Căn bệnh ‘sính ngoại’ và nguy cơ ‘ung thư nhận thức’

Việt Nam chưa phải là quốc gia hùng mạnh trên thế giới nhưng không có nghĩa là ở Tây cái gì cũng tốt hơn, cái gì cũng chuẩn hơn.

Căn bệnh ‘sính ngoại’ và nguy cơ ‘ung thư nhận thức’

Ra đường rất hay gặp câu “Tây nó thế”, “Ở Tây thì khác…”, “Thử ở Tây xem…” vân vân và vân vân.

Việt Nam chưa phải là quốc gia hùng mạnh trên thế giới nhưng không có nghĩa là ở Tây cái gì cũng tốt hơn, cái gì cũng chuẩn hơn. Ở đâu thì cũng có những vấn đề riêng, có cái được, có cái còn dang dở, hạn chế… Nhiều người mắc bệnh sính ngoại, bất kể chuyện gì cũng cho là ở Tây nhất định phải hơn ta. Trẻ con phải ăn sữa ngoại, đồ hộp Tây mới tốt, mới đảm bảo. Trẻ lớn lên thì “nghèo cũng cho thằng Tèo đi du học”. Người lớn phải dùng đồ ngoại, hàng hiệu…. Đến cả những vụ việc xảy ra tận bên trời Tây, chả hiểu rõ tường tận, đúng sai thế nào cũng cứ thán phục. Tây người ta xử lý vụ việc thế chứ! Tây người ta thẳng thắn thế chứ!…

Không thể phủ nhận những thành quả tốt đẹp ở các nước có nền kinh tế – xã hội phát triển hơn ta. Nhưng cũng không phải bất cứ thứ gì, việc gì cũng nâng họ lên, còn hạ mình xuống. Thực tế, mỗi quốc gia đều có những thuận lợi, khó khăn; mặt mạnh, hạn chế riêng.

Nhiều người khi đi ra nước ngoài chọn được cái quần, cái áo ưng ý muốn mua, thậm chí mua rồi, đến khi lật mác ra xem mới té ngửa đó là hàng xuất khẩu Made in Việt Nam. Tất nhiên, giá cả tính bằng ngoại tệ, đắt gấp mấy chục lần so với giá cả tại Việt Nam.

Cái sự oái ăm còn ở chỗ, chuyện gì bên Tây cũng thấy hay hay, còn như bên ta, sự việc giống y chang hay tương tự cũng cho là dở, là có vấn đề.

Ví dụ như chuyện Giám đốc Ngân hàng Vatican Ettore Gotti Tedeschi bị cách chức vì liên quan đến việc rửa tiền.

Theo báo New York Times, chính quyền liên bang và các tiểu bang Mỹ đang điều tra nghi án một số ngân hàng không theo dõi số lượng tiền mặt lưu thông qua các chi nhánh, tạo điều kiện cho các hành vi rửa tiền. Nhà chức trách có thể sẽ sớm truy tố JP Morgan Chase. Bank of America và các ngân hàng khác ở Phố Wall cũng phải đối mặt với những cáo buộc tương tự. Gần đây, chính quyền Mỹ đã phạt một số ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu vì tội rửa tiền. Ngân hàng Anh Standard Chartered đã phải nộp phạt 340 triệu USD hồi giữa tháng 8-2012 để dàn xếp vụ án. Citigroup, Barclays (Anh) cũng bị liệt vào danh sách đen. Năm ngoái, chính JP Morgan Chase từng nộp phạt 88 triệu USD vì xử lý giao dịch tiền tệ từ Iran, Sudan, Liberia…

Những thông tin trên được những tín đồ “sính ngoại” tán thưởng, thán phục vì người ta làm tốt việc quản lý, dám làm mạnh tay… Thế nhưng việc tăng cường các hoạt động nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng ở Việt Nam, hay việc xét xử những người vi phạm pháp luật thì lại hóng thông tin lệch lạc từ bên ngoài để đặt những dấu hỏi, dấu chấm than. Có bắt ai đi chăng nữa thì cũng là hoạt động bình thường. Ai vi phạm pháp luật, nấy phải chịu xử lý. Tội phạm ngân hàng hay bất kỳ ngành nào thì ở quốc gia nào chả có, xảy ra ở nước nào chả gây hậu quả xấu cho nước đó.

Đành rằng chuyện xảy ra ở nước mình, gần với mình, ảnh hưởng trực tiếp tới mình nên đối với mình là quan trọng. Nhưng không có nghĩa là cứ xảy ra trong nước là lại gán cho đủ cái tên (thực ra là nghe hóng từ các trang điện tử bên ngoài của các phía thiếu thiện chí, thậm chí thù địch với Việt Nam): nào là “nội bộ đấu đá”, nào là “đấu đầu lãnh đạo”, rồi thì sẽ … và sẽ …

Có điều chắc chắn rằng: nếu không tỉnh táo nhìn nhận lại, những người mắc chứng bệnh “sính ngoại” sẽ có ngày biến chứng thành “ung thư nhận thức” thì hậu quả thật đáng tiếc!

S.T

Tags: ,