi dụng, trục lợi?

CUỘC SỐNG BẢN CHẤT LÀ LẪN LỘN TRẮNG ĐEN

Giáo lý cơ bản của Phật giáo mà cả Bắc tông (Đại thừa) và Nam tông (Thượng Tọa Bộ hay còn gọi lại Phật giáo nguyên thuỷ) đều công nhận là giáo lý “vô ngã”.

Theo quan điểm Phật Giáo, chúng ta không có một cái tôi trường tồn bất diệt. Cái tôi (ngã) là một thứ ảo giác con người kiến lập ra trong quá trình tương tác với tha nhân trong xã hội.

Chúng ta trong quá trình sống tự tạo cho mình một hình ảnh – hình ảnh về chính mình (self-image) và nâng niu gìn giữ hình ảnh đó, cho đó là cái “tôi” của mình. Bất cứ ai hay bất cứ điều gì làm xấu đi hình ảnh đó đều khiến ta nổi nóng. Chúng ta sân si, đau khổ về chuyện làm thế nào để bảo vệ và nâng cao hình ảnh của bản thân trong con mắt của xã hội.

Tuy chỉ là ảo giác nhưng do chúng ta tin chắc là ngã có thật nên cái ngã này có tác động hết sức mạnh mẽ trong cuộc sống cá nhân. Thậm chí ngã có thể “tiếm quyền” để trở thành phần cốt lõi trường tồn, tạo ra căn tính (identity) của một người hay một nhóm người.

Đó là nguồn gốc của thành kiến và bạo lực: Căn tính của một nhóm người hay thậm chí của cả một dân tộc được dựng lên để chiến đấu chống lại những căn tính khác.

Trong quá trình thác sinh, chuyển sang kiếp sống kế tiếp, thần thức (còn gọi là “thân trung ấm”) luôn luôn được dẫn đường và chi phối bởi nghiệp lực (sức mạnh của nghiệp) của kiếp trước.

Phật Giáo chia ra ba loại nghiệp: thân nghiệp (hành động cụ thể gây hại cho người khác); khẩu nghiệp (mở miệng nói xấu người khác, gian dối hai lời, đâm bị thóc chọc bị gạo, chửi bới người khác); ý nghiệp (ý tưởng, ý chí trong đầu mình muốn hại người khác). Ví dụ một kẻ giết người hội tụ đủ ba loại nghiệp: nung nấu ý chí sát hại người khác, tìm kiếm vũ khí, chửi bới nhục mạ đối phương rồi cuối cùng ra tay sát hại người đó.

Nghiệp lực tạo ra ở kiếp này sẽ đẩy con người đi đâu? Ví dụ, như tạo ác nghiệp quá nhiều, nghiệp lực sẽ đẩy thần thức vào một trong sáu cõi luân hồi là địa ngục. Sáu nẻo luân hồi gồm ba đường lên (cõi người, cõi atula – một dạng quỷ thần, và cõi trời), ba đường xuống (tam ác đạo – cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục).

Tuy nhiên, cuộc sống bản chất là lẫn lộn trắng đen, có thể gây ác nghiệp về phương diện này nhưng lại tạo phước đức cho những phương diện khác.

Một số người vẫn được đầu thai tiếp tục làm người sau khi thác sinh. Nhờ thiện nghiệp tích lũy trong kiếp trước họ có thể gặp may mắn, cuộc sống bình an, tài lộc dồi dào, nhưng vẫn phải trả nghiệp bất thiện do mình tạo ra như bị bệnh tật thường xuyên chẳng hạn.

QUÁ TRÌNH ĐẠI CHÚNG HOÁ LỜI PHẬT DẠY BỊ BIẾN TƯỚNG

Câu hỏi đặt ra là: Có vong hay không?

Theo đúng thuyết nhà Phật thì không. Như đã nói ở trên, theo Nam tông thì con người đầu thai ngay sau khi chết. Còn theo Bắc tông thì thần thức cũng chỉ tồn tại 49 ngày. Khái niệm vong hiện nay xuất phát từ sự pha trộn giữa Phật giáo, tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo của Trung Quốc.

Theo Đạo giáo, con người được tạo nên bởi tinh, khí, thần. Những vị võ tướng hiển hách, có công với đất nước khi qua đời thì chỉ phần thể xác chết, phần tinh và phần thần vẫn còn tồn tại, được người dân thờ cúng.

Mặt khác, theo khái niệm dân gian, con người sau khi chết ba ngày khi lên đến Vọng Hương đài, nhìn lại gia đình mới biết mình đã chết. Sau đó, linh hồn tiếp tục đi qua cầu. Cây cầu có 3 tầng: tầng cao nhất cho người nghiệp nhẹ, tầng chót cho người nghiệp nặng.

Những người nghiệp nặng đi tầng dưới sẽ bị thú dữ dưới sông kiểu thuồng luồng trồi lên ăn thịt. Còn người qua được sông thì sẽ đến gặp Mạnh Bà để ăn “cháo lú” nhằm quên đi tiền kiếp và đi đầu thai.

“Cháo lú” theo truyền thuyết là một chén đựng tất cả nước mắt mà chúng sinh đã khóc vì bao nỗi đau thương trong kiếp sống trước. Nếu vì nguyện ước ba sinh hay một tình yêu quá mạnh mẽ đối với một cá nhân nào đó, một vong linh sẽ từ chối bát canh nước mắt này để chọn chờ đợi giờ phút trùng phùng với người yêu dấu trong cõi âm. Sự chờ đợi này có thể kéo dài đến hàng trăm năm.

Sự hoà trộn giữa Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian tạo ra một khái niệm gọi là vong hay hương linh, linh hồn. Vong là linh hồn tách rời khỏi thể xác nhưng chưa thể đầu thai kiếp khác. Hay chính xác là chưa được siêu thoát.

Như vậy, đến đây đã có thể xác quyết rằng trong giáo lý chính thống nhà Phật thì không tồn tại cái gọi là vong. Tuy nhiên, cũng không thể hoàn toàn phủ nhận vong.

Chúng ta hay có câu hỏi: Sau khi chết thì “linh hồn” đi đâu? Đó là câu hỏi mà mọi tôn giáo đều cố gắng trả lời.

Các nhà khoa học, phần lớn là vô thần, không tin vào tôn giáo, thường phủ nhận câu hỏi này, cho đó là vô nghĩa, vì theo họ, chết là hết. Theo Phật Giáo, khi con người chết đi, ngũ uẩn tan biến chỉ còn thần thức mà thôi. Nghiệp lực đẩy thần thức đi đâu thì thần thức đi đấy.

Vì thế, mục tiêu tối hậu của Phật giáo là triệt tiêu hoàn toàn sức mạnh của nghiệp, thoát ra khỏi sáu nẻo luân hồi (kể cả ba đường tốt), không còn tái sinh, không còn đầu thai, không còn trầm luân trong bể khổ từ kiếp này qua kiếp khác – tức là đến được Niết bàn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng “ngộ” được những điều cốt tuỷ này mà đa số chúng ta chỉ dừng ở mức cố gắng “hành thiện tích đức”, tránh tạo nghiệp xấu để không bị quả báo kiếp sau.

Vì thế, tăng ni khi truyền đạo cũng cần đại chúng hoá lời Phật dạy để cho người dân hiểu và đặt trọng tâm vào tránh nghiệp dữ, đừng tạo ra quả báo. Đó là thiện tâm, là ý định tốt của tăng ni và phần lớn trong số họ không có mục đích tư lợi.

Thế nhưng, rõ ràng quá trình truyền dạy đã bị một số người làm cho biến tướng. Ở đâu cũng có một bộ phận người lợi dụng niềm tin của dân chúng. Chẳng hạn như câu chuyện chùa Ba Vàng.

Đặt trong bối cảnh rộng hơn, kinh doanh niềm tin chẳng phải mới nữa, đã diễn ra từ rất lâu và ở khắp nơi – Mỹ, Trung Quốc, hay Thái Lan.

Chẳng qua sức mạnh của báo chí truyền thông và sự phát triển của mạng xã hội chỉ giúp thông tin của những câu chuyện như vậy đến với ta nhanh hơn. Những gì chúng ta thấy nhiều chưa chắc là vì nó đang xảy ra với tần suất lớn hơn mà chỉ đơn giản là các phương tiện truyền thông làm ta dễ biết đến chúng hơn.

RANH GIỚI ĐÚNG – SAI TRONG CÂU CHUYỆN TÍN NGƯỠNG

Kinh tế – xã hội phát triển khiến nhu cầu tâm linh của con người ngày càng cao. Điều này kéo theo sự phát triển muôn hình vạn trạng của các loại hình tôn giáo, tâm linh. Con người như đang đứng trước sự tồn tại của một “siêu thị tôn giáo”.

Về khoa học, não người không phân biệt được niềm tin thật và giả. Đối với một người đang đói, tô phở đặt trước mặt với tô phở trong tưởng tượng đều có tác dụng làm tăng sự hưng phấn, khoái cảm như nhau.

Khi chúng ta đau khổ, cần có người an ủi. Khi con người quá xui xẻo, họ thấy cần phải tìm được lý do, như nhà khoa học tìm nguyên nhân trong lượng tử hay nguyên tử hay vật lý. Cuộc sống nghiệt ngã khiến con người bị đau đớn, tổn thương. Họ cần tìm đến tôn giáo như một nơi để trút nỗi niềm.

Mặt khác, tín ngưỡng dân gian tồn tại khắp nơi trên thế giới. Ngay cả tại phương Tây – thường được coi là cái nôi của khoa học và lý tính, tín ngưỡng – tập quán dân gian cũng muôn màu muôn vẻ.

Trong đó, không thể vạch ranh giới rõ ràng giữa tín ngưỡng dân gian và mê tín dị đoan. Tương tự, cũng không có biên giới giữa niềm tin mù quáng và niềm tin không mù quáng. Chỉ đơn giản là niềm tin.

Nếu cứ cấm đoán và lên án những người đi gọi vong thì cũng chẳng đi đến đâu. Họ sẽ rút lui vào hoạt động “bí mật” thì càng khó mà quản lý, và sẽ có rủi ro phát sinh nhiều biến tướng hơn.

Điều cần tránh là lối tư duy hành chính “không quản được thì cấm.” Điều nên làm là chấp nhận nó tồn tại và tìm cách xử lý sao cho có tính nhân văn, phù hợp với văn hóa cộng đồng.

Hiện nay chúng ta đang hơi bị động, khi việc đã rồi thì mới nghĩ cách xử lý. Muốn chủ động thì không còn cách nào khác ngoài việc nâng cao dân trí. Giáo hội Phật giáo, các vị thượng tọa uy tín cần thường xuyên đăng đàn, giải thích thấu đáo vấn đề này để người dân được tường minh và cẩn trọng hơn, tránh bị trục lợi niềm tin.

Câu chuyện chùa Ba Vàng, bà Phạm Thị Yến, sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh hay người đi thỉnh vong đều không thể tạo nên một cộng đồng tín vong như vậy.

Phải nhìn vụ chùa Ba Vàng và những vụ tương tự như một vấn nạn xã hội cần giải pháp tổng thể, chung tay giải quyết để sửa từ gốc.

Cần có sự phối hợp đồng bộ, rộng khắp giữa các nhà xã hội học, nhân học, tâm lý học để tìm hiểu tại sao con người lại có nguyện vọng như vậy và cần có những trung tâm thông tin liên ngành để cung cấp tri thức và tư vấn cho người dân.

Trong Kinh thánh có một đoạn nói về về việc Đức Ki Tô xử lý vấn đề một người đàn bà phạm tội ngoại tình. Lúc bấy giờ, nếu phát hiện ngoại tình, người phụ nữ sẽ bị ném đá đến chết. Nhưng Đức Ki Tô bảo nếu ai tự tin mình chưa từng mắc lỗi thì hãy ném đá trước. Không một hòn đá nào được ném ra.

Chúng ta thông thường vẫn thích phán xét người khác cũng như đức tin của họ trong khi không hề nhìn lại chính mình hay rà soát, tra vấn lại những “niềm tin” của bản thân.

Để có được một cộng đồng nhân văn, những cá thể cần có khả năng tự đặt mình vào vị trí của người khác để có thể thông cảm và đồng cảm với động cơ cũng như niềm tin của họ.

Cũng không nên chỉ vì một số trường hợp nhỏ lẻ, mang tính cá biệt, mà quy kết cho cả một cộng đồng là mê tín dị đoan, trong khi chính nội hàm của khái niệm “mê tín” cũng chưa được minh định một cách dứt khoát.

Cuộc đời phải nhìn theo lăng kính khiêm tốn, rộng lượng, bình tĩnh và lạc quan.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,